Ngày 20-21/12/2024, sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ hai (Techfest VinhPhuc 2024) diễn ra tại Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là hoạt động được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trọng điểm trong khuôn khổ Đề án 844 về Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Với chủ đề “Vĩnh Phúc - Tiên phong sáng tạo, khát vọng đổi mới”, sự kiện đánh dấu những nỗ lực của tỉnh trong việc thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng phát triển kinh tế tri thức và công nghiệp hiện đại.

Thúc đẩy vị thế Vĩnh Phúc trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc sự kiện, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông cho biết, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương có truyền thống đổi mới sáng tạo, là quê hương của "cha đẻ" khoán 10 - cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc, người tiên phong đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp ở Việt Nam.

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những địa phương đã vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế xã hội; với những chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp thực tiễn, Vĩnh Phúc đã tích cực vươn lên, đạt được nhiều thành tựu quan trọng;

Thời điểm mới tái lập, tỉnh Vĩnh Phúc là tỉnh nghèo, có điều kiện đặc biệt khó khăn, xuất phát điểm thấp: (1) Là tỉnh thuần nông với trên 90% lao động làm việc trong ngành nông nghiệp; sản xuất công nghiệp kém phát triển; tỷ lệ hộ nghèo cao; (2) Hạ tầng kinh tế xã hội còn kém phát triển; (3) Thu ngân sách chỉ đạt xấp xỉ 100 tỷ đồng, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn trợ cấp của trung ương; (4) Thu nhập đầu người đạt 140 USD/năm, đứng thứ 57/61 tỉnh, thành phố;

"Qua 27 năm xây dựng và phát triển, tỉnh đã trở thành một trong những địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong cả nước; bình quân giai đoạn 1997-2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng trên 10% (có năm tăng trên 20%), cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng", Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc vui mừng nói.

Quy mô kinh tế của tỉnh tăng nhanh: GRDP của tỉnh năm 1997 chỉ đạt từ gần 2 nghìn tỷ đồng; đến Năm 2024 GRDP của tỉnh ước đạt trên 173 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 85 lần so với năm 1997), đứng thứ 14 cả nước. Cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự chuyển dịch tích cực, đúng định hướng; Khu vực công nghiệp và xây dựng từ xuất phát điểm năm 1997 chỉ chiếm 18,4% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, đến nay, công nghiệp xây dựng đã trở thành đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế và giữ tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu GRDP của tỉnh, chiếm khoảng 66% tổng giá trị tăng thêm của ba khu vực kinh tế. Năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc được bình chọn, chứng nhận là 1 trong 3 tỉnh, thành phố đạt danh hiệu địa phương tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.

Ông Đông cho biết, năm 2024 vừa qua tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đặc biệt khó khăn; nhưng với sự đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị; quý III, quý IV năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh có sự phục hồi trở lại; tăng trưởng cả năm đạt 7,52% (đứng thứ 26 cả nước), cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước (6,8-7%) và đạt mục tiêu kế hoạch đề ra (từ 7,5-8,5%).

Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 ước đạt gần 30,5 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt trên 25 nghìn tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thu hút trong năm 2024 ước đạt 600 triệu USD, bằng 150% kế hoạch và tương đương với năm 2023. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 ước đạt 16,3 tỷ USD, tăng 12,55% so với năm 2023. Đóng góp của KHCN (tỷ trọng TFP) trong tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021- 2024 ước đạt 45%.

Tuy nhiên, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc cũng thưa nhận, bên cạnh các kết quả nêu trên, một số chỉ tiêu không đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra; Vĩnh Phúc gặp một số khó khăn, thách thức như: Thu ngân sách của tỉnh các năm tiếp theo dự báo gặp nhiều khó khăn; đóng góp của TFP trong GRDP chưa cao; không gian cho phát triển theo chiều rộng không còn nhiều (đặc biệt là đất đai, tài nguyên).

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ là động lực tăng trưởng chính của tỉnh thời gian tới

Để tỉnh Vĩnh Phúc có thể đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 từ 10,5-11% theo Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị, quyết định 368/QĐ-TTg và Quyết định số 158/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng và phê duyệt quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; đồng thời thực hiện hiệu quả quyết định số 1017/QĐ-TTg, 1018/QĐ-TTg ban hành chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam và Quyết định phê duyệt Chương trình Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; trong thời gian tới, Vĩnh Phúc xác định động lực tăng trưởng chính của tỉnh là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, sau 12 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: toàn tỉnh có hơn 130.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có nhiều dự án gắn với thế mạnh địa phương, qua đó lan tỏa, truyền cảm hứng tinh thần khởi nghiệp đến các doanh nghiệp, thanh niên trẻ, góp phần khai thác và tối ưu hóa các thế mạnh của địa phương; đã có 06 doanh nghiệp khoa học và công nghệ được thành lập và là cầu nối thực hiện sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm, hàng hoá hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; 05 doanh nghiệp công nghệ cao được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận.

Thúc đẩy vị thế Vĩnh Phúc trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Lễ ký kết bản ghi nhớ giữa lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp.

