Từ khóa: EVFTA, quy tắc xuất xứ hàng hóa, xuất khẩu, hàng dệt may

Summary

The Vietnam - EU Free Trade Agreement (EVFTA) that officially took effect on August 1, 2020 has opened up opportunities for unprecedented large tariff barrier reduction for many industries of Vietnam. Textiles and garments - one of the key products of Vietnam exported to the EU market - is considered to benefit greatly. However, to enjoy these incentives, Vietnamese textile and garment industry is required to comply with the very strict rules of origin of the EVFTA. On the basis of studying the rules of origin for textiles and garments in the EVFTA and outlining the challenges of Vietnam's textile and garment industry when implementing the EVFTA's rules of origin, the article offers solutions to promote exports and meet the EVFTA's rules of origin.

Keywords: EVFTA, rules of origin of goods, exports, textiles and garments

ĐẶT VẤN ĐỀ

EVFTA bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/8/2020, dệt may Việt Nam được đánh giá là được hưởng lợi nhiều từ EVFTA, trong bối cảnh ngành dệt may đã chịu tác động không nhỏ của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và hậu đại dịch Covid-19. Đến nay, sau 2 năm thực thi Hiệp định, đây là thời điểm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU mặc dù được phép lựa chọn áp dụng một trong hai mức thuế ưu đãi từ GSP hoặc Hiệp định EVFTA, tuy nhiên phải đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA. Và Quy tắc xuất xứ chính là một trong những thách thức lớn nhất mà ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt. Bài viết đưa ra những quy định về quy tắc xuất xứ đối với ngành dệt may trong EVFTA, so sánh với các FTA khác mà Việt Nam đã tham gia, thực trạng hiện nay và những thách thức đảm bảo quy tắc xuất xứ trong EVFTA.

QUY TẮC XUẤT XỨ ĐỐI VỚI NGÀNH DỆT MAY

Quy tắc xuất xứ đối với ngành dệt may trong EVFTA

Quy tắc xuất xứ trong EVFTA theo Nghị định thư số 1 được hiểu là: hàng hóa xuất nhập khẩu trong khu vực EVFTA được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng được một trong hai tiêu chí sau: (i) Hàng hóa có xuất xứ thuần túy tại một Bên và (ii) Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy là hàng hóa đã trải qua công đoạn gia công, chế biến đáp ứng được các tiêu chí xuất xứ quy định tại Phụ lục II của Nghị định thư 1.

Đối với mặt hàng dệt may, EVFTA quy định hàng hóa được sản xuất hoàn toàn tại thị trường EU hoặc tại Việt Nam nhưng sử dụng một phần nguyên liệu không có xuất xứ (Điều 5 và Phụ lục 2 của Nghị định thư 1).

Quy tắc xuất xứ phổ biến được áp dụng cho sản phẩm dệt may là quy tắc hai công đoạn. Với quy tắc “từ vải trở đi – fabric forward” này, một sản phẩm dệt may được coi là có xuất xứ theo EVFTA khi vải dùng cho sản phẩm đó phải dệt tại Việt Nam hoặc các nước thành viên EU (Tố Uyên, 2020), có nghĩa là, Việt Nam không thể nhập khẩu vải từ Trung Quốc để rồi sau đó xuất khẩu hàng may mặc sang EU và hưởng ưu đãi thuế quan được. Tuy nhiên, để sản xuất ra hàng dệt may, thì phải qua 4 công đoạn chính: sản xuất xơ - sợi - vải - cắt may thành hàng may mặc. Như vậy, theo quy tắc “fabric forward”, có nghĩa là hàng dệt may Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ Việt Nam. Ngoài ra, đối với các sản phẩm dệt may thuộc Chương 61 và 62 của biểu thuế, hàng hóa được phép sử dụng vải nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada (các quốc gia mà cả Việt Nam và EU có FTA) để sản xuất sản phẩm cuối cùng xuất khẩu sang EU và vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi của EVFTA.

