Nhìn lại 3 năm thực thi: EVFTA đã phát huy vai trò thúc đẩy cải cách thể chế
Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức tài trợ thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức - GIZ, ngày 27/10/2023, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức
TS. Trần Thị Hồng Minh (trái) và ông Dennis Quennet, Cố vấn trưởng Chương trình Cải cách kinh tế vi mô/Tăng trưởng xanh chủ trì Hội thảo. Ảnh: CIEM |
Phát biểu khai mạc, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, Chính phủ và các cơ quan, viện nghiên cứu của Việt Nam đã đặc biệt lưu tâm đến tác động của EVFTA. Kết quả thực thi Hiệp định EVFTA đã được tổng kết, đánh giá định kỳ (sau một năm và hai năm).
“Dù vậy, ngay cả khi tập trung vào các đánh giá định tính, các báo cáo đến nay chưa đạt được độ sâu cần thiết. Nguyên nhân một phần là do việc thực hiện EVFTA trong thời gian tương đối ngắn chưa đủ để dẫn tới những thay đổi đủ sâu rộng trong cơ cấu sản xuất-xuất khẩu của doanh nghiệp và hành vi tiêu dùng của người dân, hộ gia đình. Bên cạnh đó, việc tách rời tác động của EVFTA với tác động của các diễn biến, xu hướng địa chính trị, kinh tế trên thế giới trong các năm 2020-2022 là không dễ”, TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.
EVFTA đã góp phần tạo điều kiện cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào EU phục hồi mạnh mẽ
Chia sẻ tại buổi hội thảo, ông Dennis Quennet, Cố vấn trưởng Chương trình Cải cách kinh tế vi mô/Tăng trưởng xanh nhấn mạnh, EVFTA đã tác động đến tất cả các thành phần trong nền kinh tế từ nhà nước đến cơ quan, thúc đẩy nền kinh tế xanh của Việt Nam.
Trình bày kết quả nghiên cứu đánh giá kết quả 3 năm thực thi EVFTA đối với kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho biết: EVFTA đã góp phần tạo điều kiện cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào EU phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt trong 2 năm đầu.
|
EVFTA đã góp phần tạo điều kiện cho xuất khẩu vào EU phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt trong hai năm đầu. EVFTA cũng giúp cho Việt Nam tăng cường nhập khẩu thiết bị máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại góp phần cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, giúp tiêu chuẩn các sản phẩm tăng cao hơn và tăng khả năng gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới.
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhìn chung đã cải thiện khả năng đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của thị trường EU ngay sau khi EVFTA đi vào thực thi.
Đối với đầu tư nước ngoài, tác động với dòng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam cũng cho thấy những cải thiện rõ rệt xét trong tổng thể kết quả thu hút FDI của Việt Nam.Với nhiều ưu đãi thuế quan và gỡ bỏ các hạn chế tiếp cận thị trường trong nhiều lĩnh vực, EVFTA đã mở rộng cửa cho các nhà đầu tư EU tiếp cận và mở rộng đầu tư ở Việt Nam.
Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, nhưng đầu tư từ EU vào Việt Nam ít nhiều đã tăng sau đại dịch. Hà Lan, Pháp, Luxembough, Đức, Đan Mạch, Bỉ lần lượt là sáu nhà đầu tư hàng đầu của EU vào Việt Nam.
Từ góc độ thể chế, ông Dương cho biết, EVFTA đã phát huy vai trò thúc đẩy cải cách thể chế. Kết quả phân tích cho thấy các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững, dịch vụ tài chính và mua sắm công đều có nhiều điều chỉnh về các thể chế, văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống pháp luật Việt Nam phần lớn đã tương thích với các cam kết trong EVFTA.
"Tiến độ chuẩn bị một số văn bản quy phạm pháp luật để triển khai EVFTA có phần nhanh hơn so với CPTPP, có thể do đã rút kinh nghiệm từ quá trình tổ chức thực thi CPTPP", ông Dương nhận định.
Vẫn còn nhiều vấn đề trong 3 năm thực thi EVFTA
Ông Nguyễn Anh Dương chỉ rõ, EVFTA đã góp phần tạo điều kiện cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào EU phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt trong 2 năm đầu. Tuy nhiên, sang năm thứ 3, thì tác động đối với xuát khẩu vào EU có phần kém tích cực hơn, có thể do kinh tế thế giới nói chung và kinh tế EU nói riêng gặp những khó khăn do nhiều yếu tố (xung đột chính trị; xung đột Nga-Ukraine; tăng giá hàng hóa trên thị trường và áp lực lạm phát; lãi suất điều hành và các quy định đối với nhập khẩu có xu hướng gia tăng ở thị trường EU…).
Toàn cảnh Hội thảo |
Cơ cấu xuất khẩu sang EU trong giai đoạn 2017-2021 vẫn dịch chuyển theo hướng giảm các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Hoạt động xuất khẩu sang thị trường này vẫn thấp hơn kỳ vọng, cho thấy tiềm năng để gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU vẫn còn rất lớn.
Ở chiều ngược lại, tác động của EVFTA đối với tăng trưởng nhập khẩu từ EU có phần kém rõ ràng hơn so với tăng trưởng xất khẩu vào EU.
Về thu hút FDI, nếu so sánh vốn đăng ký lũy kế tại thời điểm cuối tháng 7/2023 với vốn đăng ký lũy kế tại thời điểm 7/2020 thì có thể thấy tác động của EVFTA đối với thu hút vốn FDI từ EU còn tương đối khiêm tốn.
Về thể chế, ông Dương cũng chỉ rõ, Việt Nam cần cân nhắc cách tiếp cận đối với một số cam kết trong một số lĩnh vực, tránh nội luật hóa một cách quá cứng nhắc và ảnh hưởng đến khả năng thích ứng của thị trường trong nước trước các diễn biến, bối cảnh mới.
Cân nhắc một số điều chỉnh chính sách cao hơn cam kết nếu thực sự cần thiết và phù hợp với bối cảnh mới
Để khai thác tối đa lợi ích từ Hiệp định EVFTA trong bối cảnh cải cách thể chế kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam, thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Dương đã đưa ra các khuyến nghị cụ thể.
Đó là rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình thực thi nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán các cam kết, trong đó có cân nhắc thực hiện một số điều chỉnh chính sách cao hơn cam kết nếu thực sự cần thiết và phù hợp với bối cảnh mới.
Tăng cường sự phối hợp đồng bộ từ Trung ương tới địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về các hiệp định thương mại tự do đến các khối doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế; tăng cường và đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, định hướng thị trường xuất khẩu nhằm tận dụng cơ hội từ EVFTA;
Rà soát, đơn giản hóa các quy định, thủ tục về cấp giấy chứng nhận C/O cho doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường đối tác; chủ động nghiên cứu các nội dung liên quan đến cải cách cơ cấu nhằm hỗ trợ thực thi EVFTA…/.
Bình luận