Từ khóa: xuất khẩu, nông sản, EVFTA, thị trường EU

Summary

After the European Union (EU) - Vietnam Free Trade Agreement (EVFTA) took effect on August 1, 2020, Vietnam's export turnover to the EU's key markets witnessed a strong growth. However, as the EU is a fastidious market for agricultural products, Vietnam need to overcome the shortcomings related to rules of origin, quality of agricultural products and so on to promote exports to this market. Some solutions proposed by the author include technology development in agricultural production and processing, human resource development, capital mobilization support and trade promotion activities.

Keywords: export, agricultural products, EVFTA, EU market

GIỚI THIỆU

Nông sản luôn là một mặt hàng có vị trí quan trong trong thương mại toàn cầu và là mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế xuất khẩu. EVFTA được ký kết năm 2016 và có hiệu lực vào ngày 01/8/2020 mở ra những cơ hội lớn nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường EU. Tuy nhiên, EU là thị trường thực sự khó tính, đặc biệt là đối với mặt hàng nông sản khi đưa ra quy định rất chặt chẽ về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm hay quy tắc xuất xứ. Vì vậy, việc đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường EU, phân tích thực trạng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sau khi EVFTA có hiệu lực và từ đó đề xuất các giải pháp, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường EU là rất cần thiết.

CÁC QUY ĐỊNH CỦA EVFTA LIÊN QUAN ĐẾN HÀNG NÔNG SẢN

EVFTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo. Đối với từng nội dung cụ thể, Hiệp định quy định các vấn đề liên quan đến hàng nông sản như sau:

Thương mại hàng hóa: EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết mở cửa cho Việt Nam theo hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Quy tắc xuất xứ: Hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ tại một Bên (Việt Nam hoặc EU) nếu đáp ứng được một trong các yêu cầu mà hai bên đã thống nhất: Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của Bên xuất khẩu; Không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của Bên xuất khẩu nhưng đáp ứng được 1 số các yêu cầu trong Nghị định thư về quy tắc xuất xứ của sản phẩm và các biện pháp hợp tác hành chính.

Sở hữu trí tuệ

- Phần sở hữu trí tuệ trong EVFTA gồm các cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan tới dược phẩm và chỉ dẫn địa lý... với mức bảo hộ cao hơn so với WTO, tuy nhiên các mức này về cơ bản phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam.

- Về chỉ dẫn địa lý, Việt Nam cam kết bảo hộ 160 chỉ dẫn địa lý của EU và EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm. Đây là điều kiện để một số chủng loại nông sản nổi bật của Việt Nam tiếp cận và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU.

Các cam kết về hàng rào phi thuế quan

- Rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT): Hai Bên thỏa thuận tăng cường thực hiện các quy tắc của Hiệp định về các Rào cản kỹ thuật (TBT) đối với thương mại của WTO, trong đó Việt Nam cam kết tăng cường sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong ban hành các quy định về TBT của

mình. Chương TBT bao gồm các quy định cơ bản liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp, hợp tác, tham vấn... Ngoài ra, Chương TBT còn bao gồm các điều khoản mới (chưa có trong các FTA khác), như: hậu kiểm, ghi dấu và ghi nhãn.

- Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS):

+ Tất cả các sản phẩm có nguồn gốc động vật xuất khẩu sang EU đều bị kiểm tra tại các chốt kiểm soát ở biên giới theo hình thức kiểm tra ngẫu nhiên khoảng 10% số lượng lô hàng. Tuy nhiên, nếu một lô hàng bị phát hiện có vấn đề về vệ sinh dịch tễ thì 10 lô hàng tiếp theo sẽ bị kiểm tra toàn bộ một cách kỹ lưỡng.

+ Với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, nước xuất khẩu phải tuân thủ các quy định SPS của EU trong quá trình nuôi trồng sản xuất. Hàng xuất khẩu sang EU tuy không bị kiểm tra nghiêm ngặt như sản phẩm có nguồn gốc từ động vật nhưng cũng sẽ bị kiểm tra ngẫu nhiên bởi các nước thành viên trong quá trình nhập cảnh hoặc sau khi được bán ra thị trường.

