Việc hạn chế tiêu dùng bia, rượu, không chỉ phụ thuộc vào yếu tố tăng thuế TTĐB

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, việc điều chỉnh thuế suất các mặt hàng rượu, bia cần hướng đến chính sách thuế TTĐB hài hòa với các mục tiêu và phù hợp với bối cảnh cụ thể. Việc tăng thuế TTĐB ở mức cao và liên tục nhiều khả năng không mang lại hiệu quả như mục tiêu đề ra. Có thể việc tăng thuế làm tăng giá bán, hạn chế sản xuất rượu, bia, nhưng chưa hẳn sẽ đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng mặt hàng rượu, bia. Chẳng hạn, việc tăng thuế cao dẫn đến hàng nhập lậu tăng, người tiêu dùng có thu nhập cao chuyển sang uống rượu, bia nhập lậu. Người tiêu dùng ở nông thôn, có thu nhập thấp chuyển sang cơ chế tự cung, tự cấp và bán lấy lãi bằng cách tự nấu rượu, tự pha chế, không nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, không đảm bảo chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân...

Cân nhắc hiệu quả của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mục tiêu hạn chế tiêu dùng bia, rượu
Các chuyên gia chia sẻ ý kiến và thảo luận tại Hội thảo “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp” do báo Đầu tư tổ chức mới đây

Cũng theo bà Cúc, thuế TTĐB là thuế gián thu, được cấu thành trong giá bán rượu, bia. Về nguyên tắc, tăng thuế sẽ tăng giá bán sản phẩm tương ứng. Nhưng việc hạn chế tiêu dùng, không chỉ phụ thuộc vào yếu tố tăng thuế TTĐB, mà cần triển khai nhiều biện pháp khác mới đảm bảo mục tiêu đó. Việc thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đã làm giảm hẳn số lượng người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia là một minh chứng.

Vì vậy, bà Cúc đề xuất cần tăng cường thêm biện pháp quản lý rượu, bia nhập lậu và đặc biệt là rượu do dân nấu, rượu sản xuất, mua bán bất hợp pháp, không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; kể cả pha chế bằng cồn methanol công nghiệp có thể gây độc với các cơ quan nội tạng, hệ thần kinh và thị giác, có thể gây chết người. Đối với rượu tự nấu đảm bảo chất lượng, cấp đăng ký sản xuất kinh doanh, nộp thuế TTĐB, thuế giá trị gia tăng (GTGT)…

Nghiên cứu tác động tới xu hướng ảnh hưởng hành vi người tiêu dùng

Từ góc độ của một cơ quan quản lý nhà nước, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý 3 mục tiêu cần đạt được của tăng thuế TTĐB là tăng thu, thay đổi hành vi người tiêu dùng và sự công bằng trong áp thuế, cũng như chống buôn lậu, hệ lụy gây ra bởi tăng thuế, trong đó mục tiêu thay đổi hành vi người tiêu dùng là rất quan trọng cần được xem xét kỹ lưỡng, hiệu quả của giải pháp tăng thuế để đạt được. “Về yếu tố thay đổi hành vi: Mặc dù quá trình tăng thuế TTĐB đã được thực hiện, sản lượng tiêu thụ bia vẫn không giảm. Trong khi đó, chỉ cần có Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, với các biện pháp kiểm soát hành chính, đã cho thấy hiệu quả rõ rệt”, ông Tuấn Anh nêu vấn đề.

Bên cạnh đó, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra thực trạng gây ra bởi hệ lụy của việc tăng thuế, đó là tính công bằng trong việc áp chính sách thuế và kiểm soát buôn lậu. Khi thuế tăng, tình trạng buôn lậu chắc chắn sẽ gia tăng, mặc dù chúng ta có các cơ quan quản lý thị trường và cơ quan công an, nhưng việc kiểm soát vẫn còn nhiều thách thức. Do đó, việc điều chỉnh hành vi thông qua các biện pháp quản lý hành chính cũng cần được xem xét một cách nghiêm túc, ông Tuấn Anh lưu ý. Theo đó, tổng thể việc tăng thuế cần được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng về thời điểm tăng, mức tăng và độ giãn một cách hợp lý, để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành dịch vụ cũng như toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.

