Tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong các KCN tỉnh Lâm Đồng
Ông Võ Văn Phương, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng (hàng trên, ngoài cùng từ phải sang) tại Hội nghị giao ban Câu lạc bộ Ban Quản lý KCN, KCX, KKT, KCNC các tỉnh, thành phố phía Nam lần thứ IX

Giữ vững ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh

Năm 2022, Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng (Ban Quản lý) tiếp tục triển khai đồng bộ và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực được ủy quyền, phân cấp; góp phần giữ vững ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh trong các KCN trên địa bàn, cụ thể:

Về nhiệm vụ xúc tiến và thu hút đầu tư, ngay từ đầu năm 2022, Ban Quản lý đã tăng cường đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư với các hình thức xúc tiến đa dạng, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là xây dựng kế hoạch và tồ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các KCN của Tỉnh tại TP. Hồ Chí Minh.

Kết quả, năm 2022, Ban Quản lý đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 06 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 184 tỷ đồng, đạt 122,67% so với kế hoạch; điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án, chấm dứt hoạt động 05 dự án đầu tư.

Lũy kế đến nay, có 86 dự án (21 dự án FDI) đầu tư còn hiệu lực trong các KCN của Tỉnh, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 5.070 tỷ đồng và 105,74 triệu USD; lao động đăng ký là 14.298 người và diện tích đất đăng ký 174,91 ha, cụ thể:

Tại KCN Lộc Sơn: Có 52 dự án đầu tư (trong đó có 09 dự án FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 2.839 tỷ đồng và 48,27 triệu USD; lao động đăng ký là 9.759 người; diện tích đất đăng ký là 111,20 ha.

Tại KCN Phú Hội: Có 34 dự án đầu tư (trong đó có 12 dự án FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 2.230 tỷ đồng và 57,84 triệu USD; lao động đăng ký là 4.539 lao động; diện tích đất đăng ký là 63,18 ha.

Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các KCN đạt được nhiều kết quả tích cực. Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm 2022, song với sự chủ động và tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng nói chung, Ban Quản lý các KCN Tỉnh và các nhà đầu tư hạ tầng và thứ cấp trong KCN của Tỉnh nói riêng, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp KCN trong Tỉnh tiếp tục duy trì ổn định và đạt tăng trưởng cao.

Đến nay, trong các KCN có 51 doanh nghiệp/dự án (trong đó 18 dự án FDI) đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó tại KCN Lộc Sơn có 26 dự án (08 dự án FDI) và KCN Phú Hội có 25 dự án (10 dự án FDI).

Doanh nghiệp FDI  trong KCN Lộc Sơn
Doanh nghiệp FDI trong KCN Lộc Sơn, tỉnh Lâm Đồng

Năm 2022, doanh nghiệp trong các KCN ghi nhận hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng trưởng và phát triển, với những kết quả chủ yếu đạt được như sau:

Doanh thu đạt 7.634,65 tỷ đồng, tăng 39,65% so với năm trước, tăng 12,52% so với kế hoạch; giá trị xuất khẩu đạt 176,87 triệu USD, tăng 62,23% so với năm trước, tăng 12,65% so với kế hoạch; nội tiêu đạt 3.991,68 tỷ đồng, tăng 21,80% so với năm trước, tăng 25,76% so với kế hoạch; nộp thuế đạt 1.396,11 tỷ đồng, tăng 23,46 % so với năm trước, tăng 7,39% so với kế hoạch.

Các sản sản phẩm chủ yếu là sản phẩm có thế mạnh của địa phương và đặc trưng của KCN bao gồm: trà; cà phê (nhân, hòa tan); rau, củ, quả tươi, đông lạnh, sấy khô các loại; dệt lụa tơ tằm; các sản phẩm may mặc, dệt len; vật liệu xây dựng (ngói màu, gạch); hàng trang trí nội thất, gỗ ghép; chế biến khoáng sản (đá granite, basalt, cao lanh, diatomite); bia, rượu xuất khẩu; sản phẩm nấm mỡ chất lượng cao…

