Tiến độ quá chậm

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện nay, lĩnh vực điện lực đang có 20 dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư quy mô lớn theo hình thức BOT với tổng công suất khoảng 24.000 MW.

Trong đó, có 2 nhà máy đã đưa vào vận hành là Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3; một dự án đã vận hành tổ máy đầu tiên là Mông Dương 2.

Số dự án còn lại đều đang triển khai ở các giai đoạn khác nhau: Hải Dương và Vĩnh Tân 1 đang thu xếp tài chính, Nghi Sơn 2 kết thúc đấu thầu, các dự án khác đang trong giai đoạn đàm phán, chuẩn bị hồ sơ…

Đơn cử như Dự án BOT Hải Dương, công suất 1.200 MW, quy mô vốn đầu tư 2,258 tỷ USD tại tỉnh Hải Dương.

Được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 6/2011, dự án này đã tiến hành động thổ xây dựng cơ sở hạ tầng vào ngày 9/9/2011, ngang với thời điểm Dự án Mông Dương 2 - là dự án BOT đầu tiên của làn sóng BOT thứ hai trong ngành điện (sau Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3 đã hoạt động từ năm 2004-2005) - khởi công.

Tuy nhiên, trong khi BOT Mông Dương 2 chuẩn bị hoàn tất đầu tư toàn bộ nhà máy, thì BOT Hải Dương vẫn chưa nhúc nhích.

Theo kế hoạch được đưa ra sau lễ khởi công xây dựng cơ sở hạ tầng, Tập đoàn JAKS Resources Berhad phải triển khai một loạt đầu việc để đến tháng 6/2012, hoàn tất việc thu xếp vốn và chính thức xây dựng nhà máy. Theo kế hoạch này, quý IV/2016, tổ máy số 1 sẽ đi vào hoạt động và sẽ hoàn thành tổ máy số 2 vào quý II/2017.

Công trình sẽ vận hành như một nhà máy điện độc lập, với hợp đồng mua bán điện 25 năm với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Kết thúc thời hạn vận hành, Dự án sẽ được chuyển giao cho phía Việt Nam. Tập đoàn JAKS Resources Berhad đã nộp khoản tiền hơn 20 triệu USD bảo lãnh ngân hàng theo hợp đồng BOT đã ký.

Theo cam kết với Chính phủ Việt Nam, đến ngày 31/10/2014, chủ đầu tư phải hoàn thành việc thu xếp tài chính cho Dự án.

Nhưng vào ngày 24/10/2014, chủ đầu tư lại có văn bản gửi Bộ Công Thương thông báo không đạt được ngày Đóng tài chính theo cam kết với Chính phủ Việt Nam (ngày 31/10/2014) và xin tiếp tục gia hạn ngày hoàn thành các điều kiện tiên quyết thêm 1 năm, tức là đến ngày 31/10/2015. Và, do chưa thu xếp xong tài chính, nên dự án vẫn chưa nhúc nhích.

Tại dự án BOT Vĩnh Tân 1, tiến độ cũng không khả dĩ hơn là mấy. Được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 10/2013, chủ đầu tư cũng cam kết với Chính phủ Việt Nam đến ngày 10/11/2014 hoàn thành việc thu xếp tài chính cho Dự án.

Song, đầu tháng 9/2014, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (Công ty BOT) đã có văn bản gửi Bộ Công thương xin gia hạn ngày hoàn thành các điều kiện tiên quyết thêm 6 tháng, tức là tới ngày 10/5/2015.

Hiện đề nghị này đã được Chính phủ chấp thuận, đồng thời yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với chủ đầu tư và các bên liên quan phía Việt Nam sửa đổi các hợp đồng dự án cho phù hợp với việc gia hạn ngày hoàn thành các điều kiện tiên quyết và đôn đốc chủ đầu tư để đạt được Đóng tài chính đúng hạn.

Do nhiều khó khăn, vướng mắc

Bộ Công Thương cũng thừa nhận, việc triển khai các dự án điện theo mô hình BOT đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, như thời gian đàm phán kéo dài, khó khăn trong các vấn đề bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp, vấn đề thanh toán.

Còn một nghiên cứu mới đây về ngành điện tại Việt Nam đã được Ngân hàng Thế giới (WB) trình bày với Chính phủ cũng cho rằng, tốc độ đàm phán chậm của Bộ Công Thương với các nhà đầu tư tư nhân trong các dự án BOT cũng đang là một vấn đề lớn cần quan tâm.

“Đàm phán một dự án BOT có thể kéo dài tới 7 năm. Tỷ lệ các thỏa thuận đạt được đối với các dự án đã cam kết là rất thấp. Điều này phản ánh khả năng hạn chế của Bộ Công thương và các khoảng thời gian cách quãng kéo dài giữa các cuộc họp thảo luận về dự án tiềm năng”, báo cáo viết.

Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý thuận lợi

Ngày 13/4, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp với các cơ quan hữu quan về một số biện pháp đôn đốc triển khai các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) điện.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh huy động nguồn lực xã hội để đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, năng lượng và yêu cầu Bộ Công Thương tiến hành rà soát kỹ tiến độ từng dự án để sớm triển khai, đáp ứng yêu cầu thực tế.

Cụ thể, đối với một số dự án đã và đang trong giai đoạn chuẩn bị, cần đẩy nhanh tiến trình đàm phán để đạt những mốc tiến độ cụ thể ngay trong năm 2015 này.

Trong đó, các dự án Nghi Sơn 2, Nam Định, Hải Dương, Vĩnh Tân 1… hoàn toàn có thể triển khai giai đoạn mới.

Phó Thủ tướng giao các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp và thuận lợi cho việc triển khai các dự án điện theo mô hình BOT.

Hiện, Bộ Công thương đang xây dựng một dự thảo quyết định ở cấp Thủ tướng Chính phủ về cơ chế xử lý các dự án điện đầu tư theo hình thức Nhà máy điện độc lập (IPP) và BOT không thực hiện đúng tiến độ cam kết.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, cơ chế xử phạt này nếu có được ban hành cũng khó được áp dụng. Nguyên nhân là trong hợp đồng BOT thường có điều khoản quy định về áp dụng luật pháp nước thứ ba khi có tranh chấp hoặc không thông nhất trong xử lý tranh chấp. Hơn thế, khi đó, trách nhiệm của các bên sẽ phải được xử lý theo quy định của hợp đồng./.