Bên cạnh các quy định điều chỉnh về quy tắc xuất xứ, EVFTA và Nghị định thư 1 còn có các quy định về giấy chứng nhận xuất xứ (Certificate of Origin, C/O) và thủ tục chứng nhận xuất xứ. Cụ thể:

Về giấy chứng nhận xuất xứ, EVFTA đã xác định mẫu C/O (Mẫu EUR.1). Một số thông tin nhà xuất khẩu được phép lựa chọn khai báo hoặc không khai báo như nhà nhập khẩu, hành trình lô hàng, số hóa đơn thương mại. Về nội dung khai báo, tiêu chí xuất xứ, mã số HS của hàng hóa không bắt buộc phải thể hiện trên C/O.

Về thủ tục chứng nhận xuất xứ, EVFTA đưa ra 2 thủ tục chứng nhận xuất xứ, bao gồm: (i) Thủ tục cấp C/O do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện; (ii) Thủ tục nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ. Tự chứng nhận xuất xứ là hình thức chứng nhận xuất xứ, mà các FTA thế hệ mới đều hướng tới. Mô hình tự chứng nhận xuất xứ trong EVFTA được cho là dựa trên thông lệ cho phép nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ mà EU hiện đang áp dụng. Điều khoản về Tự chứng nhận xuất xứ cho phép doanh nghiệp chủ động khai báo và chịu trách nhiệm về xuất xứ của hàng hóa do mình xuất khẩu – thay vì đến cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O. C/O ưu đãi (sau này là Tự chứng nhận xuất xứ ưu đãi) chính là Hộ chiếu của hàng hóa xuất khẩu, căn cứ pháp lý quan trọng nhất để cơ quan hải quan EU xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan để được hưởng các ưu đãi mà EVFTA mang lại.

Bên cạnh quy tắc chung, EVFTA bổ sung thêm một số quy định về tự chứng nhận xuất xứ như sau:

- Đối với hàng hóa xuất khẩu từ EU: Chỉ có nhà xuất khẩu đã đăng ký theo quy định của EU theo hệ thống REX thì mới được tự chứng nhận xuất xứ. Hệ thống REX là hệ thống chứng nhận xuất xứ (Registered Exporter) của EU, được sử dụng để nhà xuất khẩu EU đăng ký, qua đó có thể tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa của mình. Mỗi nhà xuất khẩu đăng ký và được Hệ thống này xác nhận sẽ được cấp một mã số riêng (gọi là mã số REX).

- Đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam: Việt Nam áp dụng cả cơ chế cấp C/O truyền thống và tự chứng nhận xuất xứ. Cách thức áp dụng thủ tục tự chứng nhận xuất xứ thay đổi theo giá trị của lô hàng. Cụ thể, với lô hàng có trị giá không vượt quá 6.000 Euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào của Việt Nam cũng có thể tự chứng nhận xuất xứ. Ngược lại, với lô hàng có giá trị trên 6.000 Euro, Việt Nam bảo lưu vẫn tiếp tục áp dụng cơ chế chứng nhận xuất xứ truyền thống (cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ). Việt Nam có thể lựa chọn áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ khi phù hợp và sẽ thông báo trước cho EU.

- Đối với hàng hóa quá cảnh qua nước thứ ba: Theo EVFTA, trong trường hợp quá cảnh qua và chia nhỏ lô hàng tại nước thứ ba ngoài Việt Nam và EU, hàng hóa đó vẫn có thể được chứng nhận xuất xứ theo Hiệp định. Điều kiện để đáp ứng thủ tục này là nhà nhập khẩu phải xuất trình bộ hồ sơ chứng minh hàng hóa vẫn nằm trong sự kiểm soát của hải quan nước thứ ba và không bị thay đổi xuất xứ.

