Từ dám nghĩ, dám làm

Hiện nay, Hà Tĩnh có trên 40 hợp tác xã thanh niên. Những hợp tác xã này đã có những thành công bước đầu, tạo đà cho sự phát triển theo đúng định hướng. Các hợp tác xã thanh niên được xây dựng, ngoài sự nỗ lực của bản thân mỗi thành viên còn là sự hỗ trợ thiết thực của các đơn vị liên quan về vốn, kỹ thuật và cả những lời động viên và khích lệ chân thành của các cấp chính quyền. Chính điều đó đã giúp người trẻ phát huy tinh thần xung kích trong xây dựng kinh tế hợp tác xã.

Trong phong trào “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã đẩy mạnh hỗ trợ thanh niên nông thôn phát triển 18 mô hình hợp tác xã sản xuất các sản phẩm chủ lực theo quy hoạch của Tỉnh, như: Nuôi lợn, trồng nấm, nuôi trồng thủy sản, xây dựng cánh đồng mẫu của thanh niên… Tất cả các hợp tác xã thanh niên đều đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Để có được thành công từ các mô hình trên, Tỉnh đoàn đã tập trung hỗ trợ thanh niên về khoa học kỹ thuật. Đồng thời, tư vấn cho thanh niên về thủ tục thành lập hợp tác xã; thủ tục nhận hỗ trợ, trợ cấp của Tỉnh; hỗ trợ vốn vay bằng nguồn tạo việc làm của Trung ương Đoàn; vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội…

Những cách làm hay của thanh niên trong các tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên đã khẳng định thêm tiềm năng thế mạnh của tuổi trẻ. Họ là những người có ý chí, dám nghĩ, dám làm, năng động, nhạy bén; biết phát huy thế mạnh, khắc phục khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội.

Có thể kể đến một số mô hình hợp tác xã thanh niên khá thành công ở Hà Tĩnh như Hợp tác xã chăn nuôi lợn tập trung xã Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Sau gần 2 năm triển khai xây dựng mô hình, đến nay, Hợp tác xã chăn nuôi xã Kỳ Hoa do các bạn đoàn viên, thanh niên làm chủ đã khẳng định được hiệu quả kinh tế. Bình quân mỗi năm, hợp tác xã chăn nuôi hơn 3.000 con lợn thương phẩm, đưa lại nguồn doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm. Giải quyết việc làm cho 7 thành viên trong hợp tác xã với thu nhập từ 2,5-3,5 triệu đồng/tháng. Để xây dựng thành công mô hình này, hợp tác xã chăn nuôi xã Kỳ Hoa đã liên kết với các doanh nghiệp trong nước bao tiêu đầu ra, cung ứng con giống, thức ăn, hướng dẫn khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi lợn. Nhờ vậy, mô hình này không chỉ giải quyết việc làm cho người lao động, mà còn nhân rộng thêm các mô hình chăn nuôi khác, góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển.

Hay như mô hình Hợp tác xã trồng nấm và dịch vụ thanh niên xã Thạch Hạ. Năm 2012, khi tham gia một lớp tập huấn do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức về HTX, anh Nguyễn Văn Duẩn (sinh năm 1982, trú tại xóm Liên Thanh, xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh) nảy sinh ý tưởng mở rộng quy mô lên thành hợp tác xã để giúp đỡ nhiều đoàn viên nghèo khó trong xã. Và Hợp tác xã trồng nấm Thạch Hạ ra đời với 7 xã viên do anh Duẩn làm chủ nhiệm. Hợp tác xã trồng nấm Thạch Hạ mở rộng việc trồng nấm cho người dân ở thành phố Hà Tĩnh bằng hình thức “bán công nghệ” và bao tiêu sản phẩm. Các loại nấm của Hợp tác xã ngày càng đa dạng, như: mộc nhĩ, sò tươi, linh chi… Thu nhập mỗi năm của Hợp tác xã trồng nấm Thạch Hạ hiện từ 300 triệu đồng trở lên. Anh Duẩn chia sẻ, để giúp những thanh niên trong xã yên tâm về mô hình trồng nấm, hợp tác xã đang làm đơn xin mở rộng diện tích và tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm không chỉ ở trong nước mà mở rộng ra cả nước ngoài.


Anh Nguyễn Văn Duẩn kiểm tra vườn nấm của HTX

Hợp tác xã Thanh niên nuôi trồng thủy sản xã Thạch Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh cũng là một mô hình làm ăn hiệu quả. Năm 2009, anh Nguyễn Đình Ninh cùng một số hộ trong xã thành lập Hợp tác xã Thanh niên nuôi trồng thủy sản do anh làm chủ nhiệm với vốn điều lệ ban đầu là 500 triệu đồng để có cơ hội làm giàu và giúp đỡ lẫn nhau. Năm đầu, tổng doanh thu của hợp tác xã đã lên tới 900 triệu đồng. Năm 2010, để phát triển sản xuất, hợp tác xã đã mua một xe ô tô bán tải dùng để vận chuyển cá và thức ăn.

Những mô hình trên chỉ là một trong số nhiều mô hình kinh tế tập thể điển hình của thanh niên làm ăn hiệu quả.

Để nhân rộng các mô hình

Một là, tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho thanh niên về các mô hình kinh tế tập thể trong xây dựng nông thôn mới bằng cách thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi, tọa đàm về những mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, gắn với từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; tổ chức các triển lãm, hội chợ, festival sáng tạo trẻ, hội thi kỹ thuật nghề nông để đánh giá, đúc kết kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể này.

Hai là, hướng dẫn xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tập thể hay để liên kết, tập hợp những thanh niên nông thôn cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Các cơ sở Đoàn của Tỉnh cần chủ động phối hợp, liên kết với các đơn vị, tổ chức, cá nhân mở lớp học, hoặc các khoá bồi dưỡng ngắn ngày nhằm trang bị kiến thức cho thanh niên nông thôn về mô hình kinh tế tập thể.

Ba là, tăng cường sự hỗ trợ của các cấp chính quyền để phát triển các mô hình kinh tế tập thể của thanh niên. Trong đó, cần nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội và các tổ chức tín dụng khác để khai thác vốn vay hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu phát triển./.