Cho đến gần đây, thì việc sở hữu một phần DNNN vẫn được coi là điều rất khó xảy ra đối với các nhà đầu tư nước ngoài

Xiao Yaqing, người đứng đầu Ủy ban giám sát và quản lý tài sản thuộc sở hữu nhà nước (Sasac), cho biết các doanh nghiệp nước ngoài được chào đón mua cổ phần trong các doanh nghiệp công nghiệp của Trung Quốc như một phần nỗ lực nâng cao khả năng cạnh tranh của DNNN thông qua tái cấu trúc quyền sở hữu.

“Các công ty trong nước và nước ngoài được mời tham gia vào quá trình cải cách DNNN thông qua các giao dịch tài trợ vốn chủ sở hữu”, ông Xiao nói trong một diễn đàn tại Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc diễn ra tại Thượng Hải hôm thứ Ba (06/11).

“Họ sẽ đóng một vai trò trong việc tăng cường cải cách, nâng cấp năng lực sản xuất của DNNN, và do đó gặt hái lợi ích từ sự tăng trưởng của các công ty”.

Những phát biểu của ông Xiao được đưa ra sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi toàn cầu hóa hơn nữa trong bài phát biểu khai mạc Hội chợ diễn ra vào thứ Hai (05/11) và cam kết rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng công kích chủ nghĩa đơn phương, trong một lời chỉ trích Mỹ khi cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang tiếp tục.

Bắc Kinh đã duy trì sự kìm hãm chặt chẽ đối với các công ty sản xuất lớn do nhà nước sở hữu vì hầu hết trong số đó là các ngành công nghiệp được coi là xương sống của nền kinh tế, như: viễn thông, khai thác than và chế biến dầu.

Những công ty này được hưởng chế độ độc quyền trong thị trường mặc dù tỷ lệ lợi nhuận khiêm tốn mà nó mang lại.

Nhưng kể từ năm 2014, Bắc Kinh đã tích cực thúc đẩy quyền sở hữu hỗn hợp - một động thái để giới thiệu các công ty tư nhân hoặc ở nước ngoài với tư cách là các bên liên quan - để tăng cường việc quản trị doanh nghiệp của họ.

Sasac đã chọn hàng chục công ty dưới sự giám sát của mình để bán cổ phần của nhà nước.

“Toàn cầu hóa là một xu hướng không thể đảo ngược”, ông Xiao nói thêm rằng, các DNNN của Trung Quốc sẽ được khuyến khích hòa nhập vào nền kinh tế thế giới và trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, cho đến gần đây, thì việc sở hữu một phần DNNN vẫn được coi là điều rất khó xảy ra đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

“Nhưng lời hứa của Chủ tịch Tập mở cửa thị trường và nền kinh tế Trung Quốc với thế giới chính là chất xúc tác cho cải cách DNNN”, Ding Haifeng, một nhà tư vấn của Công ty tư vấn tài chính toàn cầu có trụ sở tại Thượng Hải cho biết. “Để giới thiệu các nhà lãnh đạo toàn cầu là các bên liên quan của các nhà sản xuất lớn của Trung Quốc cũng sẽ tăng cường hiệu quả các nỗ lực để đạt được các mục tiêu theo các sáng kiến của chiến dịch ​​Made in China 2025”.

Chiến lược công nghiệp “Made in China 2025” là một kế hoạch đầy tham vọng để nước này bắt kịp các nhà lãnh đạo toàn cầu và có thể tự cung tự cấp trong 10 công nghệ cốt lõi, bao gồm: hàng không, robot và các loại xe năng lượng mới.

Các nhà phân tích cho biết, sẽ có nhiều cơ hội hơn trong ngành sản xuất ô tô cho các nhà chế tạo xe nước ngoài để hình thành quan hệ đối tác với các DNNN lớn như FAW Group, nhà sản xuất ô tô lâu đời nhất của Trung Quốc.

Hồi tháng 8 năm ngoái, China Unicom đã huy động được 11,7 tỷ USD từ hàng chục nhà đầu tư tư nhân trong nước, như: Baidu, JD.com và China Life Insurance trong một thỏa thuận được hiểu là sự khởi đầu chính thức của cải cách quyền sở hữu hỗn hợp.

Dịch từ nguồn:

https://www.scmp.com/business/companies/article/2171988/chinas-state-owned-firms-are-ready-welcome-foreign-stakeholders