Cuộc khảo sát do Ban IV phối hợp cùng Báo điện tử VnExpress tiến hành trực tuyến vào vào cuối tháng 4/2023, để đánh giá bức tranh hiện trạng cùng các triển vọng kinh tế nửa cuối năm 2023 từ góc nhìn doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đang đối mặt hàng loạt khó khăn

Kết quả khảo sát cho thấy, doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn đồng thời chỉ ra một số vấn đề chính nổi cômm đáng chú ý trong hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Cụ thể, theo kết quả khảo sát, trong tổng số 9.556 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể: 10,9%; dự kiến tạm ngừng kinh doanh: 12,4%; dự kiến giảm mạnh quy mô: 38,5% và dự kiến giảm nhẹ quy mô: 20,5%.

Trong số các doanh nghiệp còn hoạt động năm 2023, có 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 22,2% dự kiến giảm trên 50%. Có 80,7% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu trên 5%, trong đó tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 29,4%.

Ban IV hiến kế hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay
Cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với hàng loạt khó khăn và rất cần hỗ trợ kịp thời

Niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh này đặc biệt thấp: Có đến 81,4% doanh nghiệp được khảo sát có đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023. Các đánh giá rất tích cực/tích cực chỉ chiếm 4,2% các doanh nghiệp được khảo sát. Tương tự, có đến 83,7% doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh tế ngành năm 2023 là tiêu cực/rất tiêu cực, trong đó có 29,6% là rất tiêu cực. Và trong bức tranh “tối màu” chung đó, doanh nghiệp ngành Xây dựng; các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh thể hiện mức độ đánh giá tiêu cực hơn.

Cũng theo kết quả khảo sát, các khó khăn, thách thức lớn nhất doanh nghiệp đang phải đối mặt là: Khó khăn về đơn hàng (59,2%); khó khăn trong tiếp cận vốn vay (51,1%); thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật (45,3%); nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (31,1%).

Trong bối cảnh khó khăn đó, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn khi có đến 84% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả điều hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương ở mức kém hiệu quả.

3 vấn đề chính cần khắc phục

Trên cơ sở thực tiễn từ kết quả khảo sát các doanh nghiệp, Ban IV chỉ rõ 3 vấn đề còn bất cập cần khắc phục.

Thứ nhất, hoạt động điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thời gian qua được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận là rất quyết liệt, kịp thời, bám sát những khó khăn của doanh nghiệp và của nền kinh tế với việc ban hành khẩn trương các công điện, tờ trình tháo gỡ cho doanh nghiệp các khó khăn về thị trường vốn, giảm lãi suất, giảm thuế, thủ tục phòng cháy chữa cháy, chính sách visa, thúc đẩy đầu tư công.

Tuy nhiên, theo Ban VI, vấn đề đặt ra ở đây là khâu triển khai chính sách, truyền thông chính sách và hiệu quả thực thi chưa tương xứng với quyết tâm và hành động của Chính phủ và Thủ tướng, cần có cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới để nỗ lực của Chính phủ và hệ thống hành chính thực sự đem lại giá trị cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Để đạt được mục tiêu này, Ban IV cho rằng, cần nghiên cứu đẩy mạnh các quy trình công bố, công khai chính sách, thủ tục hành chính đảm bảo sự minh bạch và thống nhất trên toàn quốc; đồng thời, tuân thủ các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính để hạn chế tối đa sự tùy nghi trong thực thi, hoặc hạn chế việc tạo ra các cách hiểu khác nhau do không có các quy trình thống nhất toàn quốc, tạo thuận lợi cho không chỉ doanh nghiệp, mà cho cả cán bộ, công chức giải quyết chính sách, thủ tục hành chính.

Thứ hai, theo Ban IV, nguyên nhân của những khó khăn hiện tại đối với doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đến từ chu kỳ khó khăn của kinh tế thế giới, mà còn do những vấn đề nội tại gây ra. Đây là thách thức rất lớn nhưng cũng mở ra những cơ hội lớn để Chính phủ thực hiện những cải cách triệt để, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao sản lượng kinh tế trong dài hạn.

Theo đó cần giải quyết các vấn đề tồn đọng theo các định hướng và các ưu tiên mà các tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế, trong nước đã nghiên cứu, khuyến nghị bao gồm: Đẩy mạnh đầu tư công để “bơm tiền” cho nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn, tập trung vào nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia, trong đó chú trọng các hạ tầng kết nối giữa các trung tâm kinh tế đã hiện hữu với các địa phương lân cận để tạo cơ hội thu hút các làn sóng đầu tư tư nhân, đầu tư FDI thế hệ mới; đầu tư mạnh vào cải thiện chất lượng giáo dục đại học theo hướng hiện đại và đào tạo nghề theo hướng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó tăng năng suất lao động; thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng Chính phủ số, quản trị dựa trên dữ liệu gắn với xây dựng nền hành chính hiện đại, kỷ cương, phục vụ, hiệu quả và minh bạch; xây dựng các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân một cách thực chất, có trọng tâm, trọng điểm; chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh và tuần hoàn.

