Ban Quản lý KKT Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa: Phát huy cao vai trò quản lý nhà nước, thúc đẩy KKT Vân Phong và các KCN tỉnh Khánh Hoà trở thành điểm đến của các nhà đầu tư
Nhà máy Đóng tàu Hyundai Việt Nam tại KKT Vân Phong, tỉnh Khánh Hoà

Đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển KKT Vân Phong và các KCN tỉnh Khánh Hoà

Báo cáo của Ban Quản lý KKT Vân Phong tại Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng Khối thi đua KCN, KKT, KCNC các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung năm 2024 diễn ra ngày 12-13/12/2024 tại tỉnh Kon Tum cho thấy: Năm 2024 hoạt động quản lý nhà nước và phát triển KCN, KKT của Ban Quản lý KKT Vân Phong được triển khai tích cực, hiệu quả trên tất cả các mặt công tác, đặc biệt thu hút đầu tư vào KKT Vân Phong và các KCN tỉnh Khánh Hoà trong năm 2024 có nhiều chuyển biến tích cực trong điều kiện có nhiều khó khăn do các nguyên nhân khách quan tác động. Đây là một tín hiệu đáng mừng khi KKT Vân Phong và các KCN trong Tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước. Một số hoạt động cụ thể:

Thu hút đầu tư là một trong các điểm sáng trong phát triển KKT, KCN của Tỉnh. Năm 2024 Ban Quản lý KKT Vân Phong được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Dốc Đá Trắng với tổng vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng do Công ty Cổ phần phát triển KCN Viglacera Yên Mỹ làm chủ đầu tư. Đồng thời, Ban Quản lý KKT Vân Phong cấp mới 6 dự án đầu tư thứ cấp trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư 660,81 tỷ đồng vào KKT và KCN tỉnh Khánh Hoà; trong đó có 1 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại KKT Vân Phong, 2 dự án FDI thứ cấp vào KCN Ninh Thủy, 3 dự án đầu tư trong nước (DDI) vào KCN Suối Dầu.

Tính đến giữa tháng 12/2024, KKT Vân Phong và KCN tỉnh Khánh Hoà đã thu hút tổng vốn đầu tư đạt 2.955 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn cho 10 dự án với vốn đầu tư tăng thêm 494,05 tỷ đồng.

Ngoài ra, dự án Khu đô thị mới cao cấp Cổ Mã được Ban Quản lý chấp thuận chủ trương đầu tư khoảng 4.226 tỷ đồng, hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 12/2024; Dự án Khu đô thị mới cao cấp Tu Bông có tổng vốn đầu tư khoảng 39.000 tỷ đồng; Khu đô thị mới cao cấp Đầm Môn có tổng vốn đầu tư khoảng 25.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, hồ sơ đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định ý kiến.

Lũy kế đến thời điểm hiện tại, KKT Vân Phong đã thu hút được 146 dự án đầu tư (121 dự án DDI và 25 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký khoảng 5,1 tỷ USD, vốn thực hiện là 3,27 tỷ USD đạt 64,12% vốn đăng ký, trong đó có 104 dự án đã đi vào hoạt động tại KKT Vân Phong. KCN Suối Dầu thu hút được 60 dự án đầu tư (17 dự án FDI và 43 dự án DDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư 317,96 triệu USD, vốn đầu tư thực hiện 263,32 triệu USD; trong đó có 50 dự án đang hoạt động, 10 dự án đang triển khai đầu tư, xây dựng tại KCN Suối Dầu.

Một số dự án công nghiệp và cảng có quy mô lớn đang hoạt động có hiệu quả ở KKT Vân Phong, như: Nhà máy đóng tàu Hyundai – Việt Nam, Tổng kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, cảng tổng hợp Nam Vân Phong (tiếp nhận tàu đến 70.000 DWT), cảng tổng hợp Bắc Vân Phong (tiếp nhận tàu đến 50.000 DWT).

