Biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn nhưng tiên đoán trước đây với những tác động tiềm tàng nghiêm trọng lên thành phố Hồ Chí Minh. Việc hướng tới đô thị xanh là chìa khóa cho một TP. Hồ Chí Minh chống chọi cao. Cần phải có sự cân bằng trong các hành động thích nghi, với những biện pháp công trình được hỗ trợ bằng sự phục hồi và phát triển hệ thống tự nhiên, phát triển mảng xanh như một trụ cột quan trọng.

TP. Hồ Chí Minh hướng đến khu đô thị xanh - những việc cần làm ngay

Mảng xanh khu vực Công viên 30-4, đường Lê Duẩn, quận 1, TP. Hồ Chí Minh (Nguồn: wikimapia.org)

TP. Hồ Chí Minh đang chịu tác động xấu của biến đổi khí hậu

Là đô thị vùng sông nước, với việc sông Sài Gòn, Nhà Bè, Đồng Nai hình thành hệ thống sông ngòi và kênh rạch dày đặc với gần 8.000km chiều dài, bao phủ 16% diện tích thành phố, TP. HCM đang chịu ảnh hưởng thường xuyên của thủy triều lên xuống, gây ngập úng trên diện rộng.

Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), thì TP Hồ Chí Minh là một trong mười thành phố bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường dự báo, đến năm 2050, mực nước biển có thể dâng khoảng 30 cm và đến cuối thế kỷ 21 sẽ là 75 cm. Khi đó, 204 km2 chiếm 10% diện tích của TP. HCM bị ngập và năm 2100 sẽ có 472 km2 chiếm 23% diện tích Thành phố sẽ bị ngập chìm trong nước biển [2].

Thực tế đang cho thấy, mười năm trở lại đây, tình trạng ngập úng do triều cường diễn ra ngày một trầm trọng và lan rộng. Nhiều khu vực của thành phố không chỉ ngập úng trong mùa mưa mà còn xảy ra quanh năm, nhất là mỗi khi triều cường. Nếu mưa và thủy triều lên cùng một lúc, thì tình trạng còn nghiêm trọng hơn.

Đáng báo động là tình trạng lượng mưa lớn, trái mùa, nắng nóng, triều cường gây ngập lụt kéo dài, luôn năm sau cao hơn năm trước. Thống kê của Sở Tài nguyên Môi trường TP. HCM cho thấy, trên địa bàn hiện có 154/333 phường, xã thường xuyên bị ngập úng và dự báo con số này sẽ là 177 phường, xã vào năm 2050 [3].

Một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng ngập úng của Thành phố ngày càng nghiêm trọng là do biến đổi khí hậu và việc đô thị hóa quá nhanh.

Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay làm cho dân số đô thị tăng nhanh, cùng với đó là những hoạt động phục vụ cuộc sống của người dân dẫn tới tiêu thụ nhiều năng lượng, thải ra nhiều khí CO2 và các chất khí độc hại khác, làm ô nhiễm môi trường không khí, đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu, kéo theo là các hệ lụy khác.

Phát triển các mảng xanh, cây xanh là giải pháp hữu hiệu giúp Thành phố ứng phó được sự thay đổi của khí hậu

Nhiều nghiên cứu cho thấy, vai trò quan trọng của cây xanh đối với đô thị. Cụ thể, nghiên cứu của Đại học Kiến trúc quốc gia Thành công (Đài Loan) cho thấy, 1m2 nhà cửa phát thải 300kg CO2 mỗi năm, vậy một nhà ở chiều cao trung bình diện tích 116m2 sẽ phát thải khoảng 34.000kg CO2, tương đương lượng CO2 hấp thụ để quang hợp của một cây cổ thụ trong 40 năm. Như vậy, để hấp thụ hết CO2 hàng năm, mỗi ngôi nhà cần có tương ứng 40 cây cổ thụ. Như vậy, mỗi đô thị 500.000 dân cần trồng 5 triệu cây (ứng với 40 cây cho 1 hộ dân, 4 người), tương ứng cần 500ha đất cây xanh (với diện tích 10m2 mỗi cây) [2].

