Sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp phải đảm bảo khắc phục tình trạng trốn thuế
Đề nghị cân nhắc tính phù hợp của quy định về thu nhập chịu thuế
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37 đang diễn ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Đề cập về nội dung cơ bản của việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) bám sát theo các nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) đã được Quốc hội đồng ý; đồng thời, dự án Luật đã luật hóa một số nội dung đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, dự án Luật đã luật hóa một số nội dung đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật |
Đối với việc luật hóa nội dung quy định tại Nghị quyết số 107/2023/QH15 về áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, qua nghiên cứu, rà soát cho thấy, mặc dù Nghị quyết số 107/2023/QH15 có hiệu lực từ kỳ tính thuế năm 2024 song việc kê khai, nộp thuế TNDN bổ sung có thời hạn từ 12 - 18 tháng sau khi kết thúc năm tài chính 2024. Theo đó, trên thực tế, tới năm 2026 doanh nghiệp mới đến thời hạn áp dụng quy định tại Nghị quyết số 107/2023/QH15 và chưa thể đánh giá được hiệu quả và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn thực hiện. Do vậy, tại dự án Luật chưa bổ sung nội dung luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 107/2023/QH15 nêu trên để đảm bảo nguyên tắc, quan điểm xây dựng Luật là “Luật hoá những vấn đề đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm là phù hợp, bao gồm cả những nội dung đã được thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật”.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc tham dự phiên họp |
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, về quy định liên quan đến thu nhập phải nộp thuế (thu nhập chịu thuế), cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc tính phù hợp của nội dung quy định tại khoản 2 Điều 2 để lựa chọn phương án quy định nội dung này tại Điều 2 (quy định về người nộp thuế) hoặc tại Điều 3 (quy định về thu nhập chịu thuế). Ngoài ra, đối với việc nộp thuế TNDN của các doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập phát sinh tại Việt Nam từ các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hoặc trên nền tảng số, dự thảo Luật không quy định cụ thể và giao Chính phủ quy định. Trong khi đó, dự thảo Nghị định chưa quy định các nội dung này, nên đề nghị cần làm rõ về định hướng quản lý thu thuế đối với các đối tượng này.
Cũng theo cơ quan thẩm, tra, về cơ sở thường trú trong các hoạt động kinh doanh dựa trên thương mại điện tử và trên nền tảng số, theo Báo cáo thuyết minh Dự án Luật, thực tiễn phát triển của các hoạt động kinh doanh thông qua thương mại điện tử và các nền tảng số xuyên biên giới cho thấy sự bất cập về khái niệm cơ sở thường trú đang được quy định tại Luật hiện hành và các Hiệp định thuế (căn cứ trên hiện diện vật lý), nên chưa đáp ứng được thực tế của loại hình kinh doanh sử dụng cơ sở thường trú “ảo” - không có hiện diện vật lý. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn giữ khái niệm cơ sở thường trú hiện hành tại khoản 2 Điều 2 về người nộp thuế. Do đó, vấn đề vướng mắc, bất cập liên quan đến nội dung về cơ sở thường trú về cơ bản chưa được giải quyết trong dự thảo Luật. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần giải trình rõ hơn về vấn đề này.
Dự án Luật đã bổ sung quy định thu nhập chịu thuế của các doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, bao gồm cả các thu nhập từ kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh. Điều này làm cho nội dung quy định trở nên mâu thuẫn, khó thực hiện (không có cơ sở thường trú tại Việt Nam đồng thời lại không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh). Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần giải trình rõ hơn về vấn đề này.
Phải lý giải kỹ lưỡng vì sao phải sửa luật?
“Trong Luật hiện hành đang vướng mắc ở những điều gì, thì nên sửa ngay cái đó. Những điều nào “đã chín, đã rõ” thì sửa, cái gì chưa rõ, thì phải tiếp tục nghiên cứu. Nếu sửa toàn diện Luật Thuế TNDN, thì phải có sự đánh giá tác động. Việc sửa đổi những điều mới phải tốt hơn những cái cũ. Ngoài ra, việc sửa đổi Luật Thuế TNDN phải đảm bảo thu ngân sách Nhà nước, khắc phục tình trạng trốn thuế, thất thu thuế; đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý.
Ông cũng nhấn mạnh những nhiệm vụ nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội, thì Quốc hội thực hiện. Những gì thuộc chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, thì Chính phủ triển khai. Việc làm này cũng là đảm bảo chất lượng luật được tốt nhất trước khi trình ra Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, cơ quan soạn thảo Luật phải lý giải kỹ lưỡng vì sao phải sửa luật, sửa những điều gì và sửa như thế nào? |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. Chính phủ và Ủy ban Tài chính, Ngân sách cần nghiên cứu phương pháp sửa đổi, thẩm tra một số thuế, trong đó có dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi) để có cách tiếp cận chung về thuế, đảm bảo việc sửa đổi thuế đáp ứng được theo tình hình phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt là các vấn đề, chính sách được miễn trừ thuế.
Để tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ trong quá trình chỉ đạo điều hành, thực hiện luật, theo ông Tùng, những nhiệm vụ nào Quốc hội giao chi tiết cho Chính phủ thực hiện, vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ phải triển khai cũng cần được quy định rõ.
Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật; có ý kiến chính thức bằng văn bản của Bộ Tư pháp về dự thảo luật mới và đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách tham gia trong quá trình nghiên cứu. Sau khi hoàn chỉnh thì Chính phủ gửi Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra chính thức và trình lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại trong Phiên họp tháng 10.
“Đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật, Viện Nghiên cứu lập pháp bố trí thời gian, tổ chức việc nghiên cứu có thể thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học để đề xuất cách thức, phương pháp tiếp cận mới trong việc sửa đổi, bổ sung đồng bộ, toàn diện các luật trong lĩnh vực thuế, phí và các luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nói chung; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.”, ông Định lưu ý./.
Bình luận