Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 19/2016/NĐ-CP, ngày 22/03/2016 về kinh doanh khí để trình Chính phủ. Theo đánh giá của Bộ, Nghị định số 19 được ban hành đã có đóng góp tích cực đối với thị trường kinh doanh khí, đặc biệt là thị trường khí dầu mỏ hóa lỏng trong thời gian qua.

Tuy nhiên, sau khi triển khai áp dụng đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập cần phải xem xét, đánh giá tổng thể và hoàn thiện. Do đó, Bộ Công Thương đề xuất bãi bỏ hàng loạt quy định trong Nghị định này.

Bỏ quy định điều kiện bồn chứa, trạm nạp khí

Từ thực tế lấy ý kiến các bộ, ngành, doanh nghiệp, các cơ quan thuộc Bộ Công Thương…Bộ Công Thương đề xuất bỏ các điều kiện về quy mô kinh doanh như cơ sở vật chất thuộc quyền sở hữu, số lượng chai chứa LPG. Cụ thể, bỏ quy định điều kiện về bồn chứa khí, chai chứa LPG đối với thương nhân phân xuất khẩu, nhập khẩu và thương nhân phối khí quy định tại Điều 7 và Điều 9 của Nghị định 19.

Bộ Công Thương cho rằng, việc quy định điều kiện đối với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải có kho tổng dung tích các bồn chứa tối thiểu 3.000 m3 đối với LPG; thương nhân phân phối khí có các bồn chứa với tổng dung tích tối thiểu 300 m3 đối với kinh doanh LPG chai… như hiện nay là quá lớn.

Hầu như tất cả những điều kiện kinh doanh gas gây bức xúc sẽ được gỡ bỏ

Các điều kiện kinh doanh trên dẫn đến việc loại bỏ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia mới vào thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp đã có quá trình đầu tư, hoạt động có hiệu quả. Điều này sẽ gây ra những thiệt hại cho các doanh nghiệp nói trên, mỗi doanh nghiệp sẽ buộc phải đầu tư thêm hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng để đầu tư vào hệ thống bồn chứa, bình gas.

“Việc bỏ các quy định này nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế; Nhà nước không can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp, đặc biệt không quy định điều kiện liên quan đến quy mô của doanh nghiệp”, Bộ Công Thương nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề xuất bỏ các điều kiện trạm nạp LPG vào chai, trạm nạp khí vào phương tiện vận tải, trạm cấp khí phải thuộc sở hữu của thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu và thương nhân phân phối khí.

Bộ Công Thương lý giải, với quy định bắt các thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí phải sở hữu cầu cảng thuộc hệ thống cầu cảng Việt Nam là can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chưa phù hợp với tinh thần của Luật Doanh nghiệp. Mặt khác với quy định này buộc các doanh nghiệp phải đầu tư lớn để xây dựng cầu cảng thuộc sở hữu của mình để tuân thủ các điều kiện của cơ quan quản lý nhà nước đặt ra điều đó sẽ gây khó khăn và lãng phí doanh doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh.

Theo cơ quan soạn thảo, việc doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự chủ và đi thuê cầu cảng của các doanh nghiệp khác đã có cầu cảng sẵn để tiếp nhận khí từ tàu phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình được thuận lợi chứ không nhất thiết doanh nghiệp nào cũng phải có cầu cảng.

Cụ thể, việc quy định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải có kho tổng dung tích các bồn chứa tối thiểu 3.000 m3 gas, có số lượng chai gas với với tổng dung tích chứa tối thiểu hơn 3,93 triệu lít; thương nhân phân phối khí có các bồn chứa với tổng dung tích tối thiểu 300 m3, có số lượng chai với tổng dung tích chứa tối thiểu 2,62 triệu lít… là quá lớn.

“Các điều kiện kinh doanh trên dẫn đến việc loại bỏ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia mới vào thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp đã có quá trình đầu tư, hoạt động có hiệu quả. Điều này sẽ gây ra những thiệt hại cho các doanh nghiệp nói trên, các doanh nghiệp này muốn tiếp tục kinh doanh thì phải đáp ứng được các điều kiện trên tức là bình quân mỗi doanh nghiệp sẽ buộc phải đầu tư thêm hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng để đầu tư vào hệ thống bồn chứa, bình gas chỉ với mục đích để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện mà không cần thiết để sử dụng vào sản xuất, kinh doanh”, dự thảo tờ trình của Bộ Công Thương nêu rõ.

Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, với tinh thần Nhà nước không can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp, đặc biệt không quy định điều kiện liên quan đến quy mô của doanh nghiệp, Bộ Công Thương đề xuất bỏ các điều kiện về quy mô kinh doanh như trên.

Tương tự, Bộ cũng đề xuất bỏ quy định thương nhân phải sở hữu cầu cảng, sở hữu trạm nạp, sở hữu trạm cấp khí. Bộ Công Thương cho rằng, quy định như vậy là can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chưa phù hợp với tinh thần của Luật Doanh nghiệp.

Mặt khác, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự chủ và đi thuê cầu cảng của các doanh nghiệp khác đã có cầu cảng sẵn để tiếp nhận khí từ tàu phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình được thuận lợi chứ không nhất thiết doanh nghiệp nào cũng phải có cầu cảng.

Doanh nghiệp có quyền không lập hệ thống phân phối

Bộ Công Thương cũng đề xuất bỏ quy định thương nhân kinh doanh khí phải thiết lập hệ thống phân phối. Vì quy định thương nhân phải thiết lập hệ thống phân phối như Nghị định 19/2016/NĐ-CP vô hình chung cản trở doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh, chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp và tinh thần của Nghị quyết số 35/NQ-CP.

Việc thiết lập hệ thống phân phối hay không là do sự tự chủ của doanh nghiệp căn cứ vào quy mô và năng lực của mình để thiết lập đảm bảo phù hợp các quy định về thiết lập đại lý như quy định của Luật Thương mại, không nhất thiết tất cả các thương nhân kinh doanh khí đều phải thiết lập hệ thống phân phối của mình như Nghị định đã quy định.

Cùng với, Bộ đề nghị bỏ quy định yêu cầu tất cả các thương nhân kinh doanh khí phải dự trữ lưu thông mặt hàng khí.

Cùng với đó, Bộ đề xuất bổ sung các quy định liên quan đến an toàn đối với cơ sở tồn chứa khí; an toàn đối với trạm nạp, trạm cấp khí; an toàn trong vận chuyển giao nhận khí; an toàn đối với cửa hàng bán lẻ LPG chai; an toàn đối với cơ sở sản xuất, sửa chữa chai LPG; quy định điều kiện đối với cơ sản kiểm định chai chứa LPG và cơ sở sản xuất, sửa chữa chai chứa LPG; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với các cơ sở này.

Để hạn chế tình trạng chiếm dụng trái phép, tranh giành chai LPG; nạn cưa tai mài vỏ chai LPG diễn ra thường xuyên gây mất an toàn, cháy nổ, ảnh hưởng đến tính mạng của con người khi sử dụng gas, khi tiến hành sửa đổi Nghị định 19/2016/NĐ-CP sẽ bổ sung một chương quy định riêng về quản lý an toàn trong hoạt động kinh doanh khí.

Về mặt thủ tục hành chính, Bộ Công Thương đề xuất giảm thời hạn cấp các Giấy chứng nhận đủ điều kiện từ 30 ngày làm việc xuống còn 15 ngày theo phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính của Bộ năm 2017 đã phê duyệt./.