Nhà máy trong KCN Phú Hội
Toàn cảnh các nhà máy trong KCN Phú Hội, tỉnh Lâm Đồng

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước

Để đạt được những những kết quả tích cực trên, được biết trong năm 2022, Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực vượt khó, triển khai đồng bộ và hiệu quả các hoạt động quản lý nhà nước được ủy quyền, phân cấp; đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Một số nhiệm vụ đạt được trong năm 2022 đó là:

Công tác quản lý doanh nghiệp được quan tâm chú trọng. Ban thường xuyên theo dõi chặt chẽ, sát sao hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh trong KCN. Đặc biệt, công tác phối hợp với các cơ quan chức năng được tăng cường; năm 2022 Ban Quản lý đã phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh, cơ quan quản lý thuế kiểm tra các doanh nghiệp trong KCN về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực: đầu tư, lao động, môi trường, an toàn vệ sinh lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, chính sách pháp luật về thuế, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Qua kết quả kiểm tra đã nhắc nhở, đôn đốc, hướng dẫn cho doanh nghiệp trong KCN đảm bảo chấp hành đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức các cuộc họp đối thoại với doanh nghiệp trong KCN để kịp thời hỗ trợ và giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Rà soát, chấn chỉnh việc tham mưu nội dung ký kết, hợp tác của UBND Tỉnh với các bộ, ngành, địa phương và các quy định pháp luật, văn bản hướng dẫn của các cơ quan Trung ương còn thiếu, chưa rõ ràng, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

Phối hợp cùng Liên Đoàn lao động Tỉnh triển khai kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở của các doanh nghiệp. Kết quả, thành lập mới được 5 công đoàn cơ sở: kết nạp 47 đoàn viên công đoàn (tại KCN Phú Hội) và 26 đoàn viên công đoàn (tại KCN Lộc Sơn); lựa chọn, giới thiệu doanh nghiệp tham gia xét chọn “Doanh nghiệp vì người lao động” năm 2022 cho 1 doanh nghiệp (Công ty TNHH Merkava Việt Nam); thành lập 1 tổ chức Đảng trong KCN theo kế hoạch phối hợp với Đảng ủy khối doanh nghiệp và 1 Chi đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trực thuộc Đoàn khối doanh nghiệp với trên 40 đoàn viên thanh niên…

Công tác quản lý quy hoạch và xây dựng triển khai có hiệu quả. Năm 2022, Ban Quản lý thực hiện lập quy hoạch phát triển KCN - Đô thị - Dịch vụ Nam Lâm Đồng để trình UBND Tỉnh xem xét trình Thủ tướng cho chủ trương; trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cục bộ KCN Lộc Sơn (lần 4); triển khai điều chỉnh quy hoạch cục bộ nhà ở công nhân và xin chủ trương điều chỉnh cục bộ quy hoạch ngành nghề KCN Phú Hội; ý kiến đối với dự thảo phương án phát triển hệ thống KCN giai đoạn quy hoạch 2021-2030 và định hướng đến năm 2050 trên địa bàn Tỉnh. Mặt khác, đã thẩm định cấp Giấy phép xây dựng và thẩm định thiết kế kỹ thuật cho 25 dự án, cũng như thẩm định thiết kế sau thiết kế cơ sở cho các dự án hạ tầng kỹ thuật trong KCN Phú Hội; trình UBND Tỉnh phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật điều chỉnh dự án trồng cây xanh thảm cỏ gia cố mái taluy đường nội bộ 3-4-8 (tại KCN Lộc Sơn); tham gia ý kiến thẩm định về hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu nhà ở xã hội (KCN Phú Hội) của Công ty cổ phần Đầu tư nhà An Bình.

