Giải pháp tiếp tục phát triển kinh tế tập thể lấy hợp tác xã làm nòng cốt ở Việt Nam trong bối cảnh mới hiện nay
Từ khóa: kinh tế tập thể, hợp tác xã, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Summary
In recent years, the collective economy, with the core being cooperatives, has played an important role in the process of creating and building a socialist-oriented market economy and implementing the industrialization and modernization of the country. However, this economic sector is still revealing many limitations, the article focuses on analyzing the reality of developing the market economy in which cooperatives are the core, thereby proposing solutions to promote the development of an important economic sector. This will meet the country's socio-economic development goals in the coming time.
Keywords: collective economy, cooperative, socialist-oriented market economy
GIỚI THIỆU
KTTT mà nòng cốt là HTX, là những cơ sở kinh tế do các thành viên tự nguyện góp vốn, tài sản, tư liệu sản xuất và góp sức cùng sản xuất, kinh doanh; cùng quản lý theo nguyên tắc dân chủ, bình đẳng; phân phối theo vốn góp, lao động hoặc theo mức độ tham gia dịch vụ.
KTTT tồn tại dưới nhiều hình thức, phổ biến hơn cả là tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX...; trong đó, HTX được coi là loại hình nòng cốt của KTTT. Đây là một loại hình KTTT khá phổ biến, hoạt động trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội và hiện diện ở các nền kinh tế có trình độ phát triển khác nhau, trên khắp thế giới. Nó mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc. Cùng với việc lấy lợi ích kinh tế làm mục tiêu chính, KTTT còn coi trọng lợi ích xã hội của thành viên; coi trọng sự hợp tác mang tính liên kết, bổ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên; góp phần xóa đói, giảm nghèo, tiến tới làm giàu cho các thành viên, phát triển cộng đồng. Tuy nhiên, quá trình phát triển KTTT, mà nòng cốt là HTX ở nước ta vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, việc đánh giá thực trạng phát triển khu vực kinh tế này, từ đó đưa ra một số phát triển trong thời gian tới là cần thiết.
XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN KTTT, NÒNG CỐT LÀ HTX Ở VIỆT NAM
Phát triển KTTT mà nòng cốt là HTX luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Điều đó được thể hiện trong đường lối và các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta về KTTT. Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, tại Điều 20 đã khẳng định: “KTTT do công dân góp vốn, góp sức hợp tác sản xuất, kinh doanh được tổ chức dưới nhiều hình thức trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi”.
Cùng với đó, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để thúc đẩy thành phần KTTT phát triển, nâng cao đời sống nhân dân. nổi bật trong có các chủ trương, chính sách, pháp luật quan trọng, như: Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đến Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng; Chỉ thị số 68-CT/TW, ngày 24/5/1996 của Ban Bí thư Trung ương (khóa VII) về Phát triển kinh tế hợp tác trong các ngành, các lĩnh vực kinh tế; Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT; Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 02/01/2008 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT; Kết luận số 56-KL/TW, ngày 21/2/2013 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002, về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT; Luật Hợp tác xã được Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 20/3/1996 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1997; Luật Hợp tác xã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26/11/2003 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2004; Luật Hợp tác xã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 20/11/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013; Nghị định số 193/2013/NĐ-CP, ngày 21/11/2013 quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nghị quyết số 32/2016/QH14, ngày 23/11/2016 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Quyết định số 461/QĐ-TTg, ngày 27/4/2019 hê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020; Nghị định số 57/2019/NĐ-CP, ngày 17/4/2019 ban hành về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến và xuất khẩu, xây dựng vùng nguyên liệu; Kết luận số 70-KL/TW, ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT; Nghị quyết số 134/NQ-CP, ngày 25/9/2020 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70-KL/TW, theo đó, từng bộ, ngành, địa phương đã được giao những nhiệm vụ cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy HTX ngày càng phát triển hơn… Mới đây nhất, ngày 20/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Hợp tác xã, số 17/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.
Cùng với việc thực hiện các văn bản, nghị quyết nói trên, thì việc tổ chức triển khai Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo ra môi trường cho các HTX phát triển, đặc biệt là các HTX nông nghiệp. Nhờ đó, khu vực HTX đã được tạo điều kiện để phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các HTX đã phát huy vai trò của mình trong hỗ trợ kinh tế hộ thành viên, tạo việc làm và thu nhập cho thành viên, người lao động góp phần phát kinh tế - xã hội đất nước.
HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN KTTT, HTX Ở VIỆT NAM
Ở Việt Nam, KTTT với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, mà nòng cốt là HTX, dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, liên kết rộng rãi trên nguyên tắc tự nguyện giữa những người lao động, các hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong quá trình kiến tạo và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thực tiễn những năm qua cho thấy, cùng với tiến trình đổi mới, cải cách kinh tế, thì KTTT mà nòng cốt là HTX ở Việt Nam có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng. Mô hình HTX giúp các hộ dân cá thể, nhỏ lẻ có thể hợp tác với nhau để tồn tại và phát triển được trong cơ chế thị trường, tạo cơ hội bình đẳng trong kinh doanh cho những người có ít vốn, góp phần xoá đói, giảm nghèo ở nông thôn, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nông thôn mới.