Vườn cây quanh nhà có thể làm giảm nhiệt độ không khí 2-40C chủ yếu nhờ tác dụng che bóng và bay hơi nước. Do cây xanh hạ thấp nhiệt độ không khí bên ngoài, nên không khí mát từ vườn cây có áp lực cao hơn sẽ tràn vào nhà. Vì lý do này các nhà nghiên cứu kết luận rằng, các vườn cây và nhỏ phân bố đều đặn có tác dụng cải thiện vi khí hậu trong nhà hơn các công viên lớn.

Các nhà nghiên cứu cũng đều đồng tình kết luận, vai trò che nắng của cây xanh đường phố vùng nhiệt đới rất quan trọng. Trong khi trực xạ mặt trời (khi trời nắng) ở nước ta có giá trị rất lớn, nhiều giờ buổi trưa có thể đạt 1000-1100 W/m2. Mặt đường thường có hệ số hấp thụ bức xạ cao làm tăng đáng kể nhiệt độ bề mặt [2].

Cây đường phố còn có khả năng giảm bụi. Bụi do xe cộ qua lại bay lên, bám lên lá cây, sẽ được cơn mưa giũ sạch. Nghiên cứu tại Đại học Tổng hợp Guilan, Iran tính rằng, 200 cây xanh có thể lấy được 68 tấn bụi miễn phí sau mỗi trận mưa [2].

Với các lợi ích trên cho thấy, cây xanh và các mảng xanh đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc giảm bớt các tác động xấu của biến đổi khí hậu lên đô thị. Vì vậy, việc phát triển và quản lý một hệ xanh đô thị để xác định mục tiêu và kế hoạch quản lý, hướng đến một hệ thống xanh bền vững.

TP. Hồ Chí Minh hướng đến khu đô thị xanh - những việc cần làm ngay
Tỷ lệ đất cây xanh công cộng tại TP. HCM thấp nhất trong các đô thị của cả nước, chỉ đạt khoảng 0,55m2/người

Thực trạng cây xanh tại TP. HCM

Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức thấp, chỉ từ 2-3 m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10 m2 và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20-25 m2/người. Như vậy, tỷ lệ cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5-1/10 của thế giới.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, các đô thị lớn như TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng đang quá thiếu không gian xanh.

Báo cáo thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 vừa được Bộ Xây dựng gửi tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ghi nhận tỷ lệ đất cây xanh công cộng tại một số đô thị hiện nay khá thấp, không đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, tỷ lệ đất cây xanh công cộng tại TP. HCM thấp nhất trong các đô thị của cả nước, chỉ đạt khoảng 0,55m2/người, dù quy chuẩn quy hoạch đô thị hiện nay yêu cầu diện tích đất trồng cây xanh tại các đô thị tối thiểu phải đạt từ 4-7m2/người [1].

Tốc độ phát triển công viên, mảng xanh thành phố đang tỷ lệ nghịch với mức độ gia tăng dân số và đô thị hóa, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và tiện ích của người dân. Hiện nay, các quận trung tâm như quận 3, quận 1 rất thiếu mảng xanh. Những mảng xanh hiện có là công viên Tao đàn, công viên Thống nhất…thì không đủ đáp ứng cho người dân. Phân bổ công viên, mảng xanh trên địa bàn không đồng đều và bất hợp lý. Các quận trung tâm, tuy số lượng cây xanh nhiều hơn so với các quận, huyện ngoại thành nhưng không còn quỹ đất phát triển.

Thực tế cũng cho thấy, hiện trạng vỉa hè trong các khu dân cư hẹp, do quá trình đô thị hóa nhanh, các nhà cao tầng ngày một nhiều, cho nên thiếu không gian phát triển cây xanh. Các chủng loại cây có tính hướng quang cao, như lim xẹt, phượng vĩ, sọ khỉ, bò cạp nước… thường bị lệch tán, nghiêng ra đường hoặc nơi có không gian rộng cho nên cây có nguy cơ gãy đổ cao trong mùa mưa bão. Chưa phân định được đất ở các khu vực phù hợp với loại cây gì.

Bên cạnh đó, hiện tượng “bê tông hóa” cùng hệ thống cáp ngầm xây quá sát gốc cây làm quá trình đất bên dưới bị hạn chế, rễ cây không thể phát triển để bám giữ đất khiến cây rất dễ bị bật gốc khi gặp gió mạnh.

TP. HCM hướng đến đô thị xanh: Cần thiết lập mục tiêu trồng 100 triệu cây xanh

Để TP. HCM trở thành đô thị xanh (đô thị phát triển cacbon thấp), cần lưu ý hai nhóm vấn đề.

