Chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ góc nhìn về triển vọng tăng trưởng kinh tế 2022
Diễn đàn "Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính” thu hút sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, một số hiệp hội, doanh nghiệp, đại diện cơ quan truyền thông, báo chí và khoảng 200 đại biểu |
Đại dịch Covid-19 chưa có hồi kết trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine ngày một căng thẳng đang tạo nên những thay đổi rất lớn về cơ hội và thách thức phát triển kinh tế của các quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Tại Diễn đàn "Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo phối hợp với một số đối tác tổ chức sáng nay (12/5), các chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng chia sẻ góc nhìn, bình luận về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2022-2023. Các chuyên gia cùng doanh nghiệp đều đồng nhất rằng, trong thời gian tới, nền kinh tế sẽ có những thuận lợi song hành với khó khăn, thách thức và khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn. Chính vì thế, Chính phủ cần có cơ chế phù hợp để nền kinh tế vượt qua khó khăn.
Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam: Cần cơ chế phù hợp hơn để phát triển thị trường chứng khoán…
Ông Nguyễn Thanh Kỳ: "Tôi mong muốn cơ chế, chính sách cần được sửa đổi cho phù hợp hơn với bối cảnh thị trường hiện nay" |
Chưa bao giờ Quốc hội, Chính phủ quan tâm đến thị trường vốn như hiện nay. Thời gian qua, sau một số vụ việc xảy ra trên thị trường chứng khoán gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp để chỉ đạo, định hướng giải pháp phát triển thị trường lành mạnh, minh bạch hơn.
Tại sao gần đây thị trường chứng khoán lại sụt giảm, đó là do cơ chế, chính sách chưa chắc chắn, chưa sát với thực tế hơn. Để tăng tính răn đe với các hành vi vi phạm, chúng ta có thể đưa ra hình thức phạt tiền gần 10 lần như hiện nay.
Sắp tới, tôi mong muốn cơ chế, chính sách cần được sửa đổi cho phù hợp hơn với bối cảnh thị trường hiện nay, để giúp thị trường vận hành tốt hơn, tránh tình trạng khi xảy ra một số vụ tiêu cực, thì co lại, hoặc cấm đoán, làm cho thị trường bị méo mó.
Ông Nguyễn Tuấn Việt, Tổng giám đốc Vietgo: Việt Nam còn nhiều dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu
Ông Nguyễn Tuấn Việt: "Tôi nhận thấy còn nhiều dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới" |
Với 17 năm hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, tôi nhận thấy còn nhiều dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Điều này thể hiện qua nhiều yếu tố.
Cùng với môi trường chính trị, xã hội ổn định tốt, việc đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), giúp Việt Nam “vô địch” ở châu Á về tham gia các FTA. Chính điều này mang lại cơ hội cho các bên mua nước ngoài có cơ hội mua được hàng hoá của Việt Nam với giá rẻ hơn. Do đó, một khi Việt Nam tối ưu hoá được hoạt động xuất khẩu hàng hoá, thì sẽ tận dụng tốt hơn các lợi thế xuất khẩu hàng hoá do các FTA mang lại. Để tận dụng tốt lợi thế này, điều quan trọng là Việt Nam cần chủ động được kênh thông tin mà khách hàng cần mua, điều mà Trung Quốc làm rất tốt nhờ có Alibaba. Đây là cách để Việt Nam có được giá trị gia tăng cao hơn khi bán hàng ra thị trường nước ngoài nhờ bán được cho khách hàng mua cuối, thay vì hiện phần nhiều bán qua các công ty thương mại của Trung Quốc, Hàn Quốc… đang có mặt tại Việt Nam.
Một điểm mạnh nữa của Việt Nam là lợi thế về vị trí địa lý. “Con đường cao tốc” hàng hải quốc tế bắt đầu từ vùng biển hoa đông, trong khi Việt Nam nằm ở vị trí “mặt tiền” của tuyến hàng hải này, nên có nhiều lợi thế cạnh tranh về giá cước vận tải quốc tế. Đó là chưa kể, với đặc thù địa hình đất nước kéo dài, từ đất liền ra biển rất gần, nên cước phí vận chuyển trong nội địa cũng rẻ. Điều này cũng tạo lợi thế cho đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.
Ông Cấn Văn Lực: Phải tăng sự chống chịu của nền kinh tế trước những cú sốc bên ngoài
Ông Cấn Văn Lực: "Tôi không lạc quan về xuất khẩu" |
Tôi không lạc quan về xuất khẩu, với 70% tổng sản lượng xuất là do khối FDI; hay là trong phần tăng xuất khẩu năm nay, dự báo của chúng tôi là 15-17%, thì trong đó 1 nửa do tăng giá, một nửa là do tăng lượng, sẽ dẫn đến thiếu bền vững. Biên lợi nhuận của doanh nghiệp đang thu hẹp ghê gớm.
Năng lực chống chịu liên quan đến dự trữ, an ninh lương thực, an ninh năng lượng… rất có vấn đề. Ví dụ an ninh năng lượng, chúng ta phải nhập tới 75% nguyên liệu đầu vào. Rất là lo lắng.
Một vấn đề tôi lo lắng là việc thị trường vốn gắn với bất động sản. Một là, tính liên thông của 4 thị trường: ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, chúng ta lưu ý kiểm soát tính rủi ro hệ thống này.
Hai là, cách tiếp cận của Chính phủ bây giờ, tôi cho rằng, cực kỳ thông minh, vừa kiến tạo thị trường phát triển, vừa có thể kiểm soát được rủi ro. Đâu là điểm tối ưu, chính sách cực kỳ quan trọng, chứ thái quá cũng không được, lỏng quá cũng không xong. Cho nên chúng ta phải tìm được điểm buộc “chân con gà” sao cho không lỏng, không chặt quá để nó vẫn có thể di chuyển được.
Thủ tướng sớm có diễn đàn về bất động sản để bàn sâu về vấn đề này. /.
Bình luận