Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia trong nước và quốc tế, một số cơ quan quản lý và doanh nghiệp chia sẻ những xu hướng phát triển của công nghệ và kinh tế số, đồng thời trao đổi về những thách thức và đề xuất để không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn tạo ra các giá trị bền vững, bao trùm cho cộng đồng trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàm lân Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: “Công nghệ đang thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và tương tác với nhau, từ đó dẫn tới những xu hướng mới trong nền kinh tế số và định hình lại xã hội”.

Bứt phá cùng kinh tế số: từ công nghệ cho tăng trưởng tới công nghệ vì cộng đồng
PGS, TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàm lân Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Kinh tế số hiện nay không còn là khái niệm xa lạ, mà đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Những năm gần đây, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, đặc biệt là internet, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI) và blockchain, chúng ta đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ của nền kinh tế truyền thống sang kinh tế số. Theo tính toán, nền kinh tế số đang chiếm khoảng 15% GDP toàn cầu; dự đoán đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ là 30%. Tại Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt mục tiêu Việt Nam đạt tỷ trọng kinh tế số trong GDP là 20% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.

“Sự phát triển của các công nghệ mới đã làm thay đổi nhanh và mạnh cách các doanh nghiệp vận hành, từ sản xuất, tiêu thụ đến dịch vụ. Người dân ngày càng tham gia tích cực hơn vào nền kinh tế số. Sự tiện lợi của thương mại điện tử, các dịch vụ tài chính kỹ thuật số và những nền tảng công nghệ giải trí đã khiến cuộc sống của người tiêu dùng trở nên phong phú và thuận tiện hơn. Những hình thức làm việc từ xa, làm việc trên nền tảng số cũng mở ra cơ hội mới cho cả người lao động và nhà tuyển dụng”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Bên cạnh những lợi ích rõ rệt, công nghệ cũng đặt ra những thách thức lớn. Một trong những hạn chế đáng chú ý là sự gia tăng khoảng cách số. Không phải ai cũng có cơ hội tiếp cận công nghệ, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, nhóm người yếu thế. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng trong việc tận dụng lợi ích của công nghệ. Thêm vào đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cũng kéo theo những rủi ro về bảo mật thông tin và quyền riêng tư của người dùng, khi mà các cuộc tấn công mạng và lạm dụng dữ liệu cá nhân ngày càng gia tăng.

Theo ông Tuấn, trong thời gian tới, công nghệ sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ vào quá trình phát triển xã hội. Cách thức vận hành của nền kinh tế số cũng ngày càng trở nên phức tạp và chuyên nghiệp hơn. Các doanh nghiệp sử dụng dữ liệu lớn (big data) để phân tích nhu cầu của khách hàng, từ đó cá nhân hóa trải nghiệm người dùng. Các hệ thống trí tuệ nhân tạo giúp tự động hóa quy trình sản xuất và dịch vụ, tạo ra những sản phẩm và dịch vụ thông minh, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thị trường.

Từ công nghệ cho tăng trưởng tới công nghệ vì cộng đồng

Trình bày tại Hội thảo, ông Keith Detros, Trưởng phụ trách chương trình thuộc Viện TFGI nhận định, công nghệ số và các mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ được kỳ vọng là công cụ để thúc đẩy tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á khi kinh tế số chiếm hơn 10% trong tổng cơ cấu GDP tại 4 quốc gia trên 6 quốc gia Đông Nam Á bao gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Nền kinh tế số tại Việt Nam đóng góp 14,26% tổng GDP, cao nhất trong 6 quốc gia.

Tuy nhiên, theo ông Keith, nền kinh tế số phát triển nhanh chóng cũng đi kèm với những thách thức về bất bình đẳng, rủi ro về an ninh mạng, xu hướng việc làm và môi trường.