So sánh quy tắc xuất xứ hàng dệt may với các FTA thế hệ mới

(i) Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP (hiệu lực từ ngày 01/01/2022) giữa các nước ASEAN và 5 quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand đã tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu. Hiệp định các cam kết cắt giảm thuế quan, quy tắc xuất xứ cộng gộp và các biện pháp thông quan hàng hóa và thuận lợi hóa thương mại sẽ có lợi cho mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các nước thành viên trong thương mại hàng dệt may. Hiệp định giữa 15 nước chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu và khoảng 20% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới, chiếm tỷ trọng 60% tại Mỹ và 32% tại EU tính theo giá trị nhập khẩu may mặc. Với RCEP, Việt Nam có thể nhập vải bất cứ đâu, chỉ cần cắt may tại Việt Nam (chuyển đổi chương sản phẩm) là có thể được hưởng ưu đãi thuế từ hiệp định. So với RCEP, quy tắc xuất xứ ngành dệt may của EVFTA ở mức độ khó hơn, hàng hóa phải được làm từ vải có xuất xứ của Việt Nam. Về hình thức, Tự chứng nhận xuất xứ bởi nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất bất kỳ, tất cả các nước thành viên RCEP đều có bảo lưu về lộ trình thực hiện hình thức tự chứng nhận xuất xứ này. Việt Nam bảo lưu chỉ bắt đầu thực hiện cơ chế này trong vòng 10 năm kể từ ngày RCEP có hiệu lực, và có thể gia hạn thêm tối đa không quá 10 năm nữa.

(ii) Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) (hiệu lực từ ngày 14/01/2019) tạo cơ hội cho sản phẩm dệt may Việt Nam tiếp cận các thị trường mà Việt Nam hiện nay chưa có FTA trước CPTPP, như: Canada, Mexico, Peru; đồng thời, gia tăng cơ hội xuất khẩu đến các thị trường xuất khẩu truyền thống thành viên của hiệp định này, như: Nhật Bản, Úc, Malaysia. Bên cạnh các cam kết về thuế quan và các thủ tục xuất - nhập khẩu còn có các cam kết về quy tắc, thể chế, minh bạch hóa, chống tham nhũng, các quy định tạo môi trường kinh doanh thuận lợi như mở cửa thị trường dịch vụ (ngân hàng, bảo hiểm, logistics...) giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Ngoài ra, CPTPP còn tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài, đây là cơ hội để phát triển mảng công nghiệp phụ trợ ngành dệt may Việt Nam. Quy tắc xuất xứ hàng dệt may trong CPTPP thể hiện mức độ khó cao nhất khi áp dụng quy tắc ba công đoạn “từ sợi trở đi – yarn forward” có nghĩa là tất cả các công đoạn sản xuất hàng dệt may từ sợi trở đi, bao gồm: (i) Kéo sợi, dệt và nhuộm vải; (ii) Cắt và (iii) May quần áo phải được sản xuất trong phạm vi khu vực CPTPP. Bên cạnh quy tắc chung, thì CPTPP cũng đưa ra một số ngoại lệ và linh hoạt đối với quy tắc xuất xứ yarn forward, như: nguyên tắc tỷ lệ tối thiểu (khối lượng các nguyên liệu sợi không đáp ứng chuyển đổi mã số HS không vượt quá 10% tổng khối lượng của sản phẩm), các mã nguyên liệu thuộc danh mục nguồn cung thiếu hụt (gồm: danh mục thường xuyên và danh mục tạm thời). Đây là các sản phẩm mà nguồn cung từ các nước thành viên CPTPP thiếu hụt gồm 187 loại sợi, vải được phép sử dụng từ ngoài khu vực CPTPP; trong đó, 179 loại nguyên liệu sẽ được áp dụng vĩnh viễn và 8 mặt hàng chỉ được áp dụng cơ chế này trong 5 năm và do đó có thể được cung cấp bởi các nước ngoài khối CPTPP mà vẫn được hưởng ưu đãi thuế. Mô hình tự chứng nhận xuất xứ trong CPTPP được cho là dựa trên thông lệ cho phép nhà xuất khẩu, nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ. So với CPTPP, những chủ thể có thể thực hiện tự chứng nhận xuất xứ trong EVFTA hạn chế hơn: Hiệp định này chỉ cho phép nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ trong khi CPTPP cho phép tự chứng nhận xuất xứ có thể được tiến hành bởi nhà sản xuất, nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu.