Theo báo cáo Công tác năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX, tính hết năm 2022, cả nước có 29.378 HTX, 125 liên hiệp HTX và 71.000 tổ hợp tác (THT), tăng khoảng 7%) về số HTX, 117% về liên hiệp HTX và giảm 3% về số THT so với năm 2021. Các HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, với 19.500 HTX (chiếm 66,4%) và gần 10 nghìn HTX phi nông nghiệp. Tổng số thành viên khu vực KTTT là gần 8 triệu thành viên, với trên 5,9 triệu thành viên của HTX, 851 HTX thành viên của liên hiệp HTX và trên 1 triệu thành viên THT. Tổng số lao động thường xuyên trong HTX năm 2022 là 976,3 nghìn người.
Đến năm 2022, có 2.297 HTX nông nghiệp đã thành lập doanh nghiệp; 2.535 HTX ứng dụng công nghệ cao và 2.340 HTX công nghệ số trong sản xuất. Đặc biệt, đã có trên 4.339 HTX nông nghiệp, chiếm 24,5% tổng số HTX nông nghiệp toàn quốc thực hiện bao tiêu nông sản, tăng cao so với tỷ lệ này trước năm 2015 chỉ là 5%-7%. Điều đáng lưu ý là, cả nước có khoảng 35.000 THT, 19.500 HTX và 91 liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thu hút gần 3,8 triệu thành viên và trên 1,5 triệu lao động (trong đó có 357.107 lao động là thành viên HTX). Doanh thu bình quân khoảng 2,3 tỷ đồng, lãi bình quân khoảng 378 triệu đồng 1 HTX. Thu nhập bình quân của lao động đạt 50 triệu đồng/năm [4].
Nhìn chung, các chỉ tiêu về kết quả hoạt động của HTX, liên hiệp HTX và THT đều tăng so với năm 2021, doanh thu bình quân HTX đạt 3.592 triệu đồng, tăng 35%; Lãi bình quân của 1 HTX đạt 366 triệu đồng (tăng 152 triệu đồng, khoảng 71%; thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong HTX là 56 triệu đồng/người (tăng 4 triệu đồng, tăng khoảng 8%). Tổng số cán bộ quản lý HTX đạt gần 140 nghìn người, tăng khoảng 28% so với năm 2021, trong đó số cán bộ đạt trình độ sơ, trung cấp đạt trên 53 nghìn người (chiếm 37,8%), số cán bộ đạt trình độ cao đẳng, đại học là 28,2 nghìn người (chiếm 20,16%).
Một số kết quả đạt được
Hoạt động của HTX trong thời gian qua đã được một số kết quả đáng ghi nhận đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, có thể khái quát như sau:
Một là, số lượng HTX đang hoạt động tăng đáng kể (từ 12.991 HTX bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 29.378 HTX năm 2022), các HTX phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập thường xuyên cho người lao động (năm 2022, thu nhập bình quân lao động đạt 4.026.000 đồng/tháng).
Hai là, kinh tế HTX góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội thể hiện ở việc kinh tế HTX đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng kinh tế (đóng góp khoảng 4% GDP cả nước); ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát; tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp; phát triển nguồn nhân lực có tay nghề và chất lượng cao; nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, nhất là đời sống của hộ thành viên…
Ba là, HTX đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới theo quy định của pháp luật. HTX trở thành một chủ thể quan trọng trong cung cấp dịch vụ và kết nối sản xuất cho hàng chục triệu hộ gia đình để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, gắn kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ, chế biến.
Bốn là, ngày càng nhiều HTX có bước chuyển mình trong việc áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh; nhiều cán bộ HTX năng động, sáng tạo, nhạy bén với thị trường, mạnh dạn thay đổi cách thức sản xuất để thích ứng với bối cảnh mới.
Hạn chế và nguyên nhân
Trong những năm qua, KTTT mà nòng cốt là các HTX nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả nhận thức, chính sách, pháp luật và quá trình phát triển. Đã chuyển đổi về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, tính liên kết và hiệu quả hoạt động. Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, thì các HTX vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục, cụ thể:
(i) Tốc độ tăng trưởng của HTX còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, đóng góp vào GDP của khu vực KTTT, HTX từ 4,03% năm 2013 xuống còn 3,62% năm 2021. Thu nhập của người lao động trong HTX tuy đã tăng, nhưng chỉ bằng 50% so với doanh nghiệp [3].
(ii) HTX phát triển không đồng đều giữa các địa phương, vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.
