Theo báo cáo của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với dân số hơn 17,52 triệu dân, chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, đóng một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của cả nước. Đồng bằng sông Cửu Long đứng đầu cả nước về sản lượng lương thực, cây trái và thủy sản, góp phần quan trọng vào chương trình an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước những nguy cơ thách thức lớn do biến đổi khí hậu – nước biển dâng cùng các tác động do phát triển ở vùng thượng lưu, làm ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh vùng đồng bằng.

Theo dõi diễn biến nguồn nước lũ về Đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây cho thấy có những thay đổi rất lớn, dòng chảy mùa lũ ở các đập thủy điện Trung Quốc chảy xuống hạ lưu còn thấp hơn so với dòng chảy mùa khô.

Diễn biến mực nước và lưu lượng lũ về đồng bằng cũng được xem là có ảnh hưởng phần nào bởi các thay đổi dòng chảy đến từ thượng lưu khi mà liên tục các năm lũ nhỏ từ 2002 đến nay, ngoại trừ năm lũ lớn 2011. Đường quá trình lũ các năm gần đây cũng có những thay đổi khác thường: năm 2014 đỉnh lũ lớn xuất hiện trước đỉnh lũ nhỏ, trái với qui luật đã thấy. Thực tiễn cho thấy, các hồ chứa thường có nhiệm vụ điều tiết năm hoặc nhiều năm, hồ sẽ được tích đầy dung tích và sử dụng lượng trữ này để cấp nước hoặc xả phát hiện trong suốt mùa khô. Nếu hồ điều tiết thì cuối mỗi năm thủy văn hồ đạt đến mực nước chết, trường hợp hồ điều tiết nhiều năm thì một phần dung tích được trữ lại đề cấp bù cho những năm thiếu nước hồ không thể tích đầy. Lưu vực sông Mê Kông là một lưu vực lớn, có giàu tiềm năng nước mặt, tổng dung tích hữu ích của các hồ chứa theo qui hoạch đạt khoảng 106 tỷ m3, tương đương với 21-48% tổng lượng dòng chảy mùa lũ ở năm nhiều nước hoặc năm kiệt.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của các thủy điện lưu thượng lưu sẽ có sự thay đổi rất lớn về diễn biến lũ và mực nước lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai. Chưa xét đến biến đổi khí hậu thì số năm lũ nhỏ sẽ gia tăng đáng kể, ở điều kiện nền số năm có lũ nhỏ dưới báo động cấp I chỉ chiếm 3%, có thể tăng lên 13% ở điều kiện thủy điện như năm 2015 và có thể chiếm 47% ở tương lai Số năm lũ vượt báo động cấp III sẽ ở điều kiện nền đến 32%, trong khi đó ở các kịch bản phát triển thủy điện đến năm 2015 và thủy điện theo tương lai qui hoạch lũ vượt báo động cấp III sẽ giảm đáng kể chỉ còn là 8% và 1%.

Tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long, ước tính hàng trăm ngàn hecta đất bị ngập, hàng triệu người có thể bị mất nhà cửa nếu nước biển dâng cao. Sản lượng lương thực có nguy cơ giảm sút lớn, đe doạ tới an ninh lương thực của quốc gia. Diện tích canh tác nông nghiệp sử dụng nguồn nước ngọt như lúa, màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản sẽ bị thu hẹp, năng suất và sản lượng sẽ suy giảm. Cá nước ngọt dự kiến sẽ suy giảm vì diện tích đất đồng bằng và dòng sông nhiễm mặn gia tăng.Ngược lại, cá nước mặn, lợ sẽ phát triển.Các vùng tài nguyên rừng, đất, nước, sinh vật hoang dã, khoáng sản (than bùn, cát đá xây dựng...) sẽ bị xâm lấn (Lê Quang Trí, 2016).

Trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng cùng với các tác động do phát triển ở thượng lưu, sự thay đổi về diện tích ngập, cũng như xâm nhập mặn có thể ít làm ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích nuôi trồng hiện hữu của thủy sản nước ngọt. Hạn và diễn biến mưa bất thường, mưa cường độ cao sẽ làm cho việc duy trì nồng độ mặn hợp lý của các ao nuôi trồng thủy sản nước lợ trở nên khó khăn hơn.

Hạn hán và xâm nhập mặn đang ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Các chuyên gia cho rằng, muốn phát triển hiệu quả vùng kinh tế ĐBSCL cần phải nhận diện rõ thách thức và trở ngại của vùng; đồng thời phải thích ứng, biến đổi thành cơ hội phát triển.

Đưa ra những giải pháp chủ động phù hợp và kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu của Đồng bằng sông Cửu Long, theo ông Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trong điều kiện các tác động bất lợi đến 2 vụ lúa chính tại Đồng bằng sông Cửu Long, cần rà soát lại quy hoạch sử dụng đất vùng này trong điều kiện biến đổi khí hậu, có xét đến suy giảm cả lũ và phù sa. Từ đó, thay đổi thời vụ cho các vùng để giảm tập trung nước trong các tháng đầu mùa mưa và đầu mùa khô kết hợp với giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất mùa lũ (Phạm Duy Khương, 2017).

