Công nhân đang lắp ráp xe ô tô tại Nhà máy Toyota Vĩnh Phúc.
Công nhân đang lắp ráp xe ô tô tại Nhà máy Toyota Vĩnh Phúc

Các doanh nghiệp KCN tranh thủ thuận lợi, khắc phục khó khăn

6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế thế giới có những chuyển biến tích cực do thị trường thế giới có sự phục hồi, lạm phát có xu hướng chững lại, tồn kho đang giảm dần tại các nước có thị trường là đối tác của các doanh nghiệp Việt Nam; số lượng đơn hàng ở các thị trường truyền thống đã tăng trở lại, đây là những tín hiệu tích cực để các doanh nghiệp trong KCN tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) và đặt mục tiêu tăng trưởng so với năm 2023.

Kết quả hoạt động SXKD của các KCN nói chung, của của các doanh nghiệp trong các KCN trong 6 tháng đầu năm 2024 nói riêng đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 6 tháng đầu năm 2024 dự kiến tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: Lĩnh vực công nghiệp điện tử; lĩnh vực công nghiệp khác. Tuy nhiên, một số lĩnh vực bị giảm so với cùng kỳ năm trước như: Công nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô, xe máy; công nghiệp dệt may; công nghiệp vật liệu xây dựng.

Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc cho biết, những khó khăn, vướng mắc trong SXKD chủ yếu của các doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2024 là do thiếu hụt lao động và khan hiếm đơn hàng. Đơn hàng không ổn định, kéo theo việc nhân lực luôn thay đổi đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm của một số doanh nghiệp. Theo Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc, để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp đã tự chủ động tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường, đảm bảo việc làm bình thường cho người lao động; có phương án đầu tư mới máy móc thiết bị, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh..., nhằm duy trì hoạt động sản xuất ở mức ổn định, phấn đấu đạt vượt chỉ tiêu về sản lượng và doanh thu so với năm 2023 và mục tiêu đề ra.

Công nhân làm việc trong Nhà máy công nghệ cao tại KCN Bá Thiện 2
Công nhân làm việc trong nhà máy công nghệ cao tại KCN Bá Thiện II, tỉnh Vĩnh Phúc

Những kết quả ấn tượng trong hoạt động sản xuất kinh doanh

Với những nỗ lực cao, 6 tháng đầu năm 2024 các doanh nghiệp KCN đã đạt được những kêt quả chủ yếu trong hoạt động SXKD như sau:

Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ( FDI): Doanh thu ước đạt 5.871 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ 2023; giá trị xuất khẩu ước đạt 4.965 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 3.663 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023.

Các doanh nghiệp đầu tư trong nước (DDI): Doanh thu ước đạt 8.000 tỷ đồng, bằng 90% so với cùng kỳ năm 2023; giá trị xuất khẩu ước đạt 430 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023; nộp ngân sách ước đạt 142 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023.

6 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp trong các KCN thu hút thêm 2.448 lao động mới, tăng tổng số lao động lũy kế đến ngày 05/6/2024 là 136.160 người, trong đó lao động là người Vĩnh Phúc 74.298 người (chiếm 54,6%).

dịch vụ an ninh trong KCN Bá Thiện 2 IP
Dịch vụ an ninh luôn được đảm bảo trong KCN Bá Thiện 2 IP, tỉnh Vĩnh Phúc

Tiếp tục đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc cho biết, dự kiến quý II/2024 các doanh nghiệp trong KCN phấn đấu đạt được một số kết quả chủ yếu trong hoạt động SXKD như sau:

Các doanh nghiệp nước ngoài FDI: Doanh thu ước đạt 6.164 triệu USD, tăng 5% so với ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024; giá trị xuất khẩu đạt 5.263 triệu USD, tăng 6% so với ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024; nộp ngân sách đạt 3.527 tỷ đồng, tăng 3% so với ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024

Các doanh nghiệp trong DDI: Doanh thu ước đạt 8.000 tỷ đồng, bằng 100% so với ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024; giá trị xuất khẩu 670 tỷ đồng, tăng 56% so với ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024; nộp ngân sách 208 tỷ đồng, tăng 46% so với ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024.

6 tháng cuối năm 2024, các doanh nghiệp FDI và DDI giải quyết việc làm mới cho khoảng1.500 lao động mới ở trong và ngoài Tỉnh.

Theo Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc, để đạt được những chỉ tiêu nêu trên, Ban Quản lý tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp; quan tâm lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài với tinh thần chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành, theo phương châm chỉ đạo của Tỉnh "Lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển"; tiếp tục tiếp nhận, xử lý kịp thời, hiệu quả phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh; tăng cường công tác hỗ trợ sau đầu tư nhằm hạn chế và phòng ngừa các tranh chấp đầu tư, tham mưu lãnh đạo Ban giải pháp nhằm giải quyết vướng mắc, tranh chấp của nhà đầu tư. Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC), áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý hành chính, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, quản lý hoạt động của các dự án bằng phần mềm, từ đó, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, sản xuất thuận lợi cho các nhà đầu tư/doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn Tỉnh./.

Nhà máy trong KCN Bá Thiện II, tỉnh Vĩnh Phúc
Nhà máy trong KCN Bá Thiện II, tỉnh Vĩnh Phúc