Ngày 10/10/2018, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đã tổ chức Hội nghị Đối thoại đối thoại cấp cao về biến đổi khí hậu.

Hội nghị Đối thoại đối thoại cấp cao về biến đổi khí hậu nhằm chia sẻ thông tin trong Báo cáo đặc biệt của IPCC về tác động khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C và các vấn đề liên quan đến phát thải khí nhà kính toàn cầu (gọi tắt là Báo cáo 1,5 độ C), cùng với nỗ lực của Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gia tăng.

Toàn cảnh Hội nghị

40% Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập vào năm 2100

Tại hội nghị, TS. Hoesung Lee, Chủ tịch IPCC cho biết, IPCC chọn năm 2018 để công bố Báo cáo đặc biệt về sự nóng lên toàn cầu 1,5 độ C là vì các quốc gia đã đạt được những tiến bộ tích cực nhằm thực hiện Thỏa thuận và Đối thoại Talanoa. 195 thành viên trong IPCC đã thông qua Báo cáo này và đây là cơ sở khoa học quan trọng cho chính phủ xây dựng chính sách về biến đổi khí hậu, cũng như nguồn thông tin đầu vào quan trọng cho các đàm phán quốc tế.

Báo cáo nêu bật một số tác động của biến đổi khí hậu có thể tránh được bằng cách hạn chế sự nóng lên toàn cầu 1,5 độ C so với 2 độ C, hoặc nhiều hơn. Ví dụ, đến năm 2100, mực nước biển dâng toàn cầu sẽ thấp hơn 10cm, khả năng xảy ra băng tan ở Bắc Băng Dương trong mùa hè sẽ chỉ có một lần trong mỗi thế kỷ với sự nóng lên toàn cầu là 1,5 độ C, so với ít nhất một lần mỗi thập kỷ với mức tăng là 2 độ C. Rạn san hô sẽ giảm 70%- 90% khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C, trong khi hầu như tất cả (> 99%) sẽ bị mất đi khi nhiệt độ tăng 2 độ C.

Theo Chủ tịch IPCC, việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu lên 1,5 độ C sẽ đòi hỏi những thay đổi nhanh chóng, sâu rộng và chưa từng có trong tất cả các khía cạnh của xã hội.

Báo cáo đặc biệt về sự nóng lên toàn cầu 1,5 độ C được gọi là SR15 là công trình nghiên cứu của 91 tác giả từ 44 quốc tịch, và 133 tác giả đóng góp. Báo cáo đang được chuẩn bị để đáp ứng lời mời của Hội nghị các bên (COP21) lần thứ 21 về Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu vào tháng 12/2015, khi họ đến Paris Thỏa thuận.

Kết quả nghiên cứu sẽ thông báo cho Đối thoại Talanoa tại Hội nghị lần thứ 24 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP24). Đối thoại Talanoa nắm giữ các nỗ lực tập thể của các bên liên quan hướng tới mục tiêu dài hạn của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

“Với lợi ích rõ ràng đối với người dân và hệ sinh thái tự nhiên, việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu đến 1,5 độ C so với 2 độ C có thể đi đôi với việc đảm bảo một xã hội bền vững và công bằng hơn”, TS. Hoesung Lee nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị, bà Caitlin Wiesen, Giám đốc Quốc gia của UNDP cho biết, báo cáo của IPCC đã nhấn mạnh những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu mà có thể tránh được bằng cách hạn chế sự nóng lên toàn cầu thêm 1,5 độ C nhưng thời gian hành động sắp hết.

Do đó, “đổi mới khí hậu là điều cần thiết, giống như cải cách kinh tế toàn diện Việt Nam đã triển khai từ 40 năm trước để giảm phát thải khí nhà kính và tạo công ăn việc làm xanh, hướng đến một xã hội có sức chống chịu và bền vững hơn”, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.

Chia sẻ về những biểu hiện của biến đổi khí hậu tại Việt Nam GS, TS. Trần Thục, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu cho biết, từ năm 1958-2014, nhiệt độ của Việt Nam tăng 0,62 độ C. Số ngày nắng nóng tăng, số ngày lạnh giảm, mưa cực đoan xuất hiện nhiều.

