Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam triển khai thành công hoạt động quản lý nhà nước và phát triển các KCN năm 2024
Toàn cảnh KCN Hà Nam Itahan, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam |
Năm 2024, vượt qua những khó khăn, thách thức của nền kinh tế thế giới và trong nước, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam (Ban Quản lý) đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các Nghị quyết, Quyết định và các Chương trình, Kế hoạch, chỉ đạo điều hành cụ thể của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Nam.
Với sự cố gắng nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm cao của tập thể cán bộ công chức, viên chức Ban Quản lý, các công ty phát triển hạ tầng KCN và cộng đồng các doanh nghiệp trong các KCN Tỉnh, cùng sự phối hợp tích cực, chặt chẽ từ các cơ quan chức năng liên quan và địa phương có các KCN đã giúp hoạt động quản lý nhà nước và phát triển các KCN tỉnh Hà Nam trong năm 2024 tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư vào các KCN có nhiều khởi sắc, đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Một góc KCN Đồng Văn IV, tỉnh Hà Nam |
Tăng cường xúc tiến và thu hút đầu tư vào các KCN
Xác định công tác xúc tiến đầu tư (XTĐT) đóng vai trò đòn bẩy để thu hút đầu tư vào các KCN, năm 2024 Ban Quản lý KCN tiếp tục tăng cường các giải pháp xúc tiến và thu hút đầu tư vào các KCN, với nhiều hình thức xúc tiến đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là phát huy thế mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ để các nhà đầu tư có thể trực tiếp chứng kiến môi trường đầu tư ngay tại các KCN. Bên cạnh đó, Ban Quản lý đã tham mưu và chuẩn bị các tài liệu và điều kiện phục vụ 7 đoàn xúc tiến đầu tư của Tỉnh tại nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước châu Âu, Trung Quốc, Mỹ, Canada, Singapore...); tham mưu, chuẩn bị các tài liệu và điều kiện phục cần thiết phục vụ lãnh đạo UBND Tỉnh gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh.
Thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, gặp gỡ, trao đổi của đoàn công tác, đã có nhiều nhà đầu tư bày tỏ mối quan tâm đối với Hà Nam và lên kế hoạch nghiên cứu, khảo sát thực tế tại Tỉnh để đầu tư các dự án về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, giáo dục đào tạo...
Mặt khác, thực hiện chủ trương, định hướng phát triển các mô hình KCN mới theo hướng sinh thái của Chính phủ và của Tỉnh, Ban Quản lý đã nhanh chóng triển khai thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao vào các KCN.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư hạ tầng KCN Thanh Bình |
Với những cố gắng lớn trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư vào các KCN, kết quả từ đầu năm 2024 đến nay, Ban Quản lý các KCN đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 75 dự án đăng ký mới, trong đó có 37 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) và 38 dự án đầu tư trong nước (DDI); đồng thời điều chỉnh cho 56 lượt dự án tăng vốn đầu tư. Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm vào các KCN năm 2024 đạt 26.857 tỷ đồng (bao gồm 689,57 triệu USD và 9.617,7 tỷ đồng), bằng 206,6% so với kế hoạch năm 2024.
Lũy kế đến thời điểm hiện nay tại, các KCN của Tỉnh có 632 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 371 dự án FDI và 261 dự án DDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 6.530,5 triệu USD và 52.795,5 tỷ đồng.
Đến nay, tổng diện tích đất công nghiệp trong các KCN đã cho các doanh nghiệp thuê, thuê lại là 1.541,2 ha. Tỷ lệ lấp đầy tính cho 8 KCN đã đi vào hoạt động là 84,44 %, và tính chung cho cả 12 KCN đã được thành lập là 61,6%.
Lãnh đạo tỉnh Hà Nam trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Cổ phần Cảng Quốc tế Hà Nam thực hiện dự án "Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Đồng Văn VI" |
Các doanh nghiệp KCN hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng cao
Các KCN hiện có có 488 dự án đi vào hoạt động sản xuất, còn lại đang triển khai đầu tư xây dưng và chuẩn bị đầu tư.
Vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp KCN trong cả năm 2024 ước đạt 12.300 tỷ đồng (trong đó bao gồm 405 triệu USD của các dự án FDI), đạt 106,95% kế hoạch năm.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công xây dựng nhà máy PepsiCo Foods Việt Nam tại KCN Đồng Văn I mở rộng, tỉnh Hà Nam |
Năm 2024, các doanh nghiệp KCN đã cố gắng phấn đấu vượt qua các khó do các nguyên nhân khách quan tác động do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và biến động chiến tranh trên thế giới, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh đạt được nhiều kết quả tích cực hơn so với năm 2023, cụ thể:
Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 202,5 nghìn tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch năm; giá trị xuất khẩu ước đạt 8,06 tỷ USD, tương đương 115% kế hoạch năm, thu ngân sách Nhà nước trong KCN cơ bản đạt chỉ tiêu kế hoạch.
