Vượt qua sợ hãi khi “nói”trước đám đông: Khó hay dễ?
Cập nhật thông tin việc làm uy tín tại: Careerlink.vn
Vì sao “tim đập mạnh, chân tay bủn rủn” mỗi khi thuyết trình?
Nhiều người nói ngay rằng, đó là do bạn chuẩn bị bài thuyết trình chưa tốt. Nhưng không ít người đã chuẩn bị rất kỹ càng, thế mà họ vẫn căng thẳng thì sao? Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc bạn trở thành trung tâm của sự chú ý, không tự tin về ngoại hình, ám ảnh từ lần thuyết trình thất bại trước hoặc do di truyền, mất cân bằng serotonin (là chất giúp ổn định tâm trạng) hay có dấu hiệu của bệnh trầm cảm.
Khắc phục không khó như bạn nghĩ!
Đối với những lý do xuất phát từ sức khỏe, bạn nên đến gặp gỡ trực tiếp bác sĩ tâm lý cũng như tự điều chỉnh lối sống của mình khoa học hơn. Còn nếu “nỗi sợ vô hình” do chính bạn tạo ra, hãy khắc phục theo những cách sau:
1. Tận dụng mọi cơ hội để “tập nói”
Cách để dẹp bỏ mọi ngại ngùng, rụt rè khi đứng trước đám đông chính là “tập nói” càng nhiều càng tốt bằng cách tận dụng mọi cơ hội giao tiếp với mọi người. Đừng đợi đến khi cần thuyết trình mới tập luyện nói mà hãy chủ động khơi gợi chủ đề và trình bày quan điểm của bạn, có thể là trong các buổi họp, trao đổi với đồng nghiệp hay các cuộc gặp gỡ bạn bè hay đơn giản là nói chuyện với các thành viên trong gia đình.
Nếu bạn thuyết trình chỉ 1 lần sau mỗi 6 tháng, dĩ nhiên bạn sẽ cảm thấy lo lắng. Bạn thấy không tự nhiên vì bạn không tập luyện thường xuyên. Vì vậy, hãy tận dụng mọi cơ hội có được bởi nói càng nhiều, bạn sẽ càng cảm thấy thoải mái hơn.
2. Chuẩn bị bài thuyết trình hấp dẫn nhất có thể
Việc chuẩn bị, tập dượt kỹ lưỡng bài trình bày sẽ giúp giảm đến 75% cảm giác run sợ trước đám đông. Do đó, việc đầu tư thời gian và công sức để làm nên bài thuyết trình hoàn hảo sẽ giúp bạn đạt được thành công ngoài mong đợi.
Nếu thuyết trình với Powerpoint, hãy sử dụng hình ảnh để truyền tải thông điệp của bạn. Nhờ hình ảnh “khán giả” có thể nhanh chóng phân tích, biết được ý nghĩa và họ cảm thấy hào hứng hơn, thậm chí có thể ghi nhớ nội dung bài thuyết trình của bạn một cách dễ dàng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể chuẩn bị một mảnh giấy nhỏ ghi chú những ý chính của bài thuyết trình. Việc làm này sẽ giúp bạn bám sát vào các vấn đề cần nói và tránh lúng túng nếu chẳng may rơi vào tình trạng “quên thoại” khi đứng một mình trên “sân khấu” mà không có người “nhắc tuồng”.
3. Nhờ cậy người nghe để “định thần”
Đừng biến buổi nói chuyện thành buổi độc thoại bởi điều đó sẽ khiến khán giả tập trung hết sự chú ý vào bạn và làm bạn lo lắng nhiều hơn. Thay vào đó, hãy tương tác với khán giả bằng những cuộc đối thoại ngắn với một vài câu hỏi nhỏ. Thời gian này sẽ giúp bạn ổn định tinh thần và tiếp tục bài nói một cách tự nhiên và tự tin hơn.
Ngoài ra, những cái lắc đầu, chuyển động tay, nụ cười hay di chuyển một chút cũng đều hỗ trợ hiệu quả cho lời nói và khiến người nghe dễ bị thu hút hơn. Điều đó giúp bạn thoải mái hơn và tiếp thêm năng lượng để thuyết trình tốt hơn. Hãy tận dụng tốt “ngôn ngữ cơ thể” của bạn nhé!
4. Tập luyện cho các tình huống bất ngờ
Vài tình huống bất ngờ không có trong kịch bản như hệ thống âm thanh có vấn đề hay bài Powerpoint của bạn không thể mở được,… có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì thế, việc dự trù rủi ro giúp bạn chuẩn bị sẵn tâm lý giải quyết và không mất bình tĩnh trước khi thuyết trình.
Đồng thời, việc trang bị kiến thức chuyên môn tốt liên quan đến bài thuyết trình cũng sẽ giúp bạn hạn chế gặp phải tình trạng “gà mắc tóc” khi ai đó bất ngờ đặt câu hỏi. Nếu câu hỏi quá khó, bạn có thể xin phép tìm hiểu thêm và trả lời sau.
5. Tập trung hoàn toàn vào bài thuyết trình
Việc chú ý xem người nghe đang nhìn vào đâu, đang trò chuyện gì với nhau,… chỉ khiến bạn mất tập trung và hay nảy sinh trạng thái sợ hãi người nghe bàn tán không tốt về mình. Hãy quên những điều diễn ra bên dưới và tập trung vào bài nói của mình vì điều đó tốt cho bạn và cả người nghe. Nếu bạn quá khó để tập trung, hãy ngưng lại vài giây, nhắm mắt và hít một hơi thật sâu, điều này sẽ mang đến cho bạn thêm thật nhiều năng lượng để tiếp tục trình bày.
Hãy mở lòng chia sẻ, bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ tốt nhất. Hãy kiên trì rèn luyện, bạn sẽ đạt được kết quả xứng đáng nhất.
Bình luận