Cô Võ Thị Ngọc Thanh và các em ở mái ấm.

Chỉ mong các con biết chữ

Bằng tình yêu thương của một người mẹ, người thầy, cô Thanh đã làm nên điều kì diệu, xây dựng mái ấm nhân ái nơi mà 11 đứa trẻ lang thang cơ nhỡ được yên tâm theo đuổi giấc mơ con chữ.

Lọt thỏm trong một hẻm sâu ngay phía sau trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, đường Thống Nhất, thị trấn Liên Nghĩa nhưng hỏi thăm mái ấm nhân ái của cô Thanh không ai là không biết. Vừa dừng xe đã nghe tiếng các bé thuộc mái ấm này vòng tay chào “chúng con chào các cô các chú mới đến” lễ phép quá chừng. Thoạt nhìn, ngôi nhà cũng như bao ngôi nhà khác chung quanh nhưng những đứa trẻ tại đây có chút gì không như vậy. Nơi đây quy tụ 11 đứa trẻ bất hạnh, khốn khó, những trẻ chưa bao giờ đến được một ngôi trường nào vì phải lang bạt trong cuộc mưu sinh. Xót thương cho sự thiếu học của các em, hơn 4 năm nay cô Thanh đã nhận nuôi các em, chăm lo từ cái ăn, cái mặc cho đến “cầm tay chỉ mực” từng nét chữ vỡ lòng một cách tự nguyện.

Cô Thanh chia sẻ: “Thấy các em không biết chữ tôi thương lắm. Mục đích ban đầu chỉ là dạy cho chúng được biết chữ, chỉ có như vậy chúng mới hết khổ được”.

Tốt nghiệp ngành sư phạm Văn tại trường Cao đẳng sư phạm TP. Hồ Chí Minh, cô Thanh về dạy học tại nhiều trường thuộc vùng sâu vùng xa của huyện Bảo Lộc. Sau khi chồng mất, cô xin nghỉ dạy học để theo đuổi đam mê hội họa nhằm xoa dịu những vết thương lòng.

Cô hay về những vùng xa xôi của Đức Trọng săn ảnh đẹp để làm tư liệu vẽ và mở phòng tranh ở số 15 Lý Thường Kiệt, huyện Đức Trọng. Tại đây cô đã gặp Thủy, cố bé bất hạnh đi xin ăn và cuộc đời cô có thêm những niềm vui làm mẹ, làm cô.

Cô Thanh còn nhớ như in buổi chiều mưa 24/4/2011, khi đang vẽ tranh cô bắt gặp Thủy co ro xin ăn trước của phòng tranh của cô. Khi gọi em vào nhà cho ăn Thủy thấy cô vẽ em vẽ theo rất đẹp nhưng em không biết chữ. Lúc ấy cô quyết định sẽ dạy cho em được biết chữ. Nhưng mấy hôm sau Thủy dẫn theo nhiều em nhỏ khác tới, tất cả chúng đều không biết chữ. Cô mới mở lớp dạy chữ cho các em vào buổi sáng lũ trẻ tới học rồi bữa trưa cô trò ăn cơm cùng nhau. Rồi lũ trẻ đi bán vé bị ế, về nhà trọ bị đánh đập, bị người ta đến lớp đòi nợ, phá sách vở. “Cô mới đứng ra trả nợ, rồi thương lượng với gia đình cho chúng tới ở và học ở nhà cô”, cô Thanh chia sẻ.

Từ đó, những đứa trẻ lang thang thất học được cô Thanh chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ cho đến chuyện học như cho chính những đứa “con ruột” của mình.

Dạy các con “nhận ơn phải cảm ơn, làm sai phải biết nhận lỗi”

Từ năm 2011 đến nay, cô đã nhận nuôi 11 em, hoàn cảnh khác nhau, cô nuôi bằng chính tiền bán tranh qua mạng của mình và sự giúp đỡ của người thân, ngoài ra không có sự hỗ trợ nào khác.

Những đứa trẻ sống trong môi trường đường phố nên những ngày đầu về sống chung một nhà những đứa trẻ của cô không có nề nếp và không thương yêu nhau. Mỗi tối, nằm cạnh các em cô mới thủ thỉ, tìm hiểu câu chuyện của mỗi em, qua đấy nắm bắt tâm lý và có cách dạy phù hợp với tính cách các con. Trước khi đến trường học chữ thì cô dạy chúng lễ nghĩa chỉ với hai điều “nhận ơn thì cảm ơn, làm sai thì phải xin lỗi, sống với nhau phải thương yêu nhau”.

Hai năm đầu do chưa có giấy tờ nên các em được cô Thanh dạy vỡ lòng từng chữ. Phải đến năm 2013, khi lớp bắt đầu ổn định cô Thanh mới lặn lội về Phan Rang, Hà Tĩnh, Bình Phước… liên hệ người quen biết làm giấy khai sinh và xin cho các em được đi học. Bằng tình yêu thương ấm áp của người mẹ, cô Thanh đã cảm hóa những đứa trẻ đường phố trở nên lễ phép, biết yêu thương nhau và học giỏi. Trong năm học vừa qua đã có 5 em đạt danh hiệu học sinh xuất sắc.

Nguyễn Cao Dũng đã 13 tuổi nhưng mới lên lớp 2, nói: “Về ở với cô Thanh con được đi học, mới biết chữ, ở cùng các em con rất vui. Con sẽ cố gắng học giỏi để sau này phụ cô chăm sóc các em”.

Vào các dịp lễ, nghỉ hè cô Thanh thường tổ chức các buổi ngoại khóa, dẫn các em đi chơi, du lịch để các con em biết đây biết đó. Cô lấy ngày các em về với mái ấm của mình làm ngày sinh nhật. “Mình không giàu có những có quyết tâm sẽ được. Mấy cô trò ăn uống tiết kiệm lại, đứa lớn nhường đứa bé, cô trò cùng để dành tiền. Dịp hè cô dẫn các em đi chơi, cho ở cả khách sạn nữa để lỡ sau này có ra ngoài chúng không bị bất ngờ và biết cư xử phù hợp với môi trường mình đến”, cô Thanh tâm sự.

Ông Lê Văn Thiện, Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Liên Nghĩa cho biết: “Năm 2014 Thị trấn Liên Nghĩa đã đồng ý cho cô Võ Thị Ngọc Thanh thành lập mái ấm nhân ái. Hiện nay, Thị trấn đang hỗ trợ cô hoàn thiện các thủ tục để cho các em được nhập hộ khẩu KT3 của cô Thanh”.

Với cô Thanh chỉ cần thấy các con mạnh khỏe, lễ phép và học giỏi là niềm hạnh phúc lớn nhất khiến cô quên đi những mệt mỏi tuổi già. Tùy theo năng khiếu và khả năng cô sẽ định hướng cho các em theo những nghề phù hợp. Riêng những em học tốt cô sẽ hỗ trợ để các em học hết đại học. Sau này, nếu lỡ cô có nằm xuống thì con trai và con dâu cô sẽ tiếp tục duy trì mái âm này tới khi các em khôn lớn thành người.

Chia tay cô Thanh, chia tay mái ấm nhân ái, chúng tôi ra về trong màn sương đêm dày đặc mà cảm phục tấm lòng người mẹ, người giáo già vẫn ngày ngày chắt chiu từng đồng để những đứa trẻ lang thang được yên tâm theo đuổi giấc mơ con chữ.