Tóm tắt

Với sự tác động mạnh mẽ và tiện ích to lớn, thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành một xu thế tất yếu, khách quan, không thể đảo ngược trên toàn thế giới. Dưới góc độ quản lý tài chính, sự phát triển TMĐT vừa mở ra không gian rộng lớn góp phần tăng thu thuế hoạt động kinh doanh thương mại, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với công tác quản lý thu thuế bởi sự thu hẹp thương mại truyền thống, thay đổi đối tượng nộp thuế, cách thức tính thuế, phương thức thu thuế… Trên cơ sở phân tích thực trạng thu thuế TMĐT ở Việt Nam thời gian qua, bài viết đề xuất một số giải pháp góp phần hoàn thiện hơn công tác quản lý thuế nhằm tăng thu thuế từ hoạt động TMĐT thời gian tới.

Từ khóa: thương mại điện tử, kinh doanh, quản lý thuế

Summary

E-commerce with strong impact and great utility has become an inevitable, objective and irreversible trend worldwide. From the perspective of financial management, the development of e-commerce has opened up a large room to increase tax revenue for commercial business activities, but at the same time, it poses many challenges to tax collection management because of narrowing traditional commerce and the changes in taxpayers, tax calculation methods, tax collection methods, etc. On the basis of analyzing the current situation of e-commerce tax collection in Vietnam over the past time, the article proposes some solutions to improve tax management to increase tax revenue from e-commerce activities in the coming time.

Keywords: e-commerce, business, tax management

MỐI QUAN HỆ GIỮA PHÁT TRIỂN TMĐT VỚI THU THUẾ TỪ HOẠT ĐỘNG TMĐT

Dưới góc độ quản lý thuế, TMĐT với việc sử dụng những thành tựu tiên tiến của cuộc cách mạng thông tin và trợ giúp bởi hệ thống các công cụ điện tử hiện đại đã giúp công tác quản lý thuế được nhanh hơn, chính xác hơn và hiệu quả hơn. Việc kiểm tra, giám sát dòng hàng, dòng tiền trở nên nhanh chóng, chuẩn mực. Ngược lại, tất cả mọi hoạt động quản lý thuế liên quan đến các khâu tổ chức thương mại (giới thiệu hàng hóa, kết nối thỏa thuận đơn hàng, tổ chức giao nhận hàng hóa, thanh toán…) đều trực tuyến, giúp hoạt động thương mại phát triển thuận lợi. Hệ thống hải quan điện tử, thuế điện tử, ngân hàng điện tử… không chỉ có tác dụng nhiều mặt đối với công tác quản lý thuế, mà còn là hệ thống công cụ bổ trợ đẩy mạnh hoạt động TMĐT. Những cải cách mang tính cách mạng trong quản lý thuế vừa do yêu cầu, nhưng cũng là điều kiện phát triển TMĐT.

Tuy vậy, mối quan hệ giữa TMĐT với quản lý thuế không phải lúc nào cũng diễn ra theo chiều hướng thuận lợi. Cả về lý luận cũng như thực tiễn đều cho thấy, quản lý thuế đôi lúc cũng tạo ra lực cản đối với phát triển thương mại nói chung và TMĐT nói riêng. Sự đổi mới công tác quản lý thuế không đồng bộ, không theo kịp tiến bộ của TMĐT, hay tác động tiêu cực có tính chủ quan của bộ máy quản lý thuế sẽ kìm hãm TMĐT. Bởi vậy, quản lý thuế đối với TMĐT đứng trước mâu thuẫn lớn, đòi hỏi cùng lúc giải quyết được hai vấn đề quan trọng: vừa tăng thu ngân sách, lành mạnh hóa hoạt động thương mại và quản lý thuế tốt, vừa tạo điều kiện thúc đẩy phát triển TMĐT.

KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG TMĐT VÀ THU THUẾ TỪ HOẠT ĐỘNG TMĐT Ở VIỆT NAM

Về hoạt động TMĐT

Tại Việt Nam, internet chính thức xuất hiện vào năm 1997 và đến năm 2003 thì TMĐT bắt đầu được biết đến. Từ đó đến nay, có thể khẳng định, Việt Nam là một trong những nước có thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất toàn cầu. Theo số liệu ở Bảng, nếu như năm 2015, doanh số TMĐT ước đạt 4,07 tỷ USD, thì đến năm 2020, con số này tăng lên 11,8 tỷ USD, gấp hơn 2,5 lần chỉ sau 5 năm. Năm 2022, doanh số bán lẻ qua TMĐT đạt khoảng 16,4 tỷ USD, tăng xấp xỉ 39% so với năm 2020. Nhìn chung, mức tăng trưởng doanh số TMĐT trung bình từ năm 2015 đến 2022 là trên 24%, khá cao và duy trì khá ổn định qua các năm.

BẢNG: MỘT SỐ KẾT QUẢ TỔNG HỢP HOẠT ĐỘNG TMĐT Ở VIỆT NAM

Giải pháp tăng thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử
Nguồn: Tổng hợp từ Bộ Công Thương

Thị phần TMĐT trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước cũng tăng liên tục: năm 2015 chiếm 2,8%, tăng lên 7,5% năm 2022, tức chiếm gần 1/10 tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cả nước. Con số này ở các nước phát triển (Mỹ, Đức, Pháp…) đến nay cũng chỉ khoảng từ 10%-16%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân sử dụng internet, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến tăng trưởng mạnh. Năm 2015, Việt Nam có 30,3 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, con số này tăng lên 49,3 triệu người năm 2020 và đạt khoảng 57-60 triệu người năm 2022. Kết quả này một phần nhờ Việt Nam có dân số trẻ, tỷ lệ người sử dụng internet cao (năm 2016 có 54,2%, năm 2022 đạt khoảng 75%) và tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh.

Giá trị mua sắm trực tuyến của một người cũng gia tăng. Năm 2015, giá trị mua sắm trực tuyến là 160 USD/người/ năm, năm 2020 đạt 240 USD và năm 2022 đạt khoảng từ 260-285 USD.

Các sàn giao dịch, các doanh nghiệp, tập đoàn tham gia TMĐT liên tục mở rộng về số lượng, địa bàn hoạt động và đa dạng hình thức hoạt động. Với tiềm năng phát triển TMĐT tại Việt Nam, nhiều công ty trong và ngoài nước đã đẩy nhanh đầu tư vào lĩnh vực này. Tính đến tháng 3/2022, đã có 1.446 sàn giao dịch TMĐT đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương. Các giao dịch TMĐT hiện nay ở Việt Nam được thực hiện chủ yếu dưới hình thức công ty với người tiêu dùng (B2C) và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B). Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT (trong đó có 41 sàn TMĐT bán hàng, 98 sàn TMĐT cung cấp dịch vụ) và 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài; tương ứng với số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày (Minh Phương, 2022).

Về công tác quản lý thu thuế từ hoạt động TMĐT

Mặc dù kết quả thu ngân sách nhà nước trong lĩnh vực TMĐT chưa lớn so với tiềm năng, nhưng đã góp phần tăng thu hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước hằng năm. Thống kê từ Tổng cục Thuế về quản lý thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, chỉ tính riêng số thu từ hoạt động này từ năm 2018 lũy kế đến tháng 10/2022 đạt 5.588 tỷ đồng, tốc độ thu bình quân đạt 30%/năm, số thu trung bình đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Một số nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn như: Facebook là 2.099 tỷ đồng, Google gần 2.115 tỷ đồng, Microsoft là 714 tỷ đồng. Số thu năm 2018 là 770 tỷ đồng thì năm 2021 có số thu tăng lên 1.591 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần, trong khi tổng doanh thu bán lẻ trực tuyến chỉ tăng khoảng 1,7 lần (13,7 tỷ USD/8,06 tỷ USD). Điều đó phản ánh công tác quản lý thu thuế TMĐT đã được cải thiện rất rõ rệt. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng lớn bởi việc giãn cách xã hội do dịch Covid-19, nên số thu thuế giảm khoảng 2% (chỉ bằng 98%) so với năm 2019.

