Doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi kép trong hành trình phát triển bền vững
Động lực mạnh mẽ từ xu thế chuyển đổi kép
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư nhấn mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là xu thế tất yếu, đồng thời là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu mà Việt Nam lựa chọn để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh. Đặc biệt, hai xu hướng chuyển đổi đổi số và chuyển đổi xanh hiện nay, hay còn gọi là chuyển đổi kép, đang mở ra cơ hội to lớn, tạo động lực mạnh mẽ cho Việt Nam, cũng như cộng đồng doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mang tính bền vững, nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức về thể chế, tài chính, công nghệ...
Hội thảo “Tiên phong Chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn” |
Sau những cam kết mạnh mẽ về Net Zero tại COP26 năm 2021 và cam kết lịch sử về chuyển đổi năng lượng tại COP28 năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vẫn đang tiếp tục khẳng định sẽ hành động quyết liệt để giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng... Đồng hành với Chính phủ trong hành trình này, cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, với nhiều hành động thiết thực, hiệu quả trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh ở tất cả các lĩnh vực, các phân ngành của nền kinh tế theo hai xu hướng chuyển đổi chính là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Sự giao thoa giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh tạo nên sức mạnh tổng hợp hỗ trợ lợi ích của cả hai. Chuyển đổi số không chỉ là phương tiện hiện đại hóa nền kinh tế, mà còn cung cấp các công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng xanh, trong khi các hoạt động xanh có thể thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp số bền vững.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc Hội thảo |
Theo ông Minh, đã có không ít các giải pháp về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi kép, những ứng dụng đổi mới sáng tạo, những sáng kiến ESG và những kinh nghiệm tiếp cận nguồn vốn xanh đã được thực hiện trong thời gian qua và thu được những kết quả tốt đẹp cho doanh nghiệp, cho cộng đồng và cho cả đất nước. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những bài toán hóc búa liên quan mật thiết tới quá trình chuyển đổi kép, đặc biệt là vấn đề huy động nguồn lực, cần phải giải quyết. “Vì thế, đây chính là thời điểm quan trọng và cần thiết để chúng ta nhìn nhận, đánh giá lại những lợi thế cạnh tranh và tiềm năng của Việt Nam, cũng như các cơ chế, chính sách đã và đang được thực hiện, những mặt được và chưa được, để từ đó, tìm ra lời giải nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi kép”, Tổng Biên tập báo Đầu tư nêu vấn đề.
5 vấn đề trong chuyển đổi kép
Dẫn các phân tích từ Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về xu hướng Chuyển đổi kép với sự liên hệ giữa công nghệ số và công nghệ xanh, trong đó, dựa trên những nghiên cứu, đánh giá sử dụng dữ liệu bằng sáng chế, 16 công nghệ xanh và 11 công nghệ số được lựa chọn là nền tảng cho chuyển đổi kép, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rằng chuyển đổi số chính là động lực quan trọng để thúc đẩy sự thành công chuyển đổi xanh. Theo đó, xu hướng Chuyển đổi kép - chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu mà cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam cần nắm bắt để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích bền vững cho xã hội và môi trường.
Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra 5 vấn đề trong chuyển đổi kép |
Như vậy, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là hai quá trình song hành, nhưng có quan hệ mật thiết, hữu cơ và không thể tách rời nhau. Hai chuyển đổi này sẽ đảm bảo cho một quốc gia phát triển nhanh và bền vững. Trên cơ sở đó, ông Việt Anh đã gợi mở 5 vấn đề quan trọng liên quan đến quá trình Chuyển đổi kép-xanh, số của Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ nhất, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh có sự gắn kết chặt chẽ, hữu cơ với nhau và đều dựa trên một nền tảng quan trọng đó là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đi cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao. Do vậy, việc ưu tiên đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chính là nền tảng tiên quyết để triển khai thực hiện thành công Chuyển đổi kép xanh-số.
Thứ hai, đích đến của Chuyển đổi kép xanh-số đều do con người và vì con người, lấy con người là trung tâm. Do vậy, quá trình chuyển đổi này cần được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo công bằng, bình đẳng và cần có lộ trình giảm thiểu các tác động tới các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi trong quá trình này.
Thứ ba, việc triển khai Chuyển đổi kép xanh-số cần có sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện của tất cả các bên liên quan, trong đó, nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, tạo lập khung khổ thể chế chính sách, hỗ trợ ban đầu và cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong, cốt lõi trong quá trình này, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.