Ban Quản lý KKT Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa: Phát huy cao vai trò quản lý nhà nước, thúc đẩy KKT Vân Phong và các KCN tỉnh Khánh Hoà trở thành điểm đến của các nhà đầu tư
Ông Lê Hồng Phương, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hoà (ngoài cùng, bên phải) dự Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, Khối thi đua Ban Quản lý KCN, KKT, KCNC các tỉnh Tây nguyên và Duyên hải miền Trung năm 2024

Bên cạnh đó, công tác quản lý quy hoạch, xây dựng cũng đã có những bước tiến lớn. Năm 2024, Ban Quản lý KKT Vân Phong đã hoàn thành các quy hoạch phân khu các dự án trọng điểm, ưu tiên thu hút đầu tư, đã triển khai 19 phân khu; trong đó có 9 phân khu đã hoàn thành; 3 phân khu đang lập đồ án quy hoạch; 7 phân khu đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch. Đồng thời, tổ chức cấp mới, điều chỉnh, gia hạn Giấy phép xây dựng cho 8 dự án trong KCN, KKT; kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành xây dựng hạng mục, công trình đưa vào sử dụng đối với 7 dự án; thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán đối với 20 dự án.

Công tác quản lý doanh nghiệp được quan tâm và theo dõi sát sao, hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; do đó năm 2024 hoạt động sản xuất kinh doanh tại KKT, KCN trong Tỉnh tiếp tục đi vào ổn định. Các doanh nghiệp đạt được một số chỉ tiêu chủ yếu sau:

KKT Vân Phong: Doanh thu đạt 1.321 triệu USD; xuất khẩu đạt 665 triệu USD; nhập khẩu đạt 656 triệu USD; nộp ngân sách đạt 1.548 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 8.500 lao động.

KCN Suối Dầu: Doanh thu đạt 714 triệu USD; xuất khẩu đạt 546 triệu USD; nhập khẩu đạt 352 triệu USD; nộp ngân sách đạt 250 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 13.000 lao động.

Công tác quản lý tài nguyên và môi trường luôn được quan tâm đặc biệt. Năm 2024, Ban triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ liên quan về tổ chức thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm tra, xác minh nguồn gốc đất các dự án theo Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội đối với các dự án Khu đô thị mới cao cấp. Tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường 4 dự án; thẩm định cấp Giấy phép môi trường 5 dự án.

Ban Quản lý KKT Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa: Phát huy cao vai trò quản lý nhà nước, thúc đẩy KKT Vân Phong và các KCN tỉnh Khánh Hoà trở thành điểm đến của các nhà đầu tư
Đường Cổ Mã đi Đầm Môn thuộc phía Bắc Khu kinh tế Vân Phong

Đầu tư các dự án trọng điểm tạo “cú hích” thu hút đầu tư vào KKT Vân Phong

Năm 2024, tỉnh Khánh Hoà đã rất quan tâm đầu tư các hạng mục cơ sở hạ tầng để tạo lực đẩy thu hút đầu tư vào KKT Vân Phong và các KCN tỉnh Khánh Hoà; gần đây nhất, trong tháng 12/2024 cũng đã diễn ra Lễ khởi công hai dự án quy mô lớn được kỳ vọng làm nền tảng thúc đẩy thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong, đó là khởi công Dự án đường ven biển 2.000 tỷ đồng (Dự án tuyến đường ven biển từ xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh đi thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng) và Dự án nâng cấp, mở rộng cải tuyến Tỉnh lộ 1B, cụ thể:

Ngày 20/12/2024, tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong đã tổ chức Lễ khởi công Dự án tuyến đường ven biển từ xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh đi thị xã Ninh Hòa và Lễ gắn biển công trình Dự án nâng cấp mở rộng cải tuyến Tỉnh lộ 1B.

Ban Quản lý KKT Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa: Phát huy cao vai trò quản lý nhà nước, thúc đẩy KKT Vân Phong và các KCN tỉnh Khánh Hoà trở thành điểm đến của các nhà đầu tư
Các đại biểu bấm nút khởi công dự án Dự án tuyến đường ven biển từ xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh đi thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa

Dự án tuyến đường ven biển thuộc dự án nhóm A có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương 600 tỷ đồng; thời gian thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2027.

Dự án bao gồm các hạng mục chính như đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa địa hình (gồm các cầu và cống băng đường), điện chiếu sáng, kè biển và vỉa hè đoạn qua các khu dân cư...

Hướng tuyến Dự án cơ bản bám theo hướng tuyến Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, nghiên cứu đề xuất điều chỉnh một số đoạn cho phù hợp với quy hoạch của địa phương và điều kiện thực tế hiện trường.