Thứ ba, theo Ban IV, đợt khảo sát cũng ghi nhận rất nhiều kiến nghị, đề xuất cụ thể từ cộng đồng doanh nghiệp mang tính cấp bách, hướng đến tháo gỡ các nút thắt ngay trước mắt, nhằm củng cố niềm tin và gia tăng nội lực để doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước vượt qua giai đoạn nhiều thách thức hiện nay.

Kiến nghị loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Từ các thực tiễn tại kết quả khảo sát này, Ban IV đưa ra các kiến nghị cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giải đoạn khó khăn, trụ vững và sớm phục hồi trở lại. Cụ thể, Ban IV đề xuất các giải pháp giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, như:

Kéo dài thời hạn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn Covid-19, bao gồm việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 thay vì chỉ hết năm 2023.

Giảm chi phí lao động. Cụ thể, Ban IV đề xuất cần tiếp tục giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, hay xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để phù hợp với bối cảnh mới.

Đẩy nhanh việc hoàn thuế cho doanh nghiệp tránh kéo dài như hiện nay. Một số cơ chế đặc biệt cần được suy nghĩ tới, ví dụ “cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế trong vòng 3 tháng sau khi hoàn thành xuất khẩu đơn hàng” và kết hợp các biện pháp thanh tra, hậu kiểm để kiểm soát rủi ro, chống gian lận thuế nhằm tạo điều kiện cho số đông các đoanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật.

Đưa thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp xuất khẩu về mức 5-10% để tạo sức cạnh tranh với doanh nghiệp các nước khác...

Bên cạnh đó, Ban IV cũng đề xuát các giải pháp thiết thực để doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay, như: Nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực, trong đó có những khoản mục dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; không siết tín dụng với các nhóm bất động sản liên quan đến xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, hạ tầng sản xuất; cho phép ngân hàng thương mại trong nước được mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt vì lượng trái phiếu này có giá trị vượt rất nhiều lần khả năng mua lại của các doanh nghiệp trong nước.

Đồng thời kiến nghị, xem xét giảm mạnh lãi suất vay cho thuê, mua nhà ở xã hội để số đông công nhân, người lao động có cơ hội tiếp cận việc thuê, mua nhà từ nguồn hỗ trợ tín dụng. Đồng thời, nhà nước xem xét các cơ chế để doanh nghiệp tham gia tín chấp, bảo lãnh cho người lao động trong quá trình này so với quy trình xét duyệt phức tạp theo diện “đối tượng chính sách” như hiện nay để chủ trương phát triển nhà ở xã hội đi vào thực tiễn...

Về các đề xuất để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Ban IV kiến nghị sớm hoàn thành điều tra các vụ án hiện tại để doanh nghiệp ổn định tư tưởng, tập trung sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cần có nghị quyết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự như những năm 1997-2000.

Hạn chế thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh (không quá 1 lần/năm) và không ban hành thêm văn bản mới tạo thêm gánh nặng về thuế, phí, thủ tục hành chính. Có cơ chế và quy định pháp lý rõ ràng đối với các chính sách, thủ tục hành chính liên quan tới hỗ trợ doanh nghiệp để cán bộ các cấp có thể thực hiện mà không lo bị phạm lỗi.

Phân quyền cho phép cơ quan phòng cháy, chữa cháy cấp quận/huyện thẩm duyệt và nghiệm thu cho các nhà máy có vốn đầu tư dưới 200 tỷ đồng và ngành nghề không đặc biệt gây nguy cơ cháy nổ, để giảm thời gian chờ đợi kéo dài vì các khâu xét duyệt đang hầu hết tập trung về một vài đầu mối ở trung ương như hiện nay.

Đề nghị thay đổi luật và quy định về đấu thầu: Bỏ quy định dùng giá của hợp đồng cũ làm dự toán; cho phép áp dụng công thức giá trong chào bán sản phẩm dựa vào các biến động giá nguyên vật liệu và tỉ giá ở thời điểm sản xuất dựa trên các chỉ số giá được công bố công khai trên thế giới.

Xem xét cải thiện các quy định liên quan tới mở tài khoản đồng ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận với các nguồn cung mới, các thị trường mới trong bối cảnh khó khăn đặc biệt về thị trường như hiện nay. Quy trình này hiện còn khá phức tạp và kém linh hoạt cho doanh nghiệp...

Ngoài ra, các đề xuất để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường cũng được đưa ra tại Báo cáo gửi Thủ tướng, như: Phát huy trọng tâm vai trò của ngoại giao kinh tế và đàm phán thương mại vào việc phát triển, đa dạng hóa thị trường đầu vào (đặc biệt đối với các ngành may mặc, da giày, đồ gỗ...) và đầu ra để giảm sự phụ thuộc các thị trường truyền thống. Nghiên cứu xây dựng các kênh thông tin tập trung để phân tích, dự báo về các xu hướng kinh tế, kinh doanh quốc tế, cập nhật các ưu đãi phát triển và cảnh báo rủi ro... để hỗ trợ doanh nghiệp./.