TS. Cấn Văn Lực: Ở kịch bản tích cực, GDP Việt Nam năm 2022 sẽ tăng từ 6-6,5%
"Kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi, nhưng sẽ gặp nhiều gập gềnh và lạm phát tiếp tục còn gia tăng...", TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia nhìn nhận, khi chia sẻ tại Diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính”, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức sáng ngày 12/5, tại Hà Nội.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, có nhiều yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới |
Dẫn dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 là 4,4%, giảm 1,3 điểm % so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2021, ông Lực cho biết, với các nước có thu nhập cao, mức dự báo bị hạ là 1,2 điểm %, còn các nước mới nổi và đang phát triển, thì mức bị hạ là 1,3 điểm %. Trong khi đó, dự báo về lạm phát lại được nâng lên mạnh mẽ. Hiện tại, tỷ lệ này được dự báo sẽ đạt 5,7% ở các nền kinh tế có thu nhập cao; 8,7% ở các nước mới nổi và đang phát triển. Nhận định mức lạm phát hiện tại không phải chỉ là kết quả của giá nguyên liệu cao hơn hay sự thiếu hụt nguồn cung, mà còn do nhu cầu gia tăng sau đại dịch Covid-19.
Liên quan đến bức tranh kinh tế Việt Nam, ông Lực đưa ra dự báo 3 kịch bản cho tăng trưởng GDP trong năm 2022.
Theo đó, ở kịch bản tiêu cực, GDP Việt Nam năm 2022 chỉ tăng trưởng 4,5-5%; còn ở kịch bản cơ sở, GDP sẽ tăng từ 5,5-6%; ở kịch bản tích cực, GDP sẽ tăng từ 6-6,5%. Dự báo năm 2023, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, GDP sẽ tăng từ 6,5-7%.
TS. Cấn Văn Lực đưa ra dự báo 3 kịch bản cho tăng trưởng GDP trong năm 2022. |
Đưa ra cái nhìn lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, ông Lực dẫn ra các cơ sở: dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt hơn trong năm nay; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 với đầu tư công được đẩy mạnh; tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định (dù có áp lực tăng); kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được đẩy mạnh; cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách được thúc đẩy; tác dụng của RCEP bắt đầu có hiệu lực… Các yếu tố này sẽ tạo ra các động lực cho phục hồi tăng trưởng mạnh hơn./.
Truy cập Kỷ yếu Diễn đàn tại đây:
Bình luận