“Tuy nhiên, kết quả đạt được đã tương xứng với nguồn lực đầu tư chưa? Hiện tại thiếu nguồn lực là rất lớn, lãng phí thất thoát đã xảy ra, nhưng chưa lượng hóa được, trách nhiệm thuộc về ai?”, đại biểu Trần Thị Dung - Điện Biên đặt câu hỏi. Câu hỏi này cũng là băn khoăn của rất nhiều đại biểu quốc hội khác, cũng như những người dân đang hướng về kỳ họp Quốc hội trong những ngày nóng gay gắt của tháng Năm.

Vẫn còn nhiều lãng phí

Theo đánh giá giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện vốn TPCP giai đoạn 2006 - 2012 còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư quá lớn ở hầu hết các dự án dẫn đến mất cân đối về nguồn vốn, nhiều dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng giá, điều chỉnh yếu tố kỹ thuật, tăng quy mô chưa hợp lý, không đúng với quy định của pháp luật.

Báo cáo giám sát cho biết, theo Quyết định số 171/2006/QĐ-TTg ngày 24/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ, tổng mức đầu tư ban đầu của các công trình, dự án thuộc danh mục đầu tư từ nguồn vốn TPCP giai đoạn 2003 - 2010 là 150.668 tỷ đồng, với nhu cầu sử dụng vốn TPCP là 110.000 tỷ đồng.

Tại Báo cáo số 152/BC-CP ngày 19/10/2010 của Chính phủ, tổng mức đầu tư điều chỉnh từ các bộ, ngành, địa phương đã lên tới 570.990 tỷ đồng, trong đó nhu cầu sử dụng vốn TPCP là 530.302 tỷ đồng, nhu cầu còn lại sau năm 2010 là 315.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay, theo Báo cáo số 196/BC-CP ngày 17/5/2013 của Chính phủ, tổng mức đầu tư đã điều chỉnh lên 684.794,5 tỷ đồng. Hầu hết các dự án đều có phát sinh, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu.

Có dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư gấp nhiều lần, có những dự án không chỉ điều chỉnh về giá nhân công, vật liệu, giá đền bù, giải phóng mặt bằng, thiết kế kỹ thuật,... mà còn điều chỉnh cả về quy mô của dự án. Kết quả là tổng mức đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn TPCP đã tăng lên nhiều so với dự toán ban đầu.

Trong khi, theo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư do yếu tố giá và các yếu tố về kỹ thuật ở các dự án đầu tư. Thế nhưng, đối chiếu với từng dự án cụ thể, có nhiều công trình, dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng giá vượt xa so với tốc độ tăng giá CPI trong 3 năm 2010 - 2012, có dự án điều chỉnh tăng giá lên nhiều lần là không hợp lý và thực chất là tăng quy mô của dự án.

Cùng với việc vượt xa dự toán, việc phân bổ vốn TPCP trong giai đoạn 2006 - 2012 còn dàn trải; bổ sung nhiều mục tiêu, số lượng dự án và tổng mức đầu tư tăng nhanh, dẫn đến thiếu vốn; nhiều dự án đang triển khai phải cắt, giảm, giãn, hoãn tiến độ, chuyển đổi hình thức đầu tư, gây lãng phí nguồn lực.

Về thực trạng này, Ban giám sát thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân: Do thiếu hệ thống tiêu chí cụ thể, khoa học, ngoài một số nguyên tắc phân bổ theo các năm nên việc phân bổ nguồn vốn TPCP cho các dự án của các bộ, ngành, địa phương còn nhiều yếu tố chưa hợp lý, chưa công bằng.

Hơn nữa, việc xem xét tính cấp bách của từng mục tiêu, dự án trong các năm 2008 - 2009 chưa được thực hiện nghiêm túc, có một số dự án được bổ sung với quy mô và tổng mức đầu tư lớn, tính cấp thiết chưa cao, hiệu suất sử dụng thấp, phát huy hiệu quả chưa như mong muốn.

Mặt khác, một trong những mục tiêu chính, quan trọng của Quốc hội là ưu tiên đầu tư cho giao thông, thủy lợi miền núi.

Song, thực tế lại cho thấy, tỷ lệ phân bổ vốn TPCP cho các tỉnh miền núi khó khăn chiếm tỷ trọng không cao, vốn bố trí thấp hơn rất nhiều so với các địa phương không thuộc địa bàn được ưu tiên bố trí vốn.

Ngoài ra, giám sát cho thấy, trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn TPCP trong giai đoạn 2006 - 2012 còn chưa nghiêm, bộc lộ khá nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém.

Thực tế, rất nhiều dự án trước khi quyết định đầu tư chưa đảm bảo thực hiện đúng quy định này, nhiều dự án ở nhiều bộ, ngành và địa phương thường không cân đối đủ vốn đầu tư, vượt quá khả năng kinh tế, có quá nhiều dự án được phê duyệt nhưng không đủ nguồn lực thực hiện, dẫn tới thiếu vốn nghiêm trọng, nợ đọng xây dựng cơ bản, nhiều dự án dở dang, gây lãng phí lớn cho NSNN.

