Khoảng cách giới trong thu nhập ở Việt Nam đang tăng

TS. Marzia Fontana, nhà nghiên cứu độc lập, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, có khoảng cách về giới trong thu nhập, khoảng cách này đã lớn hơn trong khoảng 10 năm trở lại đây, với tỷ lệ thu nhập của nữ bằng 87% so với thu nhập của nam giới (năm 2004) đã xuống còn 80% so với thu nhập của nam giới (năm 2012). Phụ nữ được trả lương thấp nhất trong ngành nông nghiệp sau đó là dịch vụ giúp việc gia đình có trả lương, khách sạn, nhà hàng, ngành phụ nữ nhận được lương cao nhất là nành ngân hàng và trung gian tài chính, tuy nhiên số phụ nữ làm trong ngành này chỉ chiếm 1% tổng số lao động nữ.

Phân tích nguyên nhân sâu xa, TS. Marzia Fontana cho rằng do sự sụt giảm trong tỷ lệ phụ nữ có chuyên môn kỹ thuật được tuyển dụng (trong khi tỷ lệ này lại đang tăng lên ở nam giới); các ngành học vẫn phân tầng mạnh mẽ về giới; khuôn mẫu vẫn còn tồn tại dai dẳng ở các nhà tuyển dụng (ví dụ trên thực tế, các quảng cáo việc làm đối với các vị trí cao cấp thường chỉ ra sự ưu tiên cho nam giới).

Đồng quan điểm, ông Layton Pike – Phó Đại sứ Úc nhấn mạnh, kết quả tăng trưởng trong việc làm cho đến nay chủ yếu tập trung vào các công việc không đòi hỏi tay nghề. Các cơ hội về đào tạo, phát triển kỹ năng và thăng tiến trong những ngành nghề này rất hạn chế, đặc biệt đối với phụ nữ.

“Chúng ta cần có cách nhìn khác rằng sự chuyển đổi nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam đang ảnh hưởng tới phụ nữ hơn so với nam giới. Vì vậy các chính sách và hành động cần tập trung tạo điều kiện để tất cả mọi người được thụ hưởng công bằng các lợi ích từ việc phát triển kinh tế - xã hội” – ông Layton Pike chia sẻ.

Báo cáo cũng cho thấy, giống như ở nhiều quốc gia khác, phụ nữ Việt Nam cũng dành nhiều thời gian hơn để làm công việc nội trợ không được trả công. So với nam giới, gánh nặng công việc không được trả công đã hạn chế khả năng tiếp cận của phụ nữ đến các cơ hội kinh tế và năng lực tham gia của họ vào các công việc được trả công, làm tăng mức độ stress của họ và có tác động đến quan hệ quyền lực trong gia đình.

Đặc biệt, là báo cáo toàn diện đầu tiên phân tích nền kinh tế thông qua lăng kính giới, nghiên cứu này đánh giá mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay của Việt Nam, cho thấy mặc dù phụ nữ đang góp một phần lớn trong phát triển kinh tế, việc đạt được mô hình tăng trưởng bao trùm vẫn là một thách thức đối với Việt Nam. Nghiên cứu cảnh báo rằng nếu những lợi ích của tăng trưởng kinh tế được phân bổ không đều và quản lý không tốt, quá trình hội nhập có thể duy trì sự tách biệt về giới trên thị trường lao động, đồng thời làm gia tăng tình trạng dễ bị tổn thương của lao động nữ và duy trì khoảng cách tiền lương giữa hai giới.

“Mô hình tăng trưởng kinh tế hiện tại của Việt Nam chưa chú ý đến việc đảm bảo quyền của phụ nữ được hưởng lợi bình đẳng từ sự phát triển, và nếu các chính sách và ưu tiên hiện thời không được xem xét lại và cải cách từ góc độ giới, hội nhập kinh tế sâu rộng hơn sẽ có thể bỏ phụ nữ lại phía sau” - bà Shoko Ishikawa, Trưởng Đại diện của UN Women Việt Nam nhấn mạnh.

Toàn cảnh Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu Hướng tới bình đẳng giới tại Việt Nam: Để tăng trưởng bao trùm có lợi cho phụ nữ

Bình đẳng giới cần phải đặt ở trung tâm của các chính sách phát triển

Khẳng định Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đế bình đẳng giới, PGS, TS. Đặng Nguyên Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết “Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, điều này được phản ánh trong nhiều văn bản luật của nhà nước, thông qua việc phê chuẩn các công ước quốc tế như Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và nhiều chính sách hỗ trợ chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn năm năm.

Tuy nhiên, với kết quả của nghiên cứu, UN Women khuyến cáo, Việt Nam cần chú ý đặc biệt đến mối quan hệ giữa lĩnh vực công việc được trả lương và không được trả lương. Thực tế là các chính sách nên giải quyết các vấn đề này một cách toàn diện. Phụ nữ dành nhiều thời gian hơn cho các công việc chăm sóc không được trả lương so với nam giới, do đó họ chịu gánh nặng kép của cả công việc sản xuất và tái sản xuất.

Bên cạnh đó, cần có một số biện pháp đầu tư hướng tới cải thiện kết cấu hạ tầng vật chất và xã hội có thể giúp giảm gánh nặng công việc chăm sóc không được trả lương của phụ nữ, đồng thời giúp họ có nhiều thời gian rỗi hơn. Những biện pháp như vậy cần được triển khai để đảm bảo phụ nữ có thể được hưởng lợi từ những cơ hội kinh tế một cách bình đẳng như nam giới.

“Ưu tiên bình đẳng giới cần phải đặt ở trung tâm của các chính sách phát triển. Đầu tư vào phụ nữ là đầu tư vào tăng trưởng kinh tế” bà Shoko Ishikawwa khẳng định./.