Dự án nâng cấp, mở rộng cải tuyến Tỉnh lộ 1B có điểm đầu tại nút giao Quốc lộ 26B và điểm cuối tại nút giao Tỉnh lộ 1, thuộc xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa. Với tổng vốn đầu tư hơn 538,5 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, dự án được triển khai trong giai đoạn 2024 - 2026. Công trình có vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông với Quốc lộ 26B, đáp ứng nhu cầu vận tải và đảm bảo sự giao lưu nhanh chóng, tiện lợi, an toàn giữa các khu vực.

Ban Quản lý KKT Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa: Phát huy cao vai trò quản lý nhà nước, thúc đẩy KKT Vân Phong và các KCN tỉnh Khánh Hoà trở thành điểm đến của các nhà đầu tư
Các đại biểu thực hiện nghi thức gắn biển công trình Dự án Nâng cấp mở rộng Cải tuyến Tỉnh lộ 1B chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2025 - 2030

Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của các KCN tại Nam Vân Phong, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông thiết yếu trong khu vực theo quy hoạch.

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà cho biết: Hai dự án giao thông nói trên khi hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng góp phần làm nền tảng dẫn dắt, thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách. Đồng thời, sẽ thu hút được ngày càng nhiều dự án quy mô lớn vào KKT Vân Phong, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển KKT Vân Phong trở thành động lực phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ.

Nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý nhà nước trong KKT và các KCN

Với mục tiêu đưa KKT Vân Phong tục là “điểm đến đầu tư hấp dẫn” khu vực Duyên hải NamTrung Bộ và của cả nước, được biết năm 2025, Ban Quản lý KKT Vân Phong tiếp tục phát huy cao vai trò quản lý nhà nước trong KKT và các KCN, triển khai có hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực được giao. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, chính quyền các địa phương có KKT, KCN trong việc thực hiện nhanh nhất, hiệu quả nhất cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 55 về nhà đầu tư chiến lược. Bên cạnh đó, rà soát tham mưu UBND Tỉnh ưu tiên đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư. Mặt khác tăng cường đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng hành sát cánh cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, từ đó nâng cao hình ảnh và sức hấp dẫn về một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch vào KKT và các KCN tỉnh Khánh Hoà.

Ban Quản lý KKT Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa: Phát huy cao vai trò quản lý nhà nước, thúc đẩy KKT Vân Phong và các KCN tỉnh Khánh Hoà trở thành điểm đến của các nhà đầu tư
Ông Lê Hồng Phương , Phó Trưởng ban thường trực Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong phát biểu khai mạc Hội nghị đối thoại doanh nghiệp KKT, KCN lần 2 năm 2024

Song song với các nhiệm vụ trên, Ban Quản lý KKT Vân Phong tập trung đẩy nhanh tiến độ công tác lập quy hoạch các phân khu chức năng, nhất là các phân khu quan trọng, hoàn thiện các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự án đầu tư công trọng điểm trong KKT, đặc biệt triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khẩn trương thu hút được các dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư với cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội. Trong đó, KKT Vân Phong tập trung thu hút các dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN; các dự án công nghiệp trọng điểm như: Năng lượng, đóng tàu, cảng biển, dịch vụ logistics, lọc hóa dầu, CN chế biến, chế tạo, công nghệ cao, các ngành công nghiệp phụ trợ… Ngoài ra, Tỉnh cũng sẽ thành lập các khu, cụm công nghiệp (CCN) theo quy hoạch được duyệt, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để kêu gọi đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN, CCN, nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào các KCN, CCN trên địa bàn Tỉnh.

Với tiềm năng, thế mạnh về vị trí chiến lược, sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và tỉnh Khánh Hoà cùng những kết quả hiện thực đã đạt được, chắc chắn trong thời gian tới, KKT Vân Phong và các KCN tỉnh Khánh Hoà sẽ ngày càng phát triển khởi sắc, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển hiện đại, phát triển lớn mạnh xứng tầm khu vực và quốc tế./.

Ban Quản lý KKT Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa: Phát huy cao vai trò quản lý nhà nước, thúc đẩy KKT Vân Phong và các KCN tỉnh Khánh Hoà trở thành điểm đến của các nhà đầu tư
Vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa