Các chuyên gia, nhà khoa học góp ý hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030
Ngày 05/8/2022 đã diễn ra Hội thảo tham vấn về quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương và Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt.
Toàn cảnh Hội thảo tham vấn về quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Trần Quốc Phương và Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt. Ảnh: MPI |
Cà Mau là tỉnh ven biển, là tỉnh duy nhất của nước ta có 3 mặt giáp biển. Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ biển tại Cà Mau xảy ra mạnh mẽ, cường độ ngày càng có xu hướng mạnh hơn, làm mất đi hàng trăm ha đất do sạt lở, gây nhiều thiệt hại đến đời sống và sản xuất của người dân.
Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản khá lớn, chiếm ¼ diện tích nuôi trồng thủy sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh giai đoạn 2011-2020 chỉ đạt 4,7%, thấp hơn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và mức bình quân chung của cả nước.
Tại Hội thảo, ông Huỳnh Quốc Việt cho biết, Cà Mau xác định lập quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành phối hợp với đơn vị tư vấn để xây dựng và đến nay dự thảo quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cơ bản hoàn chỉnh.
"Tuy nhiên, đây là nội dung mới, tích hợp, trong quá trình xây dựng cũng gặp một số khó khăn nên Cà Mau mong muốn nhận được ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia để đề xuất phương hướng, giải pháp, gợi mở các cách làm hay trong công tác quy hoạch", ông Việt chia sẻ quan điểm.
Ông Huỳnh Quốc Việt cũng đề cập đến lợi thế, thách thức của tỉnh và nhấn mạnh, tỉnh Cà Mau luôn ý thức được rằng, muốn phát triển phải có quy hoạch tốt, xác định đúng định hướng, mục tiêu trọng tâm phù hợp với thực tiễn của tỉnh, đặc biệt thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mô hình sinh thái và xác định các cơ chế đặc thù, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế - xã hội.
Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn; là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh. Phấn đấu đến năm 2025, Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Tham gia ý kiến, các đại biểu cho rằng, dự thảo về cơ bản đạt chất lượng để nghiệm thu, tuy nhiên, vẫn cần được xem xét, chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi trình cấp có thẩm quyền.
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng Khoa Kế hoạch và Phát triển, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân góp ý rằng, theo quy định của Luật Quy hoạch, quy hoạch tỉnh là quy hoạch tích hợp và phải tuân thủ quy hoạch Vùng và các quy hoạch ngành Quốc gia. Trong bối cảnh chưa có quy hoạch vùng và quy hoạch ngành quốc gia chưa đầy đủ, thì quy trình lập quy hoạch Tỉnh phải có trao đổi nhiều vòng để thống nhất với các cấp quy hoạch ngành quốc gia và các tỉnh trong vùng để đi đến thống nhất được những vấn đề có tính chất vùng và liên thông với hệ thống quốc gia thì các phương án quy hoạch của Tỉnh đặt ra sẽ đảm bảo đúng tinh thần tích hợp và tuân thủ.
"Trong bản Quy hoạch này, các phương pháp lập quy hoạch đã được áp dụng khá đầy đủ, tuy nhiên chưa thể hiện được cách tiếp cận lập quy hoạch tích hợp như thế nào?", vị chuyên gia này nêu vấn đề.
Góp ý về đánh giá thực trạng, ông Sơn cho rằng, nội dung đánh giá thực trạng không phải để thấy được hiện trạng tình hình phát triển của Tỉnh như thế nào, mà mục tiêu của đánh giá thực trạng là nhằm thấy được các nguồn lực, các tiềm năng thế mạnh của Tỉnh và mức độ khai thác các nguồn lực cũng như những rào cản cần tháo gỡ, những điều kiện cần có để biến các nguồn lực, tiềm năng thế mạnh thành động lực phát triển để làm cơ sở, định hướng khai thác các nguồn lực, tạo lập các mô hình phát triển trong tương lai.
Báo cáo quy hoạch đã đề cập đầy đủ thực trạng điều kiện tự nhiên, tài nguyên, dân số, xã hội và tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, theo ông Sơn, nội dung đánh gía thực trạng ở nhiều phần mới chỉ liệt kê mô tả, chưa phân tích đánh giá làm rõ tiềm năng, lợi thế mức độ khai thác và những vấn đề đặt ra trong quy hoạch và khả năng khai thác, phát triển.
Về đánh giá tài nguyên rừng và đa dạng hóa sinh học, tài nguyên biển và hệ sinh thái biển đảo, ông Sơn cho rằng, cần đánh giá rõ hơn về tài nguyên du lịch với lợi thế những đặc điểm khác biệt của rừng ven biển và tài nguyên biển của tỉnh kết hợp với những đặc trưng văn hoá riêng có, khác biệt cũng những những loại vật phẩm truyền thống đặc sắc để tạo nên tiềm năng thu hút, phát triển du lịch của Cà Mau.
PGS.TS Vũ Thanh Ca, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhận định, Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 còn chưa thể hiện rõ nội dung định hướng sử dụng mặt biển, đáy biển do tỉnh Cà Mau quản lý và chưa nêu rõ được ranh giới, diện tích vùng biển do tỉnh Cà Mau quản lý.
