GS, TSKH Nguyễn Mại kiến nghị thành lập Tổ công tác đặc nhiệm về thuế tối thiểu toàn cầu
Chủ tịch Hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE) GS, TSKH. Nguyễn Mại khẳng định, thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề mới của thế giới có tác động lâu dài đến chủ trương thu hút và sử dụng vốn FDI của nước ta, do đó cần có cách tiếp cận khoa học để khi áp dụng tại Việt Nam không gây ra tác động tiêu cực, mà trái lại góp phần cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của nước ta, hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, THCs hàng đầu thế giới.
Chủ tịch Hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE) khẳng định, Việt Nam là thiên đường đầu tư chứ không phải là thiên đường thuế. Ảnh: Trọng Hiếu |
Ngày 8/10/2021, Diễn đàn hợp tác toàn cầu về Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS) mà Việt Nam là một thành viên, đã ban hành tuyên bố về Khung giải pháp Hai trụ cột để giải quyết các thách thức phát sinh từ nền kinh tế số với sự đồng thuận của 136 nước thành viên.
Trong đó, Trụ cột 2 quy định về thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến được áp dụng từ năm 2023.
Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 ban hành ngày 20/8/2019 đã khẳng định “Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác". Nghị quyết 50 cũng đã nêu rõ quan điểm "Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu".
GS, TSKH. Nguyễn Mại khẳng định, chúng ta là thiên đường đầu tư. Ngoài tiềm năng nhân công giá rẻ, Việt Nam cũng đang được đánh giá là có tiềm năng về nhân lực chất lượng cao.
Việc tham gia Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo điều kiện để gia tăng nguồn thu thuế từ các doanh nghiệp FDI, song đồng thời đặt Việt Nam trước những thách thức mới về thu hút các dự án FDI trọng điểm sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao thuộc lĩnh vực ưu tiên theo Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị khi công cụ ưu đãi thuế không còn được áp dụng.
Thuế suất hiệu dụng (Effective Tax Rate - ETR) tối thiểu được tính toán hàng năm trên cơ sở từng quốc gia bằng cách lấy tổng số thuế đánh vào lợi nhuận doanh nghiệp được nộp cho cơ quan chính phủ, hay "thuế thực trả" (tử số) chia cho tổng mức lợi nhuận kế toán (mẫu số), ETR được biểu thị dưới dạng phân số. Trong năm tính thuế, nếu ETR của một công ty con thấp hơn thuế tối thiểu toàn cầu, thì công ty mẹ phải trả “thuế bổ sung” trên phần thu nhập tương ứng thu nhập của công ty con bị đánh thuế thấp hơn mức thuế tối thiểu toàn cầu, cho quốc gia nơi đặt trụ sở (thường được gọi là quốc gia mẹ hoặc quốc gia cư trú). |
Khi tham gia cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, một nước sẽ phải áp dụng cho tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, hủy bỏ các ưu đãi thuế đang được quy định tại luật pháp và tại các hiệp định đầu tư song phương để áp dụng mức thuế có hiệu lực phù hợp với mức thuế tối thiểu toàn cầu.
GS, TSKH. Nguyễn Mại khẳng định, thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề thời sự của thế giới để chống lại cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư thông qua giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp; các quốc gia được khuyến khích hành động để hưởng lợi từ việc hạn chế cạnh tranh thuế và tránh việc các khoản thu thuế bị thu ở nơi khác, do đó Việt Nam chủ động tham gia và cần có giải pháp thích ứng để vừa bảo đảm thực hiện quy định của quốc tế, vừa bảo đảm lợi ích dân tộc.
“Chúng ta còn 2 năm để thực hiện. Tôi đồng tình với những nội dung đưa ra trong Dự thảo của Bộ Tài chính, song tôi cho rằng, là nước đang phát triển, Việt Nam cần tham khảo khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế để vận dụng thích ứng với bối cảnh của nước ta, hướng đến mục tiêu vừa bảo đảm lợi ích nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm TNCs, thu hút có hiệu quả và chất lượng hơn dự án quy mô lớn và nhà đầu tư tiềm năng từ các nước phát triển, vừa bảo vệ lợi ích quốc gia trong hội nhập với thế giới”, ông Mại nói.
Khi tham gia cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, Chủ tịch Hiệp hội Nhà đầu tư nước ngoài cũng chỉ ra 2 vấn đề Việt Nam cần lưu ý.
Thứ nhất, phải đảm bảo mức thuế thu nhập doanh nghiệp bằng hoặc cao hơn mức tối thiểu đã được thống nhất trên toàn cầu.