Một số ngành, sản phẩm đạt kết quả tốt như sản xuất, gia công linh kiện, thiết bị điện tử: đạt 130% kế hoạch năm; sản xuất bộ dây điện ô tô, xe máy đạt 117% kế hoạch năm… Bên cạnh đó, một số ngành gặp khó khăn, không đạt chỉ tiêu như: sản xuất sữa (đạt 83% kế hoạch năm); sản xuất xe gắn máy (đạt 73% kế hoạch năm).
Các KCN đã tạo việc làm cho 91.236 lao động (chưa bao gồm lao động của các đơn vị cung cấp dịch vụ).
Các đại biểu nhấn nút khởi công xây dựng Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN hỗ trợ Đồng Văn 3 |
Đẩy mạnh công tác quy hoạch, phát triển các KCN
Theo Quyết định số 1686/QĐ-TTg ngày 26/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2030 tỉnh Hà Nam sẽ phát triển 16 KCN với tổng diện tích 4.627 ha; định hướng đến năm 2050 sẽ phát triển thêm 6 KCN mới, nâng tổng số KCN trên địa bàn Tỉnh lên thành 22 KCN với tổng diện tích 6.656 ha. Đến nay, Tỉnh đã có 12 KCN được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích là 3.458,95 ha, tình hình cụ thể như sau:
Có 8 KCN đã chính thức đi vào hoạt động với tổng diện tích 2.515,06 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 84,44%.
Các KCN Đồng Văn V giai đoạn I, KCN Kim Bảng I và KCN hỗ trợ Đồng Văn III vị trí phía Đông đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đang triển khai đầu tư hạ tầng, trong đó: KCN Kim Bảng I (diện tích 230 ha) đã cơ bản hoàn thành hạ tầng khung để bàn giao đất cho nhà đầu tư thứ cấp thực hiện dự án; KCN hỗ trợ Đồng Văn III vị trí phía Đông đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (diện tích 223 ha) đang triển khai đầu tư hạ tầng và dự kiến trong quý I/2025 sẽ cơ bản hoàn thiện hạ tầng có thể giao đất cho nhà đầu tư thứ cấp; KCN Đồng Văn V giai đoạn I (diện tích 237,9 ha) đang tiến hành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
2 KCN vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư trong tháng 11/2024: Đồng Văn VI, Thanh Bình II (tổng diện tích 476,60 ha): các nhà đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục hành chính về môi trường, quy hoạch xây dựng, phòng cháy chữ cháy (PCCC) và công tác chuẩn bị GPMB.
Đang tiến hành công tác lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 các KCN Kim Bảng II, Kim Bảng IV, Châu Giang I, Châu Giang II và Thái Hà III.
Toàn cảnh KCN Hoàng Đông, tỉnh Hà Nam |
Triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước năm 2024
Năm 2024, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam tiếp tục phát huy cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả hoạt động trên tất cả các lĩnh vực được phân cấp, quản lý và phát triển các KCN đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi, góp phần thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các KCN tiếp tục đi vào ổn định và tăng trưởng cao, tạo niềm tin lớn cho các nhà đầu tư về môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn và tiềm năng phát triển của Tỉnh.
Toàn cảnh KCN Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam |
Công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được Ban Quản lý quan tâm đặc biệt, đã tiến hành rà soát các TTHC để điều chỉnh, sửa đổi theo quy định của pháp luật; kết quả: Đã trình UBND Tỉnh điều chỉnh thời gian xử lý TTHC đối với 28 thủ tục trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch xây dựng và lao động, trong đó đề xuất rút ngắn thời gian cấp mới Giấy CNĐKĐT xuống còn 3 ngày làm việc (cắt giảm 80% thời gian so với 15 ngày theo quy định); xây dựng danh mục thủ tục hành chính liên thông trong các lĩnh vực do Ban quản lý; sửa đổi quy trình nội bộ giải quyết TTHC trình UBND Tỉnh ban hành quyết định công bố... Căn cứ quyết định công bố thủ tục hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Quản lý các KCN đã thực hiện công khai và cập nhật đầy đủ, kịp thời bộ TTHC đang có hiệu lực thi hành. Năm 2024, Ban Quản lý các KCN đã giải quyết 1.119 hồ sơ TTHC, trong đó, 1.084 hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn quy định (chiếm 97 %).
