100% thành viên Hội đồng thẩm định đồng ý thông qua Quy hoạch Hà Giang thời kỳ 2021-2030
Chiều ngày 14/2/2023, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 100% thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã bỏ phiếu đồng ý thông qua Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030 với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện theo kết luận của Hội đồng.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao các ý kiến của chuyên gia, thành viên Hội đồng; đánh giá cao tinh thần cầu thị của tỉnh Hà Giang trong vệc xây dựng quy hoạch. Ảnh: Đức Trung |
Quy hoạch xác định 3 khâu đột phá là có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp
Tại Hội nghị, tổng hợp nhận xét, đánh giá hồ sơ trình thẩm định quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TS. Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các ý kiến thẩm định thống nhất với việc báo cáo quy hoạch đã xác định quan điểm phát triển theo hướng xanh và bền vững, đẩy mạnh liên kết phát triển các tiểu vùng và tăng cường mở cửa, hội nhập; tận dụng tốt nhất cơ hội, thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực để tạo ra đột phá, lợi thế so sánh.
Tuy nhiên, một số thành viên hội đồng đề nghị nghiên cứu, bổ sung quan điểm lấy tài nguyên nước và an ninh nguồn nước là yếu tố cốt lõi, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh phải phù hợp với khả năng nguồn nước, tôn trọng quy luật tự nhiên và điều kiện thực tế, không gây suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
Một số ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định lại đề nghị nhấn mạnh quan điểm bảo đảm an ninh, quốc phòng trong bối cảnh kinh tế mở, tăng cường giao lưu quốc tế; ưu tiên bảo vệ môi trường sinh thái, nhất là trong việc phát triển thủy điện và bảo vệ diện tích rừng. Đề nghị làm rõ quan điểm về phát triển đồng đều hay phát triển có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đầu tư để hình thành các cực phát triển từ đó lan tỏa ra các vùng khác trên cơ sở đảm bảo an sinh xã hội cho các vùng không trọng điểm. Nghiên cứu, bổ sung quan điểm chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn trong định hướng, phương án, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực.
Về tầm nhìn và mục tiêu phát triển, ông Thắng cho biết, Quy hoạch Hà Giang giai đoạn 2021-2030 đưa tầm nhìn chiến lược “Hà Giang - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”, đển năm 2030 là tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, phát triển xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện với phương châm “sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá”.
Theo kịch bản phát triển được lựa chọn, Hà Giang tăng trưởng 8,3% trong giai đoạn 2021-2030, trong đó giai đoạn 2021-2025 đạt bình quân 8,0%/năm và giai đoạn 2026-2030 đạt bình quân 8,6%/năm. (trong khi giai đoạn 2011-2020) chỉ đạt 6%.
"Vậy để đạt được tầm nhìn và tốc độ tăng trưởng như vậy thì cần những động lực, đột phá gì?", ông Thắng nêu vấn đề.
TS. Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các ý kiến thẩm định thống nhất với việc báo cáo quy hoạch đã xác định quan điểm phát triển theo hướng xanh và bền vững. |
Về vấn đề này, ông Thắng cho biết, có thành viên hội đồng đề nghị đặt ra tầm nhìn xây dựng tỉnh Hà Giang trở thành 1 trung tâm du lịch cấp quốc gia và sức cạnh tranh quốc tế.
"Các bài học kinh nghiệm quốc tế như Cao Nguyên Genting (Malaysia) và Thụy Sỹ có thể áp dụng cho tỉnh Hà Giang", ông Thắng nói.
Ông Đinh Trọng Thắng cũng cho biết, Quy hoạch Hà Giang xác định 03 khâu đột phá là: phát triển hạ tầng, phát triển du lịch và sinh kết của người dân, là có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp.
Tuy nhiên, các thành viên hội đồng cho rằng, về nông nghiệp, cần làm rõ định hướng phát triển các sản phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao như chè shan tuyết, cây dược liệu, cây ăn quả, mật ong … để quy hoạch thành vùng trồng tập trung có qui mô đủ lớn để thu hút các hoạt động dịch vụ kỹ thuật (giống, phân bón, bảo vệ thực vật …), các hoạt động chế biến bảo quản sản phẩm và phát triển các nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường.
Về công nghiệp, các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định thống nhất định hướng quy hoạch 2 khu công nghiệp tập trung tại Bắc Quang để thu hút và phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến và tại khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy để thu hút các hoạt động sản xuất kinh doanh với Vân Nam và Quảng Tây, Trung Quốc. Tuy nhiên, đề nghị sắp xếp thứ tự ưu tiên, thực hiện phù hợp với Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Phát triển công nghiệp cần tập trung vào công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, chế biến khoáng sản và phát triển các cụm liên kết, chuỗi giá trị ngành.