+ EU cũng duy trì một hệ thống cảnh báo nhanh, chỉ cần một lô hàng có vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm thì ngay lập tức sẽ được thông báo trong toàn bộ EU và hàng hóa đó sẽ không thể tiếp tục lưu hành trong khu vực.

- Các biện pháp phi thuế quan khác: Hiệp định cũng bao gồm các cam kết theo hướng giảm bớt hàng rào thuế quan khác (các biện pháp phòng vệ thương mại; cơ chế giải quyết tranh chấp; thủ tục hải quan…) nhằm tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai bên.

ĐÁNH GIÁ THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN CỦA VIỆT NAM KHI XUẤT KHẨU NÔNG SẢN SANG THỊ TRƯỜNG EU

Thuận lợi

Điều kiện tự nhiên thuận lợi: Việt Nam có điều kiện thuận lợi về khí hậu (nhiệt đới ở phía Nam và á nhiệt đới ở phía Bắc). Diện tích nông nghiệp lớn thích hợp cho việc sản xuất nông sản, đặc biệt là trồng trọt cà phê, hồ tiêu, lúa gạo và canh tác rau quả. Do vậy, nông sản của Việt Nam, đặc biệt trái cây của Việt Nam không chỉ đa dạng về chủng loại mà mùa nào cũng có những sản phẩm đặc trưng.

Tiềm năng sản xuất cao: Hiện nay, Việt Nam đang nằm trong nhóm nước đứng đầu về sản xuất và xuất khẩu cà phê, hồ tiêu và gạo. Sản lượng cà phê, hồ tiêu và gạo hàng năm tương đối ổn định với năng suất cao. Trái cây Việt Nam cũng đang dần khẳng định được vị trí trên thị trường thế giới. Hơn nữa, nông dân Việt Nam còn có kinh nghiệm lâu năm trong việc trồng trọt và sản xuất các mặt hàng nông sản, đặc biệt là rau quả.

Nguồn cung lao động dồi dào, chi phí lao động thấp: Việt Nam có dân số trên 100 triệu người với lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2022 đạt 51,7 triệu người, cao hơn 1,1 triệu người so với năm trước (Tổng cục Thống kê, 2023). Chi phí lao động nông nghiệp tương đối thấp. Lợi thế nhân công rẻ giúp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh về giá.

Sự phát triển của cầu trong nước đối với nông sản chất lượng cao: Sự khắt khe của cầu trong nước và cầu thế giới sẽ là yếu tố có tác động thúc đẩy và sàng lọc, từ đó cải tiến chất lượng nông sản và năng lực cạnh tranh ở tầm quốc gia, tác động tích cực tới hoạt động xuất khẩu của nông sản Việt Nam.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp đã có những chính sách hỗ trợ và được sự quan tâm của Nhà nước: Mặc dù, quy mô đầu tư chưa cao nhưng phát triển nông nghiệp luôn là một lĩnh vực được Nhà nước quan tâm và trăn trở. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, thuỷ lợi, giao thông… góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, từng bước thay đổi bộ mặt của nông thôn. Đồng thời, khu vực nông nghiệp cũng được tiếp cận nhiều nguồn tín dụng ưu đãi theo chủ trương của Nhà nước.

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nhanh chóng, hoạt động xúc tiến thương mại ngày càng được quan tâm: Kể từ sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1990 đến nay, các hoạt động hợp tác kinh tế quốc tế giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu cũng như các nước trong khối luôn được Chính phủ các bên quan tâm. Hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh giúp các doanh nghiệp bám sát thị trường, quảng bá hàng hóa và năng lực của mình, hiểu rõ và có thêm đối tác, nâng cao chất lượng hàng hóa.