Công tác đầu tư xây dựng được triển khai nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật; tiến độ thực hiện các gói thầu do Ban làm chủ đầu tư đảm bảo đúng quy trình, thời gian giải ngân dự án đầu tư công. Năm 2024, Ban quản lý các KCN đã tổ chức thẩm định và cấp giấy phép xây dựng (cấp mới, điều chỉnh, cải tạo sửa chữa xây dựng) cho 81 dự án; thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi cho 81 dự án; kiểm tra nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng cho 21 dự án. Phối hợp với Sở Xây dựng, chính quyền địa phương kiểm tra, phát hiện chuyển cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm về trật tự xây dựng đối với 12 dự án với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng, qua đó chấn chỉnh các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy hoạch được phê duyệt.
Cùng với đó, công tác quản lý môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ban thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp KCN thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Đông thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng theo dõi, kiểm soát ô nhiễm và giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong các KCN. Công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về môi trường và các quy định của Tỉnh (trong năm 2024 Ban đã tổ chức thẩm định 73 hồ sơ cấp Giấy phép môi trường; tham gia đánh giá tác động môi trường và cấp Giấy phép môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức cho 20 dự án. Kiểm tra, giám sát kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của 50 doanh nghiệp và thực hiện lấy mẫu đối chứng theo quy định…). Đồng thời tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các công ty quản lý hạ tầng KCN để hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục trong lĩnh vực quản lý đất đai trong các KCN.
Công ty Iljin Diamond trong KCN Đồng Văn 4, tỉnh Hà Nam |
Công tác quản lý lao động, quản lý doanh nghiệp được theo dõi, quản lý sát sao để nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, Ban đã chủ động rà soát, có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, công tác quản lý lao động nước ngoài tại các doanh nghiệp trong KCN, hướng dẫn tổ chức Hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc, định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo việc thực hiện về Ban Quản lý các KCN. Triển khai văn bản hướng dẫn thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống ma túy, mại dâm tới các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn Tỉnh. Xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện giám sát, hướng dẫn tại 33 doanh nghiệp về tình hình thực hiện pháp luật lao động, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, đồng thời có văn bản đôn đốc, hướng dẫn thực hiện gửi các doanh nghiệp trong KCN; kết quả năm 2024 đã có 62 doanh nghiệp đăng ký nội quy lao động (NQLĐ), trong đó có 25 NQLĐ tiếp nhận mới, 37 NQLĐ đăng ký lại hoặc sửa đổi, bổ sung; có 325 doanh nghiệp ban hành và triển khai quy chế dân chủ cơ sở; 52 doanh nghiệp đăng ký làm thêm giờ từ 200h đến 300 giờ trong năm.
Công nhân làm việc tại dây chuyền lắp ráp xe máy của Công ty Honda trong KCN Đồng Văn II, tỉnh Hà Nam |
Đặc biệt trong năm, Ban đã tham mưu tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về đầu tư, môi trường, lao động, xây dựng cho các doanh nghiệp trong KCN và thu hút 986 đại biểu tham gia; 3 hội nghị gặp mặt các nhóm nhà đầu tư lớn trong KCN (bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan). Các hội nghị diễn ra được cộng đồng doanh nghiệp trong các KCN hưởng ứng mạnh mẽ, là diễn đàn để các nhà đầu tư có thể trực tiếp chia sẻ, phản ánh những khó khăn, vướng mắc đến cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời giúp cơ quan quản lý nhà nước nắt bắt rõ nhu cầu, nguyện vọng của nhà đầu tư. Từ đó đẩy mạnh công tác tham mưu cho lãnh đạo Tỉnh có các giải pháp hữu hiệu cải thiện tối đa môi trường đầu tư của Tỉnh. Đồng thời lãnh đạo Ban đã chủ động tổ chức làm việc với một số doanh nghiệp Đài Loan có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn (Công ty Qisda, Wistron, Neweb, AVC, Alpha Network, AUO, Darfon) nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động, vấn đề nhà ở công nhân, nhà ở cho thuê đối với lao động ngoại tỉnh, hướng tới cải thiện môi trường làm việc, nâng cao thu nhập, chế độ đãi ngộ để giữ chân người lao động.
Ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh trả lời kiến nghị của doanh nghiệp Đài Loan tại Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp Đài Loan đang đầu tư trong các KCN tỉnh Hà Nam |
Luôn chú trọng nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp trong KCN, Ban Quản lý các KCN đã chủ động chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan để triển khai và thực hiện “Đề án nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Đến nay, các dịch vụ trong KCN cơ bản đồng bộ và hiện đại, được cung cấp đến chân hàng rào và từng bước đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh (bao gồm: hệ thống giao thông, hệ thống cung cấp điện, hệ thống cung cấp nước sạch, hệ thống thoát nước mưa, xử lý nước thải, hệ thống dịch vụ viễn thông, liên lạc, dịch vụ bảo vệ…), cụ thể:
Toàn bộ các KCN đi vào hoạt động đều có trạm xử lý nước thải tập trung, vận hành ổn định, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi thải ra môi trường. 8/8 KCN đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động với tổng công suất xử lý 18.400 m3/ngày đêm và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường 24h/24h để theo dõi, giám sát. Các KCN đã đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước mưa chạy dọc theo đường nội bộ KCN và thoát ra các kênh thủy lợi hiện có xung quanh KCN.
Hệ thống đường giao thông, đèn chiếu sáng, cây xanh, vệ sinh môi trường, cảnh quan trong các KCN đáp ứng yêu cầu. Các đơn vị đầu tư kinh doanh hạ tầng cơ bản đã triển khai xây dựng đồng bộ các hạng mục đảm bảo an toàn giao thông theo quy định trên các tuyến đường giao thông như: Biển báo, tín hiệu, sơn kẻ vạch, gờ giảm tốc... Định kỳ, thường xuyên duy tu, sửa chữa hệ thống đường giao thông, đèn chiếu sáng, trồng cây xanh tạo cảnh quan trong KCN.
Công tác bảo vệ an ninh trật tự trong KCN được tiếp tục đảm bảo. Hiện tại đã có 8/8 KCN đang hoạt động đã xây dựng được mô hình KCN an toàn về an ninh trật tự. Đến nay, các công ty kinh doanh hạ tầng đã chủ động lắp đặt hệ thống camera an ninh trên các tuyến đường lớn, góp phần vào việc giữ gìn an ninh trật tự tại các KCN.
Công tác tổ chức bộ máy, thanh tra, kiểm tra; công tác đảng, đoàn thể; công tác thi đua khen thưởng tại ban Quản lý tiếp tục được quan tâm và triển khai thực hiện tốt, góp phần nâng cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả hoạt động cuả Ban Quản lý, đồng thời thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển bền vững môi trường đầu tư, kinh doanh trong các KCN Tỉnh.
Công ty Phẩm Thuyên trong KCN Đồng Văn 4, tỉnh Hà Nam |
Quyết tâm phấn đấu thực hiện toàn diện và hiệu quả nhiệm vụ chính trị năm 2025
Lãnh đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam cho biết, năm 2025 Ban Quản lý tiếp tục triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của các cấp lãnh đạo Tỉnh trong thực thi công vụ, đồng thời triển khai hiệu quả các nội dung sau:
Tham mưu UBND Tỉnh và phối hợp chặt chẽ với các địa phương và đơn vị liên quan để đẩy nhanh tiến độ GPMB và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư để sẵn sàng chuẩn bị mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư; thực hiện đồng bộ, đa dạng các hình thức xúc tiến đầu tư. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sạch, các dự án sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng góp ngân sách lớn, thân thiện với môi trường; thực hiện rà soát thường xuyên để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệ; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động của nhà đầu tư và của các doanh nghiệp; phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị, đào tạo đủ nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho nhu cầu của các doanh nghiệp; đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng ngoài hàng rào KCN. Phát triển đồng bộ các dịch vụ hỗ trợ cho phát triển công nghiệp như: điện, nước, dịch vụ viễn thông, vận tải, nhà ở cho công nhân, cảng thông quan…
Công ty Kortek trong KCN Đồng Văn 4, tỉnh Hà Nam |
Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:
Lĩnh vực đầu tư
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác XTĐT tại chỗ, đối thoại doanh nghiệp, sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật KCN cho thu hút đầu tư trong và ngoài nước; chủ động kết nối, tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng, các tập đoàn lớn để tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh vào các KCN.
Tiếp tục thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch tính chất ngành nghề thu hút đầu tư vào các KCN và định hướng, chủ trương của Tỉnh, ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ cao, ứng dụng nền tảng số, thân thiện môi trường; quan tâm thu hút mô hình nhà máy thông minh, sản xuất vật liệu mới; đầu tư phát triển bất động sản KCN.
Phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan thúc đẩy tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước theo chỉ đạo của Tỉnh; khuyến khích doanh nghiệp hợp tác, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi từ gia công, lắp ráp sang thiết kế và sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, tạo nền tảng thu hút, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Tăng cường công tác nắm tình hình, xu hướng đầu tư trên thế giới và trong khu vực, dự báo sát thực tiễn để có các giải pháp phù hợp, linh hoạt, kịp thời trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thẩm định, cấp phép đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tiếp tục rà soát các dự án chậm triển khai, hoạt động không hiệu quả, tạm ngừng hoạt động… báo cáo, tham mưu UBND Tnh biện pháp giải quyết phù hợp; đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đối với các dự án có vi phạm theo thẩm quyền.