Ông Ca cũng cho rằng, cần thảo luận về tài nguyên nước mặt và nước ngầm của tỉnh, đưa ra các con số dự báo về trữ lượng nước dưới đất và đánh giá khả năng khai thác nước dưới đất; cần thảo luận về Kịch bản biến đổi khí hậu năm 2020, trong đó có nội dung lượng mưa tăng lên vào cả mùa mưa và mùa khô. Do vậy, khó có thể làm hạn hán khốc liệt hơn; Cần nêu rõ phương án trữ nước mưa; Phạm vi không gian đánh giá môi trường chiến lược thiếu vùng biển tỉnh Cà Mau; Phần về đa dạng sinh học biển Cà Mau cần thảo luận về suy thoái các hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển; Cần chú ý là đánh giá các vấn đề môi trường và thiên tai trong 10 năm trước (2011-2020). 3 cơn bão Ernie, Linda và Durian đổ bộ trực tiếp vào các năm 1996, 1997 và 2006 nằm ngoài phạm vi xem xét. Hơn nữa, cần nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu có xu thế làm giảm số các cơn bão yếu như Ernie và Durian nhưng có xu thế làm tăng các cơn bão mạnh như Linda.
"Phần các giải pháp cần nêu rõ các nội dung cần điều chỉnh quy hoạch để giảm thiểu các tác động môi trường. Không nêu các giải pháp chung chung, không gắn với quy hoạch", ông Ca gợi ý.
PGS, TS. Lê Anh Tuấn (Trường Đại học Cần Thơ) thẳng thắn rằng, một số đề xuất trong báo cáo mang tính định tính hơn định lượng, chưa mang tính thuyết phục.
Về mặt tự nhiên, tỉnh Cà Mau được hình thành từ dòng hải lưu mang phù sa của hệ thống sông Mekong bồi tụ khoảng 5.000 năm qua. Dù có 3 phương giáp biển nhưng Cà Mau không có các giồng cát ven biển. Cơ cấu địa chất và thổ nhưỡng chủ yếu là sét và bùn hữu cơ, cát mịn rất ít, đất dễ sụt lún. Thành phần muối trong các tầng đất cao. Nguồn nước ngọt chủ yếu là mưa và nước ngầm. Nước ngọt trên bề mặt khan hiếm.
Phần lớn diện tích đất tự nhiên ở tỉnh Cà Mau nằm trong nhóm đất đồng bằng ven biển – nước lợ, đầm lầy nước mặn- rừng ngập mặn, đầm lầy cỏ và tràm nội địa.
Vị chuyên gia này chỉ rõ, đất Cà Mau rất yếu, vì thế nếu xây dựng các công trình lớn, sẽ chịu tốn kém, xét về mặt kết cấu địa chất và vật liệu xây dựng.
Ông cũng cho rằng, bản báo cáo cần có các minh chứng so sánh thống kê thời tiết nhiều năm và phân tích tần suất xuất hiện để khẳng định điều này, vì đây là cơ sở quan trọng cho việc bố trí lịch canh tác phù hợp với nguồn nước.
Ông đề xuất nên dựa vào Quy hoạch tích hợp Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và chi tiết hoá các định hướng về sinh kế, hoạt động kinh tế phù hợp, khác biệt cho mỗi tiểu vùng sinh thái xã hội, từ đó đưa ra các giải pháp về phát triển kinh tế, an sinh, phù hợp tối ưu với những điều kiện riêng về sinh thái và văn hoá xã hội của từng lưu vực sống.
"Cần xác định các mối liên kết để Cà Mau trở thành một trung tâm đầu mối của cả Đồng bằng sông Cửu Long như môt Hub sản xuất thuỷ sản – lâm sản", ông Tuấn nêu quan điểm.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao các ý kiến phát biểu và đề nghị, trên cơ sở các ý kiến góp ý, cơ quan lập quy hoạch tiếp tục rà soát kỹ lưỡng hồ sơ, báo cáo; cập nhật văn bản mới, bám sát yêu cầu, hướng dẫn để có tài liệu thực sự đảm bảo theo quy định.
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Về các nội dung cụ thể, cần tiếp tục rà soát, tiếp thu các ý kiến để đưa ra các nội dung sát với tình hình thực tiễn của tỉnh; về định hướng, quan điểm phát triển cần rõ nét hơn, thể hiện rõ hướng đi, chủ thuyết phát triển của tỉnh; lưu ý các đặc thù của tỉnh, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu, sạt lở, sụt lún đất, đây cũng là đặc thù khác biệt của tỉnh so với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; về hạ tầng kết nối giao thông kinh tế - xã hội, có vị trí cách xa các trung tâm kinh tế lớn; phát triển nguồn nhân lực; phát triển du lịch, tiềm năng lớn; phát triển nông nghiệp, thủy lợi;…
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao các ý kiến phát biểu và đề nghị, trên cơ sở các ý kiến góp ý, cơ quan lập quy hoạch tiếp tục rà soát kỹ lưỡng hồ sơ, báo cáo; cập nhật văn bản mới, bám sát yêu cầu, hướng dẫn để có tài liệu thực sự đảm bảo theo quy định.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị tỉnh Cà Mau tiếp thu, bổ sung, sớm hoàn thiện dự thảo quy hoạch tỉnh để trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định với tinh thần xây dựng bản quy hoạch tốt không chỉ là đủ điều kiện để trình thông qua, mà quan trọng là phải đóng góp cho sự phát triển của tỉnh Cà Mau./.
Bình luận