Cùng với đó, công tác quản lý đất đai, môi trường và xây dựng hạ tầng các KCN tiếp tục được quan tâm và thực hiện đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật về quy hoạch, xây dựng và môi trường. Đặc biệt, triển khai thực hiện rà soát nghiêm túc các dự án trong KCN để xử lý kịp thời các hành vi xây dựng công trình không phép, sai giấy phép, hoạt động không đúng tiến độ, mục tiêu đầu tư, không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng theo Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư… Góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trong KCN theo hồ sơ thiết kế và khối lượng phát sinh, đồng thời nghiệm thu minh bạch, khách quan khối lượng thi công hoàn thành với chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, công tác quản lý lao động trong các KCN được theo dõi và quản lý chặt chẽ, sát sao. Hiện nay, tổng số lao động đang làm việc trong 02 KCN của Tỉnh là 4.632 người (lao động người Việt Nam 4.595 người, lao động người nước ngoài 37 người). Trong năm qua, Ban đã cấp giấy phép cho 17 người lao động người nước ngoài vào KCN; đăng ký nội quy lao động cho 5 doanh nghiệp; ký thỏa ước lao động tập thể cho 10 doanh nghiệp; thông báo chấp thuận vị trí công việc sử dụng người lao động nước ngoài cho 24 vị trí; xác nhận thu hồi giấy phép lao động đối với 02 trường hợp...

Để hỗ trợ việc làm cho doanh nghiệp trong KCN, Ban đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lâm Đồng tổ chức phiên giao dịch việc làm tại thành phố Bảo Lộc, thu hút được 79 người lao động tham gia đăng ký tuyển dụng tại các doanh nghiệp trong KCN; phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức “Ngày hội kết nối, giới thiệu việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao năm động năm 2022”, đã thu hút hơn 1.000 đoàn viên và người lao động tham gia với nhiều hình thức thiết thực.

Luôn quan tâm đến đời sống, việc làm của người lao động, đảm bảo các chế độ quyền lợi của người lao động được đảm bảo đầy đủ đúng theo quy định của pháp luật về lao động. Năm 2022, Ban Quản lý đã phối hợp tổ chức tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và tháng công nhân năm 2022 (tại KCN Lộc Sơn); phối hợp tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 3.990 người lao động tại các doanh nghiệp: KCN Lộc Sơn 3.282 người và KCN Phú Hội 708 người; xây dựng kế hoạch triển khai tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó vớí bạo lực trên trên địa bàn tỉnh năm 2022; hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (tại KCN Lộc Sơn 4.480 người, trong đó đang thuê nhà trọ 463 người; tại KCN Phú Hội 1.103 người, trong đó đang thuê nhà trọ 105 người)…

Tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong các KCN tỉnh Lâm Đồng
Nhà máy xử lý nước thải ở KCN Lộc Sơn, tỉnh Lâm Đồng

Nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các nhà đầu tư, Ban Quản lý tăng cường đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính. Năm 2022, Ban Quản lý đã công bố danh mục thủ tục hành chính và quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý; ban hành Quyết định số 33/QĐ-KCN ngày 31/10/2022 về thành lập Tổ cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và quản trị, vận hành trang thông tin điện tử; cập nhật, sửa đổi quy trình xử lý thủ tục hành chính trên hệ thống một cửa điện tử; rà soát công khai thủ tục hành chính trên Trang thông tin điện tử của Ban Quản lý nhằm tích hợp với Cổng dịch vụ công Quốc gia để đảm bảo nội dung công khai chính xác, đồng bộ và kịp thời…

Năm 2022 Ban Quản lý đã giải quyết 110 hồ sơ thủ tục hành chính, với tỷ lệ giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt 97,93%. Đặc biệt thực hiện hiệu quả hoạt động “Đối thoại về cải cách hành chính tỉnh Lâm Đồng” để giải đáp những vướng mắc, kiến nghị về công tác cải cách hành chính và các vấn đề mà tổ chức, doanh nghiệp đang rất quan tâm thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý.

Quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện hoạt động quản lý nhà nước

Về phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2023 của Ban Quản lý, lãnh đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng cho biết, tập thể cán bộ, công chức, viên chức Ban Quản lý đặt quyết tâm thi đua phấn đấu năm 2023 đạt một số mục tiêu trọng tâm sau:

Một là, phấn đấu thành lập KCN Phú Bình; phối hợp đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển KCN Đạ Tẻh vào các KCN trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch KCN Phú Hội theo báo cáo vướng mắc về việc thực hiện kết luận thanh tra đối với nội dung cho thuê lại đất tại KCN Phú Hội không đúng quy hoạch.

