Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước: Chờ Đề án mới cho lộ trình 5 năm
Cả nước hiện còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa. Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là do khâu tổ chức thực hiện của một số bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước chưa thực sự nghiêm túc, nhiều doanh nghiệp không muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất sinh lời cao.
89 doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa
Ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, khâu tổ chức thực hiện của một số bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế cần phải thay đổi
Chia sẻ tại Diễn đàn thị trường vốn do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức tháng 3/2021, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2016 đến tháng 12/2020, đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207.116 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 180 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 37/180 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch).
Hiện nay, cả nước còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Các doanh nghiệp này sẽ phải tiếp tục triển khai cổ phần hóa theo kế hoạch, trong đó những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải cổ phần hóa như: Thành phố Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (04 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; Thành phố Hồ Chí Minh cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 06 doanh nghiệp (03 Tập đoàn, 03 Tổng công ty), Bộ Xây dựng cổ phần hóa 02 Tổng công ty.
Trong 04 tháng đầu năm 2021, Cục Tài chính doanh nghiệp nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa 02 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (không thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) với tổng giá trị doanh nghiệp là 202 tỷ đồng, trong đó phần vốn của Tổng công ty Lương thực Miền Bắc là 119 tỷ đồng. Đồng thời, trong 04 tháng đầu năm, các đơn vị vẫn tiếp tục triển khai công tác để thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa theo quy định.
Liên quan đến hoạt động thoái vốn, 4 tháng đầu năm 2021, thoái vốn của Nhà nước thu về 2.165 tỷ đồng, trong đó, đóng góp lớn nhất là thoái vốn tại 9 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Viettel, NXB Giáo dục Việt Nam, VNPT, Tổng công ty Thái Sơn thu về 2.081,3 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng chậm cổ phần hóa nói riêng, thoái vốn Nhà nước nói chung, theo ông Đặng Quyết Tiến, là do khâu tổ chức thực hiện của một số bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc, dẫn đến DNNN chưa xây dựng được hướng đi mới, định hướng phát triển mới nên còn lúng túng và không muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất sinh lời cao.
Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành nhiều cơ chế chính sách quan trọng phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN như: Nghị định số 121/2020/NĐ-CP ngày 09/10/2020, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020, Nghị định số 150/2020/NĐ-CP, quyết số 161/NQ-CP ngày 29/10/2020… Nếu Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025” được hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, sẽ tạo cơ sở để tiếp tục triển khai quá trình tái cấu trúc khối DN đặc biệt này.
Cơ cấu lại DNNN gắn với việc lên sàn chứng khoán
Đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021-2025 sẽ tạo cơ sở tiếp tục triển khai các hoạt động cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN giai đoạn tới, trong khâu thực hiện, Bộ Tài chính đã đề xuất các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, DNNN cần triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.
Cụ thể đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cần thực hiện đúng và đầy đủ quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu được giao theo quy định của pháp luật; hoàn thành phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã lên sàn niêm yết và phát triển rất mạnh, điển hình là CTCP Cơ điện lạnh
Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty cần rà soát những vấn đề liên quan đến phương án cơ cấu lại, sản xuất kinh doanh, các vướng mắc khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trong quá trình triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại để có phương án xử lý đảm bảo triển khai có hiệu quả công tác cơ cấu lại và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ưu tiên tập trung xử lý các tồn tại, yếu kém, các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo đúng quy định của pháp luật. Rà soát, phân loại, đánh giá nguyên nhân DNNN sau cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch, niêm yết, báo cáo kết quả thực hiện và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, đồng thời chủ động phối hợp với Bộ Tài chính để tháo gỡ vướng mắc cho các DNNN sau cổ phần hóa; nhắc nhở, phê bình, xem xét kỷ luật đối với người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp nếu cố tình không chấp hành, trì hoãn việc thực hiện./.
Bình luận