Ban Quản lý các KCX và CN TP. Hồ Chí Minh: Phát huy vai trò “đầu tàu”, thúc đẩy các KCN, KCX trở thành động lực phát triển kinh tế TP. mang tên Bác
Một góc TP. Hồ Chí Minh - Trung tâm kinh tế của đất nước

PV: Thưa ông, được biết năm 2024 trong điều kiện khó khăn chung của Thành phố và của đất nước, song hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các KCN, KCX trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả hết sức khả quan. Xin ông chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?

Trưởng ban Hứa Quốc Hưng: Quyết tâm khắc phục những khó khăn chung của đất nước và của Thành phố, năm 2024 cán bộ công chức, viên chức Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố (Ban Quản lý) đã đồng sức, đồng lòng phát huy cao vai trò quản lý nhà nước về KCN, KCX, triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, các Kế hoạch, Chương trình công tác theo chỉ đạo của UBND Thành phố. Với những cố gắng nỗ lực của Ban Quản lý, năm 2024 hoạt động thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh trong các KCX và KCN trên địa bàn Thành phố tiếp tục tăng trưởng và phát triển, góp phần đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước và tạo công ăn, việc làm ổn định cho người lao động. Qua đó, thúc đẩy các KCX và KCN trên địa bàn Thành phố trở thành hạt nhân tăng trưởng, “lực kéo” hấp dẫn phát triển kinh tế, xã hội của TP. Hồ Chí Minh.

Kết quả thu hút đầu tư: Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2024, tổng vốn đầu tư, thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh trong các KCX và KCN Thành phố năm 2024 đạt 565,26 triệu USD, đạt 102,78% kế hoạch năm (550 triệu USD); diện tích đất cho thuê đạt 28,34 ha; diện tích nhà xưởng cho thuê đạt 100.426 m2; suất đầu tư trung bình: 8,8 triệu USD/ha.

Về đầu tư nước ngoài (FDI): Tổng vốn đầu tư thu hút năm 2024 đạt 276,87 triệu USD, tăng 24,21% so với cùng kỳ (222,91 triệu USD). Trong đó cấp mới 19 dự án với vốn đầu tư đăng ký 39,13 triệu USD; 28 dự án điều chỉnh vốn với vốn điều chỉnh tăng 237,67 triệu USD (có 01 dự án Green Planet tăng 158 triệu USD), tăng 48,81% so với cùng kỳ (159,71 triệu USD). Suất đầu tư trung bình: 10,67 triệu USD/ha.

Về đầu tư trong nước (DDI): Tổng vốn đầu tư thu hút đạt 7.065,58 tỷ đồng (tương đương 288,39 triệu USD. Trong đó, cấp mới 41 dự án với vốn đầu tư đăng ký 4.715,96 tỷ đồng (tương đương 192,49 triệu USD); 21 dự án điều chỉnh, vốn điều chỉnh tăng 2.349,62 tỷ đồng (tương đương 95,9 triệu USD), tăng 23,32% so với cùng kỳ (77,77 triệu USD). Suất đầu tư trung bình: 6,94 triệu USD/ha.

Ban Quản lý các KCX và CN TP. Hồ Chí Minh: Phát huy vai trò “đầu tàu”, thúc đẩy các KCN, KCX trở thành động lực phát triển kinh tế TP. mang tên Bác
Một góc KCN Đông Nam, TP. Hồ Chí Minh

Về thu hút đầu tư 4 ngành công nghiệp trọng yếu và dịch vụ phục vụ công nghiệp (dịch vụ hỗ trợ công nghiệp và bất động sản công nghiệp): Có 38/60 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư 189,04 triệu USD, chiếm 82% tổng vốn đầu tư thu hút mới. Trong đó, dự án FDI có 13/19 dự án với vốn đầu tư 30,98 triệu USD, chiếm 79% vốn FDI thu hút mới; dự án DDI có 25/41 dự án với vốn đầu tư 3.872,44 tỷ đồng (tương đương 158,05 triệu USD), chiếm 82% vốn FDI cấp mới.

Về thu hút đầu tư các ngành công nghiệp hỗ trợ: Có 52/60 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư 208,52 triệu USD, chiếm 90% tổng vốn đầu tư thu hút mới. Trong đó, dự án FDI có 18/19 dự án với vốn đầu tư 38,96 triệu USD, chiếm 99% vốn FDI thu hút mới; dự án DDI có 34/41 dự án với vốn đầu tư 4.169,26 tỷ đồng (tương đương 170,17 triệu USD), chiếm 88% vốn DDI cấp mới.

