Chương trình hành động của Chính phủ có tính đột phá trong phát triển của Vùng Tây Nguyên

Sáng nay (ngày 20/11), tại tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng với chủ đề "Phát triển xanh - Hài hòa - Bền vững", theo chinhphu.vn.

Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; lãnh đạo một số bộ, ngành, 5 tỉnh Vùng Tây Nguyên, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đây là sự kiện quan trọng "3 trong 1" đối với Vùng Tây Nguyên, gồm 3 nội dung chính: Triển lãm, quảng bá hình ảnh, vùng đất văn hóa, con người và giới thiệu nông sản của vùng; công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị; xúc tiến đầu tư Vùng Tây Nguyên.

Lâm Đồng không thể phát triển sau các tỉnh của Tây Nguyên

Trước thềm Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cắt băng khai mạc Triển lãm ảnh và gian hàng trưng bày nông sản Vùng Tây Nguyên (nguồn: VGP)

Công bố Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chương trình hành động thể hiện định hướng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần đồng hành cùng các tỉnh Vùng Tây Nguyên; đồng thời xác định rõ vai trò, nhiệm vụ chủ yếu để tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách có tính đột phá.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tư tưởng chỉ đạo và nội dung Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 152 về Chương trình hành động của Chính phủ đã đưa ra nhiều quan điểm định hướng mới, có tính đột phá trong phát triển của Vùng Tây Nguyên, gắn với một số chủ trương lớn về xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, đặc thù.

Bên cạnh đó, huy động và phân bổ nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng đảm bảo xây dựng và phát triển Vùng Tây Nguyên hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Về mục tiêu, Chương trình hành động xác định 20 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường phấn đấu đạt đến năm 2030, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 7-7,5%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng/năm; tỉ lệ nghèo đa chiều giảm bình quân 1-1,5%/năm…

Để thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, Chính phủ đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, 23 nhiệm vụ cụ thể; 9 dự án đầu tư và hạ tầng giao thông kết nối và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tư tưởng chỉ đạo và nội dung Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 152 về Chương trình hành động của Chính phủ đã đưa ra nhiều quan điểm định hướng mới, có tính đột phá trong phát triển của Vùng Tây Nguyên, gắn với một số chủ trương lớn về xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, đặc thù.

"Với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân trong vùng, chúng ta có thể biến khó khăn, thách thức thành cơ hội mới; biến những tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển để Vùng Tây Nguyên thực sự phát triển đột phá, đón nhận làn sóng đầu tư mới, đạt được mục tiêu phát triển xanh - hài hòa - bền vững và người dân được hạnh phúc với một cuộc sống tốt đẹp hơn", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Lâm Đồng phải là động lực, cực tăng trưởng của Tây Nguyên

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lâm Đồng về tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2023. Cùng dự có Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo một số bộ, ngành.

Lâm Đồng không thể phát triển sau các tỉnh của Tây Nguyên
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Tỉnh cần khẩn trương lập quy hoạch Tỉnh, tạo ra các không gian phát triển mới (nguồn: VGP)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dư địa phát triển của Tỉnh còn nhiều, nhưng chưa khai thác hết. Kết cấu hạ tầng là điểm nghẽn, cản trở phát triển, chưa kết nói tốt với các địa phương, vùng xung quanh. Các nguồn lực đầu tư chưa được tập trung thỏa đáng. Tỉnh cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế ban đêm. Cần khẩn trương lập quy hoạch Tỉnh, tạo ra các không gian phát triển mới.

Kết luận cuộc làm việc, ghi nhận, đánh giá cao thành tích Lâm Đồng đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Tỉnh còn một số hạn chế, như kết nối vùng, công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng tài nguyên, môi trường, đất đai, khoáng sản, bảo vệ rừng... còn nhiều bất cập. Chuyển đổi giống cây trồng có xu hướng chậm lại.

Lâm Đồng không thể phát triển sau các tỉnh của Tây Nguyên
Theo Thủ tướng, Lâm Đồng phải là động lực, cực tăng trưởng của Tây Nguyên, tập trung vào phát triển du lịch, dịch vụ, văn hóa. Lâm Đồng không thể phát triển sau các tỉnh của Tây Nguyên (nguồn: VGP)

Thủ tướng lưu ý, Lâm Đồng phải chú ý phát triển xanh, bao trùm, bền vững, hài hòa. Hạ tầng xã hội phải chú trọng hơn nữa. Là một trung tâm du lịch thì phải "xanh, sạch, đẹp". Phải giữ bằng được những nơi đẹp ở trung tâm để phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Còn phát triển bất động sản phải lùi xa. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi kinh tế và Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị...

Thủ tướng ủng hộ đề nghị của Tỉnh về bố trí ngân sách Trung ương hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng thực hiện Dự án cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương, phấn đấu hoàn thành trong năm 2026. Đề nghị Tỉnh làm càng nhanh càng tốt công tác giải phóng mặt bằng cho dự án

Theo Thủ tướng, tinh thần là phải làm có trọng tâm, có điểm, để bố trí nguồn lực, sắp xếp thời gian, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tránh dàn trải. Mong muốn thì nhiều, khát vọng thì lớn, thời gian thì có hạn, sức lực chưa nhiều, cho nên phải cân nhắc chọn cái nào làm trước, cái nào làm sau, ví dụ như quy hoạch phải đi trước một bước…

Thủ tướng gợi mở, phát triển công nghiệp văn hóa với dịch vụ du lịch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Phát huy văn hóa bản sắc Tây Nguyên, kết tinh thành sản phẩm du lịch. Thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào đổi mới sáng tạo, tăng năng suất, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đặc biệt là những lĩnh vực có tiềm năng lớn như: du lịch, dịch vụ, logistics, nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo... Chú trọng hợp tác, liên kết phát triển vùng thực chất, hiệu quả. Phối hợp tạo chuỗi cung ứng, đa dạng hóa sản phẩm. Thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị cao; tập trung xây dựng một số sản phẩm thương hiệu quốc gia.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các dự án, công trình trọng điểm (Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương; mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương lên cấp 4E; khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt).

“Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong ngành, lĩnh vực tiềm năng. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đồng thời thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triến nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; thúc đẩy chuyển đổi số; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường đối thoại, đồng hành và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp…”, Thủ tướng chỉ đạo./.