Doanh nghiệp ngành bia rượu nước giải khát khó chồng khó

Tại Hội thảo Góp ý Dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức vừa qua, với góc nhìn từ ngành bia rượu nước giải khát, một trong những ngành nằm trong đề xuất điều chỉnh thuế TTĐB của Bộ Tài chính tại lần sửa đổi Luật Thuế TTĐB lần này, ông Lương Xuân Dũng - Chánh Văn phòng Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết việc áp dụng thuế TTĐB 10% với nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam ảnh hưởng không nhỏ đến sự phục hồi của các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh giá thành các nguyên liệu gia tăng và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp cũng đồng thời chịu nhiều sức ép từ các nghĩa vụ tài chính phát sinh và các tác động ngoại cảnh như cơn bão Yagi vừa qua.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Giải pháp nào cho một chính sách thuế phù hợp và đạt mục tiêu?
Ông Lương Xuân Dũng - Chánh Văn phòng Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam

Không chỉ có vậy, việc áp thuế TTĐB lên nước giải khát có đường còn tác động đến 24 liên ngành trong nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp hàng nghìn lao động trong các doanh nghiệp. Tác động trực tiếp tới thuế gián thu và trực thu từ đó tác động tới thu ngân sách nhà nước.

Đặc biệt theo ông Dũng, tác động nặng nề từ cơn bão Yagi đã khiến cơ sở hạ tầng của các doanh nghiệp bị thiệt hại lớn, làm gián đoạn đáng kể khả năng sản xuất và cung ứng hàng hóa. Các hạng mục như kho bãi và thiết bị bị hư hỏng nặng, khiến hoạt động sản xuất đình trệ và nguyên vật liệu đầu vào bị tổn thất trong quá trình sản xuất, từ đó làm giảm sản lượng và kéo dài thời gian giao hàng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành cũng phải đồng thời chịu nhiều sức ép từ các trách nhiệm tài chính mới theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, bao gồm: Trách nhiệm tái chế và có thể phải thực hiện một số trách nhiệm khác như kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính cùng hàng loạt các loại phí môi trường đang dự kiến bổ sung mới như phí khí thải, phí nước thải với chi phí ước tính lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Giải pháp nào cho một chính sách thuế phù hợp và đạt mục tiêu?
Hội thảo Góp ý Dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Tạp chí Nhà đầu tư - Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức

Đối với mặt hàng đồ uống có đường, đại diện VBA cho rằng, việc đánh thuế TTĐB đối với đồ uống có đường có thể sẽ khiến người tiêu dùng dịch chuyển sang sử dụng các loại đồ uống có đường khác được sản xuất thủ công hoặc nhập lậu vốn rất phổ biến trên thị trường. Hơn nữa các loại đồ uống này thường có giá thành rẻ hơn do không phải chịu thuế TTĐB. Điều này dẫn đến mục tiêu chính sách đặt ra không đạt được trong khi đó sự phát triển của ngành công nghiệp đồ uống bị ảnh hưởng tiêu cực. Mặt khác lại tạo điều kiện cho các mặt hàng đồ uống không chính thức, sản xuất thủ công hoặc nhập lậu phát triển, nhất là trong tình hình thu nhập giảm, lạm phát tăng cao như hiện nay. Vì vậy, VBA đề nghị xem xét bỏ điểm l khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật, theo đó không bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Tăng thuế cần đảm bảo hài hòa các mục tiêu và nuôi dưỡng nguồn thu

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Quan hệ Đối ngoại của Công ty Heineken Việt Nam nhấn mạnh, với đề xuất tăng thuế hiện tại của Bộ Tài chính, toàn ngành bia cho rằng đây là đề xuất tăng quá sốc, chưa từng có tiền lệ và sẽ tác động không tích cực đến sự ổn định và phát triển bền vững của toàn ngành cũng như ảnh hưởng đến tình hình thu ngân sách của các địa phương; và có thể sẽ không đạt được các mục tiêu đề ra.

