Một số lưu ý về khác biệt văn hóa trong hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam với các quốc gia khu vực Trung Đông
Tóm tắt
Khu vực Trung Đông có 16 quốc gia, khoảng 400 triệu dân với mức thu nhập cao đang trở thành một trong những đối tác hợp tác kinh tế ngày càng quan trọng của Việt Nam. Sau đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu song phương giữa Việt Nam và khu vực này có sự tăng trưởng khá. Để tận dụng và thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh doanh, việc hiểu rõ về văn hóa kinh doanh, giao tiếp kinh doanh, nghi thức gặp gỡ... của doanh nghiệp Trung Đông là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải quan tâm.
Từ khóa: kinh doanh, văn hóa, Việt Nam, Trung Đông
Summary
The Middle East region with 16 countries, a population of 400 million people and high income levels has becoming an increasingly important cooperative economic partner of Vietnam. After the Covid-19 pandemic, the bilateral export turnover between Vietnam and this region has seen a positive growth. In order to take advantage and further promote the business cooperation relationship, it is important for Vietnamese businesses to understand the business culture, business communication, meeting etiquette, etc. of Middle Eastern businesses.
Keywords: business, culture, Vietnam, Middle East
HỢP TÁC KINH TẾ GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG ĐÔNG
Về hợp tác thương mại, số liệu ở Bảng cho thấy, năm 2019, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam với Trung Đông đạt 13,5 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 7,5 tỷ USD, còn kim ngạch nhập khẩu đạt 6 tỷ USD. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường trong khu vực Trung Đông đạt 12,5 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này cũng giảm còn 6,4 tỷ USD. Mặc dù vậy, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Đông đạt 6,079 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm trước. Sang năm 2021, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam với các nước khu vực Trung Đông đạt 16,2 tỷ USD, tăng mạnh 29,7% so với năm 2020. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam và thị trường Trung Đông tiếp tục tăng khá, đạt 18,7 tỷ USD.
Ngành nông nghiệp của khu vực Trung Đông còn chưa phát triển do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, hơn nữa công nghiệp sản xuất khó phát triển. Vì vậy, các quốc gia Trung Đông phải nhập khẩu đồ gỗ, sản phẩm nhựa, ngũ cốc, dệt may, giày dép, cao su và sản phẩm cao su, thịt, sữa và sản phẩm sữa, rau quả các loại… Đây là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Nhìn chung, chính sách thuế của các quốc gia khu vực này khá cởi mở với mức thuế chỉ từ 0%-5% đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài khối.
BẢNG: TÌNH HÌNH HỢP TÁC KINH TẾ GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG ĐÔNG
GIAI ĐOẠN 2019-2022
Đơn vị: Triệu USD
Chỉ tiêu |
2019 |
2020 |
2021 |
2022 |
Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu |
13.552,3 |
12.458,9 |
16.160,0 |
18.698,9 |
Kim ngạch xuất khẩu |
7.492,4 |
6.379,7 |
7.414,9 |
7.256,8 |
Kim ngạch nhập khẩu |
6.059,9 |
6.079,2 |
8.745,1 |
11.442,1 |
Tổng vốn đầu tư đăng ký của Trung Đông vào Việt Nam |
895,55 |
903,46 |
1.010,88 |
1.473,74 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan và Cục Đầu tư nước ngoài
Về hợp tác đầu tư, số dự án đầu tư đăng ký và tổng số vốn đầu tư đăng ký từ các quốc gia khu vực Trung Đông vào Việt Nam tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2019, tổng vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia Trung Đông vào Việt Nam là 895,55 triệu USD, thì tới năm 2020 đã tăng lên 903,46 triệu USD và năm 2021 tăng lên 1.010,88 triệu USD. Đặc biệt, năm 2022, tổng vốn đầu tư cam kết vào Việt Nam tăng mạnh lên mức 1.473,74 triệu USD. Tính đến nay, đã có 13/16 quốc gia Trung Đông đã đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, Israel, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Iraq, Oman là các đối tác đầu tư lớn của Việt Nam. Các quốc gia Trung Đông có thế mạnh về năng lượng, tài chính - ngân hàng, cơ sở hạ tầng, bất động sản, du lịch, logistics… là những lĩnh vực Việt Nam đang có nhu cầu hợp tác đầu tư lớn.
