Văn bản “chết yểu”, sai luật chưa có dấu hiệu giảm

Trong năm 2012, dư luận xã hội bắt đầu quan tâm hơn đến chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, khi trong năm đó chứng kiến rất nhiều văn bản luật rơi vào tình trạng “chết yểu”.

Đầu tiên phải kể đến Nghị định số 94 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”. Nghị định này quy định, các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán ra thị trường phải có giấy phép, trên sản phẩm có dán nhãn. Nếu bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất để chế biến lại phải đăng ký với UBND cấp xã nơi sản xuất. Khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ, người nấu rượu cần xuất trình hợp đồng mua bán với doanh nghiệp có giấy phép sản xuất để các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra khi cần thiết.

Thế nhưng, dù đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2013, đến nay, việc thực hiện qui định này gần như đang bị “bỏ ngỏ”. Bởi, hầu hết các gia đình nấu rượu đều là điểm nhỏ lẻ, mà pháp luật lại chưa có quy chuẩn về an toàn thực phẩm, nhãn hiệu hàng hóa, phòng, chống cháy nổ đối với các hộ nấu rượu nhỏ lẻ, nên muốn quản cũng không được.

Cũng trong tháng 8/2012, dư luận lại ồn ào bởi quy định “thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ bình thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư 33/2012/TT-BNNPTNT. Quy định này bị phản đối kịch liệt vì tính phi thực tế với điều kiện kinh doanh, sinh hoạt của người dân.

Bị dư luận “ném đá” quá nhiều, sau đó ít ngày, ngày 30/8/2012, Bộ này phải ký Quyết định số 2090/QĐ-BNN-TY ngưng hiệu lực thi hành đối với Thông tư 33 nêu trên.

“Thịt 8 tiếng” cũng được giới truyền thông bình chọn là một trong những quy định gây tranh cãi nhất của năm 2012.

Hiện trạng nhiều văn bản luật vừa ra đời đã “chết yểu” hay “chết lâm sàng” không chỉ tồn tại trong năm 2012, mà còn tiếp diễn.

Dư luận hiện vẫn còn nhắc đến những quy định kiểu như: viếng đám ma không quá 7 vòng hoa, không được để ô kính trên nắp quan tài; cấm bán bia vỉa hè, bia phải có nhiệt độ dưới 30oC; xử phạt hành chính đối với cá nhân, tổ chức đổ rác không đúng nơi quy định; UBND các cấp có nhiệm vụ bắt giữ chó mèo chạy rông, hay bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm ưu tiên khi đi thi đại học, bán hàng rong phải có đủ sức khỏe...

Những văn bản "chết yểu" làm dậy sóng dư luận thời gian qua

Thống kê của Bộ Tư pháp, trong 10 năm (2003-2013), các bộ, ngành và địa phương đã kiểm tra 2.353.490 văn bản, trong đó, các bộ, ngành kiểm tra 43.262 văn bản. Qua công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, toàn ngành đã phát hiện được 63.277 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp pháp của văn bản.

Trong năm 2014, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền 3.887 văn bản (gồm 884 văn bản cấp bộ và 3.003 văn bản của địa phương). Kết quả bước đầu phát hiện 885 văn bản vi phạm các quy định tại Điều 3 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP.

Trong đó có 81 văn bản của cấp bộ, 774 văn bản của địa phương), chiếm tỷ lệ khoảng gần 20% số các văn bản đã được kiểm tra. Đáng chú ý, có đến 132 văn bản sai về nội dung; 32 văn bản sai về thẩm quyền; 72 văn bản sai về hiệu lực, còn lại chủ yếu sai về thể thức và kỹ thuật trình bày.

Có thể điểm qua vài văn bản, trong năm 2014 như một số tỉnh đưa ra quy định sử dụng “Bia tỉnh ta”, “xi măng tỉnh ta”. Hay quy định hạn chế quyền của phóng viên thường trú của UBND tỉnh Thanh Hóa. Hay quy định, "ngực lép, chân ngắn... không được đi xe máy" của Bộ Y tế. Mới đây nhất là Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản sửa quy định về “Chi điều tra, thống kê số người mù chữ, tái mù trong độ tuổi 15-55…” tại một thông tư liên tịch, theo đó phải nâng độ tuổi tối đa từ 55 lên 60 cho phù hợp với pháp luật hiện hành.

Nguyên nhân: Văn bản đi ra từ “phòng lạnh”?

Theo TS. Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, việc ban hành văn bản sai có nhiều lý do, từ nhận thức, trình độ, thái độ trách nhiệm cho đến cách thức, cơ chế còn nhiều bất cập, kẽ hở. Trong đó, yếu tố con người là quan trọng.

Thực tế thời gian qua cho thấy, quá trình chuẩn bị dự thảo, một số cán bộ nắm thực tiễn chưa chắc chắn, còn mơ hồ, tầm hiểu biết hạn chế, không đầy đủ thấu đáo dẫn đến lúng túng trong hoạch định chính sách. Kinh nghiệm, bản lĩnh cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ xây dựng văn bản, chính sách đó còn hạn chế, yếu kém. Hay khi xây dựng văn bản thường cấp trên hay “khoán trắng” cho cấp dưới làm, cấp dưới lại giao tiếp cho chuyên viên thực hiện.