Đồng thời, đề nghị cân nhắc, rà soát, lược bỏ tối đa các công trình thủy điện có công suất nhỏ hơn 10 MW trong quy hoạch, kiên quyết loại bỏ các công trình thủy điện không đảm bảo hiệu quả kinh tế, có chiếm dụng rừng tự nhiên, ảnh hưởng đến dân cư, có tác động xấu đến môi trường.
Về du lịch và dịch vụ, các thành viên Hội đồng cho rằng: (i) Cần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng giáp biên, tăng cường thương mại với các địa phương biên giới của Trung Quốc; (ii) Chú trọng mở rộng không gian phát triển du lịch phù hợp sự phát triển của hạ tầng, xây dựng được các tuyến du lịch liên tỉnh, kết nối các điểm đến, hình thành các tour du lịch để phát triển các dịch vụ lữ hành du lịch và là cơ sở để đầu tư hạ tầng du lịch.
Về giao thông, Hội đồng đồng ý, nâng cấp, cải tạo kết hợp xây dựng mới hệ thống giao thông đối ngoại kết nối đồng bộ với hành lang giao thông biên giới phía Bắc, tuyến cao tốc nối từ cao tốc Hà Nội - Lào Cai tại TT Mậu A (tỉnh Yên Bái) - Bắc Quang (Hà Giang), tuyến cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang, nâng cấp, cải tạo tuyến giao tới cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, bổ sung đề xuất sân bay tại Tân Quang (Bắc Quang).
Hội đồng cũng yêu cầu rà soát các vấn đề về khoáng sản theo hướng khai thác hợp lý các mỏ khoáng nóng; cập nhật các khu vực khoanh định cấm hoạt động khoáng sản và khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.
Hội đồng đề nghị bổ sung định hướng phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt của Tỉnh trong thời gian tới, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình cập nhật, xây dựng Quy hoạch hạ tầng, dự trữ xăng dẫu khí đốt Quốc gia thời kỳ 2021-2030 để đảm bảo thống nhất.
Một vấn đề khác được Hội đồng đề cập, đó là rà soát nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022. Trường hợp cần thiết, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất tại Quyết định 326/QĐ-TTg trên cơ sở làm rõ tính pháp lý, tính khoa học, nhất là đối với các chỉ tiêu đất về phát triển khu chức năng (khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị…).
4 cực phát triển của Hà Giang trong Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
Hội đồng cũng đề nghị bổ sung luận chứng phương án phát triển, khả năng thu hút đầu tư, thu hút nguồn nhân lực; tránh lãng phí tài nguyên đất.
Nội dung "Danh mục dự án của tỉnh và thứ tự ưu tiên thực hiện", Hội đồng yêu cầu tiếp tục rà soát, hoàn thiện danh mục các dự án của tỉnh và thứ tự ưu tiên thực hiện, tập trung các dự án án cấp tỉnh và liên huyện.
Rà soát về tổng nhu cầu vốn toàn xã hội, đảm bảo thống nhất với nhu cầu vốn các ngành, lĩnh vực; xem xét cơ cấu nguồn vốn, đặc biệt đối với nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, cần điều chỉnh cho phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước và Luật Quản lý nợ công; đồng thời đề xuất các giải pháp cụ thể để huy động mọi nguồn lực thực hiện quy hoạch; rà soát, lựa chọn những dự án then chốt, trọng tâm, có sức lan tỏa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 10 năm tới.
Tỉnh Hà Giang sớm hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng phê duyệt
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao các ý kiến của chuyên gia, thành viên Hội đồng; đánh giá cao tinh thần cầu thị của tỉnh Hà Giang trong vệc xây dựng quy hoạch.
Tổng hợp các ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng chỉ rõ, cơ quan lập quy hoạch đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, đặc biệt là sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Hà Giang; thực hiện đúng pháp luật của quy hoạch; hồ sơ được thực hiện công phu, nghiêm túc, khoa học, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của chuyên gia, thành viên Hội đồng.
Để sớm hoàn thiện hồ sơ quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch thực hiện các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch phối hợp với các sở, ban, ngành nghiêm túc tiếp thu, giải trình, rà soát theo ý kiến góp ý các chuyên gia, của Hội đồng thẩm định. Rà soát những chủ trương mới, xu thế mới, các nghị quyết mới để cập nhật, để tránh mâu thuẫn, không xung đột.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Đức Trung |
Thứ hai, nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến thẩm định của các bộ ngành, các chuyên gia phản biện, các ý kiến về báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐMC). Tập trung làm rõ nội dung về quy trình tích hợp quy hoạch; các nội dung đề xuất vào quy hoạch cũng như vấn đề liên ngành, liên huyện. Làm rõ vai trò, vị trí của tỉnh trong Vùng, đặc biệt, phải làm nổi bật vai trò về quốc phòng an ninh.