Một trong những vấn đề gây lãng phí lớn cho NSNN và TPCP là tình trạng các dự án dở dang, kéo dài, không bảo đảm tiến độ trong thực hiện, thi công các dự án, chậm đưa công trình, dự án vào sử dụng. Chỉ có 2.027/2.863 dự án sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2006 - 2012 hoàn thành, trong đó rất nhiều dự án chậm tiến độ, còn trên 800 dự án chưa hoàn thành. Nguyên nhân chính là do thiếu vốn, không bảo đảm bố trí đủ vốn theo đúng tiến độ. Mặt khác, việc kéo dài, chậm tiến độ còn do nhiều công trình chậm giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu kém.

Nhưng, vẫn không ai bị xử lý

Những hiện trạng lãng phí trên cũng cho thấy, quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật Thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí: “Dự án đầu tư trước khi quyết định đầu tư phải xác định rõ nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện dự án đúng tiến độ. Nghiêm cấm việc bố trí dàn trải vốn đầu tư gây nợ đọng khối lượng xây dựng” đã bị vi phạm mà không ai bị xử lý.

Đây cũng là băn khoăn của nhiều đại biểu quốc hội tại phiên thảo luận ngày 7/6.

Cụ thể, trong giai đoạn năm 2006 - 2012, từ nguồn trái phiếu Chính phủ, chúng ta dành cho 2.682 dự án, với tổng mức đầu tư ban đầu là khoảng 409 ngàn tỷ đồng. Nhưng đến thời điểm giao kế hoạch năm 2012, con số này lại tăng tổng mức đầu tư lên đến 684 ngàn tỷ đồng. Như vậy là tăng thêm 275 ngàn tỷ đồng.

Dẫn chứng bằng những con số trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân – TP. Hồ Chí Minh chỉ ra, hiện có 800 dự án trong số khoảng 2.600 chậm tiến độ, chưa hoàn thành thì đó là những khuyết điểm”.

“Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng, ai là người chịu trách nhiệm tổ chức, đơn vị nào đã sai phạm, xử lý kỷ luật đến đâu thì lại chưa có?”, đại biểu Ngân nhấn mạnh.

“Dự án dở dang trong thời gian vừa qua chẳng những gây thất thoát và lãng phí lớn mà còn ảnh hưởng đến tinh thần, đến đời sống, đến niềm tin của người dân, đặc biệt là những người dân ở nơi mà dự án đang dở dang, bỏ hoang phí xảy ra, làm ảnh hưởng đến niềm tin vào khả năng giám sát của Quốc hội, khả năng quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước”, vị đại biểu này thẳng thắn chỉ rõ.

Làm rõ hơn quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Tiền Giang lại cho biết, quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ Điều 26 đến Điều 34 đều quy định về trách nhiệm và xử lý chế tài đối với các vi phạm liên quan đến từng khâu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư.

“Nhưng, trong một thời gian dài từ năm 2006 đến nay mà không có một tổ chức, cá nhân người đứng đầu nào phải chịu trách nhiệm, mà ngược lại được bố trí thêm vốn TPCP”, đại biểu Bé nói.

Vẫn phát hành TPCP, nhưng phải quản chặt

Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, lợi ích của TPCP là rất lớn, có sức lan tỏa cao. Thậm chí, đại biểu Nguyễn Văn Tiên – Tiền Giang còn khẳng khái mà rằng: “Chúng ta không đến mức độ mà phải xin lỗi nhân dân vì cái này cái kia, cái đó hoàn toàn không đúng, đấy là thành tựu, đấy là thành quả của chúng ta, chúng ta đáng tự hào và quan trọng như mọi người nói là người dân được hưởng các dịch vụ này, chúng tôi thấy cần phải đánh giá cao việc đó”. Vì thế, đại biểu quốc hội đều đồng tình việc phát hành thêm TPCP để đáp ứng nhu cầu đầu tư ngày càng lớn của đất nước.

Để quản lý, các đại biểu đồng tình rằng, cần đưa TPCP vào cân đối trong ngân sách nhà nước.

“Đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong việc đưa ra các tiêu chí một cách rõ ràng, minh bạch để việc lựa chọn các dự án có sử dụng vốn TPCP”, đại biểu Ngân đề xuất.

Còn đại biểu Đặng Thành Tâm thì cho rằng, Chính phủ tiếp tục cần phải chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc rà soát, thanh tra, kiểm tra các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cả về tài chính và trách nhiệm của các bên liên quan để xử lý kiên quyết sai phạm nhằm khắc phục về hậu quả kinh tế, đồng thời khôi phục lại niềm tin với người dân./.

Phương Anh