Bên hành lang Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết khả năng phải xin Quốc hội cho phát hành thêm trái phiếu để đầu tư dự án mở rộng Quốc lộ 1A. Về vấn đề này, người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết đây là việc Chính phủ đã bàn thảo để có giải pháp vốn thực hiện dự án. Hiện nay, hai dự án mở quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đi qua Tây Nguyên (quốc lộ 14) đều là những công trình trọng điểm. Quốc lộ 1A đã được đưa vào Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, được coi là một trong những công trình kết cấu hạ tầng quan trọng của cả nhiệm kỳ.

Đường Hồ Chí Minh khu vực đi qua Tây Nguyên cũng có vai trò rất quan trọng, bởi Tây Nguyên là địa bàn cần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh. Muốn vậy, phát triển hạ tầng bao giờ cũng phải đi trước. Khác với các vùng khác, Tây Nguyên chưa có đường sắt, chỉ có một vài sân bay rất nhỏ, chủ yếu vẫn là đường bộ. Do vậy, để phát triển vùng này thì phải tập trung đầu tư vào giao thông.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, chính vì vậy, yêu cầu của hai công trình này rất cấp bách, nhân dân cả nước và nhà đầu tư nước ngoài đều rất mong muốn chúng ta có giải pháp để đầu tư sớm. Nhưng vấn đề là phải làm như thế nào, vốn đầu tư từ đâu?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, tỷ trọng đầu tư trong tổng thu ngân sách của chúng ta đã giảm dần, tổng vốn dầu tư xây dựng cơ bản trong tổng ngân sách năm nay được Quốc hội thông qua giảm xuống còn chưa đầy 19% (những năm trước đây đều trên 30-40%). Do vậy, chúng ta phải tăng cường kêu gọi xã hội hóa vào đầu tư hạ tầng. Nhưng, xã hội hóa làm giao thông là việc "bỏ tiền chắn, thu tiền lẻ". Tiền thu lại chủ yếu là phí giao thông của người đi xe trên đường phải trả. Muốn hoàn vốn được, thì phải có nhiều xe đi qua, hoặc là mức phí thu trên mỗi xe phải thật cao, nhưng điều đó lại phụ thuộc vào trình độ phát triển chung của cả nền kinh tế.

Quốc lộ 1A là đường xương sống dọc đất nước gần 2000km thì không phải đoạn nào cũng có nhiều xe để thuyết phục nhà đầu tư bỏ vốn vào làm. Định hướng của chúng ta là phù hợp với trình độ phát triển, thì chúng ta cũng không thể nâng phí giao thông quá cao. Vì vậy, một số đoạn chúng ta có thể kêu gọi được nhà đầu tư theo hình thức BOT hay PPP, nhưng vẫn có một số đoạn không kêu gọi được nhà đầu tư, lúc đó buộc phải dùng ngân sách.

Để dùng ngân sách nhưng với tổng thu ngân sách đang rất khó khăn như hiện nay, mà Quốc hội cũng chỉ cho bội chi 4,8%, thì từ năm 2012, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội để xin phương án phát hành trái phiếu làm quốc lộ 1A (trị giá trên 57 nghìn tỷ). Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ để làm. Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, thực chất loại trái phiếu này cũng là nợ công và đã được Quốc hội tính toán kỹ.

Tuy nhiên hơn một năm qua, Bộ Giao thông vận tải với sự chỉ đạo của Chính phủ đã thực hiện nghiêm túc đúng theo nghị quyết của Quốc hội, tiến hành các công việc chuẩn bị để phát hành trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ, nhưng khi tính toán thì thấy rằng cũng rất khó khăn. Vì là trái phiếu của doanh nghiệp phát hành, nên trong thời điểm này, với những khó khăn của các doanh nghiệp, cộng với lãi suất ngân hàng đang cao, thì chi phí phát hành (sau này sẽ tính vào chi phí làm đường) sẽ rất cao.

Nhận thấy khó khăn này nên Chính phủ đã đưa vấn đề này bàn thảo tại kỳ họp tháng 4. Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, tại kỳ họp Chính phủ tháng 5, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và các bộ trưởng có liên quan đề xuất và đã đồng ý phương án báo cáo với Quốc hội. Theo đó, Chính phủ sẽ đưa ra trong kỳ họp tới đề nghị Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu chính phủ thay vì phát hành trái phiếu doanh nghiệp có sự bảo lãnh của chính phủ để thực hiện các dư án trên quốc lộ 1A và tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên./.

Anh Đức