Đồng thời, dưới sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, những năm qua Vĩnh Phúc không ngừng nỗ lực xây dựng môi trường khởi nghiệp thuận lợi để khuyến khích tinh thần và nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp phát triển bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch, cơ chế chính sách tổ chức thực hiện có hiệu quả và phối hợp chỉ đạo tổ chức thành công sự kiện "Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ nhất, năm 2022”, đồng thời tổ chức thành công Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ nhất, năm 2022” được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy, hình thành Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tỉnh đã Vĩnh Phúc đã thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là các chuyên gia giỏi, có nhiều đóng góp cho sự phát triển KHCN nói riêng và KTXH nói chung của tỉnh được chú trọng. Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp; thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo được khuyến khích phát triển, đặc biệt tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đã tạo hành lang pháp lý hỗ trợ cho vay vốn từ Quỹ Khoa học và công nghệ tỉnh để phát triển các dự án, ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đã phê duyệt Đề án Phát triển Trung tâm Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo tỉnh - là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh. Đây là trái tim của hệ sinh thái, giúp dẫn dắt, kết nối hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tỉnh; hỗ trợ, liên kết phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo các địa phương lân cận và trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Qua đó, năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc được Ban Tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia bình chọn, chứng nhận là một trong ba tỉnh trên cả nước đạt "Danh hiệu địa phương tiêu biểu xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp năm 2022"; năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc được xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố trên cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương.

"Những thành tựu trên là minh chứng cho tinh thần tiên phong, khát vọng sáng tạo của tỉnh Vĩnh Phúc, nối tiếp truyền thống đổi mới sáng tạo của Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0", Chủ tịch Trần Duy Đông tổng kết.

Thúc đẩy vị thế Vĩnh Phúc trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Chương trình có sự đồng hành của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Vingroup.

Phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo

Việc phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ 2, năm 2024 là hoạt động rất có ý nghĩa, nhằm góp phần chung tay phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo của tỉnh cũng như thúc đẩy phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của vùng, quốc gia;

Để phong trào khởi nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc chuyển sang giai đoạn mới, nâng cao cả về chất và lượng đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tỉnh Vĩnh Phúc mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành Trung ương.

Ông Trần Duy Đông nêu rõ, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc xác định người dân, doanh nghiệp là chủ thể và là trung tâm của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; trong đó việc hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là một mục tiêu, ưu tiên hàng đầu nhằm tạo điều kiện tối đa cho đổi mới, sáng tạo phát triển.

Tỉnh sẽ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp với tinh thần tạo mọi thuận lợi và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân. Thúc đẩy hoạt động thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh hợp tác, mở rộng liên kết, chú trọng hoạt động nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới. Từng bước xây dựng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ thu hút các nguồn lực cho đổi mới sáng tạo. Quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ hỗ trợ khoa học và công nghệ tỉnh.

Nhấn mạnh rằng, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một quá trình lâu dài, đòi hỏi tầm nhìn, giải pháp căn cơ, chiến lược, ông Trần Duy Đông chỉ rõ, muốn thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải có chính quyền đổi mới sáng tạo, xã hội đổi mới sáng tạo, giáo dục đổi mới sáng tạo, khoa học đổi mới sáng tạo và con người đổi mới sáng tạo.

"Phát huy tư duy đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số và phát triển xanh của nhân loại, ngành khoa học công nghệ và phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Vĩnh Phúc cần có những bước đi nhanh và bền vững trên tất cả các ngành, lĩnh vực của tỉnh, để đưa Vĩnh Phúc tiếp tục đổi mới và phát triển", ông Đông chỉ rõ.

Techfest Vĩnh Phúc 2024 là nơi để các doanh nghiệp khởi nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm, ý tưởng sáng tạo đồng thời cũng là cơ hội để kết nối, học hỏi và tiếp nhận các nguồn lực quan trọng từ nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn và các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực.

"TechFest Vĩnh Phúc 2024 năm nay kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội kết nối sâu rộng giữa các startup và hệ sinh thái khởi nghiệp; sự đồng hành, chia sẻ từ các chuyên gia, nhà đầu tư trong và ngoài nước; và đặc biệt là tinh thần sáng tạo không ngừng, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển bền vững cho cộng đồng khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và cả nước nói chung", người đứng đầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc nói và nhấn mạnh mục tiêu, phấn đấu đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh có hệ sinh thái năng động trên cả nước và dần vươn ra khu vực. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tạo tiền đề quan trọng để tỉnh Vĩnh Phúc tăng tốc, bứt phá cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.


Techfest VinhPhuc 2024 thu hút 600 đại biểu tham gia trực tiếp và hàng nghìn người theo dõi trực tuyến, bao gồm lãnh đạo Chính phủ, các bộ Trung ương, chuyên gia, nhà đầu tư, cùng đại diện các tổ chức lớn như Viettel, Vingroup, VNPT. Với hơn 80 gian hàng trưng bày các dự án khởi nghiệp, sản phẩm công nghệ từ các lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, giáo dục, và sản phẩm OCOP, sự kiện mang đến cơ hội để các startup quảng bá ý tưởng, tiếp cận nguồn lực và phát triển mạng lưới kết nối.

Chương trình khai mạc được thiết kế đặc biệt để truyền tải thông điệp về đổi mới sáng tạo thông qua ứng dụng các công nghệ trình diễn tiên tiến. Điểm nhấn của buổi lễ là màn trình diễn Kinetic vòng và hệ thống Palang LED hiện đại, mang đến không gian nghệ thuật độc đáo, kết hợp âm thanh, ánh sáng và chuyển động, tạo nên một trải nghiệm mãn nhãn, đồng thời thể hiện tinh thần tiên phong, đột phá của sự kiện.

Bên cạnh đó, hội thảo chuyên đề “Đổi mới sáng tạo - Kết nối doanh nghiệp” sẽ quy tụ 350 đại biểu để trao đổi ý tưởng và định hình những xu hướng mới trong khởi nghiệp./.