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CỦA NGÀNH DỆT MAY VIỆT NAM TRONG VIỆC ĐẢM BẢO QUY TẮC XUẤT XỨ KHI THAM GIA EVFTA

Cơ hội

EU là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn thứ hai của Việt Nam đạt 4,46 tỷ USD (chiếm 11,9%); sau Hoa Kỳ (17,36 tỷ USD chiếm 46,2%); lớn hơn Nhật Bản (4,07 tỷ USD chiếm 10,8%); Hàn Quốc (3,31 tỷ USD chiếm 8,8%). Việt Nam xuất siêu mặt hàng dệt may sang EU (Tổng cục Hải quan, 2022).

Bảng 1: Tương quan xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang EU giai đoạn 2018-2022

2018

2019

2020

2021

2022

Kim ngạch xuất khẩu may mặc sang EU (tỷ USD)

3,33

3,48

3,07

3,7

4,46

Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (%)

10,93

10,81

10,47

9,48

11,9

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu may mặc trung bình của Việt Nam sang EU trong 5 năm qua đạt gần 9%, nhưng tỷ trọng xuất khẩu dệt may vào EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu trên toàn thế giới của Việt Nam những năm qua giảm từ 10,93% năm 2018 xuống 9,48% năm 2021 và tăng mạnh mẽ năm 2022 với 11,9%.

Thuế suất cơ sở đối với hàng may mặc là 12%. Trong số các quốc gia đang phát triển xuất khẩu sản phẩm dệt may sang thị trường EU, thì các quốc gia, như: Bangladesh, Campuchia hay Pakistan đều có lợi thế vượt trội về ưu đãi thuế nhập khẩu so với Việt Nam khi xuất khẩu vào EU. Đặc biệt là Bangladesh và Campuchia được hưởng chế độ miễn thuế nhập khẩu theo chương trình EBA và Pakistan, thì được miễn thuế nhập khẩu theo “Chương trình GSP+”. Còn Việt Nam chỉ được hưởng “GSP tiêu chuẩn - Standard GSP” ở mức 9,6%. Với EVFTA, 100% các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau tối đa 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Như vậy, lợi thế cạnh tranh về thuế của các quốc gia cạnh tranh, như: Bangladesh, Campuchia, Pakistan sẽ không còn trong thời gian tới (Bộ Công Thương, 2021).

Thách thức của ngành dệt may Việt Nam trong việc đảm bảo quy tắc xuất xứ khi tham gia EVFTA

EVFTA đặt ngành dệt may Việt Nam trước không ít thách thức, đặc biệt là quy định quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi” của Hiệp định. Theo đó, để được hưởng thuế suất nhập khẩu theo quy định, sản phẩm vải của Việt Nam cần phải được dệt tại Việt Nam hoặc EU và được cắt may tại Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện nay, quy tắc xuất xứ hai công đoạn yêu cầu “từ vải trở đi” được đánh giá là chặt chẽ hơn nhiều so với Hiệp định ATIGA hay Hiệp định RCEP mà Việt Nam đang tham gia. Có thể nói, EVFTA đã đánh trúng vào điểm yếu của ngành may mặc Việt Nam. Bởi sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt may chưa bao giờ là thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam. Cho đến hiện nay, ngành dệt may vẫn chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu. Điển hình, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam đạt hơn 39 tỷ USD, nhưng nhập khẩu nguyên phụ liệu chiếm tới 22,36 tỷ USD (Bộ Công Thương, 2020). Điều này cũng phản ánh sự mất cân đối trong chuỗi toàn cầu khi doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ yếu tham gia vào công đoạn cắt may thuê là chủ yếu.

Mặc dù EU đã dành cho Việt Nam cơ chế linh hoạt đối với quy tắc hai công đoạn này đó là cho phép các nhà sản xuất Việt Nam được sử dụng vải nhập khẩu từ một nước thứ ba đã có FTA với EU, chẳng hạn là Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc Canada. Tuy nhiên, giá vải từ các nước này không hề rẻ (cao hơn nhiều so với vải nhập khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan). Thậm chí, ngay cả khi thuế suất về 0%, thì việc nhập khẩu vải từ Hàn Quốc cũng không đạt hiệu quả kinh tế (Nhung, 2021). Điều này khiến các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam gặp trở ngại trong việc tận dụng thuế suất ưu đãi. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu vải từ Hàn Quốc, thì chủng loại cũng không phong phú, điều này gây suy giảm sức cạnh tranh của sản phẩm từ giá của Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nguồn cung để có thể tận dụng được những ưu đãi từ EVFTA mang lại.