Khó khăn

Quy mô chế biến nông sản chủ yếu vẫn nhỏ lẻ, lạc hậu, tự phát: Nông sản Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng hoa quả và rau củ, đa phần là nhỏ lẻ, phân tán, không theo quy hoạch nên quản lý và đầu tư phát triển hạ tầng khó khăn. Ngoài ra, vai trò vĩ mô của các cơ quan chức năng trong hoạt động quy hoạch sản xuất còn yếu. Thiếu các vùng quy hoạch cây trồng khiến nông sản thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa rớt giá. Bản đồ vùng trồng rau quả manh mún còn khiến việc áp dụng quy trình sản xuất GlobalGAP - một tiêu chuẩn đến nay được coi là tối thiểu đối với rau quả nhập khẩu vào thị trường EU còn gặp nhiều trở ngại.

Sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn yếu: Tính liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp còn yếu, dễ đổ vỡ là một trong những rào cản lớn khiến xuất khẩu nông sản sang EU gặp khó khăn. Người nông dân cung cấp nguyên liệu, và doanh nghiệp đầu tư công nghệ để chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên, các vùng nguyên liệu nông sản lại xa nhà máy chế biến, chi phí vận chuyển lớn, nguyên liệu không đảm bảo các yêu cầu chất lượng nên không thể chế biến xuất khẩu được.

Chất lượng nông sản thấp và không đồng đều: Đặc điểm sản xuất nhỏ và tự phát, lại thiếu tính liên kết với doanh nghiệp dẫn đến chất lượng nông sản của Việt Nam còn thấp. Người nông dân cũng chưa được hướng dẫn kỹ về các biện pháp xử lý trong trồng trọt và chăn nuôi. Khu vực trồng rau quả rải rác, phân tán, khó xử lý kỹ thuật; thu hoạch chưa đồng loạt, sản phẩm không đồng đều, gây khó khăn cho việc chế biến, xuất khẩu sang thị trường vô cùng khó tính như EU.

Phương tiện cất trữ và dịch vụ thương mại kém: Công nghệ sau thu hoạch của Việt Nam còn rất kém và đã có rất ít tiến bộ kỹ thuật về lĩnh vực này được chuyển giao đến nông dân. Việc thu hái, sơ chế bảo quản vẫn tiến hành thủ công là chính, công nghệ bảo quản và phương tiện vận chuyển còn thiếu, lạc hậu dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, giá thành cao, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lên tới 40% (Lê Phượng, Hữu Thành, 2021). Về vận chuyển, Việt Nam vẫn còn thiếu các thiết bị vận chuyển lạnh như tàu lạnh hoặc container có thiết bị làm lạnh nên đã ảnh hưởng không ít tới khả năng xuất khẩu khối lượng lớn đến thị trường EU. Ngoài ra, vẫn còn hiện tượng sử dụng các hóa chất độc hại, không rõ nguồn gốc trong chế biến, bảo quản rau quả tươi.

Thiếu kỹ năng thương mại và quảng cáo: Khâu tổ chức, sản xuất chế biến, tiếp thị sản phẩm của xuất khẩu nông sản còn yếu, đặc biệt là đối với mặt hàng rau quả. Việt Nam có nhiều chủng loại rau quả có chất lượng cao, có thương hiệu, rất nổi tiếng trong nước, nhưng chưa được thị trường thế giới biết đến. Thông tin thì trường chưa được nghiên cứu kỹ, chưa cập nhật về chủng loại, thị trường, thời gian cung ứng, đối thủ cạnh tranh trên thế giới, các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng… Chính vì vậy, việc điều tiết sản xuất gặp nhiều khó khăn và thiếu tính định hướng.