Các chuyên gia và doanh nghiệp trao đổi và chia sẻ thông tin tại phiên toạ đàm |
Thứ tư, việc triển khai Chuyển đổi kép xanh-số luôn cần nắm bắt kịp xu thế tiến bộ của thế giới, đặc biệt là các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, đổi mới sáng tạo. Do vậy, cần tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin. Trong quá trình này, các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn, doanh nghiệp FDI cần phát huy vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong quá trình Chuyển đổi kép này.
Thứ năm, muốn chuyển đổi xanh thì phải dùng chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số cũng phải dùng chuyển đổi xanh vì công nghệ số giúp tăng tốc cả thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, song, bản thân công nghệ số cũng cần xanh hơn vì nó tiêu tốn nhiều năng lượng.
Cơ hội song hành thách thức
Nhìn từ góc độ thực tiễn kinh doanh, các doanh nghiệp cho rằng tiêu chuẩn phát triển bền vững nói chung cũng như trong xu thế chuyển đổi kép nói riêng hiện nay luôn đem đến cả thách thức lẫn cơ hội. Theo bà Lê Thị Hoài Thương, Quản lý đối ngoại cấp cao Nestlé Việt Nam, đối với bất cứ doanh nghiệp nào, khi những tiêu chuẩn ngày càng cao hơn xuất hiện thì sẽ phải đối mặt với sự chuyển đổi và đầu tư mới. Những doanh nghiệp trong chuỗi như Nestle thì sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là làm thế nào để có được sự phát triển đồng bộ trong chuỗi cung ứng.
“Chuyển đổi xanh là việc không doanh nghiệp nào có thể thực hiện một mình, đòi hỏi tất cả các tác nhân trong chuỗi cung ứng từ các doanh nghiệp lớn, các nhà sản xuất, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho đến các doanh nghiệp siêu nhỏ phải tham gia chuyển đổi. Đối với những doanh nghiệp chuyên về thực phẩm như Nestle, chúng tôi phải làm việc nhiều với các hộ nông dân để có được nguồn cung cấp nguyên liệu xanh và bền vững để đưa được những sản phẩm thân thiện hơn đến với người tiêu dùng. Thách thức ở đây là làm thế nào để các doanh nghiệp đồng bộ, cùng nhau chuyển đổi. Do đó, đòi hỏi các tiêu chí về phát triển bền vững cần phải mang tính bao trùm, mang tính tương thích. Ngoài ra, khi đối mặt với sự chuyển đổi, cần có hành lang pháp lý, những chính sách thúc đẩy từ cơ quan quản lý nhà nước và những chính sách thích hợp từ cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo không có doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau”, bà Thương chia sẻ.
Bà Lê Thị Hoài Thương, Quản lý đối ngoại cấp cao Nestlé Việt Nam nhấn mạnh xu thế chuyển đổi kép đem đến cả thách thức lẫn cơ hội cho doanh nghiệp |
Tuy nhiên, đại diện Nestle Việt Nam cũng cho biết Tập đoàn nhìn nhận những thay đổi ngày càng cao trong tiêu chuẩn về phát triển bền vững như là một cơ hội hơn là thách thức. Bởi khi các tiêu chuẩn này trở thành bắt buộc, toàn bộ chuỗi cung ứng và các đối tác của Nestle cũng sẽ có sự tương đồng về mặt chiến lược, đầu tư để cùng nhau chuyển đổi hướng tới phát triển bền vững. “Nestle cũng cam kết thực hiện chuyển đổi để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Trong đó, chúng tôi thấy rằng lĩnh vực nông nghiệp và chuỗi cung ứng là 2 mảng tạo ra phát thải nhiều nhất. Vì vậy Nestle đặt ra những nguyên tắc về thu mua có trách nhiệm, thu mua bền vững và thu mua tái sinh. Ngoài ra chúng tôi cũng có những cam kết về sản xuất bao bì bền vững hay tuần hoàn nguồn nước. Để làm được điều này, chúng tôi đã phải phối hợp làm việc với toàn bộ các đối tác. Do đó, chuyển đổi ngày càng cao trong tiêu chuẩn về phát triển bền vững có thể tạo nên sự đồng bộ, khiến cho toàn bộ chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp trở nên xanh hơn”, bà Lê Thị Hoài Thương khẳng định.
Còn theo bà Đỗ Lê Thu Ngọc - Trưởng phòng Phát triển bao trùm, UNDP trong xu thế chuyển đổi kép tại Việt Nam, một thực tế rõ ràng là các doanh nghiệp lớn thường sẽ có khả năng tiếp cận nhanh hơn và chuyển từ nhận thức thành hành động một cách rõ ràng hơn. Trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thì phần lớn mới ở nhận thức, chưa có nhiều sự thay đổi, hành động rõ rệt. Còn nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ hay khối kinh doanh như các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể thì gần như chưa có nhận thức, hay có các hành động thay đổi hướng tới Chuyển đổi kép.