Hai là, tiếp tục rà soát xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ thực hiện theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; tăng cường công tác thẩm định, lựa chọn những dự án đầu tư có năng lực, quy mô vào đầu tư tại các KCN để tận dụng và phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, cũng như hiệu quả sử dụng đất của KCN; xây dụng các tiêu chí để lựa chọn dự án đầu tư vào KCN; tập trung thu hút và ưu tiên các dự án chế biến sâu nông sản là những mặt hàng có thế mạnh, các ngành nghề có đóng góp lớn cho ngân sách và giải quyết nhiều việc làm cho người lao động địa phương.

Ba là, trên cơ sở các quy định pháp luật, phối hợp với các ngành chức năng thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tình hình tuân thủ pháp luật về đầu tư, xây dựng, lao động, môi trường của các dự án trong KCN nhằm đôn đốc, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm.

Bốn là, tập trung triển khai có hiệu quả kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp; thực hiện các chương trình hợp tác, liên kết giữa các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; liên kết sản xuất, chế biến tại chỗ các sản phẩm công nghiệp, mở rộng và ổn định thị trường tiêu thụ.

Năm là, tổ chức đối thoại với doanh nghiệp trong KCN 2 lần/1 năm để kịp thời giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; đề xuất giải pháp xử lý những trường hợp doanh nghiệp chậm nộp hoặc nợ tiền phí sử dụng hạ tầng và tiền thuê đất.

Sáu là, xây dựng kế hoạch và đề xuất ngân sách Tỉnh tập trung phân bổ vốn đầu tư trung hạn để hoàn thiện các hạng mục hạ tầng thiết yếu tại KCN Lộc Sơn và KCN Phú Hội.

Bảy là, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm dịch vụ việc làm Lâm Đồng đẩy mạnh công tác dạy nghề, đào tạo lao động có tay nghề, kỹ thuật, cung cấp các dịch vụ tư vấn việc làm, bảo đảm tốt hơn nhu cầu lao động của doanh nghiệp trong KCN; phối hợp cùng Liên Đoàn lao động tỉnh triển khai kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở của các doanh nghiệp; phối hợp với Đảng ủy khối doanh nghiệp thành lập tổ chức Đảng, đoàn thanh niên trong các doanh nghiệp tại KCN.

Tám là, chỉ đạo, đôn đốc công ty phát triển hạ tầng KCN tích cực trong công tác thu phí hạ tầng và tiền thuê đất (đạt 100%) đối với nhóm các dự án đang hoạt động và đang xây dựng; tăng cường công tác tuần tra định kỳ để lập kế hoạch duy tu bảo dưỡng và triển khai kịp thời để bảo vệ tốt hạ tầng trong KCN; tổ chức bảo vệ an toàn tài sản và bảo dưỡng thường xuyên nhà máy xử lý nước thải (KCN Lộc Sơn); tổ chức xử lý nước thải đạt yêu cầu trước khi thải ra môi trường; tiếp tục vận động các nhà đầu tư đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải chung của KCN; đảm bảo quản lý chất thải rắn, kiểm soát khí thải, nước thải phát sinh được thu gom và xử lý tại các KCN đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo quy định.

Chín là, công tác xây dựng hạ tầng KCN tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, cụ thể:

KCN Lộc Sơn: Trình phê duyệt bổ sung vào kế hoạch trung hạn dự án xây dựng vỉa hè, cây xanh tại KCN.

KCN Phú Hội: Tiếp tục phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đức Trọng và các ban, ngành kiểm kê hoa màu, vật kiến trúc của các hộ dân còn lại; tiếp tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, hệ thống thu gom nước thải và đường giao thông, hệ thống thoát nước mặt KCN; hoàn thành hạng mục xây dựng hệ thống thoát nước dọc và gia cố mái taluy đường giao thông D1-D2; hoàn thành dự án sửa chữa, cải tạo đường nội bộ tuyến Bắc - Nam, nhánh N3, N4 và xây dựng phần còn lại của hệ thống thoát nước mặt tại khu A thuộc KCN.

Mười là, tập trung thực hiện nâng cao cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số tại Ban Quản lý và lan tỏa đến cả trong các doanh nghiệp KCN./.

Một góc Khu công nghiệp Phú Hội
Một góc KCN Phú Hội, tỉnh Lâm Đồng