THỰC TRẠNG XUẤT KHẨU NÔNG SẢN CỦA VIỆT NAM SANG EU SAU KHI EVFTA CÓ HIỆU LỰC

Kết quả đạt được

Theo Theo Báo cáo của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, năm 2022, Việt Nam kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường EU đạt 3,8 tỷ USD, trong khi nhập khẩu 936,3 triệu USD, tăng 17,7% về xuất khẩu và 15,1% về nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2021. Tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam xuất khẩu sang EU so với năm 2021 như sau: Cà phê (tăng 42,1%); gạo (tăng 63,9%); gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 8,3%); hàng rau quả (tăng 20,2%); hàng thủy sản (tăng 32,9%); hạt điều (giảm 17,3%); hạt tiêu (giảm 0,6%), mây, tre, cói và thảm (giảm 2,3%); và sản phẩm từ cao su (giảm 24,9%); cao su (giảm 33,3%); chè (giảm 38,7%) (Nguyễn Hạnh, 2022).

Về thị trường xuất khẩu sang các nước thành viên EU, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang các thị trường chủ lực của Việt Nam tại khu vực EU đều tăng trưởng tích cực hoặc chỉ giảm nhẹ: Đức (chiếm 28,8% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam sang EU, đạt 641 triệu USD), Hà Lan (chiếm 22,5%, đạt 500 triệu USD), Italy (chiếm 12,8%, đạt 285 triệu USD), Tây Ban Nha (chiếm 9%, đạt 202 triệu USD) (Bộ Công Thương, 2022).

Những vấn đề đặt ra

Mặc dù ngành nông sản Việt Nam đã tận dụng được nhiều lợi thế trong xuất khẩu nông sản sang châu Âu từ việc tham gia vào EVFTA, nhưng kim ngạch xuất khẩu sang khu vực này nhìn chung còn thấp. Theo đó, nếu so sánh về thị trường xuất khẩu nông sản, năm 2022, châu Á vẫn chiếm đến 44,7% thị phần, trong khi đó, thị trường chất lượng cao và quan trọng như châu Âu chỉ chiếm 11,3% thị phần (Tiến Anh, 2023). Bên cạnh đó, một số ngành hàng nông sản như: chè, rau quả… vẫn vấp phải những hạn chế do dư tồn thuốc bảo vệ thực vật, thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế.

Một trong những nguyên nhân chính là thị trường EU có điều kiện, tiêu chuẩn rất cao về hàng hóa nông sản nhập khẩu. Theo đó, quy tắc xuất xứ đối với hàng nông sản trong EVFTA tương đối nghiêm ngặt. EVFTA hướng tới mức độ xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và kim ngạch thương mại của hai bên. Tuy nhiên, để được hưởng mức ưu đãi thuế quan lý tưởng này, yếu tố then chốt là hàng hóa phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ. Nhìn chung, quy tắc xuất xứ đối với hàng nông nghiệp nói chung, hàng nông sản nói riêng trong EVFTA chặt chẽ hơn so với các FTA mà Việt Nam đang tham gia.

Ngoài các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, hiện EU đang thảo luận về một "Thỏa thuận Xanh" nhằm giảm sự rò rỉ các-bon do việc nhập khẩu nông sản từ các quốc gia có hệ thống sản xuất sử dụng nhiều các-bon. Do đó, việc tiếp cận thị trường EU của các quốc gia xuất khẩu nông sản chắc chắn sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững cao hơn.

Tuy nhiên, hiện nay các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn chưa tiếp cận hiệu quả với các yêu cầu tăng trưởng xanh. Theo Báo cáo "Hướng tới sản xuất nông nghiệp xanh ở Việt Nam" của Ngân hàng Thế giới (WB), thì nông nghiệp là một nhân tố lớn góp phần vào việc phát thải khí nhà kính ở Việt Nam. Đây là lĩnh vực phát thải cao thứ hai, chiếm khoảng 19% tổng lượng phát thải quốc gia (vào năm 2020). Khoảng 48% lượng khí thải của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí mê-tan phát ra từ sản xuất lúa gạo (Tiến Anh, 2023).