“Chúng tôi, cùng với các hiệp hội ngành công nghiệp trong nước và hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam hoàn toàn ủng hộ mục tiêu của tăng thuế TTĐB của Chính phủ là bảo vệ sức khỏe người dân và tăng thu ngân sách bền vững. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc tăng thuế cần đảm bảo nguyên tắc giữ vững ổn định, hài hòa, nuôi dưỡng nguồn thu và phù hợp với các kịch bản kinh tế, đồng thời, hướng đến xây dựng một môi trường đầu tư và chính sách công có tính dự đoán được để củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài”, đại diện Heineken nhấn mạnh.

Ông Phúc khẳng định, cùng với chủ trương của Đảng và Nhà nước hiện nay đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm ổn định và phát triển kinh tế trước bối cảnh mới, chúng tôi đánh giá rất cao và hoàn toàn ủng hộ chỉ đạo gần đây của người đứng đầu Chính phủ về sửa đổi luật thuế này, đó là: “điều chỉnh thuế TTĐB sẽ tác động đến nhiều ngành hàng, doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, phải xây dựng dựa trên cơ sở hài hòa giữa doanh nghiệp, nhà nước và người dân, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội, chống thất thu thuế vừa hạn chế được mặt tiêu cực của hàng hóa có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Việc tăng thuế phải có lộ trình phù hợp để các chủ thể liên quan có sự chuẩn bị, tránh điều hành giật cục”.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Giải pháp nào cho một chính sách thuế phù hợp và đạt mục tiêu?
Ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Quan hệ Đối ngoại của Công ty Heineken Việt Nam

Để đạt được các mục tiêu này, đại diện Heineken cho rằng đối với mục tiêu thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội, chống thất thu thuế, cần có một nghiên cứu chuyên sâu về các tác động kinh tế - xã hội của việc tăng thuế TTĐB khi xây dựng Dự thảo luật này. Dẫn số liệu ước tính của VBA, ông Phúc cho biết với phương án 2 của Bộ Tài chính, việc tăng thuế TTĐB lên 15% vào năm 2026 có thể dẫn đến việc giá sản phẩm tăng 20%. Việc tăng thuế như vậy vừa kìm hãm sản xuất vừa làm suy giảm mục tiêu tăng thu ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, sự giảm sút sản lượng sẽ dẫn đến thất thu thuế nghiêm trọng hơn do những tác động tiêu cực đến các nhà phân phối và điểm bán lẻ, ngành dịch vụ ăn uống, du lịch, kinh tế đêm… từ đó ảnh hưởng đến đóng góp thuế GTGT và thuế TNDN. “Cần lưu ý rằng những sắc thuế này luôn chiếm tỷ trọng đặc biệt lớn trong cơ cấu thuế, do đó cần có một nghiên cứu chuyên sâu trước khi thực hiện tăng thuế để đảm bảo việc tăng thuế đạt được mục tiêu mà không gây đứt gãy sản xuất, các ngành công nghiệp khác, hay làm xói mòn nguồn thu ngân sách tổng thể”, đại diện Heineken khuyến nghị

Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế về mức thuế suất TTĐB tối ưu, theo ông Phúc, các lý thuyết kinh tế, điển hình là Đường cong Laffer chỉ ra rằng khi thuế suất tăng vượt điểm tối ưu, mục tiêu tăng thu ngân sách nhà nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do doanh số sụt giảm, gây áp lực lên các yếu tố vĩ mô khác của nền kinh tế. Hiện tượng này đã được quan sát ở nhiều nền kinh tế lớn như Úc, Vương quốc Anh. Ví dụ như tại Bỉ, vào tháng 11 năm 2015, Chính phủ Bỉ đã tăng thuế TTĐB đối với rượu mạnh lên hơn 40%, với kỳ vọng thu thêm 128 triệu EUR trong 6 tháng đầu năm 2016. Tuy nhiên, việc tăng mạnh này đã phản tác dụng khi lượng hàng bán giảm 33% khi giá rượu mạnh tăng hơn 20%, dẫn đến việc chính phủ không đạt được mục tiêu về thu thuế.