Về thu hút đầu tư ngành công nghiệp hỗ trợ thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu: Có 36/60 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư 172 triệu USD, chiếm 74% tổng vốn đầu tư thu hút mới. Trong đó, dự án FDI có có 13/19 dự án với vốn đầu tư 30,98 triệu USD, chiếm 80% vốn FDI thu hút mới; dự án DDI có 23/41 dự án với vốn đầu tư 3.457,44 tỷ đồng (tương đương 141,12 triệu USD), chiếm 73% vốn DDI cấp mới.

Tình hình hoạt động của doanh nghiệp: Hiện nay, các KCX, KCN có 1.723 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 13,643 tỷ USD. Trong đó, dự án FDI là 555 dự án với tỏng vốn đầu tư đăng ký 7,251 tỷ USD; dự án DDI là 1.168 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 116.182,32 tỷ đồng (tương đương 6,4 tỷ USD).

Trong tổng số 1.723 dự án còn hiệu lực, có 1.532 dự án đang hoạt động (trong đó, dự án FDI là 516 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 6,825 tỷ USD; dự án DDI là 1.016 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 92.535,348 tỷ đồng); 64 dự án đang xây dựng cơ bản; 81 dự án đang trong quá trình thực hiện các thủ tục triển khai theo quy định; 46 dự án tạm ngưng hoạt động.

Năm 2024, các doanh nghiệp KCX, KCN Thành phố đạt được các chỉ tiêu chủ yếu sau: Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 10,5 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023 (8,76 tỷ USD); kim ngạch nhập khẩu ước đạt 6,85 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2023 (6,62 tỷ USD); đóng góp ngân sách ước đạt 24.124 tỷ đồng, tăng 5,56% so với năm 2023, chiếm khoảng 5% tổng thu ngân sách Thành phố.

Ban Quản lý các KCX và CN TP. Hồ Chí Minh: Phát huy vai trò “đầu tàu”, thúc đẩy các KCN, KCX trở thành động lực phát triển kinh tế TP. mang tên Bác
Một góc KCN Vĩnh Lộc, TP. Hồ Chí Minh

PV: Những kết quả mà các KCX, KCN Thành phố đạt được trong năm 2024 chắc chắn có sự đóng góp quan trọng của Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố. Ông có thể cho biết cụ thể công tác quản lý, triển khai các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Ban trong năm vừa qua?

Trưởng ban Hứa Quốc Hưng: Triển khai nhiệm vụ chính trị được phân cấp, uỷ quyền, năm 2024, Ban Quản lý đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các hoạt động công tác trên tất cả các lĩnh vực, qua đó giúp cho hoạt động quản lý nhà nước trong KCX và các KCN đạt được nhiều kết quả tích cực và hoàn thành toàn diện nhiệm vụ được Thành phố giao phó, cụ thể:

Công tác cải cách hành chính (CCHC), đặc biệt cải cách thủ tục hành chính được quan tâm đặc biệt.một số hoạt động cụ thể như: Giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện tiếp nhận và giải quyết trong một ngày làm việc đối với một số TTHC; đề xuất UBND Thành phố các TTHC đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đề xuất phân cấp cho Ban Quản lý thẩm định và phê duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu xây dựng KCX, KCN trên địa bàn Thành phố, kiến nghị áp dụng Nghị quyết số 98/2023/QH15 để chuyển thẩm quyền theo dõi, quản lý trong lĩnh vực người lao động nước ngoài thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về Ban Quản lý; kiến nghị Bộ Công thương tiếp tục ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu D. Kết quả đánh giá chất lượng giải quyết TTHC của UBND Thành phố Hồ Chí Minh trên hệ thống Thông tin giải quyết TTHC của Thành phố từ ngày 01/01/2024 đến 22/11/2024 đạt “Xuất sắc” (điểm trung bình: 9,14; tổng lượt đánh giá: 807; tổng hồ sơ được đánh giá: 794).​​​​​​

Về chuyển đổi số trong CCHC: 100% TTHC thực hiện tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC Thành phố; 100% TTHC đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố (đến nay Ban Quản lý có 42/53 TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố, 1/53 TTHC cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O ưu đãi mẫu D thực hiện tiếp nhận trực tuyến trên hệ thống ecosys của Bộ Công Thương); số hóa 100% hồ sơ tiếp nhận và kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Trong xử hồ sơ, công việc: hoàn thành nâng cấp Phần mềm Quản lý văn bản và xây dựng phần mềm Ứng dụng Hepza-công vụ; hoàn thành hạng mục “Số hóa hồ sơ lưu trữ tại Ban Quản lý”; đang xây dựng hạng mục “Hệ thống quản lý thông tin doanh nghiệp”.