Trong khi đó, một số không ít trong đó trình độ kinh nghiệm của một số có thể nói là còn hạn chế, non kém, rồi quy trình lại vội vàng, gấp gáp dẫn đến việc nghiên cứu phản biện nhiều khi chưa thật kỹ càng, thấu đáo.

“Thực tiễn xã hội luôn sống động, đa dạng và phức tạp, việc nắm bắt được thực tiễn của yêu cầu quản lý để hoạch định chính sách và “phản ánh” nó trong văn bản quy phạm pháp luật quy phạm pháp luật rất quan trọng, nhưng đây lại đang là khâu yếu nhất”, TS Lê Hồng Sơn thẳng thắn thừa nhận trên báo chí.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những văn bản vừa mới ban hành đã “chết yểu”, hoặc vừa áp dụng được một thời gian ngắn đã bộc lộ những bất cập, hạn chế cần phải sửa đổi, bổ sung thay thế. Yếu tố con người vô cùng quan trọng.

Thực tế trình độ của một số cán bộ, nhà làm luật chưa có chuyên môn phù hợp, chưa chuyên nghiệp, năng lực còn hạn chế, còn nặng cái tôi cá nhân trong việc xây dựng pháp luật và quy trình ban hành văn bản pháp luật. Cái cố hữu mà những văn bản “trên trời” là vẫn mang nặng tính hình thức, bệnh thành tích.

Sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động thẩm định, kiểm tra đôn đốc việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa chặt chẽ. Đây là khâu quan trọng không thể thiếu nhằm phát hiện những thiếu sót, vi phạm, hạn chế... để khắc phục những điểm xung đột nội tại của văn bản sắp được ban hành với các văn bản luật, Hiến pháp hiện hành. Bảo đảm tính khả thi và hiệu lực, hiệu quả của văn bản khi áp dụng trong đời sống xã hội.

Thời gian qua dư luận cũng đề cập nhiều đến yếu tố lợi ích nhóm, ngành chi phối các nội dung, chính sách của văn bản hay còn sự nể nang trong khâu thẩm định...

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chủ yếu được tổ chức “cho đủ thủ tục”, hình thức theo quy định, những phản hồi của người dân chưa chắc đã được tiếp thu một cách nghiêm túc nên việc nhiều văn bản như từ “trên trời rơi xuống”, xa rời thực tiễn cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là, việc xử lý mới chỉ dừng lại ở mức thu hồi, hủy bỏ rồi làm lại mà chưa có sự xử lý người ban hành văn bản trái luật cũng như chưa thấy có việc bồi thường thiệt hại nào cho người dân, doanh nghiệp do văn bản gây ra.

Vậy, đâu là “thuốc chữa”?

TS. Lê Hồng Sơn cho rằng, thuốc chữa văn bản máy lạnh, văn bản “chết yểu” có thành phần chính là con người. Do đó, cần chú ý cả một loạt giải pháp từ khâu lựa chọn nhân tài đến khâu đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, quản lý con người trong bộ máy công quyền. Về vấn đề xử lý người tham mưu, ban hành văn bản trái luật đây cũng là một vấn đề cần phải nghiên cứu để bảo đảm đảm nguyên tắc Nhà nước pháp quyền.

Còn luật sư Hà Thị Thanh, Giám đốc Công ty Luật Song Thanh lại nhấn mạnh, cần phải tách bạch giữa những người làm luật và người làm công tác quản lý. Cần phải xóa bỏ tình trạng cơ quan hành pháp “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, không thể tùy tiện ban hành những văn bản pháp luật một cách thiếu chuyên nghiệp trong việc xây dựng, thực thi pháp luật.

Tiếp đến, cần phải chú trọng vào khâu con người, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên sâu trong lĩnh vực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật với tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, chế độ đãi ngộ hợp lý, đảm bảo tư duy pháp luật trong sáng, trung lập, khách quan khoa học trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản.

Đồng thời, cần sửa đổi quy định của pháp luật theo hướng đảm bảo hiệu lực thực tế ý kiến thẩm định, quy định chặt chẽ về quy trình lấy ý kiến, đặc biệt là ý kiến của đối tượng bị tác động. Bên cạnh đó, cần quy định trách nhiệm của cơ quan và cá nhân chịu trách nhiệm soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản và trong điều kiện khả thi.

Ngoài ra, cần sớm hình thành cơ chế đánh giá tác động, hiệu quả của các quy định pháp luật được ban hành

Ở một góc nhìn khác, đại biểu quốc hội Nguyễn Bá Thuyền cho biết, ở một số nước, người ta cho phép người dân kiện cả văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước nếu ban hành trái căn cứ, những quy định “trên trời”.

“Thế nên, chúng ta cũng nên thay đổi để người dân được phép khởi kiện đối với những văn bản “trên trời”, thiếu thực tế, văn bản vi phạm pháp luật của Nhà nước. Bởi không cho người dân khởi kiện, sẽ không tránh khỏi làm trái luật. Người dân có thể khởi kiện những quyết định trái quy định pháp luật”, ông Thuyền nhấn mạnh trên bá../.