Các nhiệm vụ cần triển khai trong điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển 2021-2030
Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được điều chỉnh trên cơ sở cập nhật 5 nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của các vùng liên quan; Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050…
"Siêu cảng" trung chuyển quốc tế Cần Giờ với tổng mức đầu tư ban đầu dự kiến khoảng 38.500 tỷ đồng, là điểm nhấn đáng chú ý tại quy hoạch điều chỉnh tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030. Ảnh: Phối cảnh cảng trung chuyển Cần Giờ (Portcoast). |
Trước đó, ngày 22/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1579 /QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Hệ thống cảng biển Việt Nam gồm 05 Nhóm cảng biển. Trong 5 Nhóm cảng biển, có 02 cảng biển đặc biệt: cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu; 15 cảng biển loại I, 06 cảng biển loại II, 13 cảng biển loại III…
Điều chỉnh một số nội dung về mục tiêu, nhóm cảng biển, nhu cầu sử dụng đất và mặt nước; nhu cầu vốn đầu tư; các dự án ưu tiên...
Đề án Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Đề án) điều chỉnh một số nội dung về mục tiêu, nhóm cảng biển, nhu cầu sử dụng đất và mặt nước; nhu cầu vốn đầu tư; các dự án ưu tiên; giải pháp thực hiện quy hoạch (về cơ chế, chính sách, môi trường, khoa học và công nghệ); phân công trong công tác tổ chức thực hiện.
Theo đó, đến năm 2030, hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.330 đến 1.612 triệu tấn (tăng khoảng 190 triệu tấn), hành khách từ 17,4 đến 18,8 triệu lượt (tăng 7,3-8,5 triệu lượt). Lượng hàng trung chuyển container quốc tế dự kiến khoảng 4,1 triệu TEU.
Đến năm 2050, năng lực hệ thống cảng biển đáp ứng nhu cầu hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 4,2 đến 4,8%/năm (tăng từ 0,2-0,3%).
Cũng theo dự thảo, hệ thống cảng biển Việt Nam gồm hai cảng đặc biệt là cảng biển Hải Phòng và cảng Bà Rịa - Vũng Tàu và 15 cảng biển loại I bao gồm các cảng: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ, Long An và Trà Vinh. Trong số này, các cảng biển Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt.
Sáu cảng biển loại II là các cảng Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Hậu Giang, Đồng Tháp và 13 cảng biển loại III gồm các cảng Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Phú Yên, Bình Dương, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Riêng cảng biển Sóc Trăng được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt.
Ngoài các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế được ưu tiên phát triển như Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu), Quy hoạch phấn đấu xây dựng bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; cảng biển TP. Hồ Chí Minh từ cảng biển loại 1 được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt; bổ sung nhu cầu hàng hoá trung chuyển quốc tế qua khu bến Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) khoảng 0,5-1 triệu TEU/năm vào năm 2030.
Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 351.500 tỷ đồng, tăng 38.500 tỷ đồng; ưu tiên thêm dự án hạ tầng công cộng của khu bến cảng ngoài khơi Trần Đề, bến trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Về giải pháp thực hiện hiện, Đề án đề xuất "rà soát, sửa đổi và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển, khai thác cảng theo mô hình cảng xanh, cảng thông minh, sử dụng nhiên liệu sạch, xanh, ít phát thải hoặc không phát thải khí nhà kính, thân thiện với môi trường trong hoạt động kinh doanh khai thác cảng biển…
"Cảng thông minh", "cảng xanh"... phải được làm rõ khái niệm, nội hàm rõ ràng, khoa học và khả thi
Thông báo số 102/TB-VPCP, ngày 15/3/2024 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao việc Bộ Giao thông vận tải đã rất trách nhiệm và chủ động tổ chức, triển khai nghiên cứu, lập Hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch).
"Đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách", Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, khẩn trương gửi ý kiến tham gia theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải theo quy định.
Trên cơ sở ý kiến bằng văn bản của các bộ, ngành và địa phương, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương rà soát, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến liên quan để hoàn thiện Hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch theo đúng quy trình, thủ tục và quy định của pháp luật về quy hoạch, trong đó lưu ý: các nội dung điều chỉnh, bổ sung phải được giải trình đầy đủ về cơ sở chính trị, pháp lý, khoa học, yêu cầu thực tế và đánh giá tác động cả về hiệu quả kinh tế và môi trường theo quy định; những khái niệm mới chưa có trong văn bản quy phạm pháp luật ("cảng thông minh", "cảng xanh"...) phải được làm rõ khái niệm, nội hàm rõ ràng, khoa học và khả thi.
Khẩn trương hoàn thiện Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thiện Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Đề án) theo quy định và theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại các văn bản của Văn phòng Chính phủ: số 305/TB-VPCP ngày 02 tháng 8 năm 2023, số 7320/VPCP-CN ngày 23 tháng 9 năm 2023, số 52/TB-VPCP ngày 13 tháng 02 năm 2024, trong đó lưu ý đánh giá rõ, cụ thể về: tính khả thi, hiệu quả kinh tế, tác động toàn diện các yếu tố về môi trường, hệ sinh thái, yêu cầu bảo đảm về quốc phòng, an ninh trong mối liên hệ với các quy hoạch của Thành phố Hồ Chí Minh, quy hoạch vùng và các quy hoạch khác có liên quan; tính khả thi và hiệu quả kinh tế trong mối quan hệ với cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, khu bến Cái Mép - Thị Vải.
Trên cơ sở đó, xác định, báo cáo rõ sản phẩm đầu ra của Đề án (quyết định bổ sung Quy hoạch bến cảng biển; cơ chế chính sách đặc thù đối với dự án đầu tư kinh doanh bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ;...), theo đó chỉ báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ những nội dung vượt thẩm quyền.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hồ Chí Minh chủ động có văn bản gửi Đề án (chịu trách nhiệm về thông tin, số liệu và tính khả thi) đến Bộ Giao thông vận tải để tham khảo, nghiên cứu, xử lý trong quá trình lập Hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động, phối hợp chặt chẽ và có văn bản hướng dẫn Bộ Giao thông vận tải về trình tự, thủ tục, Hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch, trong đó lưu ý sự cần thiết thành lập Hội đồng thẩm định để tiến hành thẩm định điều chỉnh Quy hoạch đảm bảo chặt chẽ, khoa học, phù hợp với Luật Quy hoạch và Nghị quyết 61/2022/QH15 của Quốc hội./.
Bình luận