Quy định mô hình mới sẽ đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các tổ chức kinh tế hợp tác

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng nay (ngày 10/11), Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Sau phần thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình làm rõ nhiều nội dung.

Về tên gọi của Dự án Luật, Bộ trưởng cho biết, hiện có 2 luồng ý kiến, một số ý kiến tán thành giữ tên Luật Hợp tác xã; một số ý kiến đồng ý đổi tên thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ rà soát, nghiên cứu, phối hợp với Cơ quan thẩm tra tiếp thu về tên Luật cho phù hợp, báo cáo Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội.

Chính sách hỗ trợ phát triển tổ chức kinh tế tập thể cần mạnh mẽ hơn, có trọng tâm hơn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình làm rõ nhiều nội dung của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Liên quan đến mô hình liên đoàn hợp tác xã, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trên thực tiễn mô hình liên đoàn hợp tác xã đã có; đồng thời đây cũng là là mô hình phổ biến tại nhiều nước trên thế giới, phát triển rất mạnh. Quy định mô hình mới sẽ bảo đảm chính sách của Nhà nước theo kịp xu hướng phát triển, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn của các tổ chức kinh tế hợp tác; tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế hợp tác có quy mô lớn ở nước ta phát triển, hoàn thành mục tiêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.

Về chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức kinh tế tập thể, Bộ trưởng đồng ý cần thiết kế chính sách mạnh mẽ hơn, tập trung hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn, cụ thể, rõ ràng hơn. Cũng cần tập trung làm rõ tính đặc thù, chú trọng chính sách chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao khả năng tiếp cận vốn, tăng cường áp dụng thành tựu khoa học công nghệ.

Liên quan đến nội dung về tổ chức đại diện, liên minh hợp tác xã, Bộ trưởng ghi nhận có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến. Cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến báo cáo Chính phủ, tiếp tiếp tục rà soát, nghiên cứu quy định về tổ chức đại diện và hệ thống liên minh hợp tác xã tại dự thảo Luật này cho phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo với hệ thống pháp luật…

Đa số ý kiến nhất trí cần thiết sửa đổi Luật Hợp tác xã

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Hợp tác xã, để thể chế hóa chủ trương của Đảng; khắc phục hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; hoàn thiện các quy định về kinh tế tập thể phù hợp với tình hình, điều kiện phát triển mới, góp phần thúc đẩy kinh tế, phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững cùng với kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Chính sách hỗ trợ phát triển tổ chức kinh tế tập thể cần mạnh mẽ hơn, có trọng tâm hơn
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Hợp tác xã

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023)...”, ông Hải cho biết./.