Về giá trị văn hóa; du lịch, bảo vệ rừng, an ninh nguồn nước; phát triển kinh tế lâm nghiệp, nông nghiệp, kinh tế biên mậu để thúc đẩy xuất nhập khẩu; Hà Giang có thể nơi trung chuyển thúc đẩy hàng hóa. Hà Giang đang đóng vai trò quan trọng về quốc an ninh bảo vệ tổ quốc, đối ngoại, phục vụ cho cả nước; vấn đề hỗ trợ cho Hà Giang cũng là hỗ trợ cho đất nước, cho cả khu vực miền núi phía Bắc.
"Do vậy, tỉnh cần xác định vai trò của mình để thấy các cơ hội sắp tới," Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, cũng cần làm rõ những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn là gì? Giao thông, nguồn nhân lực, đất đai, xuất phát điểm, quy mô kinh tế... Làm rõ các vấn đề trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Về mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, cần phải khẳng định rõ là theo là tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, sau đó là kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Bộ trưởng chỉ rõ, đây vừa là xu thế vừa là chủ trương.
Một vấn đề được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đó là việc phải xây dựng được các tuyến hành lang đột phá, tạo không gian phát triển mới; có cơ chế đột phá hơn để trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, phục vụ nhập khẩu của đất nước. Các phương án phát triển các tiểu vùng, các hành lang, phải thể hiện được các chức năng, định hướng của các hành lang; tính đến kết nối vùng.
Đối với khu vực trọng yếu, Bộ trưởng lưu ý vấn đề nguồn lực và động lực cũng cần được làm rõ. Nguồn lực và động lực vô cùng giá trị của Hà Giang cần được nói rõ là văn hóa và con người. UBND tỉnh Hà Giang phải xác định đâu là khu vực động lực chính để ưu tiên đầu tư; làm đầu tàu lôi kéo cho các khu vực khác. Bộ trưởng cho rằng, cần bổ sung các luận chứng của các kịch bản phát triển lựa chọn, xác định rõ đâu là động lực, đâu là điểm đột phá, các ngành quan trọng của tỉnh.
"Các ngành tôi thấy chưa nét", Bộ trưởng thẳng thắn chỉ rõ và yêu cầu tỉnh phải bám vào thực tế và đi lên từ những thứ đang có.
Về phát triển các ngành lĩnh vực, cần rà soát để đảm bảo với các quy hoạch cấp quốc gia đã được phê duyệt, nhất là quy hoạch vùng và các quy hoạch ngành đã được thông qua; nghiên cứu, định hình rõ các khai thác các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, trải nghiệm gắn với đặc điểm của tỉnh; chú trọng phát triển đô thị; rà soát các nhu cầu sử dụng đất cho từng ngành, lĩnh vực; rà soát tổng nhu cầu đầu tư cần thiết cũng như lựa chọn các dự án then chốt, trọng tâm có sức lan tỏa để kêu gọi thu hút đầu tư.
Về Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, rà soát, xác định những các vấn đề môi trường chính cần lưu ý nếu thực hiện quy hoạch, những khu vực nhạy cảm về môi trường, những khu vực cần hạn chế phát triển, những khu vực không được phát triển; đưa ra các giải pháp bảo vệ môi trường và giảm thiểu các tác động tiêu cực cho từng vấn đề môi trường, từng khu vực nhạy cảm về môi trường; lưu ý về bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái, an ninh nguồn nước.
Các ý kiến của Hội đồng cũng cơ bản ủng hộ các đề xuất của tỉnh Hà Giang như thực hiện đường cao tốc; bổ sung quy hoạch sân bay; vấn đề về an ninh nguồn nước; quy hoạch hệ thống logistics... Điều này phù hợp với định hướng phát triển trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị tỉnh Hà Giang hoàn thiện hồ sơ quy hoạch đảm bảo chất lượng, tiến độ trên cơ sở tiếp thu giải trình toàn bộ ý kiến tham gia thẩm định và Báo cáo thẩm định theo đúng quy định hiện hành. Chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch. Đồng thời mong muốn, tỉnh Hà Giang sẽ có bước phát triển bứt phá mạnh mẽ hơn với tư duy, tầm nhìn, giá trị mới./.
Bình luận