Đến năm 2030, Lai Châu trở thành tỉnh phát triển trung bình của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
Tại phiên họp thẩm định quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chiều ngày 29/11/2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ đánh giá cao sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Lai Châu cũng như sự phối với các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng quy hoạch và cho biết, Tỉnh đã sớm xây dựng, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để trình Hội đồng thẩm định xem xét.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì phiên họp. Ảnh: MPI |
Giai đoạn 2021-2030, Lai Châu cần huy động 168 nghìn tỷ đồng để tăng trưởng 10,6%/năm
Theo UBND tỉnh Lai Châu, trong giai đoạn trước, Tỉnh đã huy động được quy mô vốn đầu tư khá lớn, thể hiện ở tỷ lệ đầu tư trên GRDP đạt bình quân 34,9%/năm giai đoạn 2016-2020. Tổng vốn đầu tư giai đoạn này đạt 31.380 tỷ đồng, tương đương 1,38 tỷ USD.
Cơ cấu vốn đầu tư khá cân bằng giữa khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế ngoài Nhà nước với các tỉ trọng lần lượt là 42,9% và 57,1%. Xu hướng chuyển dịch cơ cấu vốn đầu tư là tăng tỉ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước.
Nguồn: UBND tỉnh Lai Châu |
Các kịch bản dự báo tại Dự thảo Quy hoạch đã phác thảo nhu cầu đầu tư tương ứng với các tốc độ tăng trưởng GRDP, cụ thể là:
- Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 9,5%/năm, thì nhu cầu vốn đầu tư phát triển cần huy động vào khoảng 14,6 nghìn tỷ đồng/năm. Tính chung giai đoạn 2021-2030, nhu cầu huy động vốn là 146 nghìn tỷ đồng.
- Kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 10,6%/năm, thì nhu cầu vốn đầu tư phát triển cần huy động vào khoảng 16,8 nghìn tỷ đồng/năm. Tính chung giai đoạn 2021-2030, nhu cầu huy động vốn là 168 nghìn tỷ đồng.
Nguồn: UBND tỉnh Lai Châu |
Căn cứ vào các phân tích thực trạng phát triển và các yếu tố ảnh hưởng đến tương lai phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu, nhất là những đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông, cũng như tính khả thi của mỗi kịch bản phát triển, thì Kịch bản 2 được lựa chọn làm kịch bản phát triển cho giai đoạn 2021-2030.
Xây dựng quy hoạch giúp Tỉnh có tầm nhìn xa hơn
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng nhấn mạnh, tỉnh Lai Châu luôn xác định xây dựng quy hoạch là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng, giúp Tỉnh có tầm nhìn xa hơn.
Người đứng đầu UBND tỉnh Lai Châu chia sẻ về những khó khăn của Tỉnh, như: diện tích rộng, nhưng 90% có độ dốc từ 25 độ trở lên, nên diện tích đất phát triển kinh tế - xã hội rất khó khăn; mật độ dân số thấp nhất cả nước, gần 52 người/km2, không có đường sắt, đường thủy, chỉ có đường bộ độc đạo. Ngoài dân số thấp, Lai Châu là Tỉnh có tỷ lệ đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 85%.
Từ những khó khăn như vậy cho thấy, việc lập quy hoạch có tầm nhìn sẽ giúp phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, xây dựng Lai Châu phát triển xanh, nhanh, bền vững và toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng nhấn mạnh, tỉnh Lai Châu luôn xác định xây dựng quy hoạch là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng, giúp Tỉnh có tầm nhìn xa hơn. |
Đến năm 2050, Lai Châu là tỉnh biên giới xanh, văn minh, giàu bản sắc văn hóa, phát triển toàn diện, bền vững; kết cấu hạ tầng nông thôn được hiện đại hóa, đạt đầy đủ các tiêu chí của nông thôn mới. Bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Cơ cấu kinh tế của Tỉnh dịch chuyển theo hướng tích cực với lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn; chuyển đổi toàn diện sang phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; văn hoá truyền thống của Lai Châu được bảo tồn, phát huy và được quảng bá rộng rãi. Môi trường đầu tư, kinh doanh của Tỉnh thông thoáng, minh bạch, thân thiện, an ninh, an toàn, chỉ số PCI của Tỉnh nằm trong nhóm trung bình khá của quốc gia.
Báo cáo rõ hơn về dự thảo nội dung Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Phạm Ngọc Phương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lai Châu cho biết, Quy hoạch phát triển tỉnh Lai Châu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được xây dựng dựa trên 5 quan điểm, trong đó: Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt; phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện nhiệm vụ chiến lược về quốc phòng - an ninh, đối ngoại, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn Tỉnh; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, hữu nghị, hợp tác và phát triển; phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nguồn: UBND tỉnh Lai Châu |
Tỉnh xác định đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, xây dựng Lai Châu phát triển xanh, nhanh, bền vững và toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển trung bình của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Đến 2050, Lai Châu phát triển theo trọng tâm 1 TRỤC - 2 VÙNG - 3 TRỤ CỘT
Về định hướng bố trí không gian và các trụ cột phát triển, ông Phương cho biết, tỉnh Lai Châu phát triển theo trọng tâm 1 TRỤC - 2 VÙNG - 3 TRỤ CỘT.
