Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về việc điều chỉnh, bổ sung tuyến nối Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải, tuyến đường trên có điểm đầu tại nút giao IC.14 của tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái; điểm cuối tại vị trí giao với quốc lộ 32 tại Km209+500 (quốc lộ 32), thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.

Từ điểm đầu tuyến (nút giao IC.14), tuyến đi cơ bản bám theo tuyến đường tỉnh 175 (ĐT.175) qua các xã Mỏ Vàng, Đại Sơn của huyện Văn Yên và các xã An Lương, Sơn Lương, Suối Quyền của huyện Văn Chấn, đến cuối tuyến tại vị trí giao với quốc lộ 32 tại Km209+500, thị trấn Liên Sơn, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 52km.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 949/QĐ-TTg, ngày 01/08/2018 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án "Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc” do Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB và Chính phủ Úc tài trợ. Trong đó đã chấp thuận đầu tư xây dựng tuyến nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài – Lào Cai (tuyến 2) và giao Bộ Giao thông Vận tải triển khai các thủ tục đưa tuyến đường vào hệ thống đường quốc lộ sau khi thực hiện đầu tư.

Tuyến nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài – Lào Cai với tổng chiều dài 51,37 km, trong đó 4,6 km được đi theo tuyến mới; xây mới 14 cầu bê tông cốt thép rộng 7,5m với tổng chiều dài khoảng 437 m.

Về sự cần thiết đầu tư tuyến nối Nghĩa Lộ đến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, theo Bộ Giao thông Vận tải, Nghĩa Lộ là đô thị thuộc tỉnh Yên Bái, kết nối với vùng du lịch Mù Cang Chải theo tuyến quốc lộ 32.

Hiện nay, giao thông kết nối với Nghĩa Lộ từ Hà Nội được thực hiện theo quốc lộ 32 gặp nhiều khó khăn, thời gian đi lại kéo dài; giao thông kết nối Nghĩa Lộ với tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai được thực hiện thông qua tuyến ĐT.175 có quy mô nhỏ (bề rộng mặt đường 3-4m), mặt đường xuống cấp (mặt đường đất), điều kiện hình học thấp (bán kính đường cong nhỏ, độ dốc dọc lớn) và trong điều kiện lưu lượng xe trong khu vực tăng nên không đáp ứng được nhu cầu vận tải.

Tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai được Bộ Giao thông Vận tải đưa vào khai thác năm 2014, đã rút ngắn thời gian đi lại từ Hà Nội đi các tỉnh miền núi phía Bắc (giảm khoảng một nửa thời gian so với trước đây).

Tuyến đường kết nối từ Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài – Lào Cai sau khi được đầu tư xây dựng sẽ đáp ứng được nhu cầu vận tải khu vực, giảm thời gian đi lại từ Hà Nội tới Nghĩa Lộ và vùng du lịch Mù Căng Chải, góp phần tăng hiệu quả đầu tư tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai (tăng cường khả năng tiếp cận với hành lang GMS) và đặc biệt góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ đồng bào dân tộc khu vực (5 nhóm dân tộc Thái, Dao, Mông, Tày và Mường); phát triển kinh tế xã hội khu vực Nghĩa Lộ nói riêng, tỉnh Yên Bái nói chung.

Đầu tư tuyến nối Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài – Lào Cai sẽ tạo nên tuyến đường trục ngang theo hướng Tây Bắc, tạo điều kiện xuất khẩu các loại nông sản, khoáng sản, khai thác tiềm năng du lịch với các tỉnh khác trong khu vực; Nâng cao sức hấp dẫn các nhà đầu tư (công nghiệp khai khoáng, du lịch) đối với khu vực đầy tiềm năng nhưng chưa có điều kiện phát triển./.