Cũng theo của Tổng cục Thuế, đối với cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động kinh doanh TMĐT, cung cấp dịch vụ số, lũy kế từ năm 2018 đến tháng 12/2022, cơ quan thuế đã thu được khoảng 1.151 tỷ đồng. Số thu từ TMĐT tăng qua các năm, từ 64 tỷ đồng năm 2019 lên 237 tỷ đồng năm 2020, 261 tỷ đồng năm 2021 và đặc biệt năm 2022 đạt hơn 600 tỷ đồng (Hương Thủy, 2022).

Có được kết quả trên là nhờ trong thời gian qua, Tổng cục Thuế đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, đối chiếu thông tin theo chuyên đề quản lý thuế hoạt động TMĐT đối với 18 doanh nghiệp trong nước, trong đó, có 6 doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn TMĐT, 9 doanh nghiệp là trung gian thanh toán, 3 doanh nghiệp là công ty đối tác nước ngoài tại Việt Nam. Tổng cục Thuế cũng làm việc với 6 nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, hiện đã hoàn thành và ban hành quyết định xử lý đối với 12 doanh nghiệp, với tổng số xử lý, phạt, truy thu thuế, lệ phí 86,8 tỷ đồng, giảm lỗ 947 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng 113 tỷ đồng.

Công tác chống thất thu thuế kinh doanh TMĐT cũng đã được đẩy mạnh. Qua thanh kiểm tra, cơ quan thuế đã tập hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT, đồng thời hướng dẫn đơn vị kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật và kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số vấn đề chính sách liên quan đến quản lý hoạt động TMĐT. Tổng cục Thuế và các cục thuế địa phương đã rà soát tổ chức, cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có thu nhập phát sinh tại Việt Nam. Về quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới, hoạt động kinh doanh TMĐT, lũy kế từ năm 2018 đến hết tháng 5/2022, cơ quan thuế đã thu được khoảng 782 tỷ đồng (Văn Tuấn, 2022).

Bên cạnh đó, ngày 21/3/2022, Bộ Tài chính chính thức khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài nhằm hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Bộ Tài chính cũng đã triển khai đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile). Tính đến tháng 8/2022, đã có 140.615 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng thuế điện tử trên eTax Mobile; 69.465 giao dịch qua ngân hàng thương mại với tổng số tiền hơn 308 tỷ đồng. Có 30 nhà cung cấp nước ngoài lớn, như: Microsoft, Facebook, Netflix, Samsung, TikTok, eBay… đăng ký, kê khai trên Cổng thông tin điện tử và nộp thuế, với tổng số thuế khoảng 22,2 triệu USD (Minh Anh, 2022). Các nhà cung cấp này chủ yếu đến từ Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong, Ireland, Thụy Sĩ, Australia... Cổng thông tin điện tử đi vào hoạt động đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà cung cấp nước ngoài chủ động thực hiện quyền đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp, qua đó tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả kinh doanh trong thời đại kinh tế số.

MỘT SỐ HẠN CHẾ

Tuy có nhiều kết quả đáng ghi nhận, song có thể thấy, quy mô TMĐT còn thấp. Tỷ trọng doanh số từ TMĐT Việt Nam năm 2021 chỉ chiếm 6,5% tổng doanh số bán lẻ, trong khi năm 2020 con số này ở Mỹ đạt 15%, Hàn Quốc đạt 28,9%, đặc biệt Trung Quốc đạt 44% (Su-Lin Tan, 2021). Tương ứng với đó, doanh thu thuế TMĐT cũng còn thấp, cho dù có mức tăng trưởng khá.

Cho đến nay, các sàn giao dịch TMĐT lớn chủ yếu mới chỉ chú trọng phát triển thị trường ở các thành phố lớn, mà chưa mở rộng hoạt động ra các địa phương. Điều này chứng tỏ dư địa cho hoạt động TMĐT và cùng với đó là nguồn thu thuế TMĐT còn rất lớn, nhưng chưa được khai thác tốt.