Tại Hội thảo “Một số hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ngành nông nghiệp trong bối cảnh thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 15/06/2017, GS,TS. Tăng Văn Thắng, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam cho rằng thời gian tới, cần rà soát lại quy hoạch lũ Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh có xét đến các tác động bất lợi về dòng chảy lũ, số lượng năm có lũ vừa và nhỏ sẽ tăng rất lớn, trong khi ngập vùng ven biển và trung tâm đồng bằng lại có xu thế gia tăng do ảnh hưởng của nước biển dâng. Đồng thời, xem xét lại sự cần thiết của thứ tự ưu tiên của việc xây dựng các cống kiểm soát lũ ven Sông Hậu, các cống kiểm soát lũ từ Nam kênh Tân Thành – Lò Gạch trong khi các mối đe dọa ngập trước mắt là ảnh hưởng từ biển trong điều kiện nước về từ thượng nguồn giảm.

Bên cạnh đó, ưu tiên các cống ngăn mặn cặp theo sông Tiền, sông Hậu để ứng phó với các trường hợp mặn xuất hiện sớm, vào sâu theo các dòng chính. Đồng thời, ứng phó với các trường hợp mặn rút muộn hoặc mặn bất thường, trong các trường hợp bất lợi do vận hành thủy điện ở thượng lưu, vừa kết hợp kiểm soát mặn và ngăn triều cường gây ngập trong điều kiện có xét đến biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Ngoài ra, cần liên kết các hệ thống thủy lợi nhỏ lẻ thành các hệ thống lớn hơn để đảm bảo chủ động nguồn nước trong các thời kỳ mặn có thể kéo dài hơn, các hệ thống Gò Công – Bảo Định, Nam Măng Thít – Vĩnh Long, Nam – Bắc Bến Tre, Tiếp Nhật – Kế Sách (Sóc Trăng) và khép kín hệ thống ngăn mặn ven Biển Tây. Bố trí các trạm bơm có quy mô vừa và nhỏ cho các vùng ven biển để đáp ứng các yêu cầu về nước phục vụ sản xuất, bơm tưới, tiếp nước và gạn ngọt (tranh thủ khi triều xuống) trong các trường hợp mặn xâm nhập kéo dài, trước mắt là các trạm bơm Ngọn Thủ Thừa (Long An, cho vùng Nhật Tảo – Tân Trụ), Xuân Hòa (Tiền Giang, cho vùng Gò Công), Đại Ngãi (Sóc Trăng, cho vùng Long Phú – Tiếp Nhật).

Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Kinh tế nông nghiệp và thông tin địa lý, phân Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp miền Nam cho rằng, cần rà soát, bổ sung quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ lực ở các tỉnh, thành phố phù hợp với các quy hoạch chung toàn vùng. Có chính sách khuyến khích người thực hiện theo quy hoạch.

Ông Dũng kiến nghị: “Cần lập quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng chuỗi cung ứng cho các sản phẩm chủ lực toàn vùng. Các địa phương trên cơ sở quy hoạch chung của vùng sẽ lập quy hoạch cho từng sản phẩm chủ lực; lập quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng chuỗi giá trị cho từng sản phẩm chủ lực của địa phương” (Chúc Ly, 2017).

Đồng thời, thiết lập và xây dựng hệ thống SCADA chuyên ngành (quan trắc mực nước, độ mặn ở các hệ thống thủy lợi), tăng cường dự báo nguồn nước, dự báo chuyên ngành (lũ và xâm nhập mặn) để phục vụ chỉ đạo điều hành sản xuất và vận hành của các công trình thủy lợi. Trong tương lai lâu dài, cần xem xét các giải pháp kiểm soát các cửa sông (các cống hàm Luông, Cổ Chiên…). Trước mắt, cần bổ sung các cống trên các sông lớn như Cái Lớn, Cái Bé, Vàm Cỏ… vừa tăng cường kiểm soát nước mùa khô, kiểm soát xâm nhập mặn, lại góp phần chủ động ngăn triêu cường chống ngập, thích ứng với nước biển dâng…/.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Quang Trí (2016). Tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, truy cập từ http://khoahocvacongnghevietnam.com.vn/khcn-trung-uong/13122-tac-dong-cua-bien-doi-khi-hau-doi-voi-san-xuat-nong-nghiep-o-dong-bang-song-cuu-long.html

2. Phạm Duy Khương (2017). Ứng phó với biến đổi khí hậu, ĐBSCL cần thay đổi hướng canh tác, truy cập từ http://www.vietnamplus.vn/bai-2-ung-pho-bien-doi-khi-hau-dbs-cuu-long-can-doi-huong-canh-tac/449115.vnp

3. Chúc Ly (2017). ĐBSCL: diện tích lúa giảm còn 1,7 triệu ha, thủy sản lên 550.000 ha, truy cập từ http://danviet.vn/nha-nong/dbscl-dien-tich-lua-giam-con-17-trieu-ha-thuy-san-len-550000ha-773710.html