Cụ thể 1 trục: Trục trọng yếu phát triển kinh tế hình thành dọc theo QL32 - QL4D - QL12 nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua QL279, kết nối huyện Than Uyên - huyện Tân Uyên - huyện Tam Đường - Thành phố Lai Châu - huyện Phong Thổ ra cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng.
2 vùng kinh tế của Tỉnh, gồm: (i) Vùng kinh tế động lực (gồm các huyện và thành phố: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, TP. Lai Châu, và Phong Thổ) tập trung phát triển du lịch sinh thái mạo hiểm, văn hóa cộng đồng; sản xuất điện, vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông sản, chế biến đất hiếm; phát triển đô thị, kinh tế biên mậu; (ii) Vùng kinh tế nông - lâm sinh thái Sông Đà (gồm các huyện biên giới Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè): bảo vệ phát triển rừng, trồng quế, mắc ca, cây gỗ lớn, phát triển dược liệu dưới tán rừng (sâm Lai Châu), dịch vụ môi trường rừng. Sản phẩm: cao su, quế, mắc ca, dược liệu và các sản phẩm đặc hữu.
3 trụ cột phát triển kinh tế: gồm dịch vụ, tập trung vào du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa và kinh tế biên mậu; công nghiệp, tập trung vào công nghiệp năng lượng, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm thuỷ sản; nông nghiệp, tập trung vào phát triển nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp hữu cơ gắn với chuỗi giá trị, dựa vào các sản phẩm nông, lâm sản có lợi thế, có giá trị gia tăng cao.
4 khâu đột phá chiến lược được xác định trong Quy hoạch tỉnh Lai Châu, gồm: (i) Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; (ii) Hoàn thiện cơ chế, chính sách và cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực Tỉnh có tiềm năng, lợi thế; (iii) Thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo; (iv) Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
100% thành viên hội đồng thẩm định thông qua dự thảo Quy hoạch tỉnh Lai Châu
Góp ý cho dự thảo Quy hoạch, các đại biểu, các chuyên gia tại Hội thảo đề nghị làm rõ thêm về lĩnh vực kinh tế; du lịch, văn hóa; việc làm, an sinh xã hội; tài nguyên khoáng sản; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai. Đồng thời nhấn mạnh thêm về phương án phát triển mạng lưới giao thông; bổ sung dự báo nhu cầu vận tải, các luồng tuyến cụ thể để xác định quy mô, phạm vi, cũng như thứ tự dự án ưu tiên. Là Tỉnh còn nhiều khó khăn, do vậy việc đưa ra mục tiêu tăng trưởng gắn với nhu cầu nguồn lực đầu tư thì cần rà soát kỹ để đảm bảo phù hợp với điều kiện của Tỉnh. Cùng với đó, cần bổ sung định hướng về điện sinh khối trên địa bản Tỉnh, đảm bảo quy hoạch điện VIII và hiệu quả đầu tư. Phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, rà soát đảm bảo các phương án đảm bảo hạ tầng khoa học công nghệ, an sinh xã hội. Phân bổ và phân vùng đất đai theo từng loại đất, rà soát quan điểm, làm rõ căn cứ chuyển đổi sử dụng đất; phương án bảo vệ môi trường, đảm bảo đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, bổ sung quan điểm bảo vệ khai thác rừng, phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn; thống nhất kịch bản lựa chọn, luận giải các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến thủy điện, đặc biệt là thủy điện vừa và nhỏ. Về phương hướng phát triển các ngành quan trọng, cần luận giải tính khả thi; bổ sung phương án khu vực khuyến khích và hạn chế phát triển; đề xuất cơ chế liên vùng liên huyện, vùng kinh tế sinh thái.
Về hệ thống đô thị, cần nghiên cứu để gắn dịch vụ du lịch với hành lang các tỉnh lân cận; bổ sung phương án các khu chức năng, các khu, điểm du lịch; chỉnh sửa hoàn thiện, bố trí sắp xếp, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; phương án phát triển khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn, những khu vực có vai trò động lực theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, quy hoạch được tiến hành lập đúng quy định; hồ sơ cơ bản đầy đủ; nội dung cơ bản đáp ứng yêu cầu, phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nội dung quy hoạch cũng đã cơ bản xem xét đến tính hợp lý, logic giữa các nội dung đề xuất, các tích hợp hướng đến mục tiêu phát triển hài hòa.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch Tỉnh cho biết, với kết quả 100% phiếu đồng ý, Hội đồng thẩm định đã thông qua dự thảo Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện phải tiếp thu, hoàn thiện nội dung theo ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định, ý kiến của Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định, ý kiến của các chuyên gia phản biện và kết luận của Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch Tỉnh.
Thứ trưởng cũng lưu ý, sau khi Hội đồng thẩm định thông qua, các bên liên quan cần hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, dự thảo Quyết định phê duyệt để trình Thủ tướng Chính phủ./.
Bình luận