Hơn nữa, thất thu thuế kinh doanh TMĐT còn lớn. Công tác quản lý thuế vẫn chưa theo kịp sự phát triển bùng nổ của lĩnh vực kinh doanh TMĐT. Cho đến thời điểm hiện tại, việc kiểm soát hiệu quả đối với các hình thức hoạt động TMĐT như: quảng cáo và bán hàng qua các thiết bị cầm tay, giao dịch qua hệ thống hai đầu P2P (giữa khách hàng với khách hàng), các phần mềm nói chuyện qua mạng như Zalo, Skype… vẫn chưa thực hiện được.

Đó là chưa kể, tình trạng trốn thuế khá phổ biến, với nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau. Do đặc thù của TMĐT nên nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng các thủ đoạn, như: bán hàng không xuất hóa đơn, không kê khai doanh thu tính thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp…, nên không có cơ sở để xác định thuế; sử dụng nhiều tài khoản, chia nhỏ gói hàng gây khó cho công tác kiểm soát thuế.

Công tác thanh, kiểm tra thuế còn nhiều lúng túng, bất cập. Luật pháp về quản lý thu thuế TMĐT chưa đồng bộ, còn thiếu rõ ràng. Với sự phát triển nhanh chóng và thay đổi liên tục của TMĐT, nên một số quy định hiện không phù hợp, thậm chí gây khó khăn cho các sàn giao dịch TMĐT, các ngân hàng thương mại… Một số quy định chưa chặt chẽ vì dựa vào ý thức của đối tượng thực hiện, nên tính khả thi không cao.

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP

Để tiếp tục phát triển nhanh TMĐT và tăng thu thuế hoạt động TMĐT, cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện luật pháp về TMĐT và thuế hoạt động TMĐT. Cần áp dụng thống nhất thuế suất thuế giá trị gia tăng với nhà cung cấp nước ngoài; bãi bỏ việc miễn thuế với hàng hóa có giá trị thấp.

Hai là, cần nhanh chóng nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng hiện đại, giúp thị trường vận hành thông suốt; tạo môi trường và hệ sinh thái thuận lợi giúp người dân tiếp cận internet dễ dàng qua thiết bị di động; tăng cường đầu tư hạ tầng vật chất kỹ thuật, hệ thống các yếu tố phụ trợ tạo điều kiện tốt và môi trường thuận lợi phát triển TMĐT. Xây dựng hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia đồng bộ, tích hợp các biện pháp thanh toán bảo đảm để sử dụng rộng rãi cho các mô hình TMĐT, đặc biệt loại hình TMĐT có tần suất giao dịch lớn (B2C, B2B, G2C, G2B). Đẩy mạnh việc kiểm soát các giao dịch TMĐT trên cơ sở hành lang pháp lý đầy đủ và công nghệ hiện đại giúp cơ quan thuế có điều kiện thực hiện thu thuế đầy đủ, công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển TMĐT ở nông thôn.

Ba là, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống, nâng cao năng lực bộ máy quản lý. Công tác đào tạo, bồi dưỡng phải theo cả hai hướng: kỹ thuật và kinh tế; vừa coi trọng đào tạo đội ngũ kỹ sư tin học có khả năng thành thạo về công nghệ; vừa đào tạo đội ngũ cử nhân kinh tế am hiểu về TMĐT.

Bốn là, quản lý và quy trách nhiệm đối với các nền tảng TMĐT trong việc quản lý, truy thu thuế đối với các giao dịch trên nền tảng, nhất là đối với thuế giá trị gia tăng và hoạt động TMĐT xuyên quốc gia. Khi bán hàng, người bán hoặc sàn giao dịch phải thu thuế giá trị gia tăng theo mức thuế tại nước của người mua. Nếu phát hiện các hoạt động trốn thuế, cơ quan thuế sẽ thông báo cho nền tảng để truy thu, hoặc nền tảng này phải chịu trách nhiệm về các khoản truy thu thuế đó. Có quy định mức xử phạt nặng về kinh tế, thậm chí có thể bị kết án hình sự.