“Thời tiết cực đoan xuất hiện khắp cả nước. Nhiều nơi úng ngập nghiêm trọng trong lúc hạn hán Nam Trung Bộ và Tây Nguyên xảy ra thường xuyên hơn. Số cơn bão mạnh có xu hướng gia tăng. Mực nước biển dâng 3,1 mm/năm”, GS, TS. Trần Thục cho hay.

Theo thống kê của Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu, mỗi năm nước biển dâng 3,1mm khiến 40% Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập vào năm 2100.

Riêng lĩnh vực y tế, nếu nhiệt độ trung bình tăng 1 độ C sẽ khiến 3,4%-4,6% trẻ em nhập viện, tăng 7%-11% nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 5,6% nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng... và hàng loạt dịch bệnh nguy hiểm khác.

Bên cạnh đó, GS, TS. Trần Thục đã chỉ ra một số thách thức mà Việt Nam gặp phải trong quá trình thích ứng với biến đổi khí hậu, như: nhu cầu thích ứng rất lớn nhưng nguồn lực có hạn, đầu tư ban đầu cao, các doanh nghiệp tham gia còn hạn chế, công nghệ carbon thấp có sẵn nhưng đắt...

Cần ứng phó với biến đổi khí hậu như thế nào?

TS. Hoesung Lee đánh giá cao những chính sách của Việt Nam trong việc thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu ký vào năm 2015.

"Việt Nam là quốc gia đầu tiên công bố kết quả IPCC và cũng là nước đầu tiên trong ASEAN được trao quỹ hỗ trợ đồng bào ven biển và đồng bào dân tộc thiểu số vốn là đối tượng chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu", TS. Hoesung Lee cho biết.

TS. Hoesung Lee, Chủ tịch IPCC phát biểu tại Hội nghị

Do đó, Chủ tịch IPCC cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam cũng như các quốc gia khác cần xác định những hợp lực cần thiết của tất cả các bên liên quan để đạt được các mục tiêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), góp phần hiện thực hóa tham vọng để đạt được mục tiêu giữ nhiệt độ trái đất ấm lên ở mức 1,5 độ C. Hợp tác quốc tế cũng rất quan trọng, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển dễ bị tổn thương.

Chia sẻ về các nỗ lực của Việt Nam, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Việt Nam đã xây dựng và triển khai đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp như: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, các Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng…

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris, trọng tâm là thực hiện NDC, hiện đã được Việt Nam triển khai rộng khắp ở tất cả các bộ, ngành, điạ phương trong cả nước, trong đó có việc xây dựng và triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều công trình, dự án đã được triển khai từ nguồn lực của Chính phủ và sự hỗ trợ của nhiều đối tác phát triển. Những nỗ lực này đã và đang mang lại những kết quả quan trọng.

“Có thể nói, đây là những nỗ lực to lớn của Việt Nam trong điều kiện một đất nước đang phát triển, vừa mới gia nhập nhóm nước có thu nhập ở mức trung bình thấp”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi Trường khẳng định.

Liên quan đến công tác ứng phó biến đổi khí hậu ở Việt Nam, GS, TS. Trần Thục cho biết thêm, Chính phủ Việt Nam cam kết trong giai đoạn 2021-2030 sẽ giảm ít nhất 8% phát thải biến đổi khí hậu. Nếu được sự hỗ trợ của quốc tế tỷ lệ này có thể lên 25%. 5 nhóm nhiệm vụ với 64 dự án trong đó tập trung vào giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, đã được Chính phủ xây dựng và ban hành.

Để hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, bà Caitlin Wiesen cho bết, UNDP luôn hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam nhằm xây dựng khả năng chống chịu cho các cộng đồng có nguy cơ cao nhất, đặc biệt là nhóm người nghèo, dân tộc thiểu số và các vùng bị ảnh hưởng như vùng ven biển và đồng bằng sông Cửu Long.

“Xây dựng trên nền tảng vững chắc có được thông qua công cuộc đổi mới kinh tế, Việt Nam chắc chắn có thể đạt được những kết quả tích cực trên con đường phát triển carbon thấp và chống chịu khí hậu, hưởng lợi từ sự tương tác giữa đổi mới công nghệ nhanh chóng, đầu tư kết cấu hạ tầng bền vững và tăng năng suất tài nguyên”, bà Caitlin Wiesen khẳng định./.