Tại Hội nghị triển khai Chiến lược năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, do Bộ Công thương tổ chức, nhiều doanh nghiệp, địa phương, chuyên gia đã đưa ra các đề xuất, khuyến nghị về các giải pháp và lộ trình nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra tại Chiến lược trong từng giai đoạn.

Chủ động, phối hợp triển khai hiệu quả

Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 một lần nữa thể hiện rõ chủ trương phát triển kinh tế theo hướng xanh, chuyển đổi nền kinh tế bền vững, đạt mục tiêu Việt Nam đã cam kết tại COP26. Đây là bước chuyển đổi lớn trong chuyển đổi năng lượng.

Các giải pháp triển khai hiện thực hóa Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam
Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đánh đấu bước ngoặt lớn trong chuyển đổi năng lượng, nhằm thực hiện chủ trương phát triển kinh tế theo hướng xanh, chuyển đổi nền kinh tế bền vững

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, đối với ngành điện, đây được đánh giá là ngành tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải khí nhà kính, do đó việc chuyển đổi nguyên liệu hóa thạch sang sử dụng hydro và năng lượng có nguồn gốc hydro là hết sức cần thiết. “Quyết định số 500/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã đặt ra lộ trình chuyển đổi nhà máy nhiệt điện than sang sử dụng amoniac xanh, lộ trình chuyển đổi nhà máy sử dụng khí LNG sang hydro. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, chúng tôi nhất trí rằng, cần có nghiên cứu, sử dụng bước trộn các nhiên liệu như than với amoniac, khí hóa lỏng với hydro để sau đó triển khai từ giai đoạn 2030-2050”, ông Dũng cho biết.

Cụ thể, đối với nhà máy điện than, từng bước chuyển đổi các nhà máy điện đã có thời gian vận hành 20 năm theo tỷ lệ tăng dần để đến năm 2050, hoàn toàn không sử dụng than cho phát điện, mà chuyển sang sử dụng amoniac hoặc sinh khối. Với các dự án tuabin khí đang sử dụng khí LNG nhập khẩu, thì cũng có bước thử nghiệm để chuyển đổi thành công sang hydro. Tuy nhiên, theo ông Dũng, có một điểm lớn hiện nay là việc chuyển đổi các nhà máy sử dụng than và khí sang amoniac và hydro vẫn phải phụ thuộc vào công nghệ chuyển đổi, vì công nghệ này vẫn chưa được thương mại hóa và giá thành sản xuất amoniac và hydro còn rất cao. Vì vậy, lộ trình để chuyển đổi nhiên liệu cần phù hợp với mức độ thương mại hóa của công nghệ và giá thành nhiên liệu. “Chúng tôi sẽ chủ động, phối hợp triển khai các nhiệm vụ được giao để thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, đại diện Cục Điện lực và năng lượng tái tạo khẳng định.

Phối hợp hoàn thiện các tiêu chuẩn, kỹ thuật

Xét về vấn đề tuyên truyền và phối hợp hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực này, theo ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương), hydrogen là lĩnh vực mới không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn mới ở các nước phát triển, do vậy bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược, thì cần đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến về Chiến lược này. Vụ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ, các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương thực hiện việc rà soát, sửa đổi, xây dựng bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực sản xuất, sử dụng, lưu trữ, vận chuyển hydrogen và lĩnh vực thu giữ/sử dụng các-bon (CCS/CCUS) phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế; cập nhật những tiến bộ khoa học công nghệ trên thế giới về năng lượng hydrogen; xây dựng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về công nghệ sản xuất, lưu trữ, phân phối và công nghệ sử dụng hydrogen.

Ông Trần Trung Đức, Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong Chiến lược phát triển năng lượng hyrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao 2 nhiệm vụ. Thứ nhất, chủ trì phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành để xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy năng lượng hyrogen. Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp này. Thứ hai, nghiên cứu đề xuất cấp thẩm quyền ban hành các quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi để sản xuất hydrogen. Đây là nhiệm vụ lớn và hiện còn tồn tại vướng mắc cần khắc phục để phát triển ngành công nghiệp này.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất đề xuất bổ sung thêm một điều khoản trong Luật Đầu tư về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của các dự án điện gió ngoài khơi khi xây dựng Luật Điện lực sửa đổi cho phù hợp, đồng bộ”, ông Đức chia sẻ.

Đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác

Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hydrogen được xác định là nhiên liệu sạch trong các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu trên thế giới. Đây được coi là giải pháp để giúp thế giới đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ. Trong đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam về Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến 2050, hydrogen được coi là biện pháp để giúp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính. Trong nội dung về kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện tuyên bố chính trị về chuyển đổi đối tác chính trị, chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), hydrogen cũng được coi là ưu tiên hợp tác giữa Việt Nam và đối tác, nhóm đối tác trong và ngoài G7 và các tổ chức quốc tế. Do đó, việc ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển hydrogen được xác định là hết sức kịp thời, các nội dung của chiến lược, các bước đi từ nay đến năm 2050 là phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam và thế giới trong bối cảnh hiện nay.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, để triển khai nhiệm vụ này, Cục Biến đổi khí hậu đang dự kiến triển khai những nội dung liên quan đến năng lượng công bằng và thực hiện kế hoạch huy động nguồn lực triển khai các tuyên bố chính trị năng lượng công bằng. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, các bộ, ngành, doanh nghiệp đề xuất các dự án ưu tiên đã được xác định trong số gần 300 dự án xác định huy động nguồn lực để sử dụng ngay nguồn tài trợ của đối tác quốc tế về năng lượng công bằng. “Bộ Tài nguyên và Môi trường mong nhận được danh mục từ Bộ Công Thương để tập hợp, báo cáo Ủy ban quốc gia về thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26. Dự kiến sẽ báo cáo để Ban chỉ đạo quốc gia COP26 có thể họp trong tháng 3/2024 và mong muốn phần hydrogen có dự án đầu tư hoặc hỗ trợ kỹ thuật để sử dụng ngay nguồn vốn từ năng lượng công bằng”, ông Tấn đề nghị.

Về phía đối tác, ông Hà Đăng Sơn, đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhấn mạnh, USAID đã hỗ trợ cho các nỗ lực trong giảm phát thải khí nhà kính, cũng như thực hiện cam kết quốc gia trong lĩnh vực năng lượng trong 7 năm qua, trong đó có hỗ trợ cho các đầu tư về hydrogen xanh, thông qua chương trình an ninh năng lượng đô thị cũng có hỗ trợ một phần cho cả Chính phủ và tư nhân. Trong thời gian tiếp theo, USAID sẽ hỗ trợ trực tiếp cho Vụ Dầu khí - Than (Bộ Công Thương) trong việc triển khai chiến lược phát triển nhiên liệu sạch này.

“Chúng tôi mong sớm có được sự phê duyệt của Bộ Công Thương cho kế hoạch thực hiện của chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam FA II, trong đó có hoạt động liên quan tới hỗ trợ Vụ Dầu khí - Than về các hoạt động triển khai, cụ thể hóa chiến lược này, cũng như phối hợp với các đơn vị chức năng khác trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII, các vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả hoặc các cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).

Cần cơ chế hỗ trợ phù hợp và lộ trình cho doanh nghiệp chuyển đổi

Từ góc độ doanh nghiệp năng lượng, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, căn cứ trên kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, EVN sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ. EVN chủ động nghiện cứu trong lĩnh vực này. Từ năm 2023, EVN đã chủ động giao tư vấn thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về tổng quan thị trường hydro và dự báo phát triển thị trường hydro trên thế giới. Kết quả nghiên cứu là cơ sở để EVN hoàn thành các bước tiếp theo. Mặt khác, EVN đang triển khai xây dựng các lộ trình và giải pháp để chuyển đổi năng lượng tại EVN, trong đó có các nhà máy điện truyền thống chuyển sang đốt phối trộn hydro. Dự kiến, trong quý II, III năm nay sẽ xong các lộ trình để chuyển đổi các nhà máy điện cũ theo Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt.

Các giải pháp triển khai hiện thực hóa Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam
Tại Hội nghị triển khai Chiến lược phát triến năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các doanh nghiệp và chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp và lộ trình thực hiện Chiến lược

Để thực hiện được chuyển đổi này, ông Ngô Sơn Hải đề xuất 2 kiến nghị từ phía EVN. Thứ nhất, đề nghị xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các dự án phát điện hydro có thể cạnh tranh được với nguồn khác trong hệ thống. Thứ hai, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn về phát điện hydro để trong thời gian tới triển khai thực hiện kế hoạch liên quan đến Chiến lược phát triển Hydrogen.