Ban Quản lý các KCX và CN TP. Hồ Chí Minh: Phát huy vai trò “đầu tàu”, thúc đẩy các KCN, KCX trở thành động lực phát triển kinh tế TP. mang tên Bác
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Quản lý các KCX và CN TP. Hồ Chí Minh trao tặng phần thưởng và chúc mừng các cán bộ công chức Ban Quản lý đã đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động công tác năm 2024 tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 của Ban Quản lý các KCX và CN TP. Hồ Chí Minh

Hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp đựợc tăng cường đẩy mạnh. Trong năm Ban Quản lý đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như: Tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Đất đai năm 2024, Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND ngày 19 tháng 9 năm 2023 của HĐND Thành phố về ban hành Quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và triển khai chương trình tín dụng xanh cho doanh nghiệp; tổ chức Chương trình “CafeTech” với chủ đề “Định hướng phát triển Khu chế xuất Tân Thuận và vai trò của quản lý năng lượng trong việc chuyển đổi ESG” tại Khu chế xuất Tân Thuận; tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp KCX, KCN năm 2024 chuyên đề “khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực Đầu tư, Thuế, Xuất nhập khẩu”...

Công tác giám sát dự án đầu tư được theo dõi chặt chẽ, sát sao. Trong năm 2024 đã kiểm tra 60 dự án về thực hiện các mục tiêu đầu tư; chuyển Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư xử lý 11 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đầu tư, Thanh tra Sở ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 trường hợp với tổng số tiền phạt là 345 triệu đồng.

Công tác quản lý lao động được quan tâm thực hiện tốt. Tính đến tháng 11/2023, tổng số lao động đang làm việc trong KCX, KCN là 252.131 người, tương đương thời điểm cuối tháng 12/2023.

Ban Quản lý thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp, theo đó có văn bản đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; phối hợp Công đoàn các KCX và CN Thành phố tổ chức tọa đàm “Nâng cao chất lượng thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc”; phối hợp Ban Tuyên giáo Đảng ủy chuẩn bị nội dung sinh hoạt chuyên đề: “Vai trò của cấp ủy đảng các cấp trong chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tại đơn vị”... Cùng với đó hỗ trợ Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố rà soát việc thành lập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp trong KCX, KCN.

Việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động ngày càng được Ban Quản lý và các tổ chức đoàn thể quan tâm với các hoạt động thiết thực, trong đó tổng số tiền chăm lo Tết hơn 57,86 tỷ đồng (tăng 28,7% so với năm 2023: 44,95 tỷ đồng). Các Chương trình cụ thể như: Chương trình hỗ trợ vé xe, vé tàu, vé máy bay cho công nhân về quê (6,01 tỷ đồng); Chương trình thăm và tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn (29,15 tỷ đồng); các chương trình “Phúc lợi cho Đoàn viên”, “Phúc lợi cho người lao động”, bán hàng lưu động phục vụ công nhân (19 tỷ đồng); các chương trình chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân (2,4 tỷ đồng), các chương trình khác (1,3 tỷ đồng).

Đối với các doanh nghiệp, tuy phần lớn các doanh nghiệp mặc dù gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn cố gắng duy trì mức thưởng Tết cho người lao động từ 7,1 - 7,3 triệu đồng. Ngoài thưởng tết, các doanh nghiệp cũng quan tâm hỗ trợ người lao động bằng nhiều hình thức: xe đưa đón người lao động về quê, quà tết, thăm hỏi người lao động khó khăn…

Công tác kiểm tra, giám sát tại các KCN, KCX được Ban Quản lý phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương có KCN duy trì hoạt động thường xuyên. Qua đó, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các vi phạm của doanh nghiệp trong công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm, môi trường, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ...

Ban Quản lý các KCX và CN TP. Hồ Chí Minh: Phát huy vai trò “đầu tàu”, thúc đẩy các KCN, KCX trở thành động lực phát triển kinh tế TP. mang tên Bác
Một góc KCX và CN Linh Trung II, TP. Hồ Chí Minh

Công tác bảo vệ môi trường được xác định là một trong các nhiệm vụ thường trực của Ban Quản lý. Năm 2024 Ban đã tăng cường giám sát hoạt động bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong KCX, KCN; theo đó phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra chặt chẽ các hoạt động bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp KCX, KCN, có chế tài xử lý vi phạm nghiêm minh đối với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong công tác môi trường. Mặt khác, Ban chỉ đạo các Công ty phát triển hạ tầng KCX, KCN và các doanh nghiệp hoạt động tại các KCX, KCN tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, triển khai thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong các KCX, KCN năm 2024.