Năm là, tăng cường sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là hệ thống các sàn TMĐT, ngân hàng thương mại trong công tác trao đổi thông tin, thu thập số liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu bảo đảm nâng cao hiệu lực quản lý về thuế đối với hoạt động TMĐT. Cần phối hợp với các cơ quan công an, truyền thông, văn hóa… trong việc xác định các thông tin về đối tượng nộp thuế, loại hình kinh doanh, các giao dịch thương mại và tài chính, thu nhập của người nộp thuế… để kiểm soát nguồn thu, hạn chế rủi ro, tiêu cực trong TMĐT và quản lý tài chính. Tăng cường chia sẻ dữ liệu, thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tạo điều kiện cho cơ quan thuế xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ về hoạt động, giao dịch của hoạt động TMĐT và dịch vụ kỹ thuật số tại Việt Nam.

Cần thành lập cơ quan chuyên trách về quản lý thuế TMĐT. Các cơ quan này được tổ chức trên cơ sở phối hợp giữa các chuyên gia công nghệ thông tin, các cán bộ thanh tra có nghiệp vụ cao và kinh nghiệm từ các cơ quan thuế, các cơ quan trong ngành công an… Đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống tạo lập hóa đơn điện tử đầy đủ thay cho hóa đơn giấy nhằm kiểm soát các giao dịch TMĐT.

Sáu là, đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT và các bên thứ ba tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế (kê khai, nộp thuế). Bộ Công Thương cần khuyến khích các tổ chức, cá nhân gia nhập Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam (www.CeCA.gov.vn). Bộ Tài chính tăng cường hướng dẫn nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai, nộp thuế trên cổng thông tin điện tử Etaxvn.gdt.gov.vn. Cùng với đó, ngành thuế đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, đôn đốc người nộp thuế tự khai, nộp thuế theo quy định...

Các cơ quan quản lý tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện những vướng mắc, hạn chế để giải quyết tháo gỡ giúp phát triển TMĐT, chống thất thu thuế. Có hình thức động viên, khen thưởng (vật chất, tinh thần), đồng thời tăng cường các chế tài xử phạt hành vi vi phạm cản trở phát triển TMĐT, thất thu thuế và những sai phạm khác có liên quan./.

Nguyễn Thị Minh Hạnh - Trường Đại học Thương mại

Nguyễn Thị Minh Hằng - Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 07 - Tháng 3/2023)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Công Thương (2019, 2020, 2021, 2022), Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam.

2. Hồ Ngọc Tú (2021), Chính sách thuế trong thương mại điện tử, Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam, số 6/2021.

3. Hương Thủy (2022), Chống thất thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới: Sớm triển khai nhiều giải pháp, truy cập từ https://hanoimoi.com.vn/ban-in/Kinh-te/1034830/chong-that-thu-thue-tu-hoat-dong-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-som-trien-khai-nhieu-giai-phap.

4. Minh Anh (2022), Thu về ngân sách hàng nghìn tỷ đồng từ quản lý thuế thương mại điện tử, truy cập từ https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thu-ve-ngan-sach-hang-nghin-ty-dong-tu-quan-ly-thue-thuong-mai-dien-tu-115507.html.

5. Minh Phương (2022), Thách thức đối với việc quản lý thuế thương mại điện tử, truy cập từ https://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/thach-thuc-doi-voi-viec-quan-ly-thue-thuong-mai-dien-tu-621150.html.

6. Nhật Minh (2022), Quản lý thuế thương mại điện tử: Khó nhất là xác định nguồn thu, đối tượng nộp thuế, truy cập từ https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quan-ly-thue-thuong-mai-dien-tu-kho-nhat-la-xac-dinh-nguon-thu-doi-tuong-nop-thue-98207.html.

7. Su-Lin Tan (2021), China set to be first country where e-commerce sales outstrip bricks-and-mortar retail in 2021, retrieved from https://www.scmp.com/economy/global-economy/ article/3122234/china-set-be-first-country-where-e-commerce-sales-outstrip

8. Văn Tuấn (2022), Chống thất thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới: Cần hơn nữa sự tự giác của người nộp thuế, truy cập từ https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chong-that-thu-thue-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-can-hon-nua-su-tu-giac-cua-nguoi-nop-thue-109593.html.