Còn theo ông Phan Tử Giang, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), căn cứ vào Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, PVN được giao rất nhiều nhiệm vụ và đang được triển khai. Trong đó, PVN đã phối hợp với GIZ nghiên cứu tích hợp hydrogen xanh để thay thế dần hydrogen xám trong nhà máy sản xuất đạm. Tập đoàn cũng phối hợp với một đơn vị của Hàn Quốc tìm kiếm phương án sản xuất và vận chuyển hydrogen xanh thay thế cho hydrogen xám. PVN cũng đang phối hợp với đối tác nghiên cứu và thực hiện công tác đốt kèm hydrogen xanh để giảm bớt đốt than ở các nhà máy điện than của Tập đoàn nhằm giảm phát thải carbon. Tập đoàn cũng đã xây dựng chiến lược riêng về sản xuất hydrogen kết hợp trong chương trình chuyển dịch năng lượng của PVN. “Tập đoàn mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Công Thương trong chỉ đạo thêm Tập đoàn để thực hiện mục tiêu của nhiệm vụ này”, ông Phan Tử Giang kiến nghị.

Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, TKV cũng đã thống nhất quán triệt trong Tập đoàn về chủ trương chuyển đổi loại nhiên liệu sạch này. Chiến lược phát triển năng lượng được phê duyệt tại Quyết định số 165/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 vừa qua có giao cho TKV 2 nhiệm vụ, đó là: (1) Xây dựng kế hoạch chuyển đổi phối trộn nguyên liệu hydrozen với nhiên liệu của các nhà máy nhiệt điện than của TKV; (2) Nghiên cứu áp dụng công nghệ khí hóa than phù hợp, trong đó có lĩnh vực thu giữ sử dụng cacbon gắn với quá trình sản xuất hydrogen. Để triển khai những nội dung này, TKV đã làm việc với các đối tác, trong đó có Nhà máy Nhiệt điện Na Dương. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là vẫn chưa có công nghệ chuyển đổi thống nhất. Do đó, rất cần có những dự án đi đầu, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm để triển khai trong thời gian tới.

Tương tự, ông Lê Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng khẳng định Hydrogen là lĩnh vực mới, Tập đoàn hoàn toàn thống nhất chủ trương thực hiện Chiến lược và cũng đang có các giải pháp, lộ trình triển khai. Trong đó, sẽ đẩy mạnh công tác phổ biến tuyên truyền; rà soát đánh giá tiềm năng; đồng thời nghiên cứu, thực hiện 2 nhiệm vụ Thủ tướng đã giao gồm: nghiên cứu áp dụng công nghệ sản xuất hydrogen xanh phục vụ nhu cầu năng lượng trong các ngành, lĩnh vực khác và đẩy mạnh nghiên cứu, sử dụng các nguồn hydro sạch, amoniac sạch trong ngành công nghiệp hoá chất. Đây là vấn đề mới, rất mong trong quá trình triển khai thực hiện sẽ nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ Công Thương và các bộ, ngành hữu quan, cũng như của các đơn vị, doanh nghiệp.

Về phía địa phương, ông Vũ Hồng Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện Trà Vinh có một nhà máy hydro xanh đã thực hiện chủ trương đầu tư. Đây là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam được Trà Vinh quyết định chủ trương đầu tư với công suất 24 nghìn tấn/năm hydro và amoniac là 182 nghìn tấn/năm, oxy là 195 nghìn tấn/năm. Đến nay, Tỉnh đã chuẩn bị xong mặt bằng đất giao cho nhà đầu tư và đang chuẩn bị triển khai, đã thực hiện được một số công việc như bố trí quỹ đất, còn cấp phép dịch vụ cũng đang thực hiện. Về các thủ tục pháp lý, Tỉnh đang hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi để trình cơ quan chức năng thẩm định. Dự án đang hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường và phòng cháy, chữa cháy, dự kiến trình trong tháng 3-5/2024. Tuy nhiên, đây là dự án mới nên việc hoàn thiện những hồ sơ này đến nay vẫn còn một số vướng mắc, do đó, Tỉnh kiến nghị các đơn vị liên quan tập trung hỗ trợ để sớm triển khai dự án./.