Đồng tình nhận định này, ông Tô Quốc Hưng, Giám đốc Quốc gia, ACCA Việt Nam cho rằng do hạn chế về quy mô và nguồn lực, nên việc áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững đối với các DNNVV hiện nay vẫn đang trong quá trình phát triển. Đặc biệt, việc đáp ứng các tiêu chuẩn liên quan đến báo cáo phát triển bền vững quốc tế không chỉ là thách thức lớn đối với các DNNVV tại Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đây là 1 điểm chung và là điểm yếu hạn chế khiến các doanh nghiệp này đều gặp khó khăn trong việc chuyển đổi kép cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững.
Theo ông Tô Quốc Hưng, Giám đốc Quốc gia, ACCA Việt Nam việc đáp ứng các tiêu chuẩn liên quan đến báo cáo phát triển bền vững quốc tế đang là thách thức lớn đối với các DNNVV tại Việt Nam |
Để hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô nhỏ khắc phục các khó khăn này trong lộ trình thực hiện chuyển đổi kép, ông Hưng cho biết, với kinh nghiệm hoạt động tại hơn 180 quốc gia và luôn hợp tác chặt chẽ với các hiệp hội doanh nghiệp thưc hiện hỗ trợ DNNVV, ACCA đã phát triển những bộ công cụ đặc biệt để hỗ trợ các doanh nghiệp, từ việc hướng dẫn chi tiết dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế cho đến việc xây dựng các công cụ nhập dữ liệu đầu vào, giúp doanh nghiệp dễ dàng tạo ra báo cáo phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
“Tại Việt Nam, chúng tôi cũng đang tiến hành phát triển các công cụ riêng biệt, cụ thể theo từng ngành, giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với các yêu cầu quốc tế. Đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam, chúng tôi còn đi sâu hơn khi triển khai các hướng dẫn cụ thể theo từng ngành nghề và nhóm doanh nghiệp. Đi kèm với đó, chúng tôi phát triển các công cụ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng nhập liệu đầu vào, từ đó tạo ra các báo cáo gần nhất với tiêu chuẩn quốc tế. Tôi tin rằng, những giải pháp này sẽ hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp trong bước đầu tiếp cận và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế”, ông Hưng chia sẻ.
Về dài hạn, ông Hưng cho rằng yếu tố quan trọng nhất vẫn là phát triển nguồn nhân lực. Đội ngũ nhân lực có kiến thức về chuyển đổi xanh không chỉ cần thiết cho các DNNVV mà còn cho cả những doanh nghiệp lớn. Để hỗ trợ vấn đề này, ACCA có kế hoạch đẩy mạnh việc nâng cao năng lực nguồn nhân lực liên quan đến chuyển đổi xanh tại Việt Nam trong thời gian tới, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.
Hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon
Nằm trong xu thế phát triển tất yếu của chuyển đổi kép và phát triển bền vững, theo nhận định của Luật sư Vũ Minh Tiến - Thành viên HĐQT VIAD Group, tín chỉ carbon được coi là tài sản của mỗi quốc gia và ngày càng có giá trị. Việc giao dịch tín chỉ carbon sẽ tạo nền tảng hình thành thị trường rất có tiềm năng tại các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ông Tiến cho biết, trong khoảng 10 năm gần đây, tín chỉ carbon được nhắc đến rất nhiều, tuy nhiên hành lang pháp lý để phát triển thành thị trường carbon thực sự ở Việt Nam vẫn còn thiếu.
Luật sư Vũ Minh Tiến - Thành viên HĐQT VIAD Group nhận định tín chỉ carbon được coi là tài sản của mỗi quốc gia và ngày càng có giá trị |
“Hiện nay, các tổ chức phi chính phủ, các quỹ, các ngân hàng quốc tế đã bắt đầu quan tâm và có những gói tài chính thiết thực mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia. Tuy nhiên chúng ta chưa có hành lang pháp lý để đánh giá đâu là 1 dự án xanh, đâu là dự án có thể cấp tín dụng xanh, từ đó doanh nghiệp bị bối rối khi áp dụng. Gần đây, có vấn đề là nhiều doanh nghiệp cho rằng dự án này là xanh, nhưng các ngân hàng, tổ chức tín dụng nói là dự án này không xanh. Như vậy ngoài thị trường đang thiếu một quy chuẩn, quy luật, để thống nhất về mặt cách hiểu, thẩm định về tiêu chuẩn, quy chuẩn đánh giá dự án xanh”, ông Tiến phân tích và cho rằng để giải quyết câu chuyện này, rất cần cơ quan quản lý nhà nước quan tâm thúc đẩy và hoàn thiện khung pháp lý cũng như xây dựng một quy chuẩn đánh giá thống nhất, đồng bộ, để khi xây dựng chính sách không có độ trễ, kịp thời đưa vào cuộc sống, giải ngân toàn bộ những khoản tín dụng xanh, vốn xanh đang chờ cho nhà đầu tư.
