Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 34/2015/QĐ-TTg ban hành Danh mục các chương trình, dự án ưu tiên được xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ.

Quyết định số 34/2015/QĐ-TTg được ban hành thay thế cho Quyết định số 44/2011/QĐ-TTg, ngày 18/08/2011 theo nguyên tắc thắt chặt hơn các chương trình, dự án ưu tiên được xem xét cấp bảo lãnh chính phủ.

Bộ Tài chính cho biết, sau gần 5 năm thực hiện, Quyết định 44 về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp huy động một lượng vốn lớn từ các ngân hàng nước ngoài, với thời hạn dài cho đầu tư phát triển trong bối cảnh nguồn vốn trong nước còn hạn chế.

Báo cáo từ Bộ Tài chính cũng cho biết, hàng năm, số vốn huy động đề nghị cấp bảo lãnh trung bình vào khoảng 3 - 4 tỷ USD cho tất cả các lĩnh vực được ưu tiên xem xét. Các dự án vay vốn với giá trị lớn có xu hướng ngày càng tăng, đặc biệt là các dự án đầu tư ngành điện và khai khoáng. Điều này có ảnh hưởng trực tiếp tới việc nợ công tăng nhanh trong vài năm gần đây, đồng nghĩa với tăng rủi ro cho NSNN về nghĩa vụ nợ dự phòng.

Các dự án trong lĩnh vực điện tiềm ẩn nhiều rủi ro do đầu tư quá nóng, một chủ đầu tư cùng lúc thực hiện nhiều dự án có tổng số vốn vay lớn, trong khi vốn chủ sở hữu rất hạn chế, trong một số trường hợp chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng vốn đầu tư.

Một số lĩnh vực quy định trong Quyết định 44 tương đối rộng, ví dụ lĩnh vực điện bao hàm cả những dự án thủy điện nhỏ có thể huy động vốn trong nước theo kênh thông thường. Một số lĩnh vực khác như đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục đào tạo, dạy nghề, mua sắm đầu máy toa xe đường sắt, các dự án sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm thay thế hàng nhập khẩu có thể đảm bảo trả nợ vay thương mại hầu như rất ít.

Song, điều đáng nói là trong 5 năm vừa qua không có dự án nào triển khai thực hiện.

Vì thế, Danh mục các chương trình, dự án ưu tiên được xem xét cấp bảo lãnh của Chính phủ theo Quyết định số 34/2015/QĐ-TTg đã được thu hẹp lại chỉ còn gồm:

1- Dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án trong lĩnh vực năng lượng, khai thác, chế biến khoáng sản hoặc sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ xuất khẩu phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đáp ứng các tiêu chí: Là dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công và thuộc lĩnh vực, địa bàn được Nhà nước khuyến khích đầu tư theo Luật đầu tư.

2- Chương trình, dự án trong lĩnh vực năng lượng, khai thác và chế biến khoáng sản thuộc nhóm A theo Luật Đầu tư công gồm Đầu tư hạ tầng điện lực, đầu tư xây dựng mới nhà máy điện, phân phối điện, truyền tải điện; đầu tư nhà máy lọc dầu.

3- Chương trình, dự án thuộc lĩnh vực được Nhà nước khuyến khích đầu tư, gồm: Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông (đường cao tốc) có tổng vốn đầu tư từ 10.000 tỷ đồng trở lên; Phát triển vận tải công cộng (Đầu tư mua máy bay theo chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

4- Các dự án đặc biệt do Chính phủ quyết định.

Quyết định trên nêu rõ, đối với những chương trình, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh trước ngày Quyết định có hiệu lực (ngày 30/9/2015) thì tiếp tục thực hiện trong vòng 6 tháng kể từ ngày Quyết định có hiệu lực.

Theo đánh giá từ Bộ Tài chính, việc ban hành quyết định mới thay thế Quyết định 44 sẽ là một cải cách trong công tác cấp bảo lãnh chính phủ, giúp thực hiện việc thắt chặt, tiến tới thu hẹp để tập trung hỗ trợ của Chính phủ cho các dự án trọng điểm trong các lĩnh vực thiết yếu của đất nước. Trên cơ sở đó, bảo lãnh chính phủ sẽ theo đúng tính chất là hỗ trợ về chính sách của Nhà nước cho những chương trình, dự án thực sự quan trọng./.