Thứ hai, bãi bỏ tất cả các ưu đãi thuế được quy định tại các luật thuế và luật đầu tư nhằm giảm hoặc loại bỏ thuế đánh vào lợi nhuận, bởi vì các hình thức khuyến khích này không những có hiệu quả thấp trong việc thu hút đầu tư, mà với thuế tối thiểu toàn cầu, sẽ không đạt được mục tiêu khuyến khích đầu tư, thậm chí còn dẫn đến tình trạng chuyển thuế từ các quốc gia tiếp nhận FDI sang các quốc gia cư trú của TNCs.
Ông Mại cũng cho biết, một giải pháp mà các nước đang phát triển nên lưu ý để khắc phục thực trạng khó khăn khi tính thuế là áp dụng mức thuế tối thiểu trên tổng doanh thu để đảm bảo không có công ty nào trả thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu mới trong khu vực tài phán của họ.
“Phương án này chắc chắn dễ dàng hơn cho các nước đang phát triển trong việc ban hành chính sách hơn là cắt giảm từng loại ưu đãi thuế trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Một nghiên cứu của IMF cho biết, năm 2018 có 52 nước áp dụng loại thuế này”, ông Mại dẫn chứng.
Nhấn mạnh rằng, việc tham gia cơ chế Thuế tối thiểu toàn cầu vừa là cơ hội lớn, vừa phải đối phó với thách thức không nhỏ đối với nước ta, Chủ tịch VAFIE đề xuất 4 kiến nghị.
Một là, chủ động tham gia cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, tranh thủ cơ hội mới để cùng với đẩy nhanh hơn công cuộc cải cách đang được tiến hành, để tạo nên động lực mới thu hút nhiều hơn, có chất lượng hơn vốn FDI theo định hướng tại Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị.
Hai là, đối chiếu quy định quốc tế về thuế tối thiểu toàn cầu với chính sách thuế và ưu đãi đầu tư tai Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế và các quy định có liên quan để sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định quốc tế. Nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước đang phát triển áp dụng thuế tối thiểu để cân nhắc có nên áp dụng vào nước ta hay không khi điều chỉnh luật pháp liên quan đến FDI.
Ba là, đàm phán lại hợp đồng với doanh nghiệp FDI chịu tác động bởi cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu theo nguyên tắc “cùng có lợi”, để loại trừ khả năng chuyển thuế sang nước cư trú của nhà đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp những nước chọn đơn phương giải quyết mà không đàm phán với doanh nghiệp FDI có thể dẫn đến việc tranh chấp bằng trọng tài với các công ty, gây tốn kém, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư.
Bốn là, đàm phán với một số nước có doanh nghiệp FDI chịu tác động cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu một số nôi dung hạn chế của Hiệp định đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế trùng để phù hợp với luật pháp đã được điều chỉnh.
Để thực hiện bốn nội dung trên đây, vị chuyên gia này kiến nghị Chính phủ thành lập “Tổ công tác đặc nhiệm về thuế tối thiểu toàn cầu” có nhiệm vụ nghiên cứu toàn diện quy định của các tổ chức quốc tế, các quốc gia có doanh nghiệp FDI tại Việt Nam chịu tác động của cơ chế này, kinh nghiệm của một số nước đang phát triển, lời khuyên của các chuyên gia quốc tế, thu thập thông tin về sản xuất, kinh doanh của TNCs đang hoạt động tại Việt Nam để tính toán lợi ích và thiệt hại khi áp dụng cơ chế này, làm căn cứ để đưa ra quyết định phù hợp, đề ra giải pháp đồng bộ khi nước ta tham gia thuế tối thiểu toàn cầu.
Từ kinh nghiệm đó, kiến nghị hoàn thiện thể chế, các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu vừa đảm bảo được quyền lợi của nhà đầu tư đang ở Việt Nam, vừa đảm bảo thu hút nhà đầu tư tiềm năng.
Tổ công tác cũng giúp các bộ, ngành trao đổi với nhau để thống nhất định hướng, đề ra các giải pháp, giúp Chính phủ chỉ đạo đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từ các doanh nghiệp FDI đến doanh nghiệp trong nước. Tổ công tác có thể giúp Thủ tướng trao đổi bàn bạc với nhà đầu tư có doanh thu từ 750 triệu EU để hài hòa lợi ích.
Tổ công tác không chỉ bao gồm lãnh đạo và chuyên viên Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và một số cơ quan trung ương, mà cần có các lãnh đạo, chuyên gia các chuyên gia có kinh nghiệm về luật pháp và thuế quốc tế, đầu tư nước ngoài, công ty tư vấn thuế có uy tín, để tư vấn cho chính phủ thực hiện đồng bộ các giải pháp.
“Tổ công tác đặc nhiệm phải do một phó Thủ tướng đứng đầu”, ông Mại đề xuất./.
Bình luận