Kỳ họp lần thứ 3 Đối thoại kinh tế cao cấp giữa Pháp và Việt Nam đã diễn ra ngày 15/3 với sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng, và Quốc vụ khanh phụ trách Ngoại thương, Xúc tiến du lịch của Pháp - Matthias Fekl.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định tầm quan trọng của Đối thoại kinh tế cấp cao hàng năm đối với việc triển khai cụ thể hợp tác kinh tế trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược mà Pháp và Việt Nam ký kết nhân chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 9/2013.

Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Pháp hiện là nước cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam và dẫn đầu châu Âu với vốn ký kết lũy kế tính đến thời điểm hiện tại đạt khoảng 3 tỷ Euro. Các dự án mà Pháp viện trợ cho Việt Nam đểu rất cần thiết và quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam mặc dù hiện đã trở thành nước thu nhập trung bình nhưng vẫn còn thấp, bên cạnh đó phải đối phó nhiều thách thức như đói nghèo, biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng yếu kém... Chính vì vậy, Việt Nam mong muốn phía Pháp tiếp tục hỗ trợ trong giai đoạn tới.

Trong lĩnh vực đầu tư, tính đến cuối tháng 3/2015, Pháp đứng thứ 16/101 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với 459 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 3,4 tỷ USD. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng quan hệ của hai nước và mong muốn đẩy mạnh hơn nữa. Pháp là nước có công nghệ tiên tiến, vì vậy có thể tham gia vào các ngành nghề kỹ thuật cao mà Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút. Thứ trưởng cũng mong muốn Pháp tăng cường hơn cơ chế phối hợp thông tin, để hai bên cùng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong thời gian tới.

Về trao đổi thương mại của hai nước vẫn tiếp tục tăng trưởng cao, khoảng 10,6%/năm và đạt 3,5 tỷ Euro trong năm 2014. Thứ trưởng cũng mong muốn nâng cao hơn kim ngạch thương mại giữa hai nước, nhất là khi Việt Nam đang hội nhập sâu hơn khi ký kết một loạt các FTA trong thời gian tới. Đặc biệt, trong quá trình đàm phán hiệp định FTA Việt Nam - EU, Việt Nam mong muốn phía Pháp tiếp tục ủng hộ và công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường.

Đại diện cho phía Pháp, ông Matthias Fekl bày tỏ Pháp luôn ủng hộ và sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam. Pháp sẽ cố gắng tăng ODA cao và cung cấp các nguồn tài trợ mới. Ông Matthias Fekl cũng đồng ý phải có sự trao đổi thương mại hơn nữa giữa hai bên, tổ chức nhều đoàn doanh nghiệp Pháp sang tìm hiểu thị trường Việt Nam.

Liên quan đến đàm phán FTA Việt Nam - EU, Pháp khẳng định tiếp tục ủng hộ Việt Nam. Tuy nhiên đàm phán chỉ có thể tiến triển tốt nếu đem lại lợi ích cho cả hai phía. Pháp luôn mong muốn quá trình đàm phán đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Hai bên cũng còn rất nhiều việc phải làm trong các vấn đề tiếp cận thị trường, hành lang pháp lý và chỉ dẫn địa lý... Ông Matthias Fekl cũng nêu một số vấn đề về tiếp cận thị trường đối với việc xuất khẩu các mặt hàng rau quả và thịt bò từ Pháp vào Việt Nam.

Giải đáp thắc mắc, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc nhập khẩu thịt bò từ Pháp, Chính phủ Việt Nam đã có công văn đồng ý chủ trương cho phép nhập khẩu nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của Việt Nam. Về nhập khẩu hoa quả, cụ thể là mặt hàng táo, phía Việt Nam đã hoàn thành và gửi cho Pháp dự thảo về nhập khẩu táo Pháp vào Việt Nam và đề nghị phía Pháp sớm góp ý cho bản dự thảo trên để hoàn thành thủ tục. Trong kinh doanh đồ uống có cồn, thì Việt Nam hiện không áp dụng quota với mặt hàng này, theo đó không có phân biệt đối xử giữa doanh nghiêp trong nước và nước ngoài.

Tại cuộc họp, hai bên nhất trí sự cần thiết giải quyết các rào cản về trao đổi thương mại và những vấn đề trong việc tiếp cận thị trường thông qua đối thoại song phương.

Hai bên đã đề cập đến các dự án mà doanh nghiệp Pháp đang thực hiện tại Việt Nam, minh chứng cho nỗ lực của hai nước nhằm tăng cường hợp tác khoa học công nghệ giữa các doanh nghiệp. Sự tăng cường của các công cụ hỗ trợ tài chính của Pháp tại Việt Nam cho các dự án lớn (tài trợ ưu đãi, tài trợ xuất khẩu, khung pháp lý mới của Việt Nam trong mô hình hợp tác công - tư PPP và hỗ trợ phát triển chính thức) cũng được thảo luận.

Phiên họp mở rộng đối thoại kinh tế cấp cao năm nay với sự tham dự của các cơ quan hành chính và các doanh nghiệp có liên quan của hai nước, tập trung vào hai chủ đề lớn trọng tâm của quan hệ đối tác chiến lược: (1) Phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu. Chủ đề này có liên quan đến Hội nghị toàn cầu về khí hậu lần thứ 21 (COP21) tổ chức tại Paris vào cuối năm nay do Pháp chủ trì; (2) Hợp tác trong lĩnh vực y tế.

Hai chủ đề này đã được mình họa bằng các dự án cụ thể do Pháp tài trợ tại Việt Nam, bao gồm Chương trình Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (SP-RCC) trị giá 20 triệu Euro do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ và dự án Trang thiết bị Bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ trị giá 19,5 triệu Euro do Tổng cục Kho bạc Pháp tài trợ./.