Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động bằng gần 1/2 số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 10, cả nước có gần 14,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là hơn 153,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,5% về số doanh nghiệp và tăng 65,4% về vốn đăng ký so với tháng 9/2024. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, giảm 9,8% về số doanh nghiệp và tăng 9,5% về số vốn đăng ký.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 10,8 tỷ đồng, tăng 30,8% so với tháng trước và tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có gần 8,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 33,5% so với tháng trước và tăng 53,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung 10 tháng năm 2024, cả nước có gần 136,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là gần 1.312,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% về số doanh nghiệp và tăng 4,1% về vốn đăng ký. Bình quân số vốn đăng ký của một doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng năm 2024 đạt 9,6 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Đồng thời, cả nước có hơn 66,2 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 10 tháng năm 2024 lên 202,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có hơn 20,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Đáng chú ý, phân theo khu vực kinh tế, trong 10 tháng năm 2024, có 1.373 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước; gần 31,6 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 0,5%; hơn 103,1 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 2,7%.

Bình quân một tháng có 17,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Ở chiều ngược lại, số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong tháng 10, có 5.454 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 28,8% so với tháng trước và giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2023; 5.424 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 26,8% và tăng 10,7%; có 1.987 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,8% và tăng 34,3%.

Tính chung 10 tháng năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 92,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước; hơn 63,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,6%; gần 17,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 20,5%. Theo đó, tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường 10 tháng năm 2024 là 173,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,4 so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có 17,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (Hình).

Hình: Tình hình đăng ký doanh nghiệp 10 tháng năm 2024

Hơn 202,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 10 tháng năm 2024

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Đáng chú ý, phân theo lĩnh vực, số doanh nghiệp giải thể nhiều nhất tập trung ở lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy với 6.941 doanh nghiệp, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là công nghiệp chế biến, chế tạo với 1.865 doanh nghiệp, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái (Bảng).

Bảng: Doanh nghiệp thành lập mới và giải thể 10 tháng năm 2024

phân theo một số lĩnh vực hoạt động

Số lượng doanh nghiệp (Doanh nghiệp)

Tốc độ tăng/giảm so với cùng kỳ năm trước (%)

Thành lập mới

Giải thể

Thành lập mới

Giải thể

Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy

55.612

6.941

7,5

28,9

Công nghiệp chế biến, chế tạo

16.486

1.865

3,9

19,3

Xây dựng

13.555

1.193

-5,3

14,1

Kinh doanh bất động sản

3.896

1.020

0,7

-1,4

Vận tải kho bãi

7.317

651

11,3

17,1

Dịch vụ lưu trú và ăn uống

5.024

798

-11,9

5,4

Sản xuất phân phối, điện, nước, gas

996

213

7,6

-13,4

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là về thị trường

Trao đổi về nguyên nhân khiến các doanh nghiệp giải thể, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã thực hiện khảo sát và thấy các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó khăn, thách thức, trong đó, khó khăn về thị trường là khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay.

Theo khảo sát xu hướng kinh doanh doanh nghiệp tháng 9 của Tổng cục Thống kê, trên 50% doanh nghiệp được khảo sát gặp khó khăn từ thị trường trong nước và áp lực cạnh tranh trên thị trường.

Mặc dù thể chế, pháp luật đã được quan tâm, chỉ đạo, tập trung tháo gỡ vướng mắc, song vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển. Tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật chưa được khắc phục triệt để.

Ngoài ra, việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh... trong một số lĩnh vực còn chưa triệt để; công tác thực thi có lúc, có nơi còn chưa thống nhất. Cùng với đó, một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai, hiệu quả chưa cao.

Trong số các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra có giải pháp tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Rà soát, sửa đổi các điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật không phù hợp với thực tế, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp./.