Chiều 2/12, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ chủ trì Hội nghị lần thứ 5 của Hội đồng, với chủ đề: Tăng trưởng kinh tế "2 con số" vùng Đông Nam Bộ năm 2025: "Thách thức, cơ hội và giải pháp".

Tăng trưởng kinh tế

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hội đồng vùng và từng thành viên, các bộ, cơ quan, địa phương trong Vùng phấn đấu năm 2025 và thời gian tới, toàn vùng đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số mỗi năm.

Cùng tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương vùng Đông Nam Bộ.

Tại Hội nghị, cùng với đánh giá tình hình kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ năm 2024, giải pháp phát triển năm 2025, Hội đồng vùng dành nhiều thời gian đánh giá tình hình triển khai các dự án động lực vùng Đông Nam Bộ; cơ chế và việc huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các dự án liên vùng kết nối giao thông khu vực Đông Nam Bộ; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao vùng Đông Nam Bộ; đặc biệt là giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong việc triển khai các chương trình, dự án trọng điểm.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, địa phương liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến, hoàn thiện và sớm trình ban hành Kết luận Hội nghị.

Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực

Thủ tướng đánh giá năm 2024, trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, cùng với cả nước, tình hình kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, cao hơn cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, tổng thu ngân sách nhà nước của toàn Vùng ước đạt trên 733.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 42,2% tổng thu cả nước (tăng 3,6% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao); 5/6 địa phương tăng thu. Xuất khẩu phục hồi tích cực, ước đạt 115,7 tỷ USD, chiếm 31% kim ngạch xuất khẩu cả nước, tăng 11%.

Vùng tiếp tục dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài; tính đến ngày 31/10/2024 có trên 21.000 dự án và đạt trên 189 tỷ USD; trong đó, TP. Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước, chiếm gần 32,2% số dự án và gần 12% tổng số vốn đăng ký. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động cao nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội, ước tăng 9,8%.

Đối với các nhiệm vụ, dự án trọng điểm, liên vùng, các bộ, ngành địa phương đã vào cuộc tích cực và đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, nổi bật là đã hoàn thành rà soát trình cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định pháp luật, trong đó có Luật Đầu tư công, Luật sửa đổi 4 luật, Luật sửa đổi 9 luật.

Thủ tướng đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với bộ, ngành liên quan, UBND TP. Hồ Chí Minh hoàn thiện trình và được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương đối với Đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh.

Nhiều dự án trọng điểm trong Vùng đang khẩn trương hoàn thành, nhiều dự án quan trọng khác cũng đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư và chuẩn bị hoàn thành các thủ tục đầu tư.

Thủ tướng đánh giá cao các địa phương trong Vùng, đặc biệt là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nỗ lực thúc đẩy thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (đoạn qua Vũng Tàu dự kiến thông xe kỹ thuật toàn tuyến dịp 30/4/2025, sớm hơn 8 tháng so với thời hạn được giao và khoảng 4 tháng so với cam kết ban đầu của nhà thầu). Bình Dương đã tích cực triển khai các dự án cao tốc liên vùng; Đồng Nai đã tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng cho nhiều dự án lớn.

Thủ tướng cũng biểu dương TP. Hồ Chí Minh với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước đã nỗ lực lớn vượt qua "sức ỳ" sau đại dịch Covid-19, đóng góp về ngân sách và tăng trưởng, đạt tăng trưởng cao hơn trung bình của cả nước. Tây Ninh và Bình Phước có khó khăn hơn, nhưng cũng rất nỗ lực, vượt qua khó khăn.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng của vùng Đông Nam Bộ và các địa phương trong Vùng thời gian qua, đóng góp quan trọng cho thành tựu chung của đất nước.

Năm 2025 và thời gian tới, toàn vùng đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số mỗi năm

Bên cạnh những thành quả rất cơ bản, Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận vùng Đông Nam Bộ còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng GRDP vùng Đông Nam Bộ có xu hướng chậm lại, cần cố gắng để năm 2024 đạt 7%, phấn đấu cao hơn cả nước.

Đến hết ngày 30/11/2024, giải ngân vốn đầu tư công của cả Vùng thấp hơn mức bình quân chung cả nước. Công nghiệp cần tăng trưởng bền vững hơn. Hạ tầng giao thông kết nối, đặc biệt là hệ thống cảng còn những điểm nghẽn. Tiến độ triển khai các nhiệm vụ của Hội đồng điều phối vùng còn chậm, nhiều đề án, nhiệm vụ còn chưa triển khai.

Phân tích tình hình quốc tế, trong nước thời gian tới có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hội đồng vùng và từng thành viên, các bộ, cơ quan, địa phương trong Vùng phấn đấu năm 2025 và thời gian tới, toàn vùng đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số mỗi năm.

Để thực hiện mục tiêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông cho phát triển; làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành mới nổi; thay đổi, cơ cấu lại công tác quản trị theo hướng thông minh, sử dụng công nghệ số; tăng cường quản lý an ninh, trật tự, chống tiêu cực, lãng phí; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn cho phát triển.

Đặc biệt, Thủ tướng đã chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy các dự án trọng điểm trong Vùng với thời hạn rất cụ thể, gồm dự án đường vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM, xây dựng khu thương mại tự do và Trung tâm công nghiệp điện gió ngoài khơi tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với các địa phương rà soát, thúc đẩy các dự án liên kết vùng và kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong đó có dự án kết nối Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành; khởi công xây dựng đường bộ cao tốc Bình Phước - Đắk Nông, TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài (Tây Ninh); nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh – Lộc Ninh, Biên Hoà – Vũng Tàu, kết nối với Cảng Thị Vải - Cái Mép, Cảng Cần Giờ; nhất trí xây dựng cao tốc TPHCM - Mỹ Thuận theo hình thức hợp tác công tư, triển khai xây dựng quy mô 8 làn đường…

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, tránh đùn đẩy; những vấn đề vượt thẩm quyền thì kịp thời trình cấp có thẩm quyền xem xét. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời xử lý các vấn đề liên quan đất đai, môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ xử lý các vấn đề liên quan phát triển khu công nghệ cao. Đối với vấn đề vật liệu san lấp, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phụ trách, xem xét nhập khẩu, đồng thời sử dụng cát biển vào san lấp.

Thủ tướng kêu gọi các thành viên Hội đồng tích cực, chủ động hơn nữa triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả các hoạt động điều phối vùng, đặc biệt là các dự án vùng và liên vùng; trong đó, tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành các dự án đúng tiến độ; khắc phục các điểm nghẽn phát triển.

Yêu cầu các tỉnh, thành phố rà soát, nếu có những vướng mắc thì tổng hợp, nêu rõ vướng mắc gì, ở đâu, ai giải quyết... gửi Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng trước 10/12/2024 để xem xét, giải quyết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng, với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân các tỉnh sẽ thực hiện thành công mục tiêu đề ra; cùng cả nước bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giàu mạnh và thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc./.