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Nhằm tận dụng có hiệu quả EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường này, theo tác giả, cần thực hiện các giải pháp sau:

Giải pháp về công nghệ và quản lý chất lượng

- Đẩy mạnh áp dụng khoa học và công nghệ từ khâu nghiên cứu phát triển giống mới, công nghệ trong việc thu gom, phân phối nông sản. Đặc biệt, cần nghiên cứu tăng cường nhập khẩu công nghệ nguồn từ EU nhằm đảm bảo hàng nông sản Việt Nam đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu vào thị trường EU.

- Nhà nước cần đảm bảo ưu tiên vốn đầu tư ngân sách cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), chuyển giao khoa học và công nghệ để có thể đưa các công nghệ mới, công nghệ sạch ứng dụng vào thực tiễn sản xuất nông sản.

- Tăng cường hướng dẫn nông dân ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong các lĩnh vực: sản xuất giống, công nghệ sản xuất; tổ chức điều tra, lập các thiết kế mẫu, hướng dẫn nông dân kỹ thuật và xây dựng vùng chuyên canh đúng tiêu chuẩn, phù hợp với các điều kiện tự nhiên của từng khu vực.

Giải pháp về nhân lực

- Tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt là nhân lực có năng lực kỹ thuật và marketing. Đảm bảo các nhân lực có năng lực để có thể hỗ trợ và hợp tác hiệu quả với người nông dân trong hoạt động sản xuất, kiểm định chất lượng và xuất khẩu nông sản.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo nhằm thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp của nông dân.

Giải pháp về vốn và huy động vốn

- Phát triển dịch vụ cho thuê tài chính gắn liền với tư vấn công nghệ và có các chính sách ưu đãi về dịch vụ này đối với sản xuất nông nghiệp; qua đó, giúp người nông dân tiếp cận được máy móc công nghệ tiên tiến với kế hoạch tài chính hợp lý.

- Từ các cam kết ưu đãi đầu tư của EVFTA, xây dựng cơ chế thuận lợi thu hút FDI từ các nhà đầu tư EU tham gia vào quá trình sản xuất hàng nông sản xuất khẩu cũng như vào các hoạt động hỗ trợ xuất khẩu tại Việt Nam.

Giải pháp xúc tiến thương mại

Do các mặt hàng giao thương giữa Việt Nam với EU không tương đồng, không cạnh tranh nên tạo rất nhiều thuận lợi cho hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) giữa hai bên. Vì vậy, công tác XTTM nên tập trung vào việc ưu tiên xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu vào EU; tăng cường dự báo thị trường, cung cấp thông tin hai chiều về XTTM, các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, cảnh báo về rào cản thương mại. Chủ động phòng tránh và tập trung giải quyết có hiệu quả các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu./.

ThS. Đỗ Minh Thu - Học viện Ngân hàng

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 17, tháng 6/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đặng Thị Huyền Anh, Đỗ Minh Thu, Trần Thị Lan, Đào Đình Minh (2017), Hiệp định EU-Vietnam FTA và những vấn đề đặt ra đối với xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường EU, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân, số ISBN: 978-604-946-308-2.

2. Lê Phượng, Hữu Thành (2021), Công nghệ bảo quản nông sản không dùng hóa chất, truy cập từ https://vtv.vn/kinh-te/cong-nghe-bao-quan-nong-san-khong-dung-hoa-chat-2021052514563058.htm.

3. Nguyễn Hạnh (2022), Xuất khẩu nông sản sang thị trường EU đối diện với thách thức mới, truy cập từ https://congthuong.vn/xuat-khau-nong-san-sang-thi-truong-eu-doi-dien-voi-thach-thuc-moi-231882.html.

4. Tiến Anh (2023), Sức ép "Tăng trưởng xanh" với xuất khẩu nông sản vào EU, truy cập từ https://nhandan.vn/suc-ep-tang-truong-xanh-voi-xuat-khau-nong-san-vao-eu-post736749.html.

5. Tổng cục Thống kê (2023), Thông cáo báo chí Tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2022.