Kinh nghiệm tại quốc gia láng giềng Thái Lan chỉ ra rằng việc giảm thuế TTĐB đối với thức uống có cồn đã mang lại tác động kinh tế tích cực đối với ngành du lịch và các ngành liên quan khác. Năm 2024, Thái Lan thực hiện giảm thuế TTĐB, cụ thể, cắt giảm thuế rượu vang từ 10% xuống 5% và loại bỏ thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn nội địa. Chính sách này đã phục hồi ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn, hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước, từ đó giúp nền kinh tế khởi sắc.

“Do đó, để tạo môi trường ổn định cho các ngành công nghiệp phục hồi, Heineken Việt Nam cùng các doanh nghiệp Bia khác và Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam kiến nghị: kiến nghị giữ nguyên mức thuế TTĐB trong một năm kể từ năm 2026 khi luật sửa đổi bắt đầu hiệu lực, tức lần tăng thuế đầu tiên sẽ vào năm 2027. Sau đó, để người tiêu dùng dần thích nghi với mức giá mới do việc tăng thuế TTĐB, chúng tôi kiến nghị sau mỗi 2 năm thì tăng thuế một lần và mỗi lần tăng 5%, đến năm 2031 tăng tối đa đến 80% và duy trì ổn định”, đại diện Heineken nêu ý kiến đề xuất.

Cần công bằng trong chính sách thuế và các mức đánh thuế

Đối với mục tiêu giảm tiêu thụ đồ uống có cồn và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ông Phúc cho biết đánh giá về rủi ro thương mại bất hợp pháp khi tăng thuế TTĐB chỉ ra rằng mối quan hệ giữa việc tăng thuế TTĐB và giảm tiêu thụ thức uống có cồn là phức tạp và không phải là một tương quan trực tiếp đơn thuần. Việc tăng thuế quá mức có thể đẩy người tiêu dùng đến với các sản phẩm bất hợp pháp, không nộp thuế và chất lượng thấp hơn với nồng độ cồn cao hơn, gây ra rủi ro lớn cho sức khỏe cộng đồng và giảm nguồn thu ngân sách cho nhà nước.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Giải pháp nào cho một chính sách thuế phù hợp và đạt mục tiêu?
Việc đánh thuế đối với bia cần cân nhắc chia thành các mức thuế cụ thể, tương ứng với nồng độ cồn khác nhau, để đảm bảo thống nhất với các Luật và quy định hiện hành

“Tác động của thức uống có cồn đến sức khỏe là do độ cồn nguyên chất có trong sản phẩm. Khi xét đến biểu thuế TTĐB hiện hành, chúng tôi thấy sự bất hợp lý khi bia với nồng độ cồn phổ biến chỉ 5,5% lại phải nộp thuế TTĐB 65%, bằng với mức thuế của rượu trên 20 độ. Sự chênh lệch này không chỉ làm giảm động lực cho các doanh nghiệp bia trong mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn thể hiện sự thiếu công bằng trong chính sách thuế”, đại diện Heineken phân tích.

Trên cơ sở những phân tích này, đại diện cho các doanh nghiệp ngành bia, ông Phúc nhắc lại đề xuất cần phải chia thành các mức thuế cụ thể, tương ứng với nồng độ cồn khác nhau của bia, để đảm bảo thống nhất với các Luật và quy định hiện hành như: Luật phòng chống tác hại của rượu bia, luật quảng cáo để khuyến khích đổi mới công nghệ tập trung vào các sản phẩm có nồng độ cồn thấp, giảm ảnh hướng với sức khỏe. Cụ thể: Bia có nồng độ cồn bằng hoặc dưới 5,5% sẽ chịu mức thuế suất 65%; Bia có nồng độ cồn trên 5,5% và dưới 15% sẽ chịu mức thuế suất 70%; Bia có nồng độ cồn trên 15% sẽ chịu mức thuế suất 75%.