ĐỀ XUẤT MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Từ các thách thức đã được phân tích như trên, tác giả đề xuất một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp dệt may cần chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu đặc biệt là nguyên phụ liệu chất lượng cao và thân thiện với môi trường. Với các tiêu chuẩn khắt khe về nguồn gốc, các doanh nghiệp dệt may cần trọng tâm xây dựng các nhà xưởng, máy móc để chủ động nguồn nguyên phụ liệu ngay trong nước để hạn chế việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ bên ngoài. Nhằm khắc phục vấn đề này, các doanh nghiệp dệt may cần đẩy mạnh đầu tư để hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất; đặc biệt, hướng tới xây dựng các nhà máy lớn, với dây chuyền sản xuất hiện đại, thay vì phát triển nhỏ lẻ gia tăng ký các hợp đồng FOB để nới rộng biên lợi nhuận.

Thứ hai, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần chủ động cập nhật thông tin về quy tắc xuất xứ khi tham gia EVFTA. Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA không chỉ có thêm quy định mới mà cách diễn đạt các tiêu chí xuất xứ cũng khác so với các Hiệp định mà Việt Nam đang tham gia. Chẳng hạn, việc áp dụng hạn mức linh hoạt cho sản phẩm dệt may trong EVFTA được thể hiện qua chú giải cuối trang tại danh mục Quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR). Hơn nữa, chỉ có những dòng hàng có ghi chú cuối trang về hạn mức linh hoạt mới được phép áp dụng, không tự động áp dụng cho toàn bộ nguyên liệu và sản phẩm dệt may như một số FTA khác. Do vậy, để có thể áp dụng một cách chuẩn xác, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần phải hiểu rõ và hiểu đúng quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA.

Thêm vào đó, Chính phủ cần chú trọng và quy hoạch vùng trồng tơ, sợi, bông cũng như cải tiến thủ tục xuất nhập khẩu tơ, sợi, bông từ nước ngoài. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện cho quá trình sản xuất và xuất khẩu ngành dệt may đơn giản, thuận tiện hơn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Ngoài ra Nhà nước cũng cần chú trọng đến chương trình xanh hóa ngành dệt may Việt Nam để đảm bảo được các vấn đề về môi trường được nêu trong thỏa thuận của EVFTA. Như vậy, sẽ giúp ngành dệt may của Việt Nam nhanh chóng đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của EU./.

Trương Thị Huyền Trang - Trường Đại học FPT Cần Thơ

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 16 - tháng 6/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Công Thương (2020), Thông tin xuất khẩu vào thị trường EU ngành dệt may, Nxb Công Thương.

2. Bộ Công Thương (2021), Chuyên san EVFTA với thương mại Việt Nam, chuyên ngành: dệt may – giày dép.

3. Ngô Dương Minh (2018), Những rào cản đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị dệt may toàn cầu, Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng số 190-tháng 3, 2018

4. Tố Uyên (2020), Linh hoạt tận dụng EVFTA -GSP: Chìa khóa để xuất khẩu EU bứt phá, truy cập từ https://thoibaotaichinhvietnam.vn/linh-hoat-tan-dung-evfta-gsp-chia-khoa-de-xuat-khau-eu-but-pha-17450.html.

5. Tổng cục Hải quan (2022), Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2022.

6. Vũ Thị Nhung (2022), Một số vấn đề đặt ra đối với xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam hai năm thực hiện Hiệp định EVFTA, Hội thảo khoa học “Hai năm thực hiện Hiệp định EVFTA: Tác động kinh tế - xã hội và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam”, Hà Nội, ngày 04/8/2022.