Công tác quy hoạch, xây dựng được quan tâm đẩy mạnh, một số kết quả cụ thể:

Ngày 18/6/2024, UBND Thành phố có Công văn số 3361/UBND-KT giao Ban Quản lý thực hiện lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư KCN Phạm Văn Hai I và II.

Về đề xuất phương án bổ sung nội dung quy hoạch không gian ngầm vào các đồ án quy hoạch xây dựng cho các KCX, KCN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh: UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 3804/QĐ-UBND ngày 14/9/2024 về bổ sung Quy định quản lý theo đồ án về nội dung quy hoạch không gian xây dựng ngầm đối với các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000, tỷ lệ 1/2.000, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 đã được phê duyệt trên địa bàn Thành phố.

Về tích hợp phương án phát triển KCN mới vào quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung của Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060: Ban Quản lý đã phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố và Ban Quản lý Dự án quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa quỹ đất công nghiệp bổ sung cho Thành phố khoảng 2.465 ha vào Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung của Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Về công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch cục bộ, quy hoạch tổng thể các KCX, KCN để phù hợp với thực trạng phát triển hiện nay: Ban Quản lý Ban hành Kế hoạch số 1179/KH-BQL ngày 9/5/2024 về Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện quy hoạch các KCX và KCN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh; hỗ trợ các Công ty Phát triển hạ tầng trong công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch cục bộ, quy hoạch tổng thể các KCN (Tân Thuận, Hiệp Phước, Vĩnh Lộc, Cát Lái cụm II, Lê Minh Xuân mở rộng…).

Ban Quản lý các KCX và CN TP. Hồ Chí Minh: Phát huy vai trò “đầu tàu”, thúc đẩy các KCN, KCX trở thành động lực phát triển kinh tế TP. mang tên Bác
Khu lưu trú công nhân tại KCX Tân Thuận, TP. Hồ Chí Minh

Công tác triển khai KCN sinh thái có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2024 Ban đã dành nhiều thời gian và tâm huyết triển khai các hoạt động như: Làm việc với Ban Quản lý dự án KCN sinh thái và UNIDO về đánh giá, cập nhật kết quả hoạt động hỗ trợ chuyển đổi mô hình KCN sinh thái tại KCN Hiệp Phước, khảo sát mô hình thực hiện hiệu quả tài nguyên sản xuất sạch hơn tại Công ty TNHH Jotun Việt Nam và trao đổi các hoạt động dự kiến trong năm 2024; phối hợp triển khai thử nghiệm hệ thống giám sát KCN sinh thái và doanh nghiệp sinh thái; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường khảo sát 2 doanh nghiệp phục vụ dự án phát triển bền vững nền công nghiệp dệt may của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB); viết bài báo cáo tham luận Hội thảo khoa học về phát triển kinh tế tuần hoàn; tham dự cuộc họp Ban chỉ đạo Dự án và cuộc họp tổng kết Dự án Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu; báo cáo tham luận tại Hội thảo khoa học “Tiềm năng phát triển kinh tế tuần hoàn tại TP.HCM - Lựa chọn lĩnh vực ưu tiên và giải pháp trọng tâm”; phối hợp Liên minh Năng lượng Toàn cầu vì Hành tinh và Con người (Global Energy Alliance for People and Planet – GEAPP) tổ chức cuộc họp trao đổi kỹ thuật về chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải, phát triển kinh tế tuần hoàn tại các KCX, KCN tại Thành phố Hồ Chí Minh cho 50 doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCX, KCN; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính cho 70 doanh nghiệp từ các Công ty Phát triển hạ tầng KCX, KCN và các doanh nghiệp thuộc danh mục của Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg ngày 13/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Ban Quản lý các KCX và CN TP. Hồ Chí Minh: Phát huy vai trò “đầu tàu”, thúc đẩy các KCN, KCX trở thành động lực phát triển kinh tế TP. mang tên Bác
Nhà xưởng đang triển khai xây dựng trong KCN Lê Minh Xuân 3, TP. Hồ Chí Minh

PV: Ban Quản lý đã xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ phát triển KCX, KCN trong năm 2025 như thế nào, thưa ông?