Nghiên cứu mức độ tăng thuế theo 2 phương án mà Bộ Tài chính đề xuất, đồng thời trên cơ sở phân tích số liệu nghiên cứu, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) băn khoăn so với mục tiêu Ban soạn thảo luôn luôn đặt vấn đề tăng thuế để tăng giá bán sản phẩm thông qua đó thay đổi hành vi người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như trật tự an toàn xã hội, thì cần cân nhắc có đạt hiệu quả tối ưu như mục tiêu đặt ra hay không.

“Mục tiêu như vậy nhưng con số thống kê cho thấy, giai đoạn năm 2003-2005, sức tiêu dùng trên đầu người đối với bia là 3,8lít/người/năm, năm 2015-2016 là 8,3lít. Trong khi đó, thuế đối với bia trước đây là 45% ở giai đoạn 2010-2012, sau đó tăng đều lên 50% từ năm 2013, 55% từ 2016, 60% từ 2017, 65% từ 2018 đến nay và tiếp tục tăng thêm. Thuế tăng liên tục trong suốt 10 năm nay, nhưng xét theo số liệu tiêu dùng bình quân đầu người tăng hơn 2 lần và đặc biệt là tác động nghịch của rượu bia, tỷ lệ người lạm dụng rượu, bia có hành vi bạo hành năm 2010 chỉ chiếm 1,4% dân số, nhưng đáng báo động là năm 2016 tỷ lệ này đã tăng lên đến 14,4%, gấp 10 lần. Thuế tăng 5% mỗi năm nhưng hành vi bạo lực tăng đến 10 lần. Chỉ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP và thực hiện quyết liệt, thì hành vi bạo lực này mới thay đổi. Như vậy rõ ràng có thể thấy tác động của biện pháp hành chính mạnh hơn so với tác động về thuế”, ông Phụng phân tích.

Cân nhắc hiệu quả của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mục tiêu hạn chế tiêu dùng bia, rượu
Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế)

Cũng theo chuyên gia này, dựa trên quan điểm tăng thuế mạnh để thay đổi hành vi ngay, thì đây có thể là phương án tốt, tuy nhiên ông cũng rất băn khoăn khi nghe ý kiến của nhiều chuyên gia đánh giá tác động chưa được toàn diện. “Nhìn nhận ở góc độ tổng thể và đúng theo chủ đề Hội thảo là tăng thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp phát triển", thì việc tăng thuế ngay bây giờ có đảm bảo được phát triển cho doanh nghiệp hay không, điều này chúng ta chưa thể khẳng định chắc chắn được, mà cần nghiên cứu thêm dựa trên các cơ sở khoa học, mô hình kinh tế toàn diện, thì mới có thể kiến nghị, đề xuất với Quốc hội là áp dụng phương án 1 hay phương án 2”, ông Phụng lưu ý.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, mục tiêu của chính sách là thu ngân sách, tuy nhiên mỗi thuế có những mục tiêu khác kèm theo. Thuế TTĐB có mục tiêu là điều chỉnh hành vi tiêu dùng. Nếu thuế TTĐB để điều chỉnh hành vi tiêu dùng đối với sản phẩm chưa phải là thiết yếu, chưa phổ thông, chưa cần thiết, thì nên điều chỉnh, dành nguồn lực cho sự phát triển khác; hoặc điều chỉnh hành vi tiêu dùng với sản phẩm không tốt cho sức khoẻ, gây hại với môi trường, xã hội, thì giúp giảm chi phí cho xã hội và người tiêu dùng.