“Thay vì tập trung tăng thuế, hãy đẩy mạnh triển khai bộ giải pháp tổng thể bằng cách thay đổi hành vi của người tiêu dùng theo hướng tích cực thông qua các chương trình tuyên truyền và nâng cao nhận thức về việc sử dụng thức uống có cồn an toàn và có trách nhiệm. Tại Tập đoàn Heineken toàn cầu, chúng tôi có 3 trụ cột chính: không cồn và độ cồn thấp, uống an toàn, uống chừng mực. Cụ thể, tại Việt Nam, chúng tôi đã có chương trình hợp tác 16 năm với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia để tuyên truyền thay đổi nhận thức của người tiêu dùng thông qua chương trình “Đã uống rượu bia không lái xe” với hơn 800 sự kiện tuyên truyền và tiếp cận được khoảng 30 triệu người dân”, đại diện Heineken khuyến nghị.

Cân nhắc lộ trình tăng thuế phù hợp và kết hợp đồng bộ các giải pháp

Chỉ ra thực trạng khó khăn của các doanh nghiệp ngành bia rượu nước giải khát, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhấn mạnh rằng, ngành rượu bia còn chưa phục hồi sau đại dịch Covid-19 và đặc biệt chịu tác động lớn từ việc áp dụng Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, dẫn đến sản xuất và tiêu dùng bia sụt giảm mạnh so với giai đoạn trước dịch bệnh. Do đó, việc điều chỉnh thuế nhanh và mạnh sẽ càng làm tăng khó khăn chồng chất cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, Chủ tịch VAFIE cũng lưu ý, khi mặt bằng giá rượu bia tăng lên, người tiêu dùng sẽ dịch chuyển hành vi tiêu dùng sang các sản phẩm rượu bia không chính thức như rượu tự nấu thủ công, rượu giả/nhái, rượu bia nhập lậu, không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ với chất lượng không được kiểm chứng, gây tác hại tới sức khoẻ người tiêu dùng.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Giải pháp nào cho một chính sách thuế phù hợp và đạt mục tiêu?
GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

Theo bà Phan Minh Thuỷ, Phó Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dự thảo của Bộ Tài chính đề xuất mức tăng thuế rất mạnh với tốc độ tăng thuế rất nhanh đối với các mặt hàng bia rượu nước giải khát và thuốc lá. các doanh nghiệp đồng tình với quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc sử dụng chính sách thuế TTĐB để bảo vệ sức khoẻ người dân, hạn chế tiêu dùng các mặt hàng có hại cho sức khoẻ như rượu bia, thuốc lá. Tuy nhiên, việc tăng thuế quá nhanh và mạnh đối với các mặt hàng này sẽ khiến các doanh nghiệp không thể điều chỉnh công suất sản xuất phù hợp với sự sụt giảm sản lượng tiêu thụ do chính sách thuế, dẫn đến nhiều dự án đầu tư gặp thua lỗ, không thể thu hồi được vốn. Hơn nữa sự sụt giảm sản lượng quá nhanh sẽ tác động tiêu cực đến việc làm của người lao động, rất khó để chuyển đổi nghề nghiệp cho số lượng lao động dôi dư từ các nhà máy rượu bia, thuốc lá.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Giải pháp nào cho một chính sách thuế phù hợp và đạt mục tiêu?
Bà Phan Minh Thuỷ, phó Ban pháp chế VCCI

Theo các chuyên gia, cần có một lộ trình cụ thể trong việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng thuốc lá và bia rượu đồ uống có cồn, nước giải khát. Lộ trình này cần cân nhắc phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tránh cú sốc lớn cho cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần có sự hợp tác liên ngành thay vì chỉ sử dụng đơn lẻ chính sách về thuế để đạt được mục tiêu đề ra, theo đó thực hiện đồng bộ các chính sách gồm: Nâng cao nhận thức về tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em trong cộng đồng và đối với các nhà hoạch định chính sách; Tiến hành nhiều nghiên cứu hơn về tác động kinh tế và sức khỏe của bệnh thừa cân béo phì, các biện pháp can thiệp giải quyết tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em để cung cấp đủ bằng chứng cho nhà làm chính sách; Đẩy nhanh các chương trình hiện có và xây dựng các chính sách và chương trình cụ thể khác để giải quyết tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em tại Việt Nam./.