Dự án nhà máy PepsiCo Foods Việt Nam đang được triển khai đầu tư tại KCN Đồng Văn I mở rộng, tỉnh Hà Nam |
Lĩnh vực quản lý môi trường
Tham mưu lựa chọn, thu hút đầu tư những dự án áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất ít chất thải, công nghệ sạch, ít gây ô nhiễm môi trường. Nâng cao công tác hậu kiểm sau khi phê duyệt, cấp phép hồ sơ môi trường. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tác động của môi trường đối với các dự án.
Tăng cường tuyên truyền, tập huấn về công tác bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp trong KCN bằng nhiều hình thức phù hợp.
Kiểm tra, rà soát việc thực hiện các hồ sơ thủ tục về môi trường. Đề xuất xử lý vi phạm đối với những dự án không thực hiện đúng, đủ các thủ tục về môi trường.
Công nhân Công ty TNHH Wistron Infocomm đang làm việc tại KCN Đồng Văn III, tỉnh Hà Nam |
Lĩnh vực quản lý hạ tầng, quy hoạch - xây dựng
Đôn đốc các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN hoàn thiện các thủ tục pháp lý có liên quan để triển khai đầu tư xây dựng KCN, tạo quỹ đất sạch đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp.
Phối hợp với các chủ đầu tư hạ tầng đẩy nhanh công tác GPMB và đầu tư xây dựng hoàn thiện các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, nhất là các hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp và công nhân lao động, cụ thể là tại các KCN Đồng Văn III mở rộng phía Đông đường cao tốc; Kim Bảng I, Đồng Văn V, Đồng Văn VI, Thanh Bình II. Hạn chế tối đa việc gây ảnh hưởng đến tiêu thoát nước của nhân dân vùng quanh KCN.
Hoàn thành thi công và đưa công trình vào sử dụng đối với Dự án nâng cấp, cải tạo kênh A4-8 đoạn từ cầu vượt Đồng Văn với quốc lộ 1A đến trạm bơm Hoành Uyển, kênh A4-6, kênh A4-8-29 đảm bảo tiêu thoát nước cho KCN Đồng Văn I, Đồng Văn II, khu dân cư và phục vụ sản xuất nông nghiệp thị xã Duy Tiên.
Giải quyết dứt điểm các tồn tại của một số dự án đầu tư công như: Đường D4 KCN Châu Sơn; Vỉa hè D2 và trồng cây xanh KCN Đồng Văn I mở rộng.
Đối với KCN do nhà nước đầu tư hạ tầng: Thực hiện thu phí để duy tu, sửa chữa đảm bảo mạng lưới hạ tầng đồng bộ; xây dựng kế hoạch phát triển và duy trì hệ thống chiếu sáng, cây xanh đảm bảo theo đúng quy định; đảm bảo dịch vụ phục vụ cho nhà đầu tư; xây dựng hệ thống giám sát hiệu quả (bộ cảm biến, camera, các biển báo an toàn giao thông …) để theo dõi và kịp thời xử lý các sự cố trong KCN.
Tuyến đường nối 2 cao tốc lớn (cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình) đi qua địa phận tỉnh Hà Nam sẽ tạo lực đẩy cho phát triển các KCN tỉnh Hà Nam trong thời gian tới |
Lĩnh vực quản lý lao động và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho người lao động và các doanh nghiệp
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng quản lý nhà nước về lao động; nắm bắt tình hình lao động trong các KCN, triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong KCN làm cơ sở tham mưu, đề xuất với Tỉnh xây dựng cơ chế chính sách đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, có hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; tăng cường các hoạt động gắn kết giữa cơ quan Nhà nước, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn lao động.
Công ty Honda trong KCN Đồng Văn, tỉnh Hà Nam |
Chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan để tiếp tục thực hiện tốt “Đề án nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Phối hợp các ngành, đơn vị có liên quan đẩy mạnh xây dựng hạ tầng đồng bộ và cung cấp ổn định các dịch vụ hỗ trợ cho phát triển công nghiệp như: điện, nước, dịch vụ viễn thông, tư vấn, phổ biến chính sách, pháp luật cho người lao động; hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp về công tác phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn lao động../
Nhà máy TSMT Việt Nam trong KCN Thái Hà, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam |
Bình luận