Điều đáng mừng là theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến năm 2028, các cơ quan bộ ngành hữu quan cần hoàn thiện khung pháp lý để hình thành một thị trường carbon hoàn chỉnh, tạo cơ sở cho Việt Nam tiếp cận thị trường tín chỉ carbon quốc tế, từ đó phát huy toàn bộ tiềm lực về tài nguyên, thiên nhiên, nguồn lao động, quản trị và giảm khí thải; đồng thời đưa tín chỉ carbon ở Việt Nam thực sự trở thành tài sản có giá trị lớn đóng góp vào nền kinh tế.
Về phía doanh nghiệp, ông Tiến khuyến nghị các doanh nghiệp cần tiếp thu và điều chỉnh dự án phù hợp với quy hoạch xanh, sau đó các khâu triển khai, thiết kế, xây dựng cần áp dụng các quy chuẩn đồng bộ, thống nhất, đưa năng lượng tái tạo, tín chỉ carbon vào trong các dự án. Với doanh nghiệp bất động sản, thì không chỉ dừng lại là bán nhà, bán hạ tầng, công trình, mà bán những giá trị dài hạn hơn, dòng tiền có thể xây dựng từ phát triển bền vững, xây dựng và quản lý sử dụng tài nguyên có hiệu quả, giảm khí thải và năng lượng tái tạo.
Tăng cường nhận thức và tư duy bền vững theo nguyên tắc ESG
Nhấn mạnh khía cạnh con người và nhận thức, ông Chaturon Thipphiansak, Phó Tổng giám đốc Công ty SCG Việt Nam cho rằng đây là nhân tố quan trọng mang tính quyết định trong hành trình chuyển đổi kép thành công hướng tới phát triển bền vững. Do đó, doanh nghiệp đã thúc đẩy việc hợp tác và xây dựng văn hóa bền vững bằng cách áp dụng các nguyên tắc ESG trong mọi khía cạnh hoạt động, trong đó, tập trung vào 3 lĩnh vực phát triển con người một cách tích cực là đào tạo nâng cao nhận thức cho nhân viên và cộng đồng, khuyến khích và phát huy các sáng kiến của nhân viên trong áp dụng ESG, chẳng hạn như thiết kế sản phẩm dựa trên nguyên tắc ESG và đo lường, báo cáo để duy trì nguyên tắc ESG trên toàn bộ tổ chức.
Ông Chaturon Thipphiansak, Phó Tổng giám đốc Công ty SCG Việt Nam (đứng giữa) nhấn mạnh con người là nhân tố quan trọng mang tính quyết định tới sự thành công của lộ trình chuyển đổi kép |
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chú trọng đến quan hệ đối tác giữa các ngành công nghiệp để duy trì xanh hoá toàn bộ chuỗi cung ứng. “Chìa khóa nằm ở các đối tác công nghiệp, bao gồm các bên liên quan, nhà cung cấp, nhà bán hàng, nhà cung cấp dịch vụ và sau đó là khách hàng. Chúng tôi cũng hợp tác với tất cả các bên liên quan trong ngành của mình để xây dựng chuỗi cung ứng xanh trên thị trường. Bên cạnh đó, chúng tôi áp dụng công nghệ xanh cho quy trình sản xuất và tạo ra sản phẩm xanh. Điều này có thể duy trì sự phát triển lâu dài về mặt sản phẩm”, ông Chaturon Thipphiansak cho biết.
Nhìn nhận cơ hội từ nhận thức tư duy của con người, nên theo đại diện SCG Việt Nam, thách thức lớn nhất trong chuyển đổi kép cũng chính là tư duy về bền vững của con người trong nội bộ doanh nghiệp và các bên liên quan. “SCG đang xây dựng tư duy xanh cho nhân viên, cộng đồng và khách hàng. Bước tiếp theo là phát triển quy trình xanh để sản xuất ra các sản phẩm xanh. Chẳng hạn, SCG đã sản xuất xi măng carbon thấp, có thể giảm 20% lượng khí thải carbon so với sản phẩm truyền thống. Chúng tôi sẽ tập trung vào các sản phẩm xanh có thể tái chế và thân thiện với môi trường”, ông Chaturon Thipphiansak chia sẻ./.
Bình luận