Thứ nhất là tăng mật độ oxy trong không khí, thở không khí ra, hút cacbon vào.

Theo đó, cần thiết lập mục tiêu trồng cây xanh (100 triệu cây trồng thêm) làm tăng độ che phủ cây xanh vào năm 2030 và năm 2045. Trong đó, 60 triệu cây xanh trồng quanh sông Sài Gòn để Sài Gòn trở thành con sông xanh, xứng danh là Rồng xanh của Thành phố (con sông dài 256 km).

Bởi: Cây quang hợp hấp thụ khí cacbonic thải ra khí oxy; Màu xanh đô thị là phần thiết yếu giúp điều hòa khí hậu, có tác dụng tốt cho sức khỏe con người; Tạo cảnh quan đô thị, xanh, đẹp thu hút đáng kể số lượng khách du lịch đến TP HCM;

Điều quan trọng nhất là việc trồng cây xung quanh con sông xanh (sông Sài Gòn) là một điểm chính trong chương trình Việt Nam hướng đến Net Zero 2050; đồng thời, cũng là điểm nhấn tạo thương hiệu “ Rồng xanh -sông Sài Gòn “ thương hiệu đặc biệt của TP. HCM.

Thông qua chương trình “Đánh thức con rồng xanh”, TP. HCM có thể thu hút nguồn lực tham gia đóng góp từ xã hội (trong và ngoài nước). Đây là một chương trình có ý nghĩa và giá trị.

Thứ hai là nhóm vấn đề nỗ lực cắt giảm phát thải khí nhà kính

Mục tiêu nhằm trung hòa khí cacbonic, theo đó ở tất cả các lĩnh vực năng lượng và vận tải cần:

- Tăng sử dụng xe điện, giảm sử dụng xe xăng.

- Tăng sử dụng phương tiện xe công cộng (xe buýt, xe lửa, đường sắt, đường hàng không…).

- Xử lý rác thải.

- Xử lý nước thải.

- Hướng sang sử dụng các thiết bị được ứng dụng từ nguồn năng lượng sạch trong tự nhiên như năng lượng mặt trời, năng lượng gió… bảo vệ môi trường. Giảm sản lượng điện từ nhiên liệu hóa thạch, góp phần giảm lượng khí thải của ngành điện. (hiện nay ngành điện là nguồn phát thải khí CO2 hàng đầu so với các ngành khác).

- Xây dựng chính sách năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sử dụng hydrogen trong chuyển đổi để có nguồn năng lượng thân thiện với môi trường hơn.

Tập trung thực hiện chương trình “Đánh thức con Rồng xanh"

Rồng xanh – sông Sài Gòn là tác phẩm kiến trúc thiên nhiên và văn hóa là biểu tưởng thiên nhiên, quý giá, là niềm tự hào của người dân TP. Hồ Chí Minh. Đây là một chương trình đặc biệt huy động nguồn lực từ xã hội (trong và ngoài nước) theo dự toán ban đầu toàn bộ công trình từ 5 tỷ USD; thực hiện trong giai đoạn 2023-2045.

Xây dựng, cải tạo, xung quanh sông Sài Gòn dài 256km định hình những giá trị của dòng sông và đề xuất quy hoạch của thiết kế đầu tư và khai thác hiệu quả một hạ tầng xanh đa chức năng cho dòng sông Sài Gòn. Hướng tới tạo dựng các tiêu chí về sinh thái, văn hóa, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu. “Rồng xanh - sông Sài Gòn” cũng là thương hiệu đặc biệt của TP. Hồ Chí Minh./.

CEO Đặng Đức Thành

Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà kinh tế (VEC)

UVBCH Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

---------------------------------------

1. Bảo Ngọc (2023), TP. HCM quá thiếu cây xanh, tỉ lệ cây xanh/người thua xa các thành phố khác, truy cập từ https://tuoitre.vn/tp-hcm-qua-thieu-cay-xanh-ti-le-cay-xanh-nguoi-thua-xa-cac-thanh-pho-khac-20231025124102512.htm.

2. Đỗ Minh Huyền (2023), Quản lý cây xanh thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Tạp chí Vật liệu Xây dựng, Số 4/2023.

3. Ngọc Quang (2023), Triển khai các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện net zero, tăng trưởng xanh, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, số 19, Kỳ 1, tháng 10/2023.