Bứt phá cùng kinh tế số: từ công nghệ cho tăng trưởng tới công nghệ vì cộng đồng
Ông Keith Detros, Trưởng phụ trách chương trình thuộc Viện TFGI trình bày tại Hội thảo

Ông Keith cho biết, 54% doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế số tham gia khảo sát ở Việt Nam có mong muốn giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, nhưng mức độ triển khai và mức độ thực sự hành động còn thấp, lần lượt ở mức 31% và 4%. Để kinh tế số là động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm và công bằng, thì sự phối hợp chặt chẽ, chung tay giữa chính phủ, doanh nghiệp và các bên tham gia kinh tế số là vô cùng cần thiết trong các lĩnh vực đổi mới công nghệ, mô hình kinh doanh và chính sách, cũng như xây dựng xã hội số vững mạnh với hạ tầng số, kỹ năng số và nguồn nhân lực số chất lượng. Do đó, các chính sách cần được xây dựng kịp thời, thống nhất, tránh chồng chéo để tiếp tục tạo môi trường khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp và tham gia vào nền kinh tế số, hướng đến mục tiêu phát triển cộng đồng doanh nghiệp số và giải quyết những thách thức mới của nền kinh tế số.

Kinh tế số và cách mạng việc làm toàn cầu

Tại Hội thảo, đại diện viện IRSD, TS. Phạm Thị Thu Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Phát triển bền vững Vùng đã trình bày báo cáo về “Lý luận và thực tiễn nền kinh tế gig – Trường hợp xe công nghệ ở Việt Nam”.

Nền kinh tế gig—còn gọi là nền kinh tế chia sẻ hoặc nền kinh tế truy cập-là hoạt động mà mọi người kiếm thu nhập bằng việc cung cấp công việc, dịch vụ hoặc hàng hóa theo yêu cầu. Thông thường, điều đó được thực hiện thông qua một nền tảng kỹ thuật số như một ứng dụng hoặc trang web.

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, năm 2023, ước tính có khoảng 435 triệu người tham gia vào nền kinh tế gig, chiếm 12% thị trường lao động toàn cầu, và tỉ lệ này ở Việt Nam là 14%, được dự báo là sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Kinh tế gig gồm nhiều loại công việc ở các trình độ khác nhau, như: lau dọn, văn phòng, lập trình CNTT, hoạt động nghệ thuật hay tư vấn. Ở Việt Nam, lái xe công nghệ là một trong những công việc phổ biến nhất được biết đến của kinh tế gig.

Theo bà Phương, “kinh tế gig mang lại nhiều lựa chọn cho người lao động; tính linh hoạt, tự do của người lao động rất lớn, họ dễ dàng tiếp cận, nhận thêm công việc…”.

Theo khảo sát của Viện IRSD, có 3 yếu tố khiến một người quyết định lựa chọn trở thành lái xe công nghệ hay đối tác tài xế của các nền tảng gọi xe công nghệ, như: Grab, Be, GoJek. 3 yếu tố đó là: thu nhập, tính linh hoạt về thời gian và sự phát triển bền vững. Theo đó, hơn 80% lái xe công nghệ được hỏi nhận thấy, các yếu tố về thu nhập, chất lượng cuộc sống, tinh thần và thời gian cho gia đình đều tăng lên và đồng ý rằng, công việc giúp họ có sự chủ động về thời gian, có thể sắp xếp nhiều thời gian hơn cho gia đình.

Về yếu tố phát triển bền vững, hơn 80% lái xe được hỏi đồng ý rằng, việc lái xe công nghệ giúp tận dụng tài sản cá nhân nhàn rỗi để chia sẻ, tiết kiệm tài nguyên và giảm khí thải nhờ sử dụng định vị GPS để đón, trả khách tại đúng điểm. Phần lớn những lái xe tham gia nghiên cứu xác định, lái xe công nghệ là công việc chính và muốn gắn bó lâu dài trong tương lai, điều này đặt ra những vấn đề để thúc đẩy phát triển kinh tế số bền vững, hài hòa được trách nhiệm và lợi ích của doanh nghiệp và cá nhân tham gia kinh tế số.

Thích ứng với kinh tế số và tương lai phát triển bền vững

Phiên thảo luận tại Hội thảo đã cung cấp những góc nhìn đa chiều từ người làm chính sách, các chuyên gia trong nước, quốc tế và doanh nghiệp công nghệ về những xu hướng việc làm từ sự phát triển của kinh tế số, cũng như cách thức để tận dụng sự phát triển công nghệ, kinh tế số một cách hiệu quả và đem lại lợi ích bền vững cho cộng đồng.

Ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, các loại hình việc làm trong nền kinh tế gig rất đa dạng, nên rất khó có một câu trả lời chính xác là có quan hệ lao động hay không. Hiện nay Chính phủ đã nhiều nỗ lực để có những chính sách nhằm đảm bảo việc làm cho người lao động trong nền kinh tế gig. Pháp luật lao động đã có các quy định về người lao động, hợp đồng lao động, người làm việc không có quan hệ lao động. Đây là các căn cứ quan trọng để xác định mối quan hệ của người cung cấp dịch vụ với doanh nghiệp công nghệ như là người lao động của doanh nghiệp (có quan hệ lao động) hay người làm việc không có quan hệ lao động (đối tác kinh doanh, đồng sở hữu, nhà thầu độc lập, lao động tự do…) tùy theo tính chất việc làm và mức độ quản lý, điều hành, giám sát của doanh nghiệp đối với người cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Do đó, ông đề xuất từng bước đưa ra những hướng dẫn, quy định đối với các hãng doanh nghiệp công nghệ để vừa bảo đảm tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của mô hình kinh tế gig vừa bảo đảm được môi trường, điều kiện lao động, các chế độ an sinh xã hội đối với lao động làm việc cho các ứng dụng nền tảng đó.

Bứt phá cùng kinh tế số: từ công nghệ cho tăng trưởng tới công nghệ vì cộng đồng
Các đại biểu tham gia thảo luận tại Hội thảo

TS. Trịnh Thu Nga, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, trong thời gian tới, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số được xem là lựa chọn “sống còn” cho bứt phá phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Chiến lược Phát triển Nguồn Nhân lực quốc gia nói chung và của từng địa phương nói riêng trong 10 năm tới phải chú trọng giải quyết vấn đề nguồn nhân lực, chủ động thích ứng, để tiếp cận với thành tựu của khoa học công nghệ mới và hóa giải thách thức của nó.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Đặng Thùy Trang, Giám đốc Đối ngoại của Grab Việt Nam cũng chia sẻ, một trong những khó khăn của doanh nghiệp công nghệ đó là nhận thức và độ cởi mở để tiếp cận những điểm mới. Chính phủ đã có rất nhiều chính sách và nỗ lực để thúc đẩy kinh tế số nhưng cần có sự đồng bộ giữa các ngành và lĩnh vực để doanh nghiệp công nghệ có thể tiếp tục đóng góp vào nền kinh tế số và thúc đẩy các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia vào nền kinh tế số.

PGS. TS Bùi Quang Tuấn, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh vai trò của thể chế, đó là “thể chế chính sách cho mô hình kinh tế mới cũng cần có tính thích ứng để tạo môi trường phát triển cho kinh tế số”./.

Viện Nghiên cứu Công nghệ vì Cộng đồng (Tech for Good Institute - TFGI)

Viện Nghiên cứu Công nghệ vì Cộng đồng (Tech for Good Institute, gọi tắt là TFGI) là một tổ chức phi lợi nhuận, với sứ mệnh thúc đẩy triển vọng của công nghệ và nền kinh tế số đối với sự tăng trưởng toàn diện, công bằng và bền vững tại khu vực Đông Nam Á. Viện TFGI đóng vai trò là một nền tảng cho các hoạt động nghiên cứu, đối thoại và hợp tác tập trung vào khu vực Đông Nam Á, đồng thời vẫn duy trì được sự kết nối toàn cầu. Nhiệm vụ của Viện là tập trung vào các chủ đề giao thoa giữa công nghệ, xã hội và kinh tế, và liên quan đến sự phát triển của khu vực.

Viện TFGI do Grab khởi xướng sáng kiến thành lập với mục tiêu thúc đẩy một khu vực Đông Nam Á thịnh vượng và đổi mới sáng tạo cho tất cả mọi người. Chúng tôi hoan nghênh các cơ hội hợp tác, hỗ trợ về tài chính hoặc bất kỳ hình thức nào, từ các tổ chức và cá nhân cùng cam kết thúc đẩy các tiến bộ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số có trách nhiệm hướng đến tăng trưởng bền vững trong khu vực.