Để phát triển bền vững làng nghề Bắc Ninh
Giữ gìn bản sắc và bắt kịp thị hiếu mới của người tiêu dùng
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh, tính đến hết năm 2018, toàn Tỉnh có 73 làng nghề, trong đó có 58 làng nghề truyền thống và được phân theo các nhóm, như: chế biến bảo quản nông sản có 16 làng nghề; sản xuất đồ gỗ 20 làng nghề; sản xuất mây tre đan 8 làng nghề; sản xuất thép, đúc đồng, nhôm 7 làng nghề; sản xuất đồ gốm 2 làng nghề; thêu, dệt 5 làng nghề; sản xuất giấy 3 làng nghề và ngành nghề khác 12 làng nghề.
Tổng số hộ sản xuất trong các làng nghề là 12.700 hộ, với 43.000 lao động, chiếm khoảng 5,7% số lao động trong độ tuổi lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các xã có làng nghề đạt 5.091,7 tỷ đồng/năm, chiếm 4,05% tổng giá trị sản phẩm của Tỉnh. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 5-6 triệu đồng/người/tháng. Một số nghề cho thu nhập cao như nghề mộc ở làng nghề Khúc Toại, Đồng Kỵ, Phù Khê, Hương Mạc, đạt 9-10 triệu đồng/người/tháng.
Trong thời kỳ đổi mới, nhu cầu, thị hiếu cũng như thói quen tiêu dùng ngày càng thay đổi, yêu cầu đối với các sản phẩm, đặc biệt sản phẩm tiểu thủ công nghiệp lại càng khắt khe hơn.
Nắm bắt được điều này, Bắc Ninh không chỉ đơn thuần gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống mà còn chú trọng đẩy mạnh việc thích ứng của các làng nghề với những tiêu chuẩn mới. Nhờ vậy, nhiều làng nghề của Bắc Ninh đã phục hồi, phát triển và ghi tên tuổi trên thị trường.
Điển hình như là làng nghề Đồng Kỵ, với sự nhanh nhạy của những nghệ nhân, sản phẩm của làng nghề đã trở nên “hút khách” hơn nhờ bắt đúng thị hiếu người dùng, như: hoa văn mới mẻ, kiểu dáng độc đáo, hiện đại... Chính vì vậy, nhiều người không chỉ “đủ sống” mà còn trở thành những “ông chủ, bà chủ”, làm giàu được bằng chính nghề của cha ông truyền lại.
Làng nghề tranh Đông Hồ cũng là một điển hình cho những làng nghề linh hoạt chuyển mình ở Bắc Ninh. Trước đây, tranh Đông Hồ chủ yếu phục vụ người dân trong dịp Tết cổ truyền để treo trong nhà. Tuy nhiên, thói quen này dần mai một khiến lượng tranh Đông Hồ tiêu thụ không còn mạnh.
Trong tình hình đó, Bắc Ninh quy hoạch làng nghề thành một điểm du lịch, kiểu dáng cũng được tân trang cho phù hợp với tình hình thị trường, tranh được in thành nhiều kiểu khác nhau và được đóng khung...
Hiện này, làng tranh Đông Hồ trở thành một điểm đến ưa thích của du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt nơi đây còn sở hữu phong cảnh sông nước, gần nhiều di tích lịch sử... khiến lợi thế du lịch tăng cao. Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn... cũng lựa chọn tranh Đồng Hồ để trang trí, làm quà tặng đối tác. Cũng nhờ những nỗ lực này, nhiều người dân cũng bắt đầu cải thiện cuộc sống và gắn bó hơn với làng tranh.
Song cũng đặt ra nhiều vấn đề nảy sinh
Cùng với việc thay đổi để thích ứng nhu cầu mới, làng nghề ở Bắc Ninh còn đứng trước yêu cầu phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Nhận thức tầm quan trọng của vấn đề này, ngày 09/5/2019, UBND Tỉnh đã ban hành Quyết định số 222/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2019-2025. Trong đó, chi 23,5 tỷ đồng để triển khai dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phong Khê và bún Khắc Niệm.
Kinh phí xử lý các làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xác định theo từng dự án cụ thể. Nguồn kinh phí do nhà nước hỗ trợ 80%, 20% còn lại do doanh nghiệp, cơ sở phát sinh chất thải đóng góp. Kinh phí vận hành công trình xử lý nước thải tập trung do các doanh nghiệp trong làng nghề đóng góp chi trả 100%.
Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh cũng đang xem xét, cân nhắc triển khai nhiều giải pháp giữ gìn môi trường làng nghề trong địa bàn tỉnh như thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, quy hoạch hạ tầng cho các làng nghề; xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề, kế hoạch chuyển đổi ngành nghề hoặc di rời ra khỏi khu dân cư; Tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất trong làng nghề; yêu cầu thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường…
Mặc dù có nhiều biện pháp quyết liệt như trên, tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề Bắc Ninh chưa nhận thức hết tầm quan quan trọng việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề ngày càng gia tăng, điển hình như tại một số làng nghề giấy Phong Khê, Bún bánh Khắc Niệm, Giấy Phú Lâm…
Bên cạnh đó, hoạt động làng nghề ở Bắc Ninh cũng bộc lộ một số khó khăn, tồn tại, như: nguyên liệu cung cấp cho một số nghề, làng nghề ngày càng hạn hẹp, như: nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, nghề sản xuất giấy..., nhiều cơ sở phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài, dẫn tới giá thành sản phẩm cao, sức cạnh tranh trên thị trường thấp.
Hầu hết các hộ, doanh nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm, việc tiếp cận thị trường còn hạn chế, nên tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Một số làng nghề đã đầu tư dây truyền thiết bị, công nghệ vào sản xuất, nhưng chất lượng chưa cao, thiết bị còn lạc hậu, sản phẩm sản xuất ra chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, khả năng cạnh tranh thấp.
Không những thế, việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng đầu tư còn gặp nhiều khó khăn, chưa kể đến trình độ chuyên môn kỹ thuật, trình độ tay nghề của người lao động còn thấp, trình độ quản lý của chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở còn hạn chế.
Tiếp tục phát huy thế mạnh
Để vừa bảo tồn, phát huy nghề truyền thống, vừa đưa làng nghề trở thành “mảnh ghép” không thể thiếu trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh, hướng tới phát triển bền vững, cần lưu ý một số vấn đề như sau:
Một là, để tiếp tục khai thác tiềm năng và phát triển làng nghề theo hướng bền vững, cần thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, quy hoạch hạ tầng cho các làng nghề. Có kế hoạch, lộ trình từng bước tiến tới thực hiện triệt để việc tách khu sản xuất ra khỏi khu dân cư, quy hoạch xây dựng hợp lý khu công nghiệp làng nghề mới và có kế hoạch quản lý vấn đề môi trường.
Hai là, cần hình thành các khu sản xuất tập trung ở các làng nghề để tạo thuận lợi về kết cấu hạ tầng, mặt bằng... cho các cơ sở sản xuất đầu tư mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, kinh doanh. Phát triển làng nghề cần theo hướng đa dạng hóa hình thức sở hữu, mô hình tổ chức sản xuất.
Ba là, cần có chính sách đầu tư liên kết, hợp tác giữa các làng nghề cùng ngành nghề với nhau, giữa làng nghề với cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và với các doanh nghiệp công nghiệp lớn để hợp tác gia công và tiêu thụ sản phẩm.
Bốn là, ưu tiên áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, kết hợp với công nghệ truyền thống trong các làng nghề. Từ đó, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, giảm lượng chất thải.
Năm là, để tạo nên thương hiệu sản phẩm làng nghề, các làng nghề Bắc ninh cần phải xây dựng được nhãn hiệu sản phẩm, truy xuất được chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và tổ chức được việc quản lý chất lượng sản phẩm theo tem, nhãn hiệu sản phẩm. Do vậy, các cấp ngành trong tỉnh cần xúc tiến việc lập dự án và tổ chức thực hiện dự án đầu tư quản lý chất lượng sản phẩm sản phẩm làng nghề trên địa bàn, phù hợp với yêu cầu phát triển trong xu thế hội nhập hiện nay.
Sáu là, tiếp tục khắc phục, hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường. Cụ thể cần:
- Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội như: Mặt trận Tổ quốc, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên… trong đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe cho chủ cơ sở sản xuất, người lao động và cộng đồng dân cư tại các làng nghề.
- Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng công khai thông tin về số lượng và hiện trạng sản xuất, môi trường các làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn; hoàn thành việc đánh giá mức độ ô nhiễm tại các làng nghề, phân loại các cơ sở sản xuất trong các làng nghề theo loại hình sản xuất và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; kiểm soát được tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề; không phát sinh làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới.
- Khẩn trương có các giải pháp xử lý triệt để đối với các làng nghề đang bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn Tỉnh, như: làng nghề tái sản xuất giấy Phong Khê; làng nghề sản xuất bún Khắc Niệm; làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá; làng nghề đúc đồng Đại Bái… Mặt khác, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện mới các làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng để đưa vào danh sách “đen” và có các biện pháp xử lý kịp thời; các cơ sở không thuộc danh mục ngành nghề được khuyến khích phát triển tại làng nghề phải di dời vào các khu/cụm công nghiêp, khu chăn nuôi tập trung hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất, chấm dứt hoạt động.
- Khuyến khích, tăng cường và đa dạng hóa đầu tư tài chính, tạo cơ hội cho các làng nghề chủ động tháo gỡ khó khăn trong bảo vệ môi trường; hỗ trợ trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng cho các cụm công nghiệp tập trung, các nghiên cứu về sức khỏe môi trường, cũng như ứng dụng giải pháp xử lý chất thải tại các làng nghề của tỉnh Bắc Ninh./.
Bình luận