(iii) Số lượng HTX tuy tăng, nhưng số lao động bình quân trong HTX có xu hướng giảm; không ít thành viên tham gia hoạt động của HTX còn hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong HTX.
(iv) Một số HTX hoạt động kém hiệu quả, còn hình thức, chưa đúng với bản chất HTX kiểu mới; khả năng huy động các nguồn lực từ thị trường, xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Các hạn chế trên xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
- Một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các HTX chậm đi vào cuộc sống hoặc thực hiện chưa có hiệu quả như chính sách ưu đãi tín dụng, hỗ trợ chế biến sản phẩm...; số lượng HTX được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước còn hạn chế; còn thiếu có chế kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thi hành Luật Hợp tác xã và các chính sách hỗ trợ phát triển HTX.
- Tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn nên nguồn lực hỗ trợ cho HTX rất hạn chế; HTX khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX hạn hẹp.
- Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu, của cán bộ lãnh đạo, đảng viên và người dân vẫn chưa đúng, chưa đầy đủ, chưa thống nhất và đặc biệt chưa thấy hết được vai trò, vị trí quan trọng của kinh tế HTX trong nền kinh tế, nhất là đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
- Tâm lý e ngại đối với HTX kiểu cũ vẫn còn ảnh hưởng nặng nề trong tầng lớp nhân dân, thói quen tổ chức sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, phân tán, không liên kết vẫn còn phổ biến; công tác kế toán, tài chính của HTX chưa được thực hiện nghiêm túc, bài bản, do đó chế độ báo cáo của HTX chưa thường xuyên. Việc xây dựng báo cáo tài chính, phương án sản xuất, kinh doanh còn hạn chế.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN TRONG THỜI GIAN TỚI
Nghị quyết số 20-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nêu rõ quan điểm "KTTT là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân". Do đó, trong thời gian tới, để khắc phục những hạn chế đã nêu, đồng thời thực hiện thành công Nghị quyết số 20-NQ/TW này, theo tác giả, thời gian tới, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt cho cán bộ, đảng viên và người dân về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của HTX trong điều kiện mới, đặc biệt vai trò của HTX trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Thực hiện các phương pháp tuyên truyền, tập huấn mới sinh động và hiệu quả hơn thông qua đổi mới chương trình, ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với đặc điểm của khu vực HTX.
Thứ hai, củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KTTT, HTX. Rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi các luật liên quan, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển HTX; xây dựng hướng dẫn về kiểm toán HTX. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ HTX (về giao đất, cho thuê đất, tập trung đất đai, tiếp cận vốn, xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học công nghệ...) cho phù hợp với xu thế phát triển HTX quốc tế và tình hình thực tế của Việt Nam trong mỗi giai đoạn phát triển.
Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực xã hội tham gia thúc đẩy phát triển KTTT, HTX. Đẩy mạnh các hình thức hợp tác quốc tế trong phát triển HTX với các tổ chức trong và ngoài nước; thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm của các nước, vùng lãnh thổ có phong trào HTX phát triển.
Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, như: Liên minh Hợp tác xã Quốc tế (ICA), các tổ chức HTX các nước, các tổ chức đại diện và hỗ trợ HTX; tham gia và chủ trì tổ chức các hội nghị quốc tế về HTX nhằm quảng bá và thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ phát triển HTX ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, như: hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), nguồn xã hội hóa nhằm phát huy lợi thế cùa các thành viên tham gia vì mục tiêu phát triển.
Thứ tư, tổ chức, củng cố lại hoạt động của các HTX theo đúng bản chất của Luật HTX sửa đổi và các văn bản liên quan. Phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của thành viên trong HTX; vận động thành viên HTX góp vốn và nâng mức vốn góp; thu hút thêm thành viên mới, tháo gỡ rào cản, quy định nhằm huy động nguồn lực, nâng cao tiềm lực tài chính và quy mô hoạt động của HTX.
Thứ năm, tăng cường năng lực phối hợp trong quản trị HTX theo hướng công khai, minh bạch; củng cố bộ máy kế toán, kiểm toán. Tích cực tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đối với phát triển KTTT, mà nòng cốt là HTX phù hợp với mỗi địa phương, ngành, lĩnh vực./.
TS. Tạ Thị Đoàn - Viện Kinh tế chính trị học - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 22, tháng 8/2023)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX (2023), Báo cáo công tác năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), Sách trắng HTX Việt Nam năm 2022, Nxb Thống kê, Hà Nội.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2022), Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm BCHTW Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới.
4. Phương Anh (2023), Tháo gỡ các rào cản, tạo động lực mạnh mẽ cho khu vực kinh tế tư nhân, HTX phát triển, truy cập từ https://kinhtevadubao.vn/thao-go-cac-rao-can-tao-dong-luc-manh-me-cho-khu-vuc-kinh-te-tu-nhan-hop-tac-xa-phat-trien-25661.html.
Bình luận