Trưởng ban Hứa Quốc Hưng: Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu Đại hội đại biểu các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra. Ban Quản lý xác định nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu như sau.

Phấn đấu đạt được các chỉ tiêu quan trọng: Thu hút 550 triệu USD vốn đầu tư; suất đầu tư bình quân: 8,5 triệu USD/ha; xây dựng hoàn thành Đề án chuyển đổi thí điểm 5 KCX, KCN (Tân Thuận, Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước, Bình Chiểu); đôn đốc xây dựng 25.000 m2 nhà xưởng cao tầng.

Đối với công tác CCHC: Xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (Par – index), đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở - ban, ngành và địa phương (DDCI), chuyển đổi số (DTI) xếp top 5 đơn vị dẫn đầu khối sở, ngành Thành phố; tỷ lệ xử lý hồ sơ giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố được giải quyết đúng hạn 100%, tỷ lệ trước hạn từ 70% trở lên; tỷ lệ hồ sơ cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O ưu đãi mẫu D (trên hệ thống ecosys của Bộ Công Thương) đúng hạn đạt 100%, trước hạn 90%; 100% hồ sơ TTHC tiếp nhận, giải quyết, theo dõi trạng thái xử lý trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC Thành phố; 100% TTHC đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ trở lên thực hiện ứng dụng thanh toán điện tử trong giải quyết TTHC; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 100%; 100% hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến đối với TTHC toàn trình và một phần.

Để hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu nêu trên, Ban Quản lý đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đó là:

Nâng cao chất lượng thu hút đầu tư. Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố phê duyệt tiêu chí thu hút đầu tư vào các KCX, KCN.

Tham mưu việc thực hiện Kế hoạch Triển khai xây dựng KCN Phạm Văn Hai I, Phạm Văn Hai II theo Quyết định số 3027/QĐ-UBND ngày 25/7/2023:

Trình UBND Thành phố phê duyệt Quy hoạch phân khu 1/2.000 KCN Phạm Văn Hai I và II.

Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư KCN Phạm Văn Hai.

Tổ chức các Hội nghị, hội thảo lấy ý kiến về xây dựng hồ sơ mời đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, quy hoạch KCN.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các KCN trong Quy hoạch phát triển KCN Thành phố nhưng chưa được thành lập: KCN Vĩnh Lộc 3, KCN Hiệp Phước giai đoạn 3; các KCN đã được thành lập nhưng chưa triển khai: Phong Phú, Lê Minh Xuân 2 (gắn với thành lập KCN dược – vật tư y tế), Lê Minh Xuân mở rộng, Tây Bắc Củ Chi mở rộng, Vĩnh Lộc mở rộng, để xây dựng KCN chuyên ngành, thế hệ mới, công nghệ kỹ thuật cao.

Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc của các KCN đang hoạt động để có quỹ đất thu hút đầu tư như: KCN Hiệp Phước giai đoạn 2, KCN Cơ khí ô tô, KCN Tân Phú trung, KCN Lê Minh Xuân 3, KCN Vĩnh Lộc

Phát triển mô hình nhà xưởng cao tầng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Giám sát chặt chẽ tình hình triển khai, sử dụng đất của các dự án đầu tư; thu hồi quỹ đất đối với những dự án không triển khai theo đúng tiến độ đăng ký để triển khai các dự án khác.

Triển khai thực hiện Đề án “Định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”: Xây dựng hoàn thành Đề án chuyển đổi mô hình của 5 KCX, KCN (Tân Thuận, Hiệp Phước, Cát Lái, Tân Bình, Bình Chiểu).

Tiếp tục nâng cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được phân cấp, uỷ quyền: CCHC, đầu tư, xây dựng, môi trường, lao động, quy hoạch, xây dựng, hỗ trợ doanh nghiệp, an ninh trật tự, thi đua khen thưởng..., để tạo ”đòn bẩy” thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các KCX và KCN Thành phố tiếp tục phát triển ổn định và bền vững trong năm 2025 và các năm tiếp theo/.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ban Quản lý các KCX và CN TP. Hồ Chí Minh: Phát huy vai trò “đầu tàu”, thúc đẩy các KCN, KCX trở thành động lực phát triển kinh tế TP. mang tên Bác
Công nhân lao động trong các KCX và CN TP. Hồ Chí Minh sau kỳ nghỉ Tết Ất Tỵ 2025 từ quê đã quay trở lại TP. Hồ Chí Minh làm việc