“Cần có đánh giá thật kỹ lưỡng, cả về định tính và định lượng để xác định là chính sách thuế mới có giúp điều chỉnh hành vi tiêu dùng hay không và thay đổi như thế nào. Thực tế, thuế TTĐB đã được tăng rất nhiều lần trong suốt 20 năm qua, nhưng mức tiêu thụ những sản phẩm đồ uống có cồn cũng tăng theo nhiều lần. Rõ ràng là không tác động thay đổi hành vi. Nhưng chỉ với Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, thì sức tiêu thụ giảm ngay lập tức. Vậy, cơ quan soạn thảo cũng nên cân nhắc xem tiêu dùng các sản phẩm này là thuộc dạng gì, tiêu dùng bổ sung hay tiêu dùng phổ thông. Nếu tiêu dùng phổ thông, thì co giãn với giá không nhiều lắm, nhưng nếu tiêu dùng bổ sung thì co giãn với giá tương đối lớn. Nếu không co giãn, thì thuế TTĐB tác động vào không có ý nghĩa nhiều”, ông Cường phân tích.

Chính vì vậy, theo ông Cường, với đề xuất giải pháp về thuế TTĐB này, thì song song với nó, các biện pháp khác còn quan trọng hơn, bởi nếu chỉ áp thuế thôi thì khả năng là mục tiêu này không đạt được. “Nếu nhìn theo hướng này, thì có lẽ là không nên điều chỉnh thuế? Tuy nhiên, rõ ràng việc lạm dụng rượu, bia không tốt cho sức khoẻ mỗi người, việc điều tiết là cần thiết, nhưng tôi mong muốn tăng thuế TTĐB cần tránh tạo ra cú sốc. Nếu tăng thuế mà người tiêu dùng chả cảm thấy tăng, không ảnh hưởng gì, thì không thể tạo ra sự thay đổi hành vi. Lộ trình tăng thuế hiện nay trong dự thảo Luật đang bị nhàm, mỗi năm tăng 5%, vậy thì tác dụng đối với hạn chế rượu, bia có hiệu quả không là vấn đề cần được làm rõ”, ông Cường nêu quan điểm.

Theo ông Cường, việc giãn lộ trình 2-3 năm mới tăng một lần cũng hợp lý, vừa đỡ gánh nặng cho doanh nghiệp, nhưng đó cũng là khoảng nghỉ để thay đổi nhận thức đối với người tiêu dùng, vì đây là sản phẩm không tốt cho sức khoẻ, nên chính sách luôn nhắm đến, kết hợp với tuyên truyền vận động để nâng cao nhận thức của người dân. Mặt khác, tăng thuế sẽ thúc đẩy người tiêu dùng thay đổi hành vi, hướng đến những sản phẩm không chính thức, chuyển từ tiêu dùng ở nhà hàng sang tiêu dùng tại nhà. Tuy nhiên, cũng cần đánh giá kỹ lưỡng về sự dịch chuyển và thay đổi này.

Chính sách thuế không nên hướng tới cấm tiêu dùng

Cũng theo ông Cường, việc đánh thuế là nhằm thay đổi hành vi tiêu dùng, chứ không nên chỉ nhằm hạn chế/cấm tiêu dùng, bởi một chính sách thuế mà hạn chế tiêu dùng, thì xã hội không phát triển được. Chính phủ đang mong muốn kích cầu, tiêu dùng, để sản xuất tăng trưởng mạnh hơn. Vậy nếu thuế tăng cao, nhóm kinh doanh nhà hàng, dịch vụ - nhóm đóng góp cao nhất trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam - giảm xuống, kéo theo sản xuất và nhiều lĩnh vực khác nữa cũng giảm. Do đó, cần đánh giá kỹ lưỡng về tác động này khi đưa ra giải pháp tăng thuế TTĐB.

Ngoài ra, chính sách thuế cũng nên giúp nhà sản xuất thay đổi hành vi sản xuất chứ không nên ép doanh nghiệp phải chịu thiệt hại. Do đó, nếu giãn cách 3-5 năm nâng thuế một lần, thì sẽ là lộ trình hợp lý, để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, lập kế hoạch, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, vừa thích nghi với chính sách, hạn chế những rủi ro đối với nhà sản xuất. Khi cân nhắc đủ các mặt lợi và hại, với tính toán định lượng cụ thể, thì chính sách thuế mới đảm bảo đúng các mục tiêu giúp tăng thu ngân sách./.