Đến ngày 31/8, đã có 101/111 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được phê duyệt
Một báo cáo mới công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhìn chung, công tác lập Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch vùng quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, theo quy định của Luật Quy hoạch.
Nguồn: Quy hoạch tổng thể quôc gia |
Đến ngày 31/8/2024, có 30 Kế hoạch thực hiện quy hoạch được phê duyệt
Tính đến ngày 31/8/2024, đã có 108/111 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong (trong đó 101/111 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt (gồm 01 quy hoạch tổng thể quốc gia, 01 quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 01 quy hoạch không gian biển quốc gia, 31 quy hoạch ngành quốc gia, 06 quy hoạch vùng, 61 quy hoạch tỉnh (trừ TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh); 02/111 quy hoạch đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét nhưng chưa được phê duyệt; 05/111 quy hoạch đã thẩm định xong và đang trong quá trình hoàn thiện); 02/111 quy hoạch đang được thẩm định; 01/111 quy hoạch chưa thực hiện do không đủ điều kiện.
Các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị và nông thôn được các địa phương tích cực triển khai, đảm bảo yêu cầu phục vụ công tác quản lý nhà nước và thu hút đầu tư. Các quy hoạch được phê duyệt đã bám sát quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của vùng, của tỉnh, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; phù hợp với quy định pháp luật; chất lượng quy hoạch được cải thiện.
Các quy hoạch sau khi được phê duyệt đã được các cơ quan liên quan công bố, tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định; tính đến ngày 31/8/2024, có 30 Kế hoạch thực hiện quy hoạch được phê duyệt, gồm: 01 Kế hoạch thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia, 01 Kế hoạch thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 12 Kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia, 01 Kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng (ĐBSCL) và 15 Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh.
Tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn chậm so với yêu cầu
Đánh giá về tình hình thực hiện quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, các quy hoạch được phê duyệt, điều chỉnh đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển của các bộ, ngành, địa phương; là công cụ hữu hiệu phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, thực hiện các các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; góp phần hoàn thiện căn cứ pháp lý để triển khai hoạt động đầu tư; đồng thời, là căn cứ cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, các chương trình, đề án của các cơ quan.
Các quy hoạch sau khi được phê duyệt đều được công bố, tuyên truyền, phổ biến trên phương tiện thông tin đại chúng, đáp ứng nhu cầu thông tin cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhân dân địa phương nắm rõ chủ trương, quan điểm, mục tiêu phát triển, tiềm năng, cơ hội khai thác đầu tư.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác quy hoạch còn cho thấy các tồn tại, hạn chế như sau:
Một là, tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn chậm so với yêu cầu. Nguyên nhân theo cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch, chủ yếu là việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là nhiệm vụ mới, khó khăn, phức tạp với nhiều quy định mới cả về nội dung và phương pháp lập quy hoạch; năng lực các đơn vị tư vấn lập quy hoạch, cán bộ quản lý quy hoạch còn hạn chế; quá trình lựa chọn nhà thầu lập quy hoạch cũng mất nhiều thời gian do đa phần các đơn vị tư vấn thiếu nhân sự có trình độ chuyên môn theo quy định.
Hai là, chất lượng các hồ sơ quy hoạch trình thẩm định còn thấp; việc thực hiện lập quy hoạch tỉnh theo phương thức và cách tiếp cận mới nên còn gặp khó khăn trong việc tích hợp các nội dung quy hoạch, đảm bảo tính thống nhất, do đó một số quy hoạch trình thẩm định cũng chưa đảm bảo yêu cầu, phải hoàn thiện nhiều.
Ba là, một số quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng chưa được phê duyệt, ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả thực hiện các nội dung lập quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Mặt khác, khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt trước quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia, nếu có sự sai khác sẽ phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tỉnh cho phù hợp, điều này có thể xảy ra lãng phí nguồn lực và mất nhiều thời gian.
Bốn là, nhiều nội dung của các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành (quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch xây dựng ...) còn chồng chéo. Trong đó, giữa quy hoạch sử dụng đất cấp huyện với quy hoạch xây dựng khi cùng nội dung về phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng nhưng lại được thể hiện ở 02 loại bản đồ, thuộc quản lý của 02 ngành khác nhau.
Hiện nay, nhiều nội dung của các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành (quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch xây dựng ...) còn chồng chéo |
"Mặt khác, việc phân chia các nhóm đất, phân loại đất đai theo pháp luật về đất đai với chức năng sử dụng đất theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị chưa thống nhất dẫn đến công tác thu hút đầu tư, cấp giấy phép xây dựng còn gặp khó khăn vướng mắc", báo cáo chỉ ra vướng mắc.
Năm là, nguồn lực cho công tác lập quy hoạch từ nguồn vốn đầu tư công được phân bổ trong kế hoạch đầu tư trung hạn chưa đáp ứng được thực tế nhu cầu theo sự phát triển của địa phương.
Sáu là, Luật Xây dựng quy định các dự án tại các khu chức năng có quy mô dưới 05 ha không phải lập quy hoạch chi tiết, không quy định các dự án đầu tư tại khu vực nông thôn phải lập quy hoạch chi tiết gây khó khăn cho công tác quản lý quy hoạch đối với các dự án này.
Bảy là, công tác kiểm tra, giám sát quy hoạch chưa được thực sự quan tâm đúng mức; công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng vẫn còn một số bất cập; nhiều nội dung của các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành còn trùng lặp, chồng chéo với quy hoạch xây dựng.
Tám là, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong xây dựng văn bản hướng dẫn còn chậm, chưa thực chất, chưa kịp thời. Một số bộ, ngành còn có tư duy cục bộ trong ban hành các văn bản về công tác quy hoạch, trong khi nguyên tắc chủ đạo của hệ thống quy hoạch mới là tích hợp, phối hợp đồng bộ đa ngành. Tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/02/2018, Chính phủ đã phân công các bộ nghiên cứu, ban hành các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành để thay thế việc quản lý nhà nước khi các quy hoạch hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể phải bãi bỏ trước ngày 31/12/2018; tuy nhiên, đến nay một số bộ vẫn chưa ban hành đầy đủ gây khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định quy hoạch
Để khắc phục các hạn chế bất cập, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ lập, trình, phê duyệt đối với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch mang tính kỹ thuật chuyên ngành khác thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn chưa được phê duyệt theo Luật Quy hoạch.
Nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định quy hoạch; tăng cường tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch; thường xuyên rà soát, đánh giá, năng lực thực tế của các đơn vị tư vấn lập quy hoạch và phân loại, xếp hạng lên trang thông tin của các bộ, ngành làm cơ sở để chủ đầu tư tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn có chất lượng.
Các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định còn chồng chéo, bất cập liên quan đến quy hoạch.
Cần xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch dùng chung cho các ngành, địa phương; sớm ban hành văn bản hướng dẫn để xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh; nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng đối với việc thực hiện quy hoạch.
Đối với UBND các tỉnh/thành phố, cơ quan này cho rằng, cần quan tâm chỉ đạo triển khai lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị,… nhằm nâng cao tỷ lệ phủ quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về quy hoạch. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn pháp luật về quy hoạch, đất đai, xây dựng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức làm chuyên trách về lĩnh vực quản lý quy hoạch và nhận thức cộng đồng về chấp hành pháp luật quy hoạch./.
Bình luận