MỘT SỐ LƯU Ý VỀ KHÁC BIỆT VĂN HÓA TRONG HỢP TÁC KINH DOANH VỚI CÁC DOANH NGHIỆP TRUNG ĐÔNG
Mặc dù có những tín hiệu khả quan trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông, tuy nhiên những kết quả này vẫn chưa đạt như kỳ vọng, chưa hoàn thành mục tiêu Chính phủ đã đề ra. Những trở lực đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay khi tiếp cận thị trường Trung Đông là thiếu thông tin, logistics và thanh toán quốc tế, ngoài ra còn phải kể tới những khác biệt lớn về văn hóa giữa hai khu vực. Do đó, để thành công trong kinh doanh ở Trung Đông, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu rõ tập tục, văn hóa của vùng đất này.
Đạo Hồi
Một trong những nét văn hóa chính ở Trung Đông không thể không nhắc đến chính là Đạo Hồi. Đạo Hồi tác động vào mặt của đời sống và kinh doanh của người dân và các doanh nghiệp. Thông thường, các tín đồ Hồi giáo sẽ thực hiện cầu kinh 5 lần trong một ngày. Những lần cầu kinh này được các nhà thờ Hồi giáo loan báo bằng cách gọi cầu kinh (azan). Tín đồ Hồi giáo có thể thực hiện nghi thức này tại nhà thờ, nhà riêng hoặc ở văn phòng. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý sắp xếp lịch trình gặp gỡ với các doanh nghiệp Trung Đông phù hợp giữa khoảng thời gian cầu kinh.
Bên cạnh đó, trong năm sẽ có tháng Ramadan tại Trung Đông. Các tín đồ Hồi giáo dậy từ rất sớm và bắt đầu cầu kinh trong cả ngày và trong thời gian này, họ nhịn ăn, nhịn uống và nhịn cả hút thuốc. Cho dù doanh nghiệp đối tác có thực hiện đầy đủ nghi lễ hay không, doanh nghiệp Việt Nam cũng nên hạn chế bàn chuyện làm ăn trong dịp này. Không ăn hoặc uống trước các nhà thời Hồi giáo trong tháng Ramadan. Trường hợp cần thiết, tốt nhất là nên nhịn ăn, uống khi đến công ty của người đang trong kỳ ăn kiêng.
Lễ hội Eid al-Fitr ngay sau tháng Ramadan và Eid al-Adha ngay sau cuộc hành hương hàng năm là hai lễ hội chính ở Trung Đông, thường kéo dài khoảng ba ngày. Thứ Sáu là ngày thánh của đạo Hồi; tuần làm việc có thể từ thứ Bảy tuần này cho tới thứ Tư tuần sau. Đây cũng là khoảng thời gian cần lưu ý khi sắp xếp lịch trình với các doanh nghiệp Trung Đông.
Ngoài ra, sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người Trung Đông cũng phải tuân thủ những quy định khắt khe trong tôn giáo. Các sản phẩm phải đạt được chứng nhận Halal, là hệ thống tiêu chuẩn an toàn của các mặt hàng phục vụ cho đạo Hồi trên toàn thế giới. Do đó, khi xuất khẩu sang các quốc gia Trung Đông, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có chứng nhận Halal.
Văn hóa gặp gỡ và chào hỏi
Trong gặp gỡ và chào hỏi, cần chú ý rằng, tay phải luôn dùng để bắt tay và một người chỉ được rút tay ra khỏi tay người kia khi người đó đã rút tay trước. Chính vì vậy, trong giao tiếp với người Trung Đông, việc bắt tay và giữ một lúc lâu là điều bình thường. Không sử dụng tay trái - đặc biệt là trong khi ăn và chuyền đồ vật cho người khác. Trong giao tiếp, vung tay trong lúc nói chuyện có thể bị coi là không lịch sự. Việc quay lòng bàn chân về phía người nói chuyện cùng cũng bị cho là mất lịch sự.
Người Ả Rập xưng danh hết sức thân mật trong giao tiếp kinh doanh bằng tên gọi. Danh xưng của người Ả Rập gồm có: Sheikh (được dùng đối với người già, học giả, người lãnh đạo), Sayyid (chỉ con cháu của nhà tiên tri Muhammad) và Hajji (dành cho một người hành hương).
Giới tính
Tại các quốc gia Trung Đông vẫn còn tồn tại sự khác biệt rất lớn giữa phụ nữ và nam giới, đặc biệt là trong kinh doanh. Tuy vậy, vẫn có thể gặp những người phụ nữ, khi đó cần hết sức chú ý không nên bắt tay trước với họ. Đặc biệt, tránh làm quen với những người phụ nữ bằng cử chỉ hoặc ánh mắt trong giao tiếp.
Những người Hồi giáo chính thống không ăn thịt lợn, không uống rượu và không bàn luận gì đến những người phụ nữ trong gia đình họ.
Phụ nữ phải ăn mặc kín đáo, váy dài được xem là trang phục phù hợp nhất. Tay áo dài đến khuỷu tay hoặc dài hơn và không lộ đường viền cổ áo. Đàn ông theo đạo Hồi thường không bắt tay với phụ nữ hoặc không sử dụng những ngôn ngữ có thể khi đối thoại như khi nói chuyện với doanh nhân nam.
Ngôn ngữ, màu sắc và biểu tượng
Tại các quốc gia Trung Đông, ngôn ngữ được viết từ phải sang trái. Trong các tài liệu quảng cáo hay tiếp thị, doanh nghiệp Việt Nam cần đặt các hình vẽ theo thứ tự đúng: nghĩa là hãy đặt các bức tranh “trước” sang bên phải còn các bức tranh “sau” vào bên trái.
Màu xanh lá cây được sử dụng trong đạo Hồi. Khi đặt biển quảng cáo, doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý tới các cấm kị tới thánh Allah - biểu tượng của Hồi giáo.
Các doanh nghiệp Trung Đông rất coi trọng nếu khách hàng của họ học được một số cụm từ Ả Rập thích hợp để sử dụng trong những cuộc gặp gỡ. Mặc dù tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế, phổ biến khắp toàn cầu, nhưng khi một sản phẩm muốn thâm nhập vào thị trường Ả Rập thì buộc phải có chữ Ả Rập vì đó là ngôn ngữ phổ biến trong cộng đồng này.
Việc kinh doanh và cuộc sống riêng tư
Thường người dân Trung Đông không phân biệt giữa công việc và cuộc sống riêng tư. Do đó, hoạt động kinh doanh thường sẽ xoay quanh rất nhiều các mối quan hệ cá nhân, những ràng buộc gia đình, niềm tin và danh dự. Chính vì vậy, sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi các doanh nghiệp Việt Nam thiết lập mối quan hệ với các doanh nghiệp Trung Đông dựa trên tình bạn và sự tin tưởng lẫn nhau.
Ở nhiều quốc gia Trung Đông, việc sử dụng những liên kết cá nhân, hay “wasta” (tiếng Arab có nghĩa là chủ nghĩa gia đình trị) đã trở thành một thông lệ, một quy tắc xã hội. Tại đó, người ta sử dụng các mối quan hệ gia đình hoặc xã hội để bỏ qua những quy định, đi tắt, để tiếp cận nhanh hơn và tốt hơn đến các trường phổ thông, đại học, bệnh viện hoặc công việc, cũng như “tăng tốc” trong quy trình thực hiện các thủ tục giấy tờ của Chính phủ như gia hạn chứng minh thư hoặc giấy khai sinh… Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam nên thành lập văn phòng giao dịch tại các quốc gia Trung Đông để tăng đầu mối liên lạc, giúp mọi việc có thể được giải quyết nhanh hơn.
Quá trình đàm phán kinh doanh
Nền văn hóa Trung Đông đánh giá lời nói của con người rất cao. Lời nói của một người liên quan tới danh dự của người đó. Do đó, trong đàm phán, thỏa thuận kinh doanh, doanh nghiệp Việt Nam chỉ nên hứa chắc chắn những điều mà mình có thể làm, bởi nếu không sẽ coi như bị mất danh dự. Các doanh nghiệp Trung Đông sẽ không hoàn tất bất kỳ cuộc đàm phán nào mà không có buổi họp mặt trực tiếp.
Trong văn hóa kinh doanh tại khu vực này, doanh nghiệp đừng vội thực hiện đám phán kinh doanh ngay từ lần gặp đầu tiên. Những cuộc gặp gỡ ban đầu thường là để xây dựng các mối quan hệ. Xây dựng niềm tin và thiết lập sự tương trợ lẫn nhau là những điều kiện cần thiết hết sức quan trọng đối với việc tiến hành kinh doanh tại Trung Đông.
Một điều cần lưu ý nữa là phải đúng giờ. Trường hợp doanh nghiệp tới muộn thì cần phải có lời xin lỗi lịch thiệp. Các buổi đàm phán diễn ra trong không khí cởi mở, các bên vừa tham gia thảo luận vừa thưởng thức trà và cà phê.
Lịch sử lâu đời trong giao thương giúp các doanh nghiệp Trung Đông trở thành những nhà đám phán xuất sắc. Việc mặc cả diễn ra khắp nơi từ cửa hàng cho tới tận boong tàu. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý điều này khi thực hiện đàm phám kinh doanh.
KẾT LUẬN
Nhìn chung, hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông đang trên đà tăng trưởng khả quan. Các quốc gia khu vực Trung Đông là thị trường mà các doanh nghiệp Việt Nam chú trọng mở rộng trong thời gian gần đây, do có nhu cầu lớn về các sản phẩm, hàng hóa mà Việt Nam có thế mạnh, như: hàng điện tử, nông sản... Đồng thời, các quốc gia Trung Đông phát triển mạnh về các ngành năng lượng, tài chính - ngân hàng, cơ sở hạ tầng, bất động sản, du lịch, logistics…, đây đều là những ngành kinh tế quan trọng mà Việt Nam đang cần đẩy mạnh hợp tác.
Mặc dù vậy, khu vực Trung Đông có khoảng cách địa lý xa xôi, khác biệt lớn về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, nên để mở rộng quan hệ hợp tác, làm ăn với các doanh nghiệp khu vực này, thì bên cạnh việc tìm hiểu kỹ lưỡng về thị trường, khách hàng…, các doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rõ về những đặc trưng văn hóa của họ. Để thúc đẩy hợp tác kinh tế, các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam cũng cần có thêm nhiều hoạt động hỗ trợ, kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp các nước Trung Đông. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng, hoàn thiện cẩm nang kinh doanh với các quốc gia Trung Đông, cung cấp đầy đủ các thông tin cần lưu ý về khác biệt văn hóa, tôn giáo trong kinh doanh cho các doanh nghiệp trong nước./.
TRỊNH THỊ LAN ANH
Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo Số 08-Tháng 3/2023)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bagathi, Mohamed Hasan (2007), Văn hóa Ả Rập và toàn cầu hóa: Nghiên cứu xã hội học từ quan điểm trí thức Ả Rập, AIRP, ISBN: 9959100669, 9789959100665.
2. Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019-2022), Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam từ năm 2019 đến 2022.
3. Tổng cục Hải quan (2020-2023), Báo cáo tình hình xuất - nhập khẩu của Việt Nam từ năm 2019 đến 2022.
4. Vụ Thị trường châu Á - châu Phi - Bộ Công Thương (2020), Tổng quan về thị trường các nước Trung Đông.
Bình luận