Thực tế mới thực thi được 30% kế hoạch

Theo kế hoạch cổ phần hóa tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ thì kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2017 - 2020 là 128 doanh nghiệp.

Theo Bộ Tài chính, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020 đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 180 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phẩn hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 30% kế hoạch).

Trong đó, tổng giá trị dự kiến bán cho các đối tượng (Nhà đầu tư chiến lược, cán bộ công nhân viên, tổ chức công đoàn, bán đấu giá công khai) là 98.748 tỷ đồng, tương đương 48% giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tổng giá trị thực tế bán được là 22.748 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tổng giá trị thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp từ công tác cổ phần hóa là 36.518 tỷ đồng, đạt 1,6 lần so với giá bán.

Bộ Tài chính: Cổ phần hoá, thoái vốn chưa đạt kế hoạch
Bộ Tài chính cho biết, năm 2021 chỉ ghi nhận được 4 doanh nghiệp cổ phần hóa

Cũng theo Bộ Tài chính, năm 2021 ghi nhận 4 doanh nghiệp cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 333 tỷ đồng, trong đó, giá trị thực tế phân vốn nhà nước là 196 tỷ đồng, gồm: 3 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cổ phần hóa trong năm 2020, 1 doanh nghiệp cổ phần hóa trong năm 2021 là Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển chè Nghệ An (không thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Về tình hình triển khai thoái vốn, số liệu thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến năm 2020, tổng cộng đã thoái 27.312 tỷ đồng, Nhà nước thu về 177.397 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn nhà nước tại 106 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg và Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 6.493 tỷ dồng, Nhà nước thu về 13.583 tỷ đồng, đạt 30% về số lượng và 11% về giá trị so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ngoài danh mục theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg, Bộ Tài chính cho biết, đã thoái 3.785 tỷ đồng vốn nhà nước, thu về 110.392 tỷ đồng, bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco. Một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 17.032 tỷ đồng, thu về 53.420 tỷ đồng.

Riêng năm 2021 đã thoái vốn tại 18 doanh nghiệp với giá trị 1.665 tỷ đồng, thu về 4.402 tỷ đồng, trong đó thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp với giá trị 52,8 tỷ đồng, thu về 85,1 tỷ đồng; các Tập đoàn, Tổng công ty thoái vốn tại 14 doanh nghiệp với giá trị 1.612 tỷ đồng, thu về 4.317 tỷ đồng.

Về kết quả quản lý thu, chi Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết thực hiện việc tổ chức quản lý Quỹ, từ ngày 01/01/2018, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 126/2017/ND-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ, Quỹ được chuyển giao từ SCIC về Bộ Tài chính theo dõi, quản lý theo quy định (có bộ máy quản lý Quỹ và thực hiện chế dộ kế toán Quỹ). Trong năm 2019, Kiểm toán nhà nước đã thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2011-2017. Bộ Tài chính đã đôn đốc, thu hồi nợ Quỹ cơ bản đã thực hiện các ý kiến, kiến nghị của kiểm toán nhà nước.

Liên quan việc thực hiện nhiệm vụ nộp ngân sách nhà nước từ Quỹ theo các Nghị quyết của Quốc hội giai đoạn 2016-2020, theo các Nghị quyết của Quốc hội, mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2016-2020, nguồn thu từ cồ phần hóa, thoái vốn nhà nước phải nộp về ngân sách nhà nước là 250.000 tỷ đồng.

Tổng số tiền đã nộp NSNN (thông qua Quỹ) là 234.387 tỷ đồng (đạt 93,6% kế hoạch), cụ thể: năm 2016 là 30.000 tỷ đồng; năm 2017 là 60.000 tỷ đồng; năm 2018 là 65.000 tỷ đồng; năm 2019 là 50.000 tỷ đồng và năm 2020 chuyển 29.387 tỷ đồng từ Quỹ vào NSNN.

Năm 2021, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ là 1.404 tỷ đồng; Nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn năm 2021 không đáp ứng yêu cầu thu 40.000 tỷ đồng từ bán vốn nhà nước năm 2021 theo Quyết định số 1950/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Bộ Tài chính đã có Quyết định chuyển 1.000 tỷ đồng từ Quỹ vào NSNN, đạt 2,5% kế hoạch.

Cổ phần hóa, thoái vốn quá chậm, vì sao?

Đánh giá về những hạn chế vướng mắc trong công tác triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, Bộ Tài chính nhận định, kết quả cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN không đạt được kế hoạch đề ra. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục và kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn chậm, chưa đảm bảo tính kịp thời còn hình thức, thiếu khả thi, chưa sát với thực tế; Số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa đã vượt kế hoạch đề ra, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa ngoài kế hoạch nhiều hơn số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.

Một số đơn vị đăng ký danh sách thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhiều nhưng không triển khai đúng theo kế hoạch. Cụ thể, Thành phố Hà Nội kế hoạch cổ phần hóa 15 doanh nghiệp, kết thúc giai đoạn chỉ cổ phần hóa được 1 doanh nghiệp; Thành phố Hồ Chí Minh theo kế hoạch triển khai cổ phần hoá 39 doanh nghiệp, kết thúc giai đoạn chưa hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp nào, hai đơn vị này chiếm đến 60% tổng số doanh nghiệp chưa thực hoàn thành cổ phần hóa đến hết năm 2020, số thu từ cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không đảm bảo kế hoạch thu NSNN năm 2020.

Về xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, theo đánh giá của Bộ Tài chính, những vướng mắc cơ bản chưa được giải quyết, tập trung ở 3 nhóm vấn đề: Xử lý dứt điểm tranh chấp, vướng mắc để quyết toán hợp đồng EPC, quyết toán toàn bộ dự án; Khó khăn về tài chính, cơ cấu lại nợ; Xây dựng phương án thoái vốn.

Liên quan công tác chỉ đạo điều hành của người đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Bộ Tài chính nhận định nhiều cơ quan đại diện chủ sở hữu (Bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) chưa quan tâm, quyết liệt trong việc đôn đốc, chỉ đạo các DNNN rà soát, xây dựng đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Việc triển khai đề án cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt còn vướng mắc, chậm, đặc biệt là nội dung thoái vốn, cổ phần hóa.

Về thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước còn trực tiếp quyết định nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực quản trị kinh doanh của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.Trách nhiệm thực thi quyền chủ sở hữu nhà nước chưa thật sự rõ ràng; cơ quan đại diện chủ sở hữu thiếu nguồn lực để hoạt động chuyên trách, chuyên nghiệp và hiệu quả thể hiện qua việc chưa thực hiện triệt dể việc tách bạch chức năng chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước.

Đề cập một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025, Bộ Tài chính đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối DNNN. Đảm bảo nguồn thu từ cơ cấu lại doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 ít nhất đạt 248.000 tỷ đồng theo Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát, những dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN. Phê duyệt Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021 - 2025 của toàn bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (bao gồm cả các tập đoàn kinh tế, tổng công ty